Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Đại học Washington (Mỹ) cho thấy không có bằng chứng đủ mạnh và nhất quán chứng minh rằng việc tiêu thụ thịt đỏ làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Nghiên cứu trên do nhóm nhà khoa học thuộc Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) tại Đại học Washington tiến hành và được công bố trên tạp chí Nature Medicine. Nhóm chuyên gia đã phân tích mức độ đáng tin cậy của các bằng chứng về 180 cặp yếu tố nguy cơ và ảnh hưởng đối với sức khỏe, chẳng hạn như thói quen hút thuốc với ung thư phổi, chế độ ăn ít rau với đái tháo đường type-2, cũng như huyết áp tâm thu cao và bệnh thiếu máu cơ tim. Các tác giả nghiên cứu cũng đánh giá mối liên hệ giữa thực phẩm hoặc thói quen/hành vi với nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe con người bằng hệ thống xếp hạng từ 1 – 5 sao. Xếp hạng 1 sao chỉ ra rằng không có mối liên hệ thực sự giữa hành vi hoặc tình trạng cụ thể đối với sức khỏe. Xếp hạng 2 sao cho thấy mối liên hệ giữa hành vi hoặc tình trạng đó với sức khỏe đạt ít nhất 0 – 15%, trong khi xếp hạng 3 sao cho thấy mức độ liên quan ít nhất đạt 15-50%. Xếp hạng 5 sao chỉ ra rằng mối liên hệ chặt chẽ và nhiều khả năng sẽ không thay đổi trong tương lai.
Qua phân tích nghiên cứu, 50 nghiên cứu tiến hành trên tổng số 4,6 triệu người tham gia tại 34 quốc gia đã chỉ ra rằng nếu tăng chế độ ăn rau củ quả trong bữa ăn lên gấp 4 lần/ngày sẽ giúp giảm 23% nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Mối liên hệ giữa chế độ ăn nhiều rau củ quả và bệnh đái tháo đường type-2 được đánh giá 1 sao (không có mối liên hệ). Đối với mối liên hệ giữa chế độ ăn nhiều thịt đỏ và tình trạng đột quỵ do thiếu máu cục bộ, các tác giả nghiên cứu đánh giá 1 sao – tức là không có mối liên hệ thực sự giữa hành vi với tình trạng sức khỏe. Các mối liên hệ giữa chế độ ăn nhiều thịt đỏ và ung thư đại tràng hoặc trực tràng cũng như nguy cơ mắc ung thư vú, bệnh tim mạch và đái tháo đường type-2 được đánh giá 2 sao (từ 0-15%). Trong khi đó, có 8 cặp yếu tố nguy cơ – tình trạng bệnh tật bị đánh giá 5 sao (từ 15-50%) được chỉ ra bao gồm:
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra 112 trong số 180 cặp yếu tố nguy cơ – bệnh tật khác được đánh giá 1 hoặc 2 sao.
Từ kết quả nghiên cứu, các tác giả đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ thịt đỏ không phải là mối nguy cơ đối với tình trạng đột quỵ. Ngược lại, việc ít hoặc không tiêu thụ các sản phẩm từ rau củ, trái cây lại là yếu tố nguy cơ cao, không chỉ với các bệnh tim mạch mà còn các vấn đề sức khỏe khác. Mối liên quan giữa tiêu thụ thịt đỏ và tình trạng ung thư đại tràng, trực tràng hay ung thư vú cần có thêm những nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa để đánh giá cụ thể khả năng ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng và mức độ an toàn cho phép.
Theo các tác giả nghiên cứu, hệ thống đánh giá mới bằng xếp hạng nói trên sẽ giúp làm sáng tỏ những lầm tưởng lâu nay về mối liên hệ giữa bệnh tật với việc tiêu thụ thực phẩm hay thói quen hằng ngày, qua đó giúp mọi người đưa ra quyết định sáng suốt về chế độ ăn, tập luyện và những hoạt động khác có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Bên cạnh đó, kết quả phân tích trên cũng giúp định hướng cho các chính sách về sức khỏe cũng như nghiên cứu trong tương lai.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh