✴️ Mắc khén

Mắc khén còn được gọi là hạt sẻn – một loại dược liệu được biết đến với tác dụng kháng viêm, giảm đau tự nhiên. Vị thuốc này được sử dụng để điều trị đau nhức xương khớp, phong thấp, ăn không tiêu, đau bụng do lạnh bằng cách sắc uống hoặc ngâm rượu.

  • Tên gọi khác: Hạt sẻn, cây xuyên tiêu, cây sưng , cây hoàng lực, cây sẻng vàng. Dân tộc Thái gọi mắc khén là mác khén, người Hmông gọi là chứ xá và người dân tộc Tày gọi là chiêu khạt.
  • Tên khoa học: Zanthoxylum nitidum DC
  • Họ: Cam ( Rutaceae)

Mắc khén

Mắc khén là dược liệu quý có nhiều công dụng trị bệnh

 

Mô tả về cây mắc khén

+ Đặc điểm thực vật

Mắc khén là cây thân gỗ nhỏ sống lâu năm. Cây phát triển có thể đạt chiều cao lên tới 15m, đường kính thân khoảng 16cm. Cây có nhiều cành, mỗi cành có chiều dài từ 1 – 2 mét, vỏ ngoài màu đỏ nhạt và có nhiều gai ngắn, dẹt. 

Lá của cây thuộc dạng lá kép lông chim. Mỗi lá có từ 2 – 3 đôi lá chét mọc theo kiểu đối xứng nhau. Cuống lá hơi tròn, đầu là nhọn, ở giữa có gân chính. Ở mặt trên và dưới lá nơi gân chính đều có gai.

Hoa mắc khén mọc thành chùm đâm ra từ các kẽ lá, màu vàng. Quả nhỏ được tạo thành từ 1 – 5 mảnh vỏ ghép lại. Lớp vỏ ngoài quả cứng, nhăn nheo. Nhấm quả thấy có mùi thơm, vị đắng. Bên trong chứa một hạt màu đen bóng, mùi thơm như chanh.

+ Khu vực phân bố:

Cây mắc khén mọc hoang ở nhiều khu vực trên cả nước. Cây được tìm thấy nhiều nhất ở các tỉnh miền núi đá ở phía Bắc như: Hòa Bình, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên, Lạng Sơn, Hà Tây, Nghệ An hay Hà Tĩnh.

Trên thế giới, cây mắc khén còn có ở Trung Quốc. Nhiều nhất là các tỉnh Hải Nam, Quảng Tây hay Quảng Đông.

+ Bộ phận dùng

Bộ phận được sử dụng trên cây mắc khén chủ yếu là hạt. Ngoài tác dụng làm dược liệu, hạt mắc khén còn được người dân các tỉnh miền núi sử dụng như một loại gia vị tẩm ướp trong các món nướng hoặc thêm vào nước chấm. Một số nơi gọi hạt mắc khén là hạt sẻn hoặc hạt tiêu rừng.

Ngoài hạt thì rễ của cây cũng được sử dụng làm dược liệu trong một số bài thuốc trị bệnh.

+ Thu hái – Sơ chế

Rễ cây mắc khén có thể thu hái quanh năm. Sau khi mang về rửa sạch đất cát, thái lát mỏng đem phơi hoặc sấy khô.

Quả được thu hoạch từ tháng 9 – tháng 11 trong năm. Những chùm quả chín đỏ sẽ được người dân hái mang về phơi khô, đóng vào các túi ni lông dùng dần.

+ Thành phần hóa học

Trong hạt mắc khén chứa thành phần chủ yếu là tinh dầu, bao gồm các chất như:

  • Limonene
  • Linalool
  • Geanial
  • Neral

 

Vị thuốc mắc khén

+ Tính vị

Mắc khén có vị cay, tính ôn 

+ Quy kinh

  • Kinh Tỳ
  • Kinh Phế
  • Kinh Thận

+ Độc tính

Hơi có độc

+ Tác dụng dược lý của mắc khén

– Theo y học cổ truyền:

Đông y cho rằng, mắc khén có tác dụng trừ hàn, ôn trung, trợ tiêu hóa và sát hồi trùng. Chủ trị:

  • Đau bụng do lạnh
  • Tẩy giun sán
  • Thổ tả
  • Khó tiêu
  • Đau nhức xương khớp
  • Nhức răng
  • Tê thấp
  • Cảm lạnh
  • Sốt rét kinh niên

​​​​​​​hạt mắc khén (hạt sẻn)

Hạt mắc khén được phơi khô làm thuốc chữa bệnh hoặc làm gia vị

– Theo nghiên cứu hiện đại:

Nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra, mắc khén có những tác dụng như sau:

  • Kháng khuẩn: Thành phần alcaloid cùng tinh dầu trong hạt mắc khén có khả năng ức chế một số chủng vi khuẩn, virus. Chiết xuất từ rễ cây cũng thể hiện rõ tác dụng kháng khuẩn.
  • Giảm đau: Sử dụng rượu ngâm mắc khén để xoa bóp giúp giảm đau trong các trường hợp bị bệnh xương khớp, tụ máu, bầm tím ngoài da.

+ Liều lượng

Mắc khén có độc nhẹ nên khi sử dụng cần tham khảo ý kiến thầy thuốc để được tư vấn liều dùng an toàn.

+ Cách sử dụng

Sắc uống, bôi ngoài, làm gia vị hoặc ngâm rượu

Bài thuốc chữa bệnh sử dụng mắc khén

1. Điều trị bệnh tê thấp, sốt rét kinh niên

Mỗi ngày lấy 4 – 8 gram rễ mắc khén đem sắc uống hoặc có thể ngâm rượu sử dụng.

2. Bài thuốc tẩy giun sán

Lấy 12 – 15 hạt sẻn phơi khô, sao vàng, tán thành bột mịn. Để tẩy giun, pha với nước ấm uống vào buổi sáng sớm khi mới vừa ngủ dậy.

3. Chữa đầy bụng, ăn uống lâu tiêu

Hạt mắc khén khô cho vào chảo nóng sao thơm, giã thành bột mịn. Mỗi bữa lấy một ít rắc vào nước mắn hoặc thức ăn tương tự như dùng tiêu.

4. Điều trị đau nhức răng

Hạt mắc khén phơi khô, giã thành bột mịn. Khi bị đau nhức răng, lấy một ít bột thuốc bôi vào chỗ răng bị đau.

5. Rượu mắc khén chữa đau nhức xương khớp, bệnh phong thấp

Dùng rễ cây mắc khén rửa sạch, thái lát mỏng rồi đem phơi hoặc sấy khô. Sao vàng, hạ thổ xuống nền đất sạch cho nguội. Cứ 1kg rễ mắc khén cho vào bình thủy tinh ngâm chung với 2,5 lít rượu trắng. Sau 30 ngày có thể lấy rượu ra dùng.

Để trị đau nhức xương khớp hoặc bệnh phong thấp, mỗi lần uống 10 – 15ml trong các bữa ăn.

 

Lưu ý khi sử dụng mắc khén

  • Mắc khén là vị thuốc có độc nên không được lạm dụng quá mức ngay cả khi sắc uống hay làm gia vị.
  • Không sử dụng mắc khén liên tục trong thời gian dài dễ gây ngộ độc
  • Trẻ em, phụ nữ đang có thai hoặc sau sinh không nên dùng mắc khén
  • Trường hợp bị dị ứng với một trong các thành phần hóa học của dược liệu cũng không nên sử dụng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top