Tử vong do kháng thuốc sẽ ngày càng tăng

Nội dung

1. Cuộc chiến với vi khuẩn kháng thuốc bắt đầu ngay từ khi kháng sinh 

Ngay từ khi loại kháng sinh đầu tiên penicillin ra đời cách đây gần 1 thế kỉ, cuộc chiến với vi khuẩn kháng thuốc đã bắt đầu. Thực tế cho thấy, một loại thuốc mới được nghiên cứu ra sẽ nhanh chóng bị vi khuẩn kháng lại. Gần đây, tốc độ kháng kháng sinh của vi khuẩn quá nhanh, thuốc mới chỉ có mặt trên thị trường 2 – 3 năm đã bị kháng. Các nhà khoa học đang gấp rút tìm những liệu pháp mới có thể diệt vi khuẩn mà không cần dùng thuốc kháng sinh. Trong lúc này, 2 nguyên tắc quan trọng nhất được nhiều chuyên gia y tế khuyên dùng để kháng sinh phát huy tác dụng là dùng đúng và đủ.

2. Kháng kháng sinh là mối đe dọa lớn nhất trên toàn cầu

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với sự phát triển của thương mại và du lịch toàn cầu, các vi sinh vật kháng thuốc có thể lây lan nhanh chóng đến bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nếu không có hành động hiệu quả đối phó với tình trạng này, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo: đến một ngày nào đó, nhiều bệnh truyền nhiễm sẽ trở nên không kiểm soát được, 10 triệu người có thể tử vong mỗi năm do vi khuẩn kháng thuốc. Con số này cao hơn cả số người tử vong do ung thư hàng năm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cảnh báo đề kháng kháng sinh là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe, an ninh lương thực và sự phát triển của toàn cầu. Đề kháng kháng sinh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi, ở bất kỳ quốc gia nào. Kháng thuốc xảy ra một cách tự nhiên, nhưng lạm dụng thuốc kháng sinh ở người và động vật đang đẩy nhanh tiến trình này. Số lượng các bệnh nhiễm trùng ngày càng tăng, như viêm phổi, lao, lậu và nhiễm khuẩn salmonella đang trở nên khó điều trị hơn khi các loại thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị chúng trở nên kém hiệu quả hơn.

Thực tế, tình trạng kháng kháng sinh đang là nỗi lo chung của cả thế giới. Tốc độ nghiên cứu và bào chế thuốc kháng sinh thế hệ mới hiện không kịp so với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc. Trong hơn 5 năm (từ 1983 đến 1987), cơ quan Quản lý Dược và thực phẩm Mỹ chỉ cấp giấy chứng nhận sử dụng cho 18 loại kháng sinh. Từ năm 2008 đến nay không có thêm kháng sinh mới nào được tìm ra.

Tình trạng kháng thuốc không chỉ trì hoãn việc điều trị cho bệnh nhân bằng kháng sinh phù hợp mà còn gây mất hiệu quả trong chống nhiễm trùng, mất hiệu quả của kháng sinh dự phòng trong các thủ thuật y khoa và phẫu thuật. Hậu quả là tăng tỷ lệ bệnh nhân tử vong, tăng thời gian điều trị nội trú và tốn kém chi phí điều trị.

tình trạng kháng thuốc

3. Khuyến cáo 

Đề kháng kháng sinh dẫn đến thời gian nằm viện lâu hơn, chi phí y tế cao hơn và làm tăng tỷ lệ tử vong. Do đó, bác sĩ khuyến cáo:

3.1. Đối với mỗi cá nhân trong cộng đồng:

  • Chỉ sử dụng kháng sinh khi được bác sĩ kê toa
  • Không bao giờ yêu cầu thuốc kháng sinh nếu bác sĩ nói rằng không cần chúng.
  • Luôn luôn làm theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng thuốc kháng sinh.
  • Không bao giờ chia sẻ hoặc sử dụng thuốc kháng sinh dư thừa của người khác.
  • Ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách thường xuyên rửa tay, chuẩn bị thức ăn hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần gũi với người bệnh, quan hệ tình dục an toàn và tiêm chủng vắc xin đúng lịch.
  • Chuẩn bị thức ăn hợp vệ sinh, tuân thủ các nguyên tắc an toàn thực phẩm bao gồm: giữ sạch, tách riêng nguyên liệu sống và chín, nấu kỹ, giữ thức ăn ở nhiệt độ an toàn, sử dụng nước sạch và nguyên liệu tươi sống; và chọn thực phẩm đã được sản xuất mà không sử dụng kháng sinh để thúc đẩy tăng trưởng hoặc phòng ngừa bệnh ở động vật khỏe mạnh.

3.2. Trong môi trường các cơ sở y tế

  • Ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách rửa tay, dụng cụ và môi trường sạch sẽ.
  • Chỉ kê đơn và phân phối kháng sinh khi cần thiết, theo phác đồ hiện hành.
  • Báo cáo tình trạng vi khuẩn đề kháng kháng sinh cho nhóm giám sát.
  • Cố gắng thống nhất với bệnh nhân về cách sử dụng kháng sinh đúng cách, hậu quả đề kháng kháng sinh và nguy cơ lạm dụng thuốc.
  • Thông tin rõ về việc phòng ngừa nhiễm trùng như tiêm chủng, rửa tay, quan hệ tình dục an toàn, che mũi và miệng khi hắt hơi.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top