Khi nào cần mổ sỏi mật?
Các trường hợp cần mổ sỏi mật bao gồm:
– Sỏi quá to (kích thước trên 25mm), gây khó khăn cho hoạt động co bóp của túi mật và dẫn tới những cơn đau dữ dội cho bệnh nhân.
– Sỏi gây tắc đường dẫn mật (đường dẫn nhỏ trong gan hay ống mật chủ).
– Sỏi mật dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như viêm túi mật, viêm ống mật chủ, viêm tụy cấp…
– Bệnh nhân sỏi mật có kèm suy giảm miễn dịch.
Các phương pháp mổ sỏi mật
Với bệnh sỏi túi mật, phẫu thuật được sử dụng phổ biến nhất là cắt túi mật. Còn với sỏi đường mật, việc điều trị sẽ khó khăn hơn, người bệnh có thể được chỉ định mổ nội soi lấy sỏi hoặc thậm chí có thể phải cắt bỏ một phần gan nếu có quá nhiều sỏi trong đường dẫn mật tại nhu mô gan sâu.
Có 2 phương pháp được áp dụng điều trị sỏi mật
Mổ hở
Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp:
– Viêm nhiễm nặng ống mật hoặc túi mật.
– Viêm màng bụng (viêm phúc mạc)
– Tăng áp suất mạch máu trong gan do xơ gan
– Đang trong ba tháng cuối thai kỳ.
– Đang gặp phải rối loạn chảy máu do sử dụng thuốc chống đông.
– Bệnh nhân có mô sẹo từ những ca phẫu thuật trước đó.
Trước khi tiến hành phẫu thuật, người bệnh được gây mê toàn thân. Bác sĩ sẽ rạch một vết dài khoảng 10- 15 cm dưới xương sườn bên phải hoặc ở giữa phần trên của bụng (giữa rốn và phần cuối xương ức). Cơ và mô được kéo ra, để lộ gan và túi mật. Sau đó, bằng các dụng cụ chuyên dụng, bác sĩ cắt bỏ túi mật và khâu vết mổ lại.
Mổ nội soi
Người bệnh được gây mê toàn thân trước khi tiến hành phẫu thuật. Bác sĩ sẽ rạch 3 đến 4 vết nhỏ nơi bụng, trong đó có 1 vết tại rốn khoảng 2- 3 cm và các vết khác bên phải của bụng khoảng 1cm. Qua vết cắt tại rốn, một bơm kim được luồn vào bụng và thổi phồng ổ bụng bằng khí CO2 để các hình ảnh nội tạng hiện lên rõ nét hơn trên màn hình.
Một ống đầu có gắn máy quay nhỏ được đưa vào qua vết cắt khác. Các hình ảnh bên trong ổ bụng được máy quay ghi lại đưa lên màn hình, nhờ đó các bác sĩ thực hiện thao tác lấy sỏi ở đường dẫn mật hay cắt túi mật bằng các dụng cụ phẫu thuật đặc biệt.
Những biến chứng có thể gặp phải khi mổ sỏi mật
Mổ sỏi mật là một trong những phẫu thuật ngoại khoa đơn giản và ít nguy hiểm nhất, tuy nhiên vẫn có những rủi ro xảy ra như:
– Đau đớn và mệt mỏi
– Buồn nôn và ói mửa
– Tiêu chảy và đau ở phía trên bụng bên phải.
– Tổn thương ống mật
– Sót sỏi mật
– Nhiễm trùng
Những lưu ý trước và sau mổ sỏi mật
Để chuẩn bị phẫu thuật, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe của người bệnh qua một số xét nghiệm sau:
– Xét nghiệm máu: Để kiểm tra chức năng gan của bạn xem liệu gan có đang hoạt động bình thường không.
– Siêu âm: Giúp bác sĩ phát hiện sỏi và kiểm tra tình trạng ống mật (có giãn hay tắc không).
– Nội soi mật tụy ngược dòng: Thủ thuật này được thực hiện nếu bạn đang có tắc ống mật do sỏi, mục đích loại sỏi hoặc nong rộng ống mật để sỏi thoát ra ngoài.
– Tiêm kháng sinh (qua tĩnh mạch) để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn trong và sau phẫu thuật.
Sau khi mổ lấy sỏi, bạn nên lưu ý điều gì?
Cần áp dụng chế độ ăn uống, tập luyện sau mổ phù hợp. Trong những ngày đầu, bạn chỉ nên ăn đồ ăn dễ tiêu như cháo, súp,… hạn chế các đồ ăn giàu chất béo và các món chiên, xào…
Sau khi cơ thể đã dần hồi phục, bạn có thể lên một thực đơn hợp lý, tốt cho bệnh sỏi mật và đầy đủ dinh dưỡng về lâu dài. Bên cạnh đó, bạn nên kết hợp luyện tập thường xuyên, vừa sức để duy trì cân nặng và tăng cường sức khỏe.
Tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để nắm rõ tình trạng sức khỏe. Đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời đối với những biến chứng, rủi ro sau phẫu thuật.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh