✴️ Đại cương tai nạn bỏng

DỊCH TỄ HỌC BỎNG:

Bỏng là tổn thương của cơ thể do tác dụng trực tiếp với các nguồn nhiệt, điện, hoá chất và bức xạ.

Da là bộ phận cơ thể hay bị bỏng, ngoài ra có thể gặp bỏng đường thở (do hít phải hơi nóng, hoá chất dạng khí…), bỏng đường tiêu hoá (do uống phải dịch nóng hoặc hoá chất), bỏng mắt. Các bộ phận dưới da (gân, cơ, xương, khớp, mạch máu, thần kinh...), các cơ quan trong cơ thể cũng có thể bị bỏng.

Hàng năm ở Hoa k hàng năm có khoảng 1,4-2 triệu người bị bỏng; 70.000-

108.000 bệnh nhân vào điều trị. Tại viện Bỏng quốc gia Việt nam, hàng năm có 5000-6000 bệnh nhân bỏng vào điều trị.

 

HOÀN CẢNH BỊ BỎNG:

Tai nạn sinh hoạt chiếm tỷ lệ 60-65% tổng số nạn nhân bỏng với các hoàn cảnh hay gặp: sơ xuất trong nấu bếp gây bỏng do thức ăn nóng hoặc chính những nhiên liệu để nấu thức ăn, do tàng trữ xăng dầu hoặc các vật liệu dễ cháy nổ, các thiết bị điện gia dụng hoặc ở môi trường sinh sống không an toàn. Bỏng còn do nguyên nhân tiêu cực như tự thiêu, đốt nhau, hắt axit để trả thù, bẫy điện ...

Tai nạn lao động chiếm khoảng 5-10% số nạn nhân, hay gặp tai nạn do không tuân thủ các quy trình an toàn, phòng chống cháy nổ trong lò hơi, hầm lò, dây chuyền, xưởng sản xuất, mất an toàn điện...

Tai nạn giao thông ít gặp hơn, chiếm khoảng 2 -5%, hay gặp do bỏng ống xả xe máy, nhựa đường nóng chảy, bỏng điện do cẩu hàng hóa, còn gặp những vụ tai cháy xe oto, xe chở khách, cháy hầm tàu thủy...

Tai nạn do các tác nhân không mong muốn khác: thiên tai, cháy rừng, thảm hoạ, cháy nổ …

 

TÁC NHÂN GÂY BỎNG:

Gặp do nhiệt, điện, hóa chất và một số tác nhân khác.

Bỏng do nhiệt chiếm tỉ lệ cao hay gặp bỏng do nhiệt ướt và nhiệt khô.

Nhiệt ướt: là nguyên nhân hàng đầu gây bỏng. Nạn nhân bị bỏng do nước sôi, thức ăn nóng sôi như mỡ, cháo, canh, cám lợn, mật, bã rượu, nước đậu phụ, hơi nước nóng sôi..

Nhiệt khô: thường gặp trong tai nạn bỏng. Bỏng lửa thường gặp trong các vụ hoả hoạn (như cháy các vật dụng, cháy nhà, cháy rừng), bỏng do tiếp xúc với các vật bị nung nóng như kim loại nóng, bột than, clinker, xỉ nóng...

Bỏng do dòng điện (bỏng điện) khi có dòng điện truyền qua cơ thể. Căn cứ vào hiệu điện thế có thể phân bỏng điện làm 2 nhóm:

Bỏng điện hạ thế (hiệu điện thế dưới 1000 vôn): bỏng điện dân dụng, nạn nhân tiếp xúc trực tiếp với dòng điện.

Bỏng điện cao thế (hiệu điện thế trên 1000 vôn). Khi hiệu điện thế cao, con người có khi chưa tiếp xúc trực tiếp với dòng điện (từ trường dòng điện) nhưng vẫn bị điện giật do hiện tượng phóng điện.

Sét đánh là do dòng điện có hiệu điện thế cao lớn tới hàng triệu vôn của khí quyển.

Bỏng do hoá chất do các chất axit (như axit sulfuric trong nạp ac- quy, a xít nitoric trong hàn mạ) hoặc chất kiềm (như vôi tôi nóng, xút, chất tẩy rửa).

Bỏng hóa chất gặp trong tai nạn sinh hoạt, trong phòng thí nghiệm, tai nạn lao động sản xuất, vận chuyển không an toàn hoặc do hành động tội ác (tạt axit để trả thù…).

Bỏng do một số tác nhân hiếm gặp hơn như bỏng do xạ trị, bỏng do thuốc…

 

PHÂN LOẠI DIỆN TÍCH, ĐỘ SÂU TỔN THƯƠNG BỎNG

Có nhiều cách tính diện tích bỏng, tuy nhiên để nhanh chóng ước lượng diện tích bỏng, có thể áp dụng phương pháp ướm đo bàn tay bệnh nhân. Diện tích 1 bàn tay (tính từ cổ tay tới các ngón tay) mặt gan hoặc mặt mu của bệnh nhân tương ứng với bỏng 1% diện tích da. Ở trẻ em bỏng dù diện tích nhỏ cũng gây nguy hiểm. Trẻ em khi bị bỏng trên 5% và người trưởng thành bỏng trên 15% diện tích cơ thể đã có nguy cơ sốc, đe doạ trực tiếp tính mạng, đòi hỏi phải cấp cứu kịp thời (những biện pháp cấp cứu như giảm đau, truyền dịch…).

Da là bộ phận của cơ thể hay bị bỏng, bỏng có thể gây tổn thương da hoặc sâu hơn. Có nhiều cách phân loại độ sâu tổn thương bỏng. Tuy nhiên, về cơ bản có thể phân độ sâu bỏng làm 2 loại:

Bỏng nông: bỏng một phần da. Vết bỏng có thể tự khỏi trong quá trình điều trị và thay băng, không cần phẫu thuật, khi khỏi không để lại sẹo. Một số dấu hiệu thường gặp ở vết bỏng nông: da ửng đỏ như khi đi tắm nắng, vết bỏng có nốt phổng vòm mỏng hoặc dày, dịch nốt phổng trong…

Bỏng sâu: bỏng toàn bộ da hoặc sâu hơn tới gân, cơ, xương, khớp, thần kinh, mạch máu, tạng trong cơ thể. Điều trị bỏng sâu nhất thiết phải phẫu thuật (vết bỏng rộng >5cm đường kớnh). Bỏng sâu khi khỏi để lại các hình thái sẹo bỏng khác nhau. Một số dấu hiệu thường gặp của bỏng sâu: vết bỏng hoại tử khô đen, bàn tay co quắp, mất cảm giác đau hoặc vết bỏng hoại tử ướt màu trắng xám, vàng xám... Vùng bỏng phù nề mạnh. Bỏng sâu hay gặp do bỏng điện, bỏng axit, bỏng lửa ở nạn nhân bị mất cảm giác như lên cơn động kinh hoặc say rượu ngã vào bếp lửa, nạn nhân tự thiêu…

Chẩn đoán bỏng nông hay sâu sẽ quyết định thái độ xử trí khác nhau (phẫu thuật hay không phẫu thuật). Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác độ sâu bỏng đòi hỏi phải có kiến thức chuyên khoa (thường các cơ sở y tế tư nhân không có bác sỹ chuyên khoa bỏng, các thầy lang không được trang bị kiến thức này). Do vậy các nạn nhân bỏng cần đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí chuyên môn.

 

SƠ CỨU, CẤP CỨU BỎNG

Khi tai nạn bỏng xảy ra, cần bình tĩnh nhanh chóng làm theo các bước sau:

Bước 1: Loại trừ tiếp xúc với tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt.

Nhanh chóng đưa nạn nhân khỏi tiếp xúc với tác nhân: đưa ra khỏi đám cháy, dập lửa, ngắt điện...

Cởi hoặc cắt bỏ quần áo bị cháy hoặc thấm đẫm nước sôi, nhẫn hoặc đồng hồ trước khi phần bỏng sưng nề.

Chú ý: Tránh làm vỡ hoặc trợt vòm nốt phổng

Đặt nạn nhân nơi an toàn, thoáng, cao ráo để có thể thực hiện cứu chữa sơ bộ ban đầu có hiệu quả.

Bước 2: Đánh giá ban đầu, bảo đảm những chức năng sống.

Thăm khám nhanh chóng nạn nhân, kịp thời đánh giá trạng thái toàn thân.

Người cấp cứu cần nhanh chóng xác định:

Nạn nhân có tỉnh táo hay không, gọi hỏi và kích thích đau có đáp ứng không?. Hô hấp, tuần hoàn bình thường không ?

Có chấn thương kèm theo không? (ví dụ như gãy xương, chấn thương sọ não do ngã..).

Tình trạng mất ý thức, ngừng thở ngừng tim hay gặp ở nạn nhân bị bỏng do dòng điện, bỏng do lửa cháy trong phòng kín, vụ cháy nổ bình ga, cháy khí hầm lò than, …, do bị bỏng đường thở, do nhiễm độc khí CO và CO2.

Đánh giá sơ bộ mức độ tổn thương bỏng chỉ tiến hành khi nạn nhân trong trạng thái ổn định (không ngừng thở, ngừng tim, chấn thương lớn...)

Tiến hành các cấp cứu đe doạ tính mạng:

Hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực nếu có ngừng thở ngừng tim, cố định xương gãy nếu có…

Bước 3: Nhanh chóng ngâm rửa vùng cơ thể bị bỏng vào nước sạch.

Đây là biện pháp đơn giản (dễ thực hiện ở mọi nơi), hiệu quả.

Ngâm rửa nước sạch có tác dụng :

Hoà loãng, rửa trôi tác nhân còn bám trên da (chất bẩn, hóa chất...)

Giảm nhiệt độ trên da nhanh chóng, từ đó giảm độ sâu của bỏng.

Giảm đau: nạn nhân đỡ đau rát vùng bỏng ngay khi ngâm nước mát, góp phần giảm các rối loạn toàn thân, nhất là trạng thái kích thích la hét...

Giảm viêm nề, do đó giảm tiết dịch qua vết thương.

Ngâm rửa bằng nước mát càng sớm càng tốt, tốt nhất trong 30-60 phút từ sau khi bị bỏng. Có thể ngâm rửa tới khi hết đau rát. Nhiệt độ nước tiêu chuẩn từ 16 - 200C. Thời gian ngâm rửa kéo dài từ 15-45 phút ngâm rửa tới khi hết đau rát.

Cần tận dụng nguồn nước sẵn có ngay tại nơi bị nạn: nước đun sôi để nguội, nước máy, nước mưa, nước giếng... Nước vô trùng là không cần thiết.

Chú ýGiữ ấm và tránh gió lùa sau ngâm rửa nhất là mùa đông, không dùng nước đá gây nhiễm lạnh cho nạn nhân.

Bước 4: Che phủ tạm thời vết bỏng.

Che phủ vùng bỏng bằng vật liệu sạch như gạc y tế, thậm chí khăn mặt, khăn tay, vải màn... sạch để quấn phủ lên. Với bỏng vùng mặt, vùng sinh dục, chỉ cần phủ một lớp gạc.

Băng ép nhẹ vết bỏng bằng băng sạchBăng ép nhẹ vết bỏng làm hạn chế tạo nốt phổng, giảm phù nề nếu chi bị bỏng. Băng ép cần tiến hành sớm, tránh băng quá chặt gây chèn ép vùng bỏng.

Không bôi chất gì vào vùng bỏng khi chưa rửa sạch và không được sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Không mất thời gian tìm kiếm một loại thuốc nào để để bôi, xịt lên vết bỏng trong khi để mất cơ hội sử dụng nước mát (là ưu tiên hàng đầu trong sơ cấp cứu tại chỗ bỏng).

Bước 5: Ủ ấm, bù nước và muối sau bỏng:

Ủ ấm nạn nhân, nhất là về mùa đông. Cho nạn nhừn uống nước oresol, nước chè đường ấm, nước cháo loãng, nước mì tôm, nước hoa quả. Một g i oresol pha với 1 lít nước, uống theo nhu cầu trong 24 giờ. Nếu nạn nhân là trẻ còn bú thì vẫn cho bú bình thường.

Bước 6: Nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất

Sau khi hoàn thành công việc sơ cấp cứu, cần nhanh chóng vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất. Bỏng kết hợp với chấn thương, gãy xương: Cố định tạm thời vùng chấn thương và xương bị gãy trước khi vận chuyển.

Chú ý: giữ ấm trên đường vận chuyển. Tùy hoàn cảnh cụ thể mà vận chuyển bằng cáng, võng, xe đạp, xe máy, ô tô... Khi bỏng nặng, tốt nhất là vận chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương, trên đường vận chuyển vẫn tiếp tục theo dõi chức năng sống, cho uống nước và giảm đau (nếu xe có sẵn thuốc)

Những chú ý tránh để bệnh nhân nặng hơn khi sơ, cấp cứu.

Làm nạn nhân quá lạnh khi ngâm rửa hoặc đắp vết bỏng bằng nước đá

Đắp các loại nước mắm, nước tương, lá cây... hoặc bất k chất gì vào vùng bỏng khi chưa rửa sạch và không có ý kiến của nhân viên y tế.

Làm trợt loét vết bỏng, bóc bỏ vòm nốt phổng

Để hở hoàn toàn vết bỏng

Dùng cồn hoặc oxy già để rửa vết thương

Dùng thuốc đông y, thuốc có tính chất tạo màng

Sử dụng thuốc bôi sai chỉ định làm vết bỏng thêm sâu, đau đớn và nguy cơ nhiễm khuẩn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top