✴️ Phèn đen

Nội dung

Cây phèn đen có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thu liễm, sát trùng và lợi tiểu. Dược liệu này được sử dụng trong phạm vi nhân dân để chữa chứng kiết lỵ, tiêu chảy do nhiệt, rắn cắn, đinh nhọt do huyết nhiệt và hỗ trợ điều trị bệnh trĩ cấp độ I.

cây phèn đen có tác dụng gì

Cây phèn đen (Cây mực) là thực vật thân nhỡ, thuộc họ Thầu dầu – Euphorbiaceae

  • Tên gọi khác: Tạo phan diệp, Cây mực, Chè nộc
  • Tên khoa học: Phyllanthus reticulatus
  • Tên dược: Radix/ Folium phyllanthus Reticulatus
  • Họ: Thầu dầu (danh pháp khoa học: Euphorbiaceae)

 

Mô tả dược liệu

1. Đặc điểm thực vật

Phèn đen là loài thực vật thân nhỡ, cao khoảng 2 – 4m. Cành và nhánh có màu đen nhạt, mọc so le, phiến lá hình bầu dục, lá mỏng, mặt trên có màu sẫm hơn mặt dưới. Hoa màu ở nách lá, quả có hình cầu, thường có màu trắng sau chuyển sang màu đỏ hồng, khi chín quả có màu đen. Cây ra hoa và quả vào tháng 8 – 10 hằng năm.

2. Bộ phận dùng

Lá và rễ được dùng làm dược liệu. Một số nơi có thể dùng cả vỏ của thân.

3. Phân bố

Phèn đen là loài cây nhiệt đới, mọc hoang nhiều ở ven rừng và bờ bụi ven đường. Ngoài ra một số nơi còn trồng cây để làm hàng rào.

4. Thu hái – sơ chế

Rễ được thu hái vào mùa thu. Sau khi hái về đem bỏ tạp chất, rửa sạch đất cát, thái nhỏ và phơi khô để dùng dần. Lá thường được hái vào giai đoạn xuân – hè, sau khi hái về được phơi trong râm và bảo quản ở nơi khô ráo. Vỏ của cây được thu hái quanh năm. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần.

5. Bảo quản

Nơi thoáng mát và tránh ẩm.

6. Thành phần hóa học

Chưa có nghiên cứu.

 

Một số hình ảnh về cây phèn đen

cây phèn đen trị bệnh gì

Phèn đen có lá hình bầu dục tròn, lá rất mỏng và có mặt trên sẫm màu hơn mặt dưới

cây phèn đen trị bệnh gì

Hoa cây mực thường mọc ở nách lá, hoa có màu trắng và kích thước nhỏ

cây phèn đen mọc ở đâu

Quả phèn đen có màu xanh nhạt và hồng đỏ khi xanh, khi chín thường chuyển sang màu đen

 

Vị thuốc phèn đen

1. Tính vị

Rễ có vị chát, tính lạnh.

2. Qui kinh

Chưa có nghiên cứu.

3. Tác dụng dược lý

– Theo Đông Y:

  • Công dụng: Rễ có tác dụng chỉ tả, thu liễm và tiêu viêm. Vỏ gây chuyển hóa. Lá có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, lợi tiểu và sát trùng.
  • Chủ trị: Lá được dùng để trị huyết nhiệt gây đinh nhọt, ứ huyết do chấn thương, tiêu chảy, phù thũng, lỵ và sốt cao. Rễ được dùng để trị trẻ em cam tích, viêm thận, viêm gan, viêm ruột, lỵ và ruột kết hạch. Vỏ thân được dùng để trị chứng khó tiểu, đậu lên mủ,…
  • Ở Ấn Độ, cây phèn đen được dùng để trị bị thương ở răng và chứng ỉa chảy ở trẻ nhỏ.

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Đang cập nhật.

4. Cách dùng – liều lượng

Dược liệu được dùng ở dạng sắc uống hoặc dùng ngoài. Liều lượng tùy thuộc vào mục đích sử dụng và độ tuổi.

 

Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây phèn đen

hình ảnh cây phèn đen

Cành lá tươi của cây phèn đen được dùng để trị rắn cắn, vết thương hở, nhọt độc mới phát

1. Bài thuốc trị chứng kiết lỵ

  • Chuẩn bị: Mạch nha, cam thảo đất và ý dĩ phơi khô mỗi thứ bằng lượng nhau, lá phèn đen tươi.
  • Thực hiện: Đem phèn đen giã nát, thêm nước và lọc lấy nước cốt. Các vị thuốc khác đem tán bột, dùng ½ thìa bột uống với nước phèn đen.

2. Bài thuốc giải độc cho rắn cắn

  • Chuẩn bị: Lá phèn đen tươi
  • Thực hiện: Giã nát, nuốt nước và lấy bã đắp.
  • Lưu ý: Sau khi sơ cứu nên đến bệnh viện gần nhất để được điều trị kịp thời.

3. Bài thuốc trị chứng chảy máu ở nướu

  • Chuẩn bị: Lá xuyên tiêu, long não và lá phèn đen phơi khô.
  • Thực hiện: Ngậm lâu trong miệng để cầm máu.

4. Bài thuốc trị vết thương hở

  • Chuẩn bị: Bột lá phèn đen.
  • Thực hiện: Rắc lên vết thương hở đến tăng tốc độ hồi phục.

5. Bài thuốc trị nhọt độc mới phát

  • Chuẩn bị: Lá bèo ván và lá phèn đen.
  • Thực hiện: Giã nát và đắp lên vùng đau nhức.

6. Bài thuốc chữa chứng đại tiện ra phân lỏng do nhiệt

  • Chuẩn bị: Đậu đen sao vàng và phèn đen ngọn có lá mỗi vị 40g.
  • Thực hiện: Đem dược liệu cho vào nồi, đổ 800ml nước đun sôi còn lại 200ml. Chia nước sắc thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày. Nên dùng liên tục trong 3 – 5 ngày để có kết quả tốt.

7. Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh trĩ cấp độ I

  • Chuẩn bị: Lá huyết dụ 5 lá, trắc bách diệp 1 nắm và lá phèn đen 1 nắm.
  • Thực hiện: Đem các vị rửa sạch, thái nhỏ và sao vàng hạ thổ. Sau đó sắc với 800ml nước, còn lại 200ml. Uống 150ml, chia thành nhiều lần nhỏ và dùng hết trong ngày. Còn lại 50ml đem hòa thêm nước, đun kỹ và dùng ngâm rửa trĩ từ 1 – 2 lần/ ngày. Liệu trình kéo dài từ 5 – 10 ngày, nên thực hiện nhiều liệu trình để đạt kết quả tốt.

8. Bài thuốc chữa lỵ

  • Chuẩn bị: Vỏ quả lựu và rễ phèn đen (sao vàng hạ thổ) mỗi vị 20g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc uống, chia thành 2 lần dùng. Nên dùng đều đặn từ 3 – 7 ngày.

9. Bài thuốc chữa sưng đau và bầm tím do té ngã

  • Chuẩn bị: 30g lá phèn đen.
  • Thực hiện: Giã nát và đắp lên vùng tổn thương trong vòng 30 phút. Thực hiện liên tục trong 3 – 5 ngày sẽ hết sưng đau và bầm tím.

10. Bài thuốc chữa gai cột sống

  • Chuẩn bị: Lá lốt và phèn đen khô mỗi vị 30g, rễ gấc 10g, cỏ xước và lá bưởi bung mỗi vị 20g.
  • Thực hiện: Đem các dược liệu sao vàng, sau đó sắc với 1.5 lít nước trong 2 giờ đồng hồ. Chia nước sắc thành 3 phần bằng nhau, dùng sau khi ăn khoảng 30 phút.

11. Bài thuốc chữa chứng thận hư và suy giảm chức năng thận

  • Chuẩn bị: Cây mực, cây quýt gai, cây muối và cây nổ mỗi vị 20g.
  • Thực hiện: Đem sắc với 1.5 lít nước, còn lại phân nửa và chia thành nhiều lần uống hết trong ngày.

12. Bài thuốc trị chứng kiết lỵ

  • Chuẩn bị: Dây mơ lông, cỏ seo gà, rễ phèn đen và cỏ tranh mỗi vị 20g, gừng tươi 2 lát.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống, chia thành 2 – 3 lần dùng.

 

Những điều cần lưu ý khi dùng dược liệu phèn đen

  • Thận trọng khi dùng cho phụ nữ mang thai.

Cây phèn đen có tác dụng chữa các chứng bệnh ngoài da do nhiệt, tiêu chảy, kiết lỵ và gai cột sống. Tuy nhiên phần lớn các bài thuốc từ dược liệu này đều được lưu truyền trong phạm vi nhân dân, vì vậy bạn nên trao đổi với bác sĩ để xác định mức độ hiệu quả và tính an toàn trước khi áp dụng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top