Giun đất là loài động vật ruột khoang, sinh sống nhiều ở các vùng đất ẩm, xốp và mát. Ngoài lợi ích đối với đất trồng, giun đất còn được sử dụng để làm thuốc với tên gọi là Địa long. Địa long có vị mặn, tính hàn, công năng phá huyết kết, trấn kinh, thông tiểu và được dùng để trị chứng động kinh, sốt cao co giật, đau nhức xương khớp, bế kinh,…
Tên gọi khác: Thổ long, Địa long, Giun khoang, Trùn hổ, Khau dẫn, Khưu dẫn, Thổ thiện, Uyên thiện, Can địa long, Trùn đất.
Tên khoa học: Lumbricus
Họ: Giun đất (danh pháp khoa học: Megascolecidae)
Giun đất là loài động vật ruột khoang, sinh sống ở trong lòng đất, đặc biệt là ở những vùng đất xốp, mát mẻ và ẩm ướt. Trung bình, giun đất dài khoảng 10 – 34cm, rộng từ 5 – 15mm, thân có màu nâu hồng hoặc nâu đen.
Hai bên thân và mặt bụng của giun đất có 4 đốt lông ngắn và cứng, thân có nhiều đốt, có thể co giãn được nhằm giúp giun đất dễ chui rúc trong đất.
Giun đất sinh sống ở trong lòng đất, đặc biệt là ở những vùng đất xốp và ẩm ướt
Giun đất là loài động vật lưỡng tính, tuyến sinh dục tập trung ở một số đốt trên thân. Tuy nhiên giun đất không tự thụ tinh mà thực hiện thụ tinh chéo. Bề mặt da mềm, ẩm ướt và có chức năng hô hấp.
Thức ăn chính của giun là mùn hữu cơ. Giun sợ ánh sáng nên hiếm khi chui ra khỏi mặt đất, chỉ khi mưa lớn khiến bùn đất trũng xuống và mất độ xốp giun mới bò lên để hô hấp.
Toàn thân của giun đất đều được sử dụng để làm thuốc.
Giun đất phân bố ở nhiều địa phương tại nước ta, đặc biệt là ở những địa phương làm nghề trồng trọt. Giun đất không chỉ là thức ăn của gà vịt mà còn có vai trò duy trì độ mềm xốp và dinh dưỡng trong đất.
Để bắt giun, cần chọn vùng đất xốp, ẩm và mềm (đặc biệt là những mô đất dưới bóng râm), sau đó dùng nước sắc bồ kết hoặc lá nghễ răm đem đổ trực tiếp lên đất để giun bò lên. Sau đó nhanh tay bỏ giun vào thùng có để sẵn tro hoặc rơm.
Khi thu hoạch giun về, đem rửa sạch với nước ấm để loại bỏ chất nhầy nhớt. Tiếp tục mổ thân giun, rửa sạch tạp chất trong bụng rồi đem sấy/ phơi khô để dùng dần.
Hoặc có thể bào chế dược liệu địa long theo những cách sau:
Đem địa long ngâm với nước gạo trong vòng 1 đêm, sau đó vớt ra cho khô rồi tẩm rượu và sấy khô hoàn toàn. Cuối cùng đem sao cùng với gạo nếp và xuyên tiêu mỗi thứ 1 chỉ rưỡi cho đến khi gạo chín vàng thơm là được.
Sau khi sơ chế nên dùng địa long tẩm gừng hoặc tẩm rượu sao, sau đó tán bột dùng dần.
Có thể tán bột dùng hoặc đem đốt tồn tính tùy theo mục đích sử dụng.
Sao cho khô rồi bóp vụn trước khi dùng.
Tuyệt đối không sử dụng giun tự trườn lên mặt đất. Vì theo dân gian, giun tự trườn lên mặt đất thường là những con yếu và có bệnh.
Để tránh ẩm mốc và hư hại, cần bảo quản địa long trong lọ kín, đặt ở nơi thoáng mát và khô ráo.
Vị thuốc địa long chứa một số thành phần hóa học như muối hữu cơ, vitamin, acid aminm guanidine, choline, lumbritin, lumbroferine, xanthine, adenine, hypoxanthine, alanine, valine, alanine, leucine,…
Địa long có vị mặn, tính hàn, tác dụng hành thấp bệnh, đại giải nhiệt độc, trấn kinh, khứ nhiệt,…
Vị mặn, tính hàn và không có độc.
Quy vào kinh Tỳ, Thận và Can.
– Tác dụng của giun đất theo Đông Y:
Công dụng: Phá huyết kết, trừ phong thấp, hành thủy, khứ nhiệt, thông đại tiện, hành thấp bệnh, đại giải nhiệt độc, trấn kinh, đờm kết, khứ trùng tích.
Chủ trị: Sốt cao kinh giật, bồn chồn kinh động, viêm đường tiết niệu, động kinh, ho suyễn, sốt rét, hen phế quản, di chứng bại liệt nửa người, tiểu tiện không thông và phong thấp gây đau nhức.
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
Giun đất chứa hoạt chất Lumbritin có tác dụng phá huyết.
Địa long có tác dụng chống co giật, kháng histamine, làm giãn mạch nội tạng và hạ áp chậm nhưng lâu dài.
Tác dụng làm giãn phế quản và hạ cơn hen cấp, an thần và hạ thân nhiệt.
Giun đất chứa chiết xuất diệt tinh trùng và tăng hưng phấn thành tử cung.
Thực nghiệm ở chuột bị trúng phong dẫn đến thiếu máu não nhận thấy, tiêm 10g/ kg thuốc vào khoang bụng thì các triệu chứng thuyên giảm nhẹ.
Địa long được dùng bằng cách sắc lấy nước uống, tán bột, làm hoàn hoặc giã sống. Liều dùng trung bình: 8 – 12g/ ngày.
Giun đất được dùng để chữa sốt xuất huyết, động kinh, bế kinh, đau nhức xương khớp, viêm mũi mãn tính
1. Bài thuốc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư
Chuẩn bị: Phong phòng (tổ ong), địa long, bàn lam căn, ngô công (rết), xà thoái (xác rắn lột), toàn yết (bò cạp) và bồ công anh mỗi vị 40g, bạch hoa xà thiệt thảo nửa cân.
Thực hiện: Cho dược liệu tán thành bột mịn, luyện với mật làm thành viên 8g. Mỗi lần dùng 1 viên uống cùng với nước nóng, ngày dùng 2 lần (sáng sớm và tối trước khi ngủ).
2. Bài thuốc trị bệnh tâm thần phân biệt
Chuẩn bị: Đường trắng 10g và địa long 20g.
Thực hiện: Đem sắc lấy nước, chia thành 2 lần uống (sáng – tối).
3. Bài thuốc trị động kinh do chấn thương
Chuẩn bị: Giun đất khô 3 – 6g.
Thực hiện: Sắc với nước và dùng uống hết trong ngày. Áp dụng bài thuốc trong khoảng 2 – 12 tháng.
4. Bài thuốc trị sỏi đường tiểu
Chuẩn bị: Lá khoai lang đỏ, củ tỏi và giun đất đỏ.
Thực hiện: Đem rửa sạch nguyên liệu, sau đó giã cho nát và đắp vào vùng bụng dưới. Nên kết hợp với các bài thuốc lợi tiểu dạng uống để gia tăng tác dụng.
5. Bài thuốc trị hen suyễn
Bài thuốc 1: Giun đất 12g hoặc bột giun đất khô 3 – 4g. Đem sắc uống, ngày dùng 2 lần.
Bài thuốc 2: Sử dụng cam thảo tươi và địa long bằng lượng nhau. Sau đó đem sấy khô và tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 4 – 5g. ngày sử dụng 2 lần.
6. Bài thuốc trị sốt cao co giật
Bài thuốc 1: Liên kiều 10g, kim ngân hoa 12g, toàn yết 3g, địa long 10g và câu đằng 12g. Đem các vị sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Bài thuốc 2: Chuẩn bị chu sa 30g và địa long 100g, đem tán bột mịn rồi làm thành viên. Mỗi lần uống 3g.
