Dây thìa canh sao khô thường được người dân sử dụng để pha với nước ấm và uống mỗi ngày nhằm phòng chống và cải thiện bệnh tiểu đường, đồng thời giúp điều hòa mỡ máu.
+ Tên khác: Dây muôi, lõa ti rừng
+ Tên khoa học: Gymnema sylvestre
+ Họ: Asclepiadoideae
I. Mô tả dây thìa canh
+ Đặc điểm sinh thái của dây thìa canh
Là loại dây leo có chiều cao khoảng 6 – 10 m. Cây có nhựa mủ màu trắng, thân có các lóng dài khoảng 8 – 12 cm, đường kính 3 mm và có lỗ bì thưa. Lá dây thìa canh có phiến hình trứng ngược hoặc bầu dục với chiều rộng 2,5 – 5 cm và dài 6 – 7 cm. Đầu lá nhọn có mũi và gân phụ 4 – 6 cặp. Gân có thể thấy rõ ở mặt dưới và nhăn lúc khô. Cuống lá dây thìa canh dài 5 – 8 mm. Hoa của cây nhỏ, xếp thành xim dạng tán ở nách lá và có màu vàng. Đài có lông mịn và rìa lông, tràng không lông ở mặt ngoài, còn tràng phụ 5 răng. Quả đại có chiều dài 5,5 cm. Hạt dẹp có lông mào dài 3 cm.
+ Phân bố
Dây thìa canh được tìm thấy và sử dụng ở Ấn Độ từ năm 2000. Đặc biệt loại cây này phát triển nhiều nhất ở thung lũng Paltacot miền Trung Nam Ấn Độ. Ngoài ra, cây còn phân bố ở nhiều nước như Indonesia và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, dây thìa canh còn được tìm thấy ở Việt Nam vào năm 2006 tại các tỉnh Hải Hưng, Ninh Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa và Hà Bắc. Hiện tại, cây được trồng mở rộng tại các vùng ở Thái Nguyên và Nam Định.
+ Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
Bộ phận dùng: Toàn thân
Thu hái: Quanh năm
Chế biến: Sau thu hoạch đem rửa sạch và phơi khô
Bảo quản: Nơi khô thoáng, tránh ẩm thấp và ánh nắng mặt trời
Dây thìa canh có thể thu hái quanh năm
+ Thành phần hóa học
Thành phần dây thìa canh có chứa hoạt chất có hoạt tính sinh học cao là GS4 với tên khoa học là Gymnema Sylvestre , bao gồm một tổ hợp chứa nhiều acid gymnemic và một hoạt chất thuộc nhóm saponin triterpenoid. Bên cạnh đó, dịch chiết cây của thảo mộc này chứa nhiều alcaloid và nhiều thành phần khác như:
D-quercitol
Flavone
Anthraquinone
Pentatriacontane
Acid formic
Hentri-acontane
Acid tartaric
Acid butyric
Acid gymnemic
Peptide Gumarin
II. Vị thuốc
+ Tác dụng dược lý
Theo một số kết quả nghiên cứu được công bố vào tháng 11/2008 trên tạp chí Dược học – Bộ Y tế số 391 cho biết, dây thìa canh ở nước ta có tác dụng giúp hạ đường huyết. Không những thế, nghiên cứu của khoa Dược, Viện Khoa học Y khoa Hind – Mau – Ataria – Sitapur – Uttar Pradesh – Ấn Độ và giáo sư của Khoa Dược – Đại học Y King George – Lucknow – Uttar Pradesh – Ấn Độ cũng chứng minh, thành phần chứa trong thảo mộc tự nhiên này có công dụng hạ đường huyết.
Đồng thời, cây còn có công dụng chính như:
Điều hòa miễn dịch
Làm giảm quá trinh hấp thu đường ở ruột
Tăng men sử dụng đường ở mô và tăng sản xuất insulin
Tăng bài tiết cholesterol qua đường phân
Làm giảm lipid
Làm giảm lượng cholesterol
Ổn định đường huyết và giúp làm giảm mỡ máu
Chính nhờ những tác dụng này, dây thìa canh thường dùng với mục đích:
Phòng chống bệnh tim mạch
Chống bệnh béo phì
Điều trị bệnh tiểu đường và ngăn ngừa xơ vữa động mạch
Ngoài ra, rễ dây thìa canh có tác dụng chữa viêm mạch máu, trĩ, rắn độc cắn hoặc làm lành các vết thương do dao đạn. Mặt khác, lá cây còn được dùng làm thuốc tiêu hóa và tán thành bột chống độc.
+ Cách dùng và liều lượng
Có thể dùng khô hoặc tươi đều được Người bệnh chỉ cần sử dụng 40 – 50 gram đun sôi nhẹ với 1,5 lít nước và uống mỗi ngày. Nếu sử dụng dây thìa canh hợp lý sẽ giúp ổn định đường huyết và điều hòa nhiễm mỡ máu.
+ Tác dụng phụ
Không gây bất kỳ tác dụng phụ nào đối với người sử dụng. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, trẻ nhỏ dưới 16 tuổi hoặc bệnh nhân đang bị tiêu chảy nên hạn chế dùng.
Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi người bệnh dùng dây thìa canh không đúng cách như:
Hoa mắt, váng đầu: Nguyên nhân gây nên hiện tượng này là do bệnh nhân dùng thìa canh quá liều khiến đường huyết bị giảm đột ngột. Bên cạnh đó, triệu chứng này xuất hiện cũng có thể là do người bệnh dùng thuốc khi bụng đang trống rỗng
Đầy bụng, gây khó chịu: Nguyên nhân có thể là do bệnh nhân dùng nước sắc dây thìa canh để qua đêm khiến nước thuốc bị hỏng hoặc biến chất
III. Bài thuốc dùng dây chìa canh chữa bệnh tiểu đường
+ Nguyên liệu:
Dây thìa canh khô: 50 gram
1 ấm đun nước
1 bình giữ nhiệt
+ Cách chế biến:
Đem thìa canh đi rửa sạch rồi cho vào ấm, thêm 1,5 lít nước, đun sôi
Sau khi đun sôi nên duy trì nhỏ lửa khoảng 15 phút hoặc hơn cho đến khi thấy nước cạn còn một nửa thì tắt bếp, lọc lấy nước và sử dụng
+ Cách dùng:
Để hạ đường huyết và hạn chế kích ứng dạ dày bệnh nhân nên uống thuốc sắc từ dây thìa canh sau khi ăn.
Ngoài cách đun sôi, người bệnh cũng có thể cho thuốc vào bình giữ nhiệt và thêm nước sôi, hãm như hãm trà. Mỗi lần hãm khoảng 25 gram, mỗi ngày hãm khoảng 2 lần.
IV. Lưu ý khi sử dụng dây thìa canh
Khi sử dụng dây thìa canh, bệnh nhân nên tuân theo những gợi ý sau đây để tránh tình trạng bệnh không khỏi mà ngày càng nặng.
Dây thìa canh là loại dây leo nên rất dễ nhầm lẫn với các loại dây leo khác. Vì theo nhà thực vật học, có đến 3000 giống cây có hình dáng tương tự dây thìa canh. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý thu hái thìa canh từ tự nhiên
Nên lựa chọn đúng dây thìa canh chuẩn bằng cách nhai sống lá tươi rồi ăn thử một ít đồ ăn ngọt. Nếu bị mất cảm giác của vị ngọt thì đó chính là dây thìa canh chuẩn. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do hoạt chất Peptide Gurmarin trong lá thảo dược tác động lên tế bào vị giác trên lưỡi và làm mất cảm giác ngọt trong vòng 2 – 4 giờ
Chọn mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được trồng ở nơi đảm bảo vệ sinh, đất và nước không bị ô nhiễm
Nên tuân thủ đúng chỉ định liều dùng và thời gian sử dụng
Dây thìa canh có tác dụng hỗ trợ điều trị và phòng chống bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, để bài thuốc từ thảo dược tự nhiên này mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách sử dụng và liều lượng dùng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh