Hiến máu có làm giảm sức đề kháng của cơ thể, làm virut dễ dàng tấn công cơ thể hơn hay không?

Nội dung

Sau mỗi dịp lễ Tết và đặc biệt là trong giai đoạn phòng chống virus như hiện nay, tình trạng thiếu máu tại các ngân hàng máu thường xuyên xảy ra.

Hiến máu chủ yếu là hiến hồng cầu. Máu gồm có huyết tương chiếm 55% thể tích máu và các tế bào máu chiếm 45% còn lại. Các tế bào máu gồm có hồng cầu chiếm số lượng nhiều nhất, kế tiếp là bạch cầu và tiểu cầu.

  • Đời sống của hồng cầu là khoảng 90 ngày, dài nhất trong các tế bào máu. Đây là khoảng thời gian cần thiết để một hồng cầu sinh ra, thực hiện chức năng và bị tiêu hủy trong gan, lá lách. Nói một cách khác, mọi hồng cầu lưu hành trong máu đều lần lượt được tủy xương sinh ra và được thay thế sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Vậy nên, khi cho đi một phần lượng máu rất nhỏ trong cơ thể, đối với bản thân người cho sẽ không bị ảnh hưởng gì, nhưng với người nhận lại là một “nguồn sống” mới.
  • Trong cơ thể chúng ta có từ 4,5 – 5 lít máu, vì thế khi chúng ta cho đi một đơn vị máu thông thường từ 250ml – 350ml (tương đương với 5% tổng thể tích máu toàn cơ thể) sẽ tạo điều kiện kích thích tủy xương tăng sinh hồng cầu tạo ra hồng cầu mới. Sau khi hiến máu, lượng máu sẽ được hồi phục sau 3 -5 ngày. Các thành phần trong máu được tái tạo và trẻ hóa, có sức đề kháng chống lại bệnh tật.
  • Chính nhờ chu kỳ sinh lý của máu, hiến máu hoàn toàn không có ảnh hưởng gì tới sức khỏe nếu thể tích máu hiến phù hợp với thể trạng cũng như tần suất hiến hợp lý.

 

Lợi ích của việc hiến máu :

  • Giúp kích thích khả năng tạo máu
  • Thể tích máu được ước tính là chiếm 1/10 khối lượng cơ thể. Như vậy, một người trưởng thành nặng trung bình 50kg sẽ có lượng máu khoảng 5000 ml. Tuy nhiên, quy định hiến máu mỗi lần là không quá 9 ml/kg (tức khoảng 450 ml) và cũng không quá 500 ml trong một lần hiến. Vậy nên, lượng máu cho đi là không quá nhiều.
  • Hơn thế nữa, khi một lượng máu trong cơ thể bị mất đi, hệ thống tủy xương sẽ có phản ứng tạo ra nguồn máu mới. Chính điều này giúp máu trong cơ thể có cơ hội được thay đổi, chất lượng hồng cầu được trẻ hóa nên sẽ làm việc hiệu quả hơn.
  • Thực tế, chỉ có phụ nữ trong lứa tuổi sinh sản mới có quá trình mất máu sinh lý mỗi tháng do chu kỳ kinh nguyệt. Còn lại các đối tượng khác như nam giới, phụ nữ sau mãn kinh, các tế bào hồng cầu được thay mới một cách chậm chạp, khả năng ứng phó với sự mất máu sẽ kém đi nếu thiếu máu đột ngột xảy ra. Chính vì thế, đi hiến máu định kỳ là một dịp để nguồn máu trong huyết quản trở nên tươi mới hơn cũng như hệ tạo máu thường xuyên được trau dồi.

Các nghiên cứu hiện có chưa cho thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc hiến máu có thể làm giảm hiệu quả của tiêm bất cứ loại vắc xin nào bao gồm vắc xin phòng chống COVID-19 đối với cơ thể người được tiêm phòng, cũng như việc được truyền máu từ người đã được tiêm vắc xin COVID không nhận thấy có ảnh hưởng bất lợi nào ở người bệnh nhận máu.

Khi cơ thể bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 hoặc được tiêm vắc xin chống vi rút này, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ sản sinh ra các tế bào bạch cầu lympho T và các kháng thể đặc biệt, có khả năng ghi nhớ để chiến đấu với tác nhân gây bệnh COVID-19 nếu bị chúng tấn công trong tương lai. Các tế bào có khả năng đáp ứng miễn dịch này được lưu giữ trong máu và một số cơ quan khác như gan, lách, hạch.

Chỉ một lượng rất nhỏ các tế bào bạch cầu được lấy đi trong quá trình hiến máu, không làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, không làm mất đi các kháng thể được hình thành trong quá trình đáp ứng với vắc xin. Việc hiến máu không hề loại bỏ vắc xin khỏi cơ thể.

Nói cách khác, cơ thể người trưởng thành có trung bình khoảng 4 – 6 lít máu (tùy thuộc vào cân nặng) và mỗi lần hiến máu chỉ cho đi 350 – 450 ml máu. Số lượng kháng thể chống lại vi rút SARS-CoV-2 trong lượng máu hiến là không đáng kể, trong khi cơ thể lại thường xuyên sản sinh ra lượng máu mới, bao gồm cả các tế bào bạch cầu cần cho đáp ứng miễn dịch.

Hi vọng những giọt máu hồng của chúng ta sẽ đem đến những sự sống cho những bệnh nhân đang cần. Đặc biệt trong giai đoạn khan hiếm máu như hiện nay

return to top