Đậu mèo có vị ngọt, tính ôn, tác dụng chỉ tả và giáng khí. Thảo dược này thường được nhân dân sử dụng để chữa đau bụng, lỵ mãn tính, rắn cắn và nhiễm giun sán. Ngoài ra, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích và nhận thấy hạt đậu mèo chứa hoạt chất L-dopa, có tác dụng kích thích hoạt động tình dục và tăng sản sinh dopamin ở não bộ.
Đậu mèo là vị thuốc quý và được nhân dân miền núi sử dụng trong nhiều bài thuốc trị bệnh
-
Tên gọi khác: Mắt mèo, Đao đậu tử, Đậu rựa, Đậu ngứa, Móc mèo, Đậu mèo lông bạc, Đậu mèo leo.
-
Tên khoa học: Mucuna cochinchinensis
-
Tên dược: Semen Mucunae Cochinchinensis
-
Họ: Đậu (danh pháp khoa học: Fabaceae)
Mô tả dược liệu đậu mèo
1. Đặc điểm thực vật
Đậu mèo là loài thực vật dây leo sống hằng năm. Thân tròn, bên ngoài có khía rãnh dọc và được bao phủ lớp lông có màu trắng hoặc màu hung vàng. Lá gồm có 3 lá chét, phiến lá hình trái xoan, mặt dưới được phủ lông mềm, màu trắng, mặt trên ít lông hơn. Lá chét rộng 8cm, dài 13 – 15cm, mỗi phiến lá gồm khoảng 9 đôi gân, cuống dài khoảng 18cm.
Hoa mọc thành cụm, thõng xuống, cụm hoa có chiều dài trung bình từ 25 – 30cm, đường kính 5cm, cuống hoa khá to và dài 5mm. Hoa có màu xanh nhạt, tím hoặc đỏ.
Quả dạng đậu, cong hình chữ S, chiều ngang 1.3cm và dài 12cm. Quả được phủ lông trắng hoặc hung vàng, một số cây gây ngứa da khi chạm vào. Mỗi quả chứa trung bình 5 hạt hình trứng, chiều dài từ 1.2 – 15cm. Đậu mèo ra hoa vào tháng 7 – 11 và sai quả vào tháng 11 – 12 hằng năm.
2. Hình ảnh của cây đậu mèo
Đậu mèo là loài thực vật dây leo sống hằng năm, thân tròn, mỗi lá gồm có 3 lá chét nhỏ
Hoa mọc thành cụm, thõng xuống, thường có màu tím, xanh nhạt hoặc màu trắng
Quả dạng đậu, được phủ lông trắng, có hình chữ S và bên trong chứa hạt hình trứng
3. Bộ phận dùng
Hạt của cây được sử dụng để làm thuốc.
4. Phân bố
Đậu mèo có nguồn gốc từ Ấn Độ nhưng hiện nay được trồng và mọc hoang nhiều ở nước có khí hậu nhiệt đới như Nhật Bản, Philipin, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Ở nước ta, loài thực vật này mọc hoang ở các tỉnh miền núi, thường mọc leo vào những cây cỏ hoặc cây bụi cao. Do lông của quả đậu mèo có thể gây ngứa da nên loại cây này ít được trồng.
5. Thu hoạch – sơ chế
Khi quả chín, đem hái quả về rồi bóc vỏ lấy hạt. Sau đó phơi hạt cho khô hoàn toàn. Hạt đậu mèo có phẩm chất tốt thường có mặt ngoài bóng và có nếp nhăn, hạt dày 1cm, rộng 1.5 – 2cm và dài từ 2.5 – 2cm.
6. Bảo quản
Nơi khô ráo và thoáng mát.
7. Thành phần hóa học
Hạt đậu mèo chứa lecithin, acid gallic, phốt pho, canxi, protein, sắt, magie,… Ngoài ra dược liệu còn chứa một số alkaloid , 4-dihydroxy-phenylalanin (L-dopa).
Vị thuốc đậu mèo
1. Tính vị
Vị ngọt, tính ôn. Ngoài ra, một số tài liệu cổ có ghi vỏ của hạt đậu mèo (đạo đậu xác) có vị đắng, chát, tính bình.
2. Quy kinh
Quy vào kinh Thận và Vị.
3. Tác dụng dược lý
– Theo Đông Y:
-
Công dụng: Hạt có tác dụng hạ khí, ôn trung, vỏ có công dụng chỉ tả và giáng khí.
-
Chủ trị: Chứng hư hàn sinh nấc, vỏ đậu được sử dụng để chữa lỵ mãn tính và nấc cụt.
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
-
Hoạt chất 4-dihydroxy-phenylalanin thuộc nhóm L-dopa có tác dụng kích thích hoạt động và ham muốn tình dục.
– Tham khảo thêm:
-
Nhân dân Ấn Độ, Brazil, Nepal đều sử dụng hạt đậu mèo để làm thuốc kích dục. Ngoài ra ở Nepal, nhân dân sử dụng 25 – 30g bột từ hạt đậu mèo trộn vào thức ăn của trâu để tăng khả năng sinh sản.
-
Đậu mèo có tác dụng diệt giun sán nhưng nên dùng với liều thấp. Sử dụng liều cao có thể gây rối loạn đường ruột hoặc thậm chí gây tử vong.
-
Hiện tại, một số chuyên gia đã bắt đầu sử dụng hoạt chất L-dopa trong dược liệu để làm thuốc điều trị bệnh Parkinson.
-
Người Mèo thường sử dụng hạt để nấu cháo, thổi xôi, làm tương, làm nhân bánh hoặc làm thức ăn cho vật nuôi.
-
Ngoài ra, do đặc tính sống dai và khỏe nên cây đậu mèo còn được nhân dân miền núi trồng để phủ xanh và chống xói mòn đất.
-
Hạt đậu mèo còn chứa aflatoxin. Hoạt chất này có thể tăng lên khi tiếp xúc với nhiệt độ từ 35 độ C trở lên, vì vậy cần thận trọng khi sử dụng hạt đậu mèo.
4. Cách dùng – liều lượng
Hạt đậu mèo được sử dụng ở dạng sắc hoặc dạng bột với liều dùng 5 – 6g/ ngày. Vỏ quả được dùng ở dạng sắc với liều 10 – 15g/ ngày.
Bài thuốc từ dược liệu đậu mèo
Vị thuốc đậu mèo thường được nhân dân sử dụng để trị rắn cắn và nhiễm giun sán
1. Bài thuốc trị rắn cắn
-
Chuẩn bị: Hạt đậu mèo.
-
Thực hiện: Bổ đôi đắp trực tiếp lên vết cắn để hút độc tố.
-
Lưu ý: Sau khi sơ cứu cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và xử lý.
2. Bài thuốc trị giun đũa
-
Chuẩn bị: Hạt đậu mèo và mật ong.
-
Thực hiện: Tán bột dược liệu, sau đó trộn đều với mật ong làm thành thuốc dẻo. Người lớn dùng uống 15g/ ngày, trẻ nhỏ dùng 4g, sử dụng bài thuốc liên tục trong vòng 4 – 5 ngày.
Lưu ý khi sử dụng vị thuốc đậu mèo
-
Sử dụng đậu mèo có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, chướng bụng, mất ngủ, nhức đầu, nhịp tim nhanh,… Tiếp xúc da với dược liệu có thể gây sưng tấy, nóng rát và ngứa ngáy.
-
Hoạt chất L-dopa trong dược liệu có thể tăng nguy cơ chảy máu ở người bị viêm loét dạ dày. Ngoài ra, hoạt chất này cũng có thể làm tăng sản sinh melanin – yếu tố làm nghiêm trọng bệnh ung thư da.
-
Hạt đậu mèo có chứa độc tính, vì vậy cần cẩn trọng khi áp dụng bài thuốc từ dược liệu này.
-
Dược liệu có chứa hoạt chất L-dopa, vì vậy cần tránh sử dụng cho người mắc bệnh tim mạch. Nếu dùng, cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
-
Một số bằng chứng cho thấy, đậu mèo có tác dụng hạ đường huyết. Vì vậy bệnh nhân tiểu đường hoặc đường huyết thấp nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
-
Trước khi phẫu thuật, bạn nên ngưng sử dụng đậu mèo trước 2 tuần để tránh tình trạng phát sinh các vấn đề về tim.
Cây đậu mèo có tương tác với loại thuốc nào?
Tránh sử dụng dược liệu với những vị thuốc sau:
-
Guanethadine: Sử dụng đồng thời với dược liệu có thể làm tăng tác dụng hạ áp và khiến huyết áp giảm thấp đột ngột.
-
MAOIs: Dùng kết hợp với đậu mèo có thể làm tăng nguy cơ phát sinh các tác dụng phụ như động kinh, huyết áp cao, nhịp tim nhanh, lo lắng,…
-
Thuốc trị bệnh tiểu đường: Điều trị phối hợp đậu mèo có thể tăng tác dụng hạ đường huyết. Vì vậy cần hiệu chỉnh liều lượng thuốc và dược liệu để tránh hạ đường huyết quá mức.
-
Thuốc chống loạn thần: Hoạt chất trong dược liệu có thể làm tăng dopamine trong não bộ. Vì vậy sử dụng với thuốc chống loạn thần có thể làm giảm tác dụng điều trị của thuốc.
Bài viết chỉ khái quát các thông tin cơ bản về cây đậu mèo. Để biết thêm thông tin về dược liệu này, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh