Keo dậu hay còn được dân gian gọi là cây bình linh hoặc keo giun. Hạt của loại cây này thường được sử dụng để trị chứng nhiễm giun đũa, hỗ trợ điều trị tiểu đường và yếu sinh lý. Tuy nhiên cây có chứa độc tố mimosine, có thể gây rụng tóc, bơ phờ, chán ăn và bướu cổ nếu dùng liều cao hoặc sử dụng dài ngày.
Keo dậu hay còn được dân gian gọi là cây bình linh hoặc cây keo giun
Tên gọi khác: Bồ kết dại, Keo giậu, Bình linh, Táo nhơn, Keo giun và Bò chét.
Tên khoa học: Leucaena leucocephala
Họ: Trinh nữ (danh pháp khoa học: Mimosaceae)
Mô tả dược liệu
1. Đặc điểm cây bình linh
Cây bình linh là loài thực vật thân nhỡ, có chiều cao trung bình từ 2 – 4m. Thân cây không có gai, mảnh và thường có màu xanh lục hoặc nâu đỏ. Lá kép 2 lần lông chim, mỗi lá gồm khoảng 11 – 18 đôi lá chét.
Hoa có màu trắng, hình cầu như hoa trinh nữ, thường mọc thành cụm ở nách lá. Cây ra hoa vào tháng 4 – 6 và sai quả vào tháng 7 – 9 hằng năm.
Hoa có màu trắng, hình cầu như hoa trinh nữ và thường mọc thành cụm ở nách lá
Quả giáp rộng 15mm, dài 13 – 14cm và có màu nâu. Bên trong quả chứa khoảng 15 – 20 hạt hình bầu dục và có màu nâu nhạt.
2. Bộ phận dùng
Hạt keo dậu được sử dụng để làm dược liệu.
3. Phân bố
Cây keo dậu có nguồn gốc từ các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ. Hiện nay, cây đã được di thực vào nước ta và mọc hoang nhiều tại một số tỉnh như Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên Bình Định,,…
4. Thu hái – sơ chế
Sau khi quả chín đem hái về rồi bóc lấy hạt, đem phơi hoặc sấy khô dùng dần. Lá và đọt ngon của cây được nhân dân hái về để nấu canh hoặc luộc ăn như một loại rau thông thường.
5. Bảo quản
Bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát.
6. Thành phần hóa học
Keo dậu đã được nghiên cứu từ nhiều năm nay. Một số thành phần hóa học được tìm thấy trong dược liệu, bao gồm:
Hạt cây bình linh chứa chất đường, protit 21%, chất nhầy 12 – 14%, leuxenola, chất béo 5.5%,…
Hạt chứa chất đường, protit 21%, chất nhầy 12 – 14%, leuxenola, chất béo 5.5%.
Lá chứa nhiều protein, carotene, tannin, quercetin,..
Chồi non và lá non chứa một lượng độc tố minosine. Vì vậy nếu dùng thảo dược này để làm thức ăn, cần đem ủ chua, nhúng với nước để qua đêm hoặc xử lý với nhiệt độ trên 70 độ C nhằm giảm lượng độc tố. Hàm lượng độc tố dưới 5% được cho là an toàn và có thể sử dụng cho con người.
Vị thuốc keo dậu
1. Tính vị
Vị hơi đắng, mùi thơm, mùi, tính mát.
2. Quy kinh
Chưa có nghiên cứu.
3. Tác dụng dược lý của cây keo dậu
– Theo Đông Y:
Tác dụng chính là dùng để trị giun.
Lá và ngọn của cây còn được sử dụng để làm rau ăn hoặc dùng làm thức ăn cho cả gia súc, gia cầm.
Ở Ấn Độ, nhân dân sử dụng cây keo dậu để chữa các chứng bệnh về đường tiêu hóa.
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
Thời Pháp thuộc, có dùng 50g hạt keo dậu/ ngày cho trẻ nhỏ ăn để trị giun đũa và không nhận thấy có hiện tượng ngộ độc.
Bệnh viện Ninh Giang sử dụng hạt keo dậu rang cho nở rồi tán bột và dùng để trị giun vào năm 1961 với liều dùng: Trẻ từ 3 – 15 tuổi dùng 5g/ ngày, sử dụng liên tục trong vòng 3 ngày nhận thấy có cải thiện rõ rệt.
Khi dùng hạt bình linh trị giun nhận thấy có giun đi ra nhưng thực nghiệm cho giun vào nước sắc từ hạt bình linh thì không nhận thấy có tác dụng.
Chất độc mimosine trong dược liệu có khả năng ức chế quá trình sản sinh của tế bào ung thư phổi, ung thư gan, đồng thời tăng độ nhạy cảm của tế bào ác tính với các phương pháp điều trị ung thư.
Một số nghiên cứu cho thấy, chiết xuất từ cây bình linh có tiềm năng ức chế ung thư niêm mạc miệng và hiện tượng di căn của tế bào ác tính.
Gà con ăn hạt keo dậu có thể bị chết; Thỏ ăn lá và hạt gặp phải tình trạng ngộ độc và tăng tỷ lệ chết; Lợn ăn lá bình linh giảm chức năng sinh sản tạm thời; Lừa, ngựa, dê ăn lá bình linh có hiện tượng rụng đuôi lông, rụng lông và rụng bờm. Tuy nhiên những loài nhai lại như trâu bò khi ăn lá bình linh thì không nhận thấy tác hại nào.
Chiết xuất từ hạt của cây bình linh có thể làm giảm hoạt động của cơ, ức chế hoạt động của hệ thần kinh trung ương và làm chậm tốc độ hô hấp.
4. Cách dùng – liều lượng
Hạt keo dậu được sử dụng ở dạng thuốc bột để trị giun, liều dùng 10 – 15g cho trẻ nhỏ và 25 – 50g cho người lớn. Nên dùng vào sáng sớm lúc chưa ăn, áp dụng liên tục trong vòng 3 ngày.
Bài thuốc chữa bệnh từ cây keo dậu
Hạt của cây bình linh được sử dụng để trị giun đũa, yếu sinh lý và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
1. Bài thuốc trị giun đũa
Chuẩn bị: Hạt keo dậu già 50g.
Thực hiện: Rang cho nở đến khi bốc mùi thơm rồi đem tán bột và dùng uống 3 ngày liên tục.
2. Bài thuốc hỗ trợ điều trị yếu sinh lý và tiểu đường
Chuẩn bị: Hạt keo dậu gìa 50g.
Thực hiện: Rang nhẹ cho khô rồi nấu lấy nước uống, ngày dùng 2 lần. Dùng bài thuốc liên tục trong vòng 3 ngày rồi ngưng từ 2 – 3 ngày rồi sử dụng lại.
3. Bài thuốc trị chứng vàng da và thiếu máu
Chuẩn bị: Củ mài (hoài sơn), sâm bố chính và bạch biển đậu (đậu ván trắng) mỗi vị 12g, ô tặc cốt (mai mực), hạt keo dậu, ý dĩ và mẫu lệ (vỏ hàu) mỗi vị 6g.
Thực hiện: Đem sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
Lưu ý khi sử dụng hạt keo dậu chữa bệnh
Ăn quá nhiều hạt keo dậu có thể gây rụng tóc.
Ngoài ra một số tài liệu ghi chép rằng, chất độc trong cây bình linh có thể gây sảy thai, bướu cổ, chán ăn, chảy nước bọt, giảm khả năng sinh sản và đục thủy tinh thể.
Nên luộc đọt non của cây bình linh trong 15 phút rồi bỏ nước để loại bỏ độc tốc trước khi ăn.
Ngoài ra bạn cũng có thể nấu đọt rau bình linh với nồi sắt để tạo phản phức hợp giữa kim loại và mimosine từ đó làm giảm nồng độ độc tố trong dược liệu.
Cây keo dậu có nhiều tác dụng và lợi ích đối với sức khỏe. Tuy nhiên để hạn chế các tác dụng phụ khi sử dụng vị thuốc này, bạn chỉ nên áp dụng bài thuốc khi có hướng dẫn cụ thể từ thầy thuốc.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh