✴️ Kỹ thuật khối tế bào bệnh phẩm chọc hút kim nhỏ

Nội dung

NGUYÊN TẮC

Nhằm tập trung các tế bào đơn lẻ, rải rác trong bệnh phẩm chọc hút kim nhỏ thành một khối, có thể đưa vào chuyển, đúc, cắt nhuộm giống quy trình mô học thường qui, tiết kiệm tối đa mẫu bệnh phẩm lấy ra khỏi cơ thể người bệnh.

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện

Bác sĩ giải phẫu bệnh - tế bào bệnh học:                       01 

Kỹ thuật viên giải phẫu bệnh - tế bào bệnh học:          01

Phương tiện, hóa chất

Ống nghiệm thủy tinh kích thước 10 x 1,6cm. 

Formol đệm trung tính 10%, thrombin hoặc thạch agar 3%.

Máy ly tâm, khuôn nhựa, phiến kính, giấy gói mô học (loại không dính).

Que gỗ nhỏ, bông gòn (loại không thấm nước), tủ lạnh, lò vi sóng.

Các dụng cụ, hóa chất kỹ thuật của quy trình mô học thường qui (nhuộm HE, PAS…).

Người bệnh

Người bệnh được thực hiện thủ thuật chọc hút kim nhỏ (FNA) để lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm tế bào. 

Phiếu xét nghiệm

Điền đầy đủ các thông tin hành chính của người bệnh (tên, tuổi, số giường, số phòng, khoa phòng), chẩn đoán lâm sàng, tóm tắt các thông tin lâm sàng và cận lâm sàng, yêu cầu xét nghiệm khối tế bào bệnh phẩm chọc hút kim nhỏ (cellblock FNA); ngày, giờ lấy bệnh phẩm.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Lấy bệnh phẩm

Bệnh phẩm FNA được chọc hút tại các khoa lâm sàng hoặc khoa giải phẫu bệnh - tế bào bệnh học. 

Bệnh phẩm sau khi lấy được bơm một phần ra phiến kính để làm phiến đồ phết (1- 2 phiến đồ), phần còn lại (dịch thừa trong lòng kim hoặc bơm tiêm) được rửa bằng 5-10 ml formol đệm trung tính 10% (dùng các kim hỗ trợ nếu cần), cho vào ống nghiệm rồi gửi ngay về hoa giải phẫu bệnh - tế bào bệnh học. Các trường hợp chọc hút nhiều dịch thì làm kỹ thuật khối tế bào dịch (như phần trên).

Lưu ý: nếu không có formol đệm trung tính 10% để rửa thì có thể dùng nước muối sinh lý thay thế, nhưng sau khi rửa xong, phải gửi ngay bệnh phẩm về khoa giải phẫu bệnh - tế bào bệnh học.

Tiến hành kỹ thuật

Bước 1: cho các ống nghiệm chứa bệnh phẩm FNA vào máy ly tâm trong  10 phút với tốc độ 2000 vòng/phút.

Bước 2: loại bỏ lớp dịch trong phía trên để lấy phần lắng cặn tế bào, cố định cặn tế bào trong formol đệm trung tính 10% tối thiểu 1 giờ.

Bước 3: ly tâm bệnh phẩm lần nữa với tốc độ 2000 vòng/phút trong 10 phút nếu cần (nếu bệnh phẩm đã hình thành khối chắc thì quy trình có thể chuyển trực tiếp từ bước 2 sang bước 4).

Bước 4: loại bỏ formol vào lọ đựng nước thải. Thêm vào một lượng nhỏ thrombin hoặc thạch (agar) 3% (3g bột thạch hòa tan trong 100ml nước cất) đã nóng chảy (bằng lò vi sóng trong 10 giây ở nhiệt độ trung bình) vào ống nghiệm. Chờ thrombin hoặc thạch đông lại. Cho vào tủ lạnh để thạch (agar) đông nhanh hơn (nếu cần thiết). Thrombin hoặc thạch (agar) có tác dụng gia cố độ vững chắc cho khối tế bào.

Chú ý: phải đảm bảo chắc chắn không có bọt khí khi cho thạch (agar) vào ống.

Bước 5: dùng que gỗ nhỏ để lấy khối tế bào ra khỏi ống và đặt lên một tờ giấy (loại giấy không dính có trong phòng xét nghiệm mô bệnh học). Gói khối tế bào trong giấy này và đặt vào trong khuôn nhựa đã được dán nhãn với tên và mã số Người bệnh.

Bước 6: cho khuôn nhựa có chứa khối tế bào tiếp tục được thực hiện các bước như trong quy trình mô học thường qui. 

Bước 7: các mảnh cắt từ khối tế bào có độ dày từ 3 - 5 µm được nhuộm Hematoxylin - Eosin và nhuộm đặc biệt (PAS, mucicarmin...) hoặc nhuộm hóa mô miễn dịch (nếu cần).

 

KẾT QUẢ

Khối tế bào lưu giữ được các loại tế bào và gợi lại một phần cấu trúc mô tốt hơn so với phiến đồ, cho phép cắt được nhiều mảnh cắt giống nhau. Nhuộm HE, nhuộm đặc biệt và nhuộm hóa mô miễn dịch cho phép chẩn đoán xác định được nhiều loại tổn thương như nấm, tổn thương ác tính hoặc định hướng nguồn gốc của các u nguyên phát.

 

NHỮNG SAI SÓT VÀ HƯỚNG XỬ TRÍ

Số lượng bệnh phẩm FNA thường rất ít, do vậy nên dùng luôn ống nghiệm kích thước 1,6 x 10cm (loại vừa với giá ly tâm của phòng xét nghiệm) để đựng dịch rửa lòng kim, tránh tình trạng phải đổi sang nhiều loại ống cho vừa máy ly tâm, gây mất bệnh phẩm trong quá trình làm kỹ thuật.

Trong quá trình làm kỹ thuật có thể bị nhầm lẫn bệnh phẩm do quy trình gồm nhiều bước, rơi vỡ ống xét nghiệm làm mất bệnh phẩm… Cần phải làm việc tập trung, luôn luôn có sự kiểm tra, đối chiếu để tránh những sai sót không đáng có. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top