✴️ Đại hồi

Đại hồi tính ôn, vị cay có tác dụng tán hàn, làm ấm can, chỉ thống, ôn thận. Dược liệu thường được sử dụng để ức chế tụ cầu vàng, cầu khuẩn viêm phổi, điều trị hôi miệng, giảm đau, sát trùng, hỗ trợ chức năng của dạ dày,…

bát giác hồi hương

Đại hồi được sử dụng phổ biến để hỗ trợ tiêu hóa, sát trùng, giảm đau

  • Tên gọi khác: Bác giác hồi hương, Đại hồi hương, Hồi, Tai vị

  • Tên khoa học: Illicium verum

  • Họ: Hồi – Illiciaceae

 

Mô tả cây Đại hồi

1. Đặc điểm sinh thái

Đại hồi là cây nhỡ thân gỗ, sống lâu năm, cao khoảng 6 – 10 m, cây nhân thành nhiều nhánh. Cành Hồi khi non có màu xanh lục, về già có màu nâu, vỏ nhẵn, giòn, dễ gãy.

Lá cây mọc so le, dài khoảng 8 – 12 cm, rộng 3 – 4 cm, phiến lá dày, cứng, nhẵn. Hoa Hồi mọc ở nách lá, cuống ngắn và khá to. Quả Hồi kép, mỗi quả gồm 6 – 8 đại (cánh), xếp thành hình ngôi sao hoặc bông hoa. Đường kính quả trùng bình 2.5 – 3 cm, dày 6 – 10 mm. Khi còn non, quả màu xanh, lúc về già chuyển sang màu nâu, đầu quả có mũi nhọn. Khi chín, ở đầu mỗi đại (cánh) sẽ nứt ra làm đôi, để lộ hạt màu nâu nhạt, bóng nhẵn bên trong.

2. Bộ phận sử dụng dược liệu

Bộ phận chứa tinh dầu như cuống lá, hoa và quả dạng tươi và khô đều được ứng dụng làm dược liệu.

3. Phân bố

Tại Trung Quốc, cây được tìm thấy ở Quảng Đông, Quảng Tây và một số tỉnh giáp biên giới Việt Nam.

Tại Việt Nam, Đại hồi thường phân bố ở một khu vực tương đối nhỏ ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Một số nơi khác cũng có trồng Bát giác hồi hương để làm gia vị và dược liệu như Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang, Thái Nguyên.

hoa hồi khô làm gì

Hồi phân bố chủ yếu ở Trung Quốc và một số tỉnh phía Bắc Việt Nam

3. Thu hái – Sơ chế

Mỗi năm có 2 mùa thu hái Bát giác hồi hương là tháng 7 – 8 (Hồi mùa) và 11 – 12 (Hồi chiêm). Ngoài ra, còn một vụ thu hái Hồi lép, quả rụng sớm với tháng 3.

Đại hồi sau khi thu hái, tách bỏ phần hạt bên trong, lấy phần vỏ bên ngoài rửa sạch, phơi khô 3 – 4 nắng liên tục.

Ngoài ra, một số nơi có thể chưng cất tinh dầu Hồi, bảo quản, dùng dần.

4. Bảo quản dược liệu

Đại hồi cần được lưu trữ ở nơi khô thoáng, tránh nhiệt độ và độ ẩm cao. Ngoài ra, khi bảo quản cần bọc kín tránh ẩm ướt và nấm mộc phát triển.

5. Thành phần hóa học

Theo một số nghiên cứu, trong Đại hồi có chứa một số thành phần như:

  • Chất nhầy

  • Đường

  • Tinh dầu 3 – 3.5% (tươi) hoặc 9 – 10% (khô)

Tinh dầu Hồi là chất lỏng màu vàng nhạt hoặc không có màu. Lá, cành, hoa và quả Hồi đều có chứa tinh dầu với nồng độ khác nhau. Thành phần chính trong tinh dầu bao gồm:

  • Anethol 80 – 90%

  • Tecpineola

  • Tecpen

  • Estragola

  • Safrola

  • Dipenten

  • Limomem

 

Vị thuốc Đại hồi

tinh dầu đại hồi

Đại hồi tính ấm, mùi thơm dùng được dùng làm gia vị và dược liệu

1. Tính vị

Đại hồi tính ấm, mùi thơm, có vị cay nhưng ngọt.

