Hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Nội dung

Quy chế phối hợp số 03/QC-BCA-BYT ngày 26-9-2013 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế.

Theo các nội dung của Quy chế phối hợp, Cục Quản lý khám, chữa bệnh sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động phối hợp cơ quan công an thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; hướng dẫn cho toàn thể cán bộ, nhân viên y tế tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật khác góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo vệ tài sản, tính mạng, sức khỏe và danh dự của nhân viên y tế; chủ động thông báo cho Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, công an cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố), công an cấp xã (xã, phường, thị trấn, đồn công an) và chính quyền địa phương tình hình an ninh, trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xác định nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm. Qua đó làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật đạt hiệu quả.

Khi xảy ra vụ, việc có tính chất khẩn cấp, phức tạp về an ninh, trật tự tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ... đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản của nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh thì chủ động giải quyết ban đầu; đồng thời thông báo ngay cho lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh qua số điện thoại khẩn cấp 113 và số điện thoại đường dây nóng của công an địa phương để được ngăn chặn, giải quyết...

Về phía Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, chỉ đạo, hướng dẫn các lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý và giải quyết ban đầu các vụ, việc liên quan an ninh, trật tự báo đến số điện thoại khẩn cấp 113 và số điện thoại đường dây nóng của công an địa phương. Bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát thường xuyên bảo đảm an ninh, trật tự; tăng cường cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc T.Ư, các tỉnh, thành phố và quận, huyện, thị xã…

Hiện nay, hầu hết các bệnh viện đều xây dựng mô hình “4 an toàn về an ninh trật tự”. Nhờ vậy, cán bộ, y bác sĩ, công nhân viên nâng cao ý thức, tự giác tham gia bảo vệ tài sản chung và của cá nhân.

Để đảm bảo an toàn cho người bệnh và đội ngũ y, bác sĩ, các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường rà soát, củng cố toàn bộ khuôn viên, tường rào, kiểm soát lối ra, vào, hệ thống camera giám sát an ninh, hệ thống báo động khẩn cấp; bố trí lực lượng bảo vệ thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng xử lý các tình huống liên quan đến ANTT.

Các bệnh viện thiết lập mạng lưới đường dây nóng với lực lượng công an cơ sở để kịp thời gọi và hỗ trợ khẩn cấp trước các tình huống, nguy cơ mất ANTT. Lực lượng công an thường xuyên phối hợp với các cơ sở y tế nắm bắt dư luận và thực hiện các biện pháp, công tác nghiệp vụ đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động khám, chữa bệnh.

Tại các bệnh viện cần chú ý tăng cường:

  • Bảo vệ tăng cường tuần tra, nhắc nhở bệnh nhân, người thân, các y, bác sĩ nâng cao tinh thần cảnh giác bảo vệ tài sản và xử lý kịp thời các trường hợp có dấu hiệu trộm cắp, gây rối. Khi làm nhiệm vụ, lực lượng bảo vệ được trang bị đầy đủ những công cụ hỗ trợ.
  • Bệnh viện lắp đặt hệ thống camera giám sát, theo dõi và hoạt động 24/24; xây dựng hàng rào ngăn cách khu vực trong và ngoài bệnh viện. Không để xảy ra các vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh.
  • Lãnh đạo bệnh viện đổi mới việc tiếp nhận xử lý thông tin tố giác tội phạm và ý kiến phản ánh của người dân qua hòm thư cố định, hộp thư điện tử, mạng xã hội, đường dây nóng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phòng ngừa tiêu cực…
  • Cùng với đó, bệnh viện thực hiện tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, kỹ năng ứng xử, giao tiếp cho cán bộ, y bác sĩ, người lao động. Nhờ vậy, tình hình ANTT tại bệnh viện ổn định, tạo thuận lợi cho công tác khám, chữa bệnh.

Đặc biệt, chuyên gia về an ninh cũng nhấn mạnh đến thái độ ứng xử của đội ngũ y bác sĩ khi tiếp khi tiếp xúc với người nhà bệnh nhân. Theo đó, với những tình huống bệnh lý phức tạp (bệnh nhân nguy kịch, biến chứng xấu…) các y bác sĩ cần có sự cảnh giác đề phòng, nên giữ khoảng cách an toàn, hạn chế tiếp xúc quá gần. Nếu thấy câu chuyện diễn biến theo chiều hướng căng thẳng, nảy sinh cãi vã, đôi co, nhân viên y tế cần mềm mỏng lắng nghe rồi tìm cách rời đi, không đứng lại tranh luận đúng sai rồi bấm chuông báo động hoặc gọi lực lượng bảo vệ đến xử lý, đưa kẻ quá khích ra ngoài. Những kỹ năng phòng vệ này có thể giúp y bác sĩ chủ động thoát khỏi những tình huống nguy hiểm.

return to top