7. Bài thuốc trị nhọt độc đã vỡ miệng
Bài thuốc 1: Chuẩn bị ngô thù du và địa long. Đem tán bột mịn, trộn đều với giấm sau đó hòa với miến sống đắp trực tiếp vào lòng bàn chân.
Bài thuốc 2: Sử dụng lá hẹ được trồng ở vùng đất có giun đất, đem rửa sạch, giã nát và đắp vào. Ngày thay từ 3 – 4 lần cho đến khi lành hẳn.
8. Bài thuốc trị bệnh phong cùi gây ngứa ngáy và đau
Chuẩn bị: Giun đất khoang trắng và táo nhục nghiền nát.
Thực hiện: Trộn đều làm thành viên to bằng hạt ngô đồng, mỗi lần dùng 60 viên uống cùng với rượu. Khi dùng bài thuốc này, cần kiêng ăn tỏi và gừng.
9. Bài thuốc trị sa trực tràng dương chứng
Chuẩn bị: Phác tiêu 8g, địa long tươi (đã bỏ đất) 40g, sinh khương và kinh giới mỗi thứ 1 ít.
Thực hiện: Đem địa long và phác tiêu tán thành bột, trộn với dầu làm thuốc bôi. Sắc sinh khương và kinh giới lấy nước ngâm rửa hậu môn rồi lau khô và thoa thuốc vào.
10. Bài thuốc trị nhện cắn bị thương
Chuẩn bị: 1 lá hành tươi và địa long.
Thực hiện: Bỏ đầu nhọn của lá hành, sau đó cho địa long vào và ép chặt 2 đầu hành. Lắc nhẹ cho ra nước rồi dùng nước thoa lên vết nhện cắn để giảm đau.
11. Bài thuốc trị hạch lao ở cổ bị lở loét và chảy nước
Chuẩn bị: Rễ kinh giới một lượng vừa đủ, lá hẹ được trồng ở đất có địa long (1 ít), khinh phấn, một dược và nhũ hương mỗi thứ 2g, xuyên sơn giáp 9 vảy.
Thực hiện: Đem sắc rễ kinh giới lấy nước rửa cổ, sau đó đem lá hẹ hơ trên lửa hồng cho khô rồi tán thành bột mịn. Dùng 1 thìa một hẹ trộn với các dược liệu còn lại, đem tán bột mịn rồi trộn với dầu và thoa trực tiếp vào hạch lao.
12. Bài thuốc trị điếc đột ngột
Chuẩn bị: Hành, muối và địa long tươi.
Thực hiện: Trộn đều cho ra nước, sau đó dùng nước nhỏ vào tai.
13. Bài thuốc trị răng lung lay hoặc đau nhức
Chuẩn bị: Gừng tươi 1 ít, ngũ bội tử sao và địa long khô sao bằng lượng nhau.
Thực hiện: Đem gừng tươi xát vào răng, sau đó dùng 2 vị còn lại tán thành bột và xức trực tiếp vào.
14. Bài thuốc trị đau chính giữa hoặc một bên đầu
Chuẩn bị: Nhũ hương và địa long (sấy khô) bằng lượng nhau.
Thực hiện: Tán bột mịn, mỗi lần sử dụng 2g vấn lại như điếu thuốc rồi đặt lên lửa đèn để khói bốc lên. Đưa mũi vào hít khói sẽ làm giảm đau đầu nhanh chóng.
15. Bài thuốc trị chứng tinh hoàn sưng đau ở trẻ nhỏ
Chuẩn bị: Giun đất tươi (còn đất).
Thực hiện: Giã nát rồi thêm nước vào đắp trực tiếp lên tinh hoàn để giảm nóng và sưng đau.
16. Bài thuốc trị chứng kinh phong cấp và mãn tính
Chuẩn bị: Thu bắt địa long vào ngày mồng 5 tháng năm.