2. Quy kinh

Quy vào kinh Vị, Tỳ, Thận và Can.

3. Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu của y học hiện đại:

  • Hỗ trợ làm tăng nhu động ruột, hạn chế tình trạng khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng.

  • Cải thiện tình trạng đau bụng, đau dạ dày, tăng tiết dịch tiêu hóa.

  • Tăng cường tiết dịch đường hô hấp, kích thích các tế bào dịch, hỗ trợ làm thuốc hóa đàm.

  • Ức chế tụ cầu vàng, cầu khuẩn gây viêm phổi, trực bạch hầu, thường hàn, trực khuẩn Subtilis.

  • Ức chế hoạt động và sự phát triển của một số loại nấm gây bệnh ngoài da.

  • Hỗ trợ tăng tiết sữa.

  • Dùng làm chất tạo mùi thơm trong các loại thuốc đánh răng, nước súc miệng.

tác dụng của đại hồi hương

Bát giác hồi hương có tác dụng kiện tỳ, tán hàn, làm ấm can, chỉ thống, ôn thận

Theo y học cổ truyền:

  • Khứ hàn, khai vị, kiện tỳ

  • Tán hàn, ấm can, chỉ thống, ôn thận, lý khí khai vị

Trong Đông y, Bát giác hồi hương được sử dụng để điều trị một số bệnh lý như:

  • Đầy hơi, chướng bụng, chữa đau bụng

  • Cải thiện tình trạng buồn nôn, nôn mửa

  • Điều trị thấp khớp, viêm đau khớp, đau nhức xương khớp, phong tê thấp

  • Hỗ trợ tiêu hóa, giúp ăn uống ngon miệng hơn

  • Hỗ trợ giảm đau, sát trùng, chống viêm, cải thiện tình trạng ngộ độc thực phẩm

  • Điều trị chứng đái dầm ở người lớn và trẻ em

  • Điều trị ghẻ nước, nấm da và một số bệnh lý ngoài da.

4. Cách dùng – Liều lượng

Đại hồi có thể sắc lấy nước dùng hoặc tán thành bột mịn. Ngoài ra, có thể dùng ngâm rượu để xoa bóp điều trị đau nhức, bầm tím hoặc các chấn thương phần mềm khác. Dược liệu có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được.

Liều lượng sử dụng khuyến cáo: 4 – 8 gram mỗi ngày với dạng thuốc sắc và 4 gram dưới dạng thuốc bột. Tuy nhiên, liều lượng sử dụng có thể thay đổi theo bài thuốc hoặc hướng dẫn của thầy thuốc chuyên môn.

 

Bài thuốc sử dụng Đại hồi

Đại hồi

Đại hồi thường được dùng để chữa cảm mạo, hôi miệng, đau nhức xương khớp

1. Điều trị hàn sán, vùng bụng và khu vực rốn quặn đau, dịch hoàn sưng

Dùng Bát giác hồi hương (sao với muối), Mộc hương, Xuyên luyện tử, Sa sâm, mỗi vị đều 40 g. Tán các loại dược liệu thành bột, gia thêm mật, làm thành viên hoàn, kích thước to bằng hạt ngô.

Mỗi ngày dùng uống 12 – 16 g với rượu nhạt hoặc nước sôi pha với muối loãng. Tình trạng bệnh nhẹ chỉ cần dùng uống 1 liều là khỏi, bệnh nghiêm trọng có thể uống thêm liều thứ hai.

2. Hỗ trợ cải thiện tình trạng tụt huyết áp, trụy mạch, choáng váng

Dùng Đại hồi, Gừng tươi, Gừng khô, Nhục quế, mỗi vị đều 4 g, sắc thành thuốc, dùng uống.

3. Cải thiện tình trạng hôi miệng

Sử dụng hoa Hồi tươi, nhai nuốt. Mỗi ngày một lần, mỗi lần vài cánh.

4. Điều trị đau răng, viêm lợi, sưng đau nướu

Dùng Bát giác hồi hương, Kê nội kim (màng mề gà) đốt tồn tính, mỗi vị đều 10 g, Phèn phi (dạng bột) 30 g. Tán cả 3 vị thuốc thành bột mịn, trộn đều, cho vào lọ, đậy kín, bảo quản để dùng dần.

Khi cần dùng, thoa bột vào chỗ răng sâu, viêm lợi, chảy máu.

5. Điều trị cổ trướng hoặc phù thũng mạn tính

Sử dụng Hồi hương 2 g và hạt Bìm bìm 8 g, tán thành bột mịn, trộn đều, chia thành 2 – 3 lần, dùng uống trong ngày. Mỗi ngày uống 2 – 3 lần, liên tục trong 3 – 4 ngày.

6. Điều trị tình trạng đi ngoài không thuận tiện

Dùng Hồi hương 4 – 8 g sắc thành thuốc, dùng uống mỗi ngày một thang.

7. Cải thiện tình trạng đau lưng

Dùng Đại hồi (bỏ phần hạt) tẩm với nước muối, sao khô, tán nhỏ. Mỗi lần dùng 6 – 10 g uống với rượu nhạt.

Bên cạnh đó có thể dùng lá Ngải cứu hơ nóng, chườm vào phần lưng đau để hỗ trợ cải thiện tình trạng.

8. Điều trị tình trạng ăn uống khó tiêu, thường hay nôn mửa, đau nhức cơ thể

Sử dụng Đại hồi 4 – 8 g sắc thành thuốc, dùng uống mỗi ngày.

9. Chữa thấp khớp

Dùng Đại hồi, phân lượng vừa đủ nấu hoặc hãm với nước sôi, dùng uống như trà.

10. Trị sa ruột, đau bụng, sa tinh hoàn

Dùng Bát giác hồi hương, Lệ chi hạch (hạt vải) sao đen, mỗi vị phân lượng bằng nhau, tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng uống 8 g với rượu ấm.

11. Điều trị hàn thấp gây chứng ho bạch đới

Dùng Bát giác hồi hương 12 g, Can khương 8 g, sắc thành nước, sau đó pha với đường đỏ, dùng uống mỗi ngày một thang.

 

Lưu ý khi sử dụng Đại hồi

Khi dùng Đại hồi người dùng cần chú ý một số vấn đề bao gồm:

  • Không sử dụng dược liệu cho người mẫn cảm hoặc dị ứng với Đại hồi.

  • Không được lạm dụng, sử dụng đúng liều lượng và thời gian quy định. Dùng quá liều có thể dẫn đến các triệu chứng ngộ độc như chóng mặt, sung huyết phổi và não, tay chân run, thậm chí là co giật và động kinh.

  • Phụ nữ có thai không nên dùng. Phụ nữ cho con bú cần trao đổi với bác sĩ chuyên môn hoặc thầy thuốc y học cổ truyền để được tư vấn cụ thể.

  • Người hỏa vượng, âm hư, không được dùng.

Ngoài ra, cần chú ý phân biệt Bát giác hồi hương với một số vị thuốc khác cũng có tên Hồi. Bên cạnh đó, tránh sử dụng Đại hồi nhầm lẫn với quả Hồi có độc (tên khoa học là llicium religiosum Sieb. et Zucc).

Đại hồi là một loại gia vị, dược liệu được ứng dụng để điều trị nhiều bệnh lý cũng như hỗ trợ tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, việc sử dụng dược liệu cần tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên môn để tránh các rủi ro không mong muốn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top