✴️ Rau khúc

Theo Đông y, rau khúc có tính bình và vị ngọt, đắng, có tác dụng trừ phong hàn và hóa đàm. Do đó, có thể sử dụng thảo dược thiên nhiên này điều trị bệnh ung thũng, ho nhiều đờm, cảm lạnh phát sốt,…

Rau khúc

Hình ảnh cây và hoa rau khúc nếp – Chúng thường ra hoa vào khoảng tháng 4 – tháng 6

+ Tên khác: Hoàng nhung gần, phật nhĩ thảo, thanh minh thảo, thử khúc thảo, hài nhi thảo hoặc hoàng hoa bạch thảo,…

+ Tên khoa học: Gnaphalium affine D. Don (Gnaphalium multiceps Wall.)

+ Họ: Cúc Asteraceae

 

I. Mô tả cây rau khúc

1. Đặc điểm thực vật

Rau khúc là loại cây thân thảo sống lâu năm. Cây mọc đứng thành cụm, có chiều cao từ 20 – 30 cm. Thân cây được bao phủ bởi lớp lông trắng như len. Lá cây mọc so le, hình mũi mác, có đầu hơi nhọn. Lá có chiều dài 4 – 6 cm và rộng 0.5 – 0.8 cm. Cả hai bề  mặt lá đều có lông len, gân giữa nổi rõ. Hoa nhỏ mọc thành cụm ở ngọn thân, có cánh nhỏ khoảng 2 mm, màu vàng. Quả bế hình trứng, có các hạch nhỏ. Quả khúc thường là vào tháng 3 – 5.

2. Phân loại

Rau khúc có hai loại là rau khúc nếp và rau khúc tẻ. Điểm khác biệt giữa hai loại rau này là lá cây khúc tẻ thường to hơn khúc nếp. Nhưng, rau khúc nếp thường thơm và ngon hơn khúc tẻ.

3. Phân bố

Thanh minh thảo mọc nhiều ở các các tỉnh Đông Á như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Nepal, Ấn Độ và Thái Lan. Tại Việt Nam, loại rau này thường được tìm thấy ở các tỉnh trải dài từ Hà Giang đến Bảo Lộc như Hà Nam, Ninh Bình, Hà Tây, Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Bắc Giang,…

4. Bộ phận dùng, thu hái và chế biến

  • Bộ phận dùng: Toàn thân

  • Thu hái và chế biến: Thu hoạch quanh năm. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô để dành dùng.

5. Thành phần hóa học

Theo nhà nghiên cứu người Nhật Bản Tachibana Kenji và cộng sự cho biết, rau khúc nếp chứa các thành phần chính sau: 

  • Quercetin

  • Luteolin

  • 4,  2’,   4’ – trihydroxy –  6 ‘ – methoxy chalcon -4’ – O – β – glucosid

Ngoài các thành phần này, Trung dược từ hải III, 1218; Võ Văn Chi,1997 cho biết thanh minh thảo còn chứa các hoạt chất khác như:

  • 5% Flavonoid

  • 0.05% tinh dầu

  • Gnaphalin

  • 2, 4, 4’- trihydroxy-6’ – methoxychalcon – 4’ – β – D – glucopyranosid

  • Lutcoloin -4’- β –D – glucosid

  • Stigmasterol

  • Alcaloid

  • 0.58%xà phòng hóa 

  • Vitamin C, B và các caroten

  • Dầu béo

Rau khúc tẻ

Hình ảnh cây rau khúc tẻ – Ngoài dùng làm nguyên liệu chế biến món ăn còn dùng làm thuốc chữa bệnh

II. Vị thuốc rau khúc

1. Tính vị và qui kinh

Tính bình, vị ngọt và hơi đắng, không chứa độc, đi vào kinh Tỳ và Phế

2. Tác dụng dược lý

  • Làm giảm ho: Sử dụng nước sắc thanh minh thảo với liều lượng dược liệu khô là 4 g/kg có thể gây ức chế ngưng tiểu cầu và làm giảm ho ở chuột nhắt trắng

  • Kháng khuẩn: Nước sắc của 1 gram rau khúc sau khi cô còn 1 ml dung dịch có tác dụng ức chế và kiểm soát trực khuẩn lỵ Shigella và vi khuẩn Staphyỉococcus aureus

3. Công dụng, cách dùng và liều lượng

Theo Đông y, thanh minh thảo có tác dụng tiêu viêm, thanh nhiệt,… Do đó, thảo dược thường dùng cải thiện các vấn đề sức khỏe như:

  • Giúp điều kinh và hạ huyết áp ở những người huyết áp cao

  • Điều trị cảm sốt, ho và các bệnh lý đường hô hấp khác như viêm khí quản mạn tính, viêm amidan hoặc hen suyễn có đờm

  • Chữa đau nhức xương khớp do phong tê thấp gây nên

  • Giúp chữa chấn thương 

  • Trị rắn và côn trùng cắn

Thanh minh thảo có thể điều trị bệnh thông qua bài thuốc đắp ngoài hoặc sắc uống. Liều dùng đối với thuốc sắc là 15 – 30 gram. Ngoài ra, có thể tăng cường sức khỏe thể lực bằng cách bổ sung thanh minh thảo vào khẩu phần ăn hàng ngày.

 

III. Bài thuốc chữa bệnh từ rau khúc theo kinh nghiệm dân gian

  • Điều trị hen suyễn có đờm, viêm khí hoặc phế quản mạn tính: Dùng 15 gram rau khúc, 10 gram hạt mơ, 15 gram tỳ bà diệp và 15 gram khoản đông hoa. Sắc uống

  • Chữa viêm họng, ho và cảm sốt: Sử dụng 30 gram rau khúc khô sắc chung với 10 gram hành và 10 gram gừng. Uống thường xuyên cho đến khi triệu chứng bệnh thuyên giảm

  • Trị ho có nhiều đờm: Lấy 15 – 20 gram rau khúc đem sắc chung với 15 – 20 gram đường phèn và uống trong ngày

  • Điều trị suyễn và viêm phế quản do lạnh: Chuẩn bị 15 gram rau khúc khô,  9 gram vân vụ thảo, 12 gram thiên trúc tử, 30 gram tề ni căn, 15 gram hoàng giới tử và 9 gram tiền hồ. Mỗi ngày 1 thang sắc uống liên tục trong 5 ngày giúp hỗ trợ điều trị bệnh

Bài thuốc chữa bệnh từ rau khúc

Dùng rau khúc phối trộn với một vài loại dược liệu tự nhiên khác giúp chữa viêm phế quản do lạnh

  • Chữa cao huyết áp: Dùng 20 gram lá dâu nấu canh với 30 gram rau khúc tươi, ăn mỗi ngày

  • Điều trị bệnh gút: Giã nát cành non của rau khúc rồi đắp lên vị trí sưng sẽ giúp giảm đau nhức. Cần kiên trì thực hiện đều đặn mỗi ngày mới đạt được kết quả tốt

  • Cải thiện tình trạng chân gối sưng thũng và gân cốt sưng đau: Sử dụng 30 – 60 gram cây thanh minh thảo khô sắc nước và uống trong ngày

  • Điều trị nhọt đầu đinh mới mọc: Sử dụng một ít lá rau khúc tươi trộn với cơm nguội và đắp lên mụn nhọt đầu đinh. Đắp 2 – 3 lần mỗi ngày, chỉ sau vài ngày mụn nhọt sẽ xẹp dần

  • Điều trị khí hư bạch đới: Dùng 15 gram rau khúc, 12 gram thổ ngưu tất, 15 gram đăng tâm thảo và 15 gram phượng vĩ thảo. Tất cả các vị thuốc đem sắc nước uống trong ngày giúp chữa khí hư nhưng không được uống trong những ngày hành kinh vì thuốc có thể gây rong kinh

  • Chữa ngộ độc đậu la hán hoặc đậu răng ngựa: Chuẩn bị 60 gram rau khúc khô, 15 gram nhân trần, 30 gram xa tiền thảo và 30 gram phượng vĩ thảo. Cho thuốc vào ấm và sắc chung với 1200 ml nước. Sắc cho đến khi nước thuốc cạn còn 800 ml, lọc lấy thuốc và uống trong ngày

 

IV. Lưu ý khi sử dụng rau khúc

Trong quá trình sử dụng rau khúc, các bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu:

  • Đang có thai hoặc đang cho con bú

  • Bạn bị dị ứng với bất kỳ loại thực phẩm nào hoặc dị ứng với thành phần có trong rau

  • Sử dụng thuốc tân dược hoặc thuốc Đông y khác

Độ an toàn của rau khúc cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Do đó, để hạn chế những tác động không mong muốn đến sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top