Thực hiện: Dùng dao tre cắt giun thành 2 đoạn, để đoạn nhảy nhanh sang 1 bên và đoạn nhảy chậm sang 1 bên. Sau đó thêm bột chu sa vào làm thành viên, bị kinh phong cấp thì dùng đoạn nhảy chậm, nếu bị kinh phong mãn thì dùng đoạn nhảy nhanh. Mỗi lần dùng 5 – 7 viên uống với nước sắc bạc hà.
17. Bài thuốc trị chứng kinh phong mãn tính khiến cơ thể suy nhược
Chuẩn bị: Giun đất khoang trắng, phụ tử (bỏ vỏ, rốn).
Thực hiện: Đem phụ tử nghiền sống, sau đó cho giun vào lăn. Cuối cùng cạo bỏ bột phụ tử bám trên giun rồi vo lại thành viên to bằng hạt gạo. Mỗi lần dùng 10 viên uống với nước cơm.
18. Bài thuốc trị chứng bí tiểu ở trẻ nhỏ do huyết kiệt
Chuẩn bị: Xạ hương, long não và chu sa mỗi thứ 1 ít, tàm thoái 4g, đăng tâm và mạch môn lượng vừa đủ, địa long loại lớn.
Thực hiện: Đem địa long quết như bùn, sau đó thêm mật ong vào đắp ở dịch hoàn và ngọc hành. Sau đó sắc mạch môn và đăng tâm lấy nước, các vị còn lại tán bột và dùng uống với nước sắc.
19. Bài thuốc trị chứng bí tiểu ở người lớn
Chuẩn bị: Hồi hương và địa long khoang cổ trắng bằng lượng nhau.
Thực hiện: Đem giã nát rồi ép lấy nước uống.
20. Bài thuốc trị táo bón, bứt rứt trong người do sốt rét
Chuẩn bị: Mật ong 1 thìa, gừng tươi 1 ít, nước sắc bạc hà và địa long sống 4 con.
Thực hiện: Đem rửa sạch địa long, nghiền nát rồi thêm mật ong, nước sắc bạc hà và gừng tươi vào. Sau đó đem đun với nước vừa lấy dưới sông lên, đun cho sôi rồi thêm 1 ít phiến não vào và dùng uống.
21 .Bài thuốc trị viêm quầng (chứng đơn độc)
Chuẩn bị: Giun đất tươi 1 con.
Thực hiện: Rửa sạch, để nguyên đất trong ruột rồi giã nhuyễn và đắp trực tiếp vùng da cần điều trị.
22. Bài thuốc trị da đầu nổi vảy trắng
Chuẩn bị: Bột địa long và 1 ít bột khinh phấn.
Thực hiện: Đem trộn với dầu mè rồi xức lên da đầu.
23. Bài thuốc trị cổ họng sưng nghẹt
Chuẩn bị: Giun đất.
Thực hiện: Nghiền với giấm ăn, sau đó nuốt dần để nôn ói ra đờm máu là được.
24. Bài thuốc trị chứng kinh phong mãn tính ở trẻ nhỏ, phiền loạn, phiền não, ruột nhiễm ký sinh trùng, vị hư, gân mạch co quắp, buồn bực
Chuẩn bị: Hồ phấn 8g, nhũ hương 2g và địa long khoang cổ.
Thực hiện: Đem địa long giã cho nát, sau đó đem 2 dược liệu còn lại tán bột và trộn đều làm thành viên to bằng hạt mè lớn. Mỗi lần dùng 7 – 15 viên uống cùng với nước hành sắc.
25. Bài thuốc trị sâu răng
Chuẩn bị: Miến và địa long.
Thực hiện: Đem địa long hòa với nước muối, sau đó trộn với miến rồi nhét vào kẽ răng bị sâu.
26. Bài thuốc trị đau đầu do phong nhiệt
Chuẩn bị: Bán hạ, gừng và xích phục linh các vị bằng lượng nhau, địa long (sao, tán bột).
Thực hiện: Đem dược liệu tán bột, trộn đều, mỗi lần sử dụng 2 -4g uống với nước sắc bạc hà, kinh giới và sinh khương.
27. Bài thuốc trị kinh lạc ứ tắc gây đau, ứ huyết do thấp đàm
Chuẩn bị: Thiên nam tinh, xuyên ô đầu, thảo ô đầu và giun đất mỗi vị 8g, một dược 6g, nhũ hương 6g.
Thực hiện: Tán bột mịn, chưng với rượu hồ làm thành viên. Mỗi lần dùng 1 viên uống với nước sắc kinh giới.
28. Bài thuốc trị điếc do bế khí
Chuẩn bị: Xuyên khung và địa long mỗi vị 20g.
Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 8g uống với nước sắc mạch môn.
29. Bài thuốc nhức đầu do đầu phong
Chuẩn bị: Thu bắt địa long vào mùng 5 tháng năm, xạ hương và long não mỗi thứ 1 ít.
Thực hiện: Đem giã địa long rồi trộn với các dược liệu còn lại làm thành viên to bằng hạt ngô đồng lớn. Mỗi lần sử dụng 1 viên trộn với nước gừng rồi nhét vào lỗ mũi. Nếu đau đầu phải thì nhét lỗ mũi trái và ngược lại.
30. Bài thuốc trị côn trùng chui vào tai
Chuẩn bị: Hành và địa long (tán bột).
Thực hiện: Cho địa long vào trong hành rồi hòa thành nước, nhỏ vào tai.
31. Bài thuốc trị ráy tai khô cứng khó lấy ra
Chuẩn bị: Lá hành và địa long.
Thực hiện: Bỏ địa long vào lá hành, nghiền nát rồi thêm 1 ít nước vào và nhỏ vào tai vài lần là được.
32. Bài thuốc trị bệnh trĩ mũi
Chuẩn bị: Nha trạo 1 miếng và địa long sao 0.4g.
Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, hòa với 1 ít nước lạnh và 1 ít mật ong rồi nhỏ vào lỗ mũi.
33. Bài thuốc trị chứng tai chảy mủ
Chuẩn bị: Mỡ heo, nước hành và giun đất sống.
Thực hiện: Đem nghiền nát giun rồi trộn với mỡ heo và nước hành. Sau đó bọc trong bông và nhét vào tai.
34. Bài thuốc trị thanh quản và họng sưng lên đột ngột gây khó khăn khi ăn uống
Chuẩn bị: Giun đất 14 con.
Thực hiện: Giã nát rồi đắp ở ngoài họng. Sau đó dùng thêm 1 con hòa với nước muối, thêm 1 ít mật ong và dùng uống.
35. Bài thuốc trị lưỡi sưng cứng có thể gây tử vong
Chuẩn bị: Giun đất 1 con.
Thực hiện: Lấy nước muối hòa rồi ngậm.
36. Bài thuốc trị ngón tay đau nhức
Chuẩn bị: Giun đất tươi.
Thực hiện: Giã nát rồi đắp trực tiếp vào khớp đau nhức.
37. Bài thuốc trị chân răng chảy máu không cầm được
Chuẩn bị: Xạ hương 1 ít, khô phàn và bột địa long mỗi vị 4g.
Thực hiện: Đem các vị nghiền thành bột, sau đó xức trực tiếp vào chân răng để cầm máu.
38. Bài thuốc trị đau mắt đỏ
Chuẩn bị: Giun đất 10 con.
Thực hiện: Đem sao khô, sao đó tán thành bột và uống với nước trà 3 chỉ.
39. Bài thuốc trị tay chân sưng đau, rã rời
Chuẩn bị: Giun đất 3 thăng và nước 5 thăng.
Thực hiện: Đem giã rồi vắt lấy 1 thăng rưỡi uống.
40. Bài thuốc trị cổ độc gây tiêu ra huyết
Chuẩn bị: Giun đất 14 con và giấm 3 thăng.
Thực hiện: Đem ngâm giun trong giấm cho đến khi giun chết thì dùng nước giấm uống.
41. Bài thuốc trị tinh hoàn thụt vào bụng hoặc sưng, thân thể nặng nề, bụng dưới co thắt và nóng đau, đau nhức cơ thể
Chuẩn bị: Giun đất 24 con.
Thực hiện: Sắc với 1 đấu nước còn lại 3 thăng và dùng uống ngay sau đó.
42. Bài thuốc trị thương hàn nhiệt kết 1 – 7 ngày
Chuẩn bị: Nước đồng tiện và địa long nửa cân (đem bỏ bùn).
Thực hiện: Sắc uống.
43. Bài thuốc trị loét hạ chi mãn tính
Chuẩn bị: Giun đất tươi và đường cát trắng.
Thực hiện: Đem đâm nhuyễn giun với đường rồi dùng đắp bên ngoài.
44. Bài thuốc giúp phòng ngừa cơn động kinh, co giật
Chuẩn bị: Lòng trắng trứng gà 2 cái và địa long (chế) 50g.
Thực hiện: Đem khuấy đều rồi dùng chiên và ăn 1 lần/ ngày.
45. Bài thuốc giúp phòng ngừa động kinh co giật và sốt cao co giật
Chuẩn bị: Đường đỏ 60g và địa long 250g.
Thực hiện: Giã nát rồi bọc trong vải thưa và đắp trực tiếp lên rốn.
46. Bài thuốc giúp cắt nhanh cơn suyễn, ho gà và ho do hỏa nhiệt
Bài thuốc 1: Đem sắc địa long 12g uống, sử dụng ngày 1 thang.
Bài thuốc 2: Đem địa long tán bột, mỗi lần dùng 4g, ngày dùng 2 lần.
47. Bài thuốc trị chứng trúng phong gây bại liệt, chảy nước dãi và nói ngọng
Chuẩn bị: Đào nhân, hồng hoa và xích thược mỗi vị 20g, địa long khô 30g, bột ngô 400g, bột mì 100g, xuyên khung 10g, hoàng kỳ và đương quy mỗi vị 50g, 1 ít đường trắng.
Thực hiện: Đem địa long ngâm với rượu để khử mùi tanh, sau đó phơi cho khô và tán thành bột mịn. Đem đào nhân ngâm cho mềm, bỏ vỏ rồi đem sau qua. Xuyên khung, xích thược, hoàng kỳ, đương quy và hồng hoa đem sắc lấy nước, sau đó nhào với bột mì, địa long và đường trắng làm thành bánh (khoảng 20 chiếc), đặt đào nhân ở trên mặt bánh rồi đem hấp chín. Dùng ăn đều đặn 2 lần/ ngày (sáng – tối).
48. Bài thuốc chữa sốt rét
Chuẩn bị: Dây thần thông, gừng và trần bì mỗi vị 8g, hậu phác nam, vỏ rễ xoan và địa long mỗi vị 12g.
Thực hiện: Đem dược liệu phơi cho khô rồi tán thành bột mịn, làm hoàn. Sử dụng hết trong ngày.
49. Cháo sài hồ địa long trị ù tai, đau đầu, hay quên, giảm khứu giác, đờm ít nhưng quánh dính, nghẹt mũi do viêm mũi mãn tính
Chuẩn bị: Đào nhân, xích thược, địa long (chế) mỗi vị 10g, sài hồ 15g.
Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước rồi bỏ bã, thêm 60g gạo tẻ vào nấu thành cháo. Khi chín, cho đường hoa mai vào, khuấy đều và ăn nóng 1 lần/ ngày. Ăn món cháo này liên tục trong vòng 7 – 20 ngày.
50. Bài thuốc chữa viêm tắc tĩnh mạch
Chuẩn bị: Sinh cam thảo, hồng hoa, ngưu tất, ngô công, địa long khô và thổ miết trùng mỗi vị 20g, quan quế, quế chi, phòng kỷ, bạch giới tử, can khương, đan sâm và toàn quy mỗi vị 40g, tế tân và ma hoàng mỗi vị 8g, quế chi 4g, thục địa 16g.
Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
51. Rượu giun đất trị phong thấp, cắt cơn sốt rét và giảm kinh giật
Chuẩn bị: Địa long khô 40g và rượu 50 độ 100ml.
Thực hiện: Đem ngâm trong vòng 3 ngày, sau đó dùng vải xô lọc bã. Mỗi lần dùng 10ml, ngày dùng 3 lần.
52. Bài thuốc trị đậu sởi và người bị sốt rét từng cơn
Chuẩn bị: Giun đất tươi, nước sôi và đường trắng.
Thực hiện: Đem rạch giun đất làm đôi, sau đó rửa sạch, nghiền nát rồi thêm đường và nước sôi vào hãm, dùng nước uống. Thực hiện ngày 1 lần và chia nước thành 3 lần uống.
53. Trứng gà hấp lá hẹ, địa long và độc hoạt chữa thống kinh
Chuẩn bị: Bột địa long 4g, trứng gà 2 quả, hạ tươi 10g và độc hoạt 12g.
Thực hiện: Chọc 1 lỗ nhỏ trên vỏ trứng, sau đó cho bột địa long vào rồi dán kín và đem luộc với độc hoạt và hẹ. Khi chín, đem bóc bỏ vỏ rồi đun cho đến khi chín nhừ. Ngày ăn 1 lần, sử dụng liên tục trong 5 – 7 ngày.
54. Trứng tráng địa long tốt cho người bị di chứng sau tai biến mạch máu não
Chuẩn bị: Trứng gà 1 quả và giun đất tươi 3 – 5 con.
Thực hiện: Đem giun đất rửa sạch, băm nhỏ, trộn đều với trứng và nêm nếm gia vị sau rồi chiên chín. Dùng ăn cách ngày trong thời gian dài.
55. Bài thuốc chữa sốt rét
Chuẩn bị: Phèn phi 20g, quả na điếc 40g và địa long 8g.
Thực hiện: Để phèn phi riêng, các vị còn lại đem tẩm rượu, sao vàng. Sau đó đem tán thành bột, chế với nước tỏi làm thành viên to bằng hạt đậu xanh. Người lớn dùng 10 viên/ 2 lần/ ngày liên tục trong 4 – 5 ngày.
56. Bài thuốc trị sốt xuất huyết và sốt phát ban
Chuẩn bị: Cỏ nhọ nồi 10g, địa long 5 – 6 con, kinh giới, trắc bá, lá dâu và bạc hà mỗi vị 8g, củ sả 5g.
Thực hiện: Đem các vị thái nhỏ rồi phơi khô, sau đó sắc với 400ml nước còn lại 100ml. Mỗi lần dùng 50ml, ngày dùng 2 lần.
57. Bài thuốc chữa chứng liệt nửa người, sùi bọt mép và méo mồm
Chuẩn bị: Hoàng kỳ, địa long và đương quy mỗi vị 8g, xuyên khung, hồng hoa và đào nhân mỗi vị 4g, xích thược 6g.
Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng đều đặn 1 thang.
58. Bài thuốc trị cấm khẩu, tê bại
Chuẩn bị: Lông nhím, giun đất và quả bồ kết mỗi vị 12g.
Thực hiện: Đem các vị đốt thành than, sau đó tán bột. Mỗi lần dùng 4 – 8g uống với nước ấm, ngày dùng 2 lần.
59. Thịt gà hầm địa long, cao ngựa chữa tăng huyết áp
Chuẩn bị: Thịt gà 50g, cần tay 50g, cao ngựa 10g, giun đất 12g, muối, hành và gừng mỗi thứ 5g, nấm hương 10g.
Thực hiện: Sơ chế nguyên liệu rồi hầm với 100ml nước cho nhừ. Dùng ăn cả nước lẫn cái, ngày ăn 1 lần.
Cấm dùng cho trường hợp hư hàn mà không có thực nhiệt.
Tránh nhầm lẫn giun đất với rắn giun (Tpholops).
Tỳ vị hư nhược nhưng không có thực nhiệt không nên dùng.
Giun đất (địa long) là vị thuốc quý hiếm và được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền. Tuy nhiên để sử dụng dược liệu này đúng cách, bạn nên thăm khám để thầy thuốc hướng dẫn bài thuốc thích hợp với tình trạng bệnh lý.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh