✴️ Tỉ lệ sẩy thai theo tuần tuổi

Nội dung

Sẩy thai là tình trạng diễn ra trước 20 tuần tuổi thai. Theo các thống kê tương đối cho thấy, nguy cơ sẩy thai khoảng 10-15%.

Tỉ lệ sẩy thai theo tuần tuổi thay đổi khác nhau ở mỗi phụ nữ. Tuy nhiên thì khả năng sẩy thai thường có xu hướng giảm khi thai kỳ tiếp tục tiến triển. Các số liệu về nguy cơ sẩy thai chỉ là số liệu trung bình, vì vậy ở mỗi phụ nữ nguy cơ này có thể cao hơn hoặc thấp hơn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Sẩy thai có thể xảy ra trước cả khi người phụ nữ biết mình có thai và sau siêu âm xác định được tình trạng tim thai khỏe thì nguy cơ này giảm đi rất đáng kể.

Tỉ lệ sẩy thai theo tuần tuổi

Hầu hết sẩy thai là do những yếu tố mà người mẹ không thể kiểm soát được. Ở giai đoạn đầu của thai kỳ, các vấn đề về di truyền là nguyên nhân chính dẫn đến sẩy thai. Khoảng 80% trường hợp sẩy thai xảy ra trong tam cá nguyệt đầu tiên, tức là từ 0 đến 13 tuần.

Các bất thường về di truyền đồng nghĩa với việc em bé không thể sống sót ở bên ngoài bụng mẹ. Mặc dù người mẹ bị sẩy thai do nguyên nhân này vẫn có thể tiếp tục có một thai kỳ khỏe mạnh sau đó.

Thai nhi dễ bị tổn thương nhất trong giai đoạn đầu phát triển, vì vậy các yếu tố khác – như uống rượu bia – có thể gây ra những ảnh hưởng nặng nề nhất vào thời điểm này. Đây là lý do tại sao hầu hết các trường hợp sẩy thai xảy ra vào giai đoạn đầu của thai kỳ.

Khi thai nhi lớn lên có thể sẽ ít bị ảnh hưởng và tổn thương hơn. Ngoài ra, người mẹ có thể thay đổi các thói quen sinh hoạt có khả năng gây hại cho thai một khi biết được mình đang mang bầu.

Ước tính chung về nguy cơ sẩy thai theo tuần tuổi như sau:

Tuần thứ 3-4

Sự làm tổ thường diễn ra vào khoảng 3 tuần sau kỳ kinh cuối, và khoảng một tuần trước khi rụng trứng. Đến tuần thứ 4, người mẹ có thể có kết quả dương tính khi thử thai tại nhà.

Có đến 50-75% các trường hợp mang thai kết thúc trước khi thử thai cho kết quả dương tính. Hầu hết phụ nữ sẽ không bao giờ biết mình đã mang thai, cho dù một số người có thể nghi ngờ do có các triệu chứng khi sẩy thai.

Tuần thứ 5

Tỉ lệ sẩy thai ở thời điểm này thay đổi một cách đáng kể. Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy nguy cơ sẩy thai sau tuần thứ 5 là 21,3%.

Tuần thứ 6-7

Nghiên cứu tương tự cũng cho thấy sau tuần thứ 6, tỉ lệ sẩy thai chỉ còn 5%. Trong phần lớn các trường hợp, có thể phát hiện tim thai khi siêu âm vào khoảng tuần thứ 6.

Tuần thứ 8-13

Trong nửa sau của tam cá nguyệt thứ nhất, tỉ lệ sẩy thai là từ 2 đến 4%.

Tuần thứ 14-20

Từ giữa tuần thứ 13 đến 20, nguy cơ sẩy thai là dưới 1%.

Theo một nhóm nghiên cứu tại Vương quốc Anh, có rất ít khả năng một đứa trẻ sinh ra trước tuần thứ 22 sẽ sống sót được. Tỉ lệ này tăng lên theo tuần tuổi. Ở các quốc gia có thu nhập cao, trong khi hầu hết trẻ sinh non sau tuần thứ 30 đều sống sót thì tỉ lệ sống sót là 77% trẻ sinh non ở tuần thứ 26.

Bạn có nguy cơ sẩy thai hay không?

Một nghiên cứu năm 2012 khảo sát nguy cơ sẩy thai tổng thể trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai và phát hiện ra rẳng tỉ lệ này nằm trong khoảng từ 11-12%  từ tuần thứ 5 đến 20.

Tuy nhiên, một nghiên cứu khác đưa ra tỉ lệ khoảng 10-15%. Những thống kê này cho thấy nguy cơ sẩy thai ở mỗi phụ nữ là khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tuổi và sức khỏe tổng quát.

Tỉ lệ sẩy thai theo tuổi mẹ

Tuổi là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến sẩy thai. Điều này là do chất lượng trứng có xu hướng giảm dần theo thời gian. Nguy cơ sẩy thai trung bình theo tuổi của người mẹ như sau:

  • Dưới 35 tuổi: tỉ lệ sẩy thai khoảng 15%;
  • Từ 35-45 tuổi: tỉ lệ khoảng 20-35%;
  • Trên 45 tuổi: khoảng 50%.

Cần lưu ý rằng đây là những số liệu trung bình và không kể đến các yếu tố khác.

Ảnh hưởng của lối sống, chẳng hạn như hút thuốc là hoặc ít vận động, cũng có thể tích lũy theo tuổi tác, làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và làm tăng nguy cơ sẩy thai.

Tuy nhiên, vẫn có một số ít phụ nữ có thai kỳ khỏe mạnh ở độ tuổi 40, thậm chí là 50.

Các yếu tố nguy cơ khác

Phần lớn những phụ nữ từng bị sẩy thai vẫn có thể tiếp tục có những thai kỳ khỏe mạnh. Một lần sẩy thai không có nghĩa người mẹ sẽ gặp khó khăn trong những lần mang thai trong tương lai.

Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2016 cho thấy nhiều phụ nữ có khả năng mang thai trở lại ngay sau khi bị sẩy thai.

Bạn có thể phải thực hiện xét nghiệm di truyền sau một hoặc nhiều lần sẩy thai. Xét nghiệm di truyền có thể giúp bác sĩ tìm được nguyên nhân gây sẩy thai.

Các yếu tố nguy cơ của sẩy thai bao gồm:

  • Lớn tuổi;
  • Hút thuốc lá;
  • Sử dụng ma túy, đặc biệt là các loại ma túy gây kích thích như cocaine, sử dụng caffeine liều cao;
  • Các bệnh lý mạn tính không kiểm soát, như đái tháo đường hoặc tăng huyết áp;
  • Rối loạn nội tiết tố khiến cho cơ thể khó sản xuất các hormone để duy trì thai kỳ.

Các dấu hiệu và triệu chứng

Dấu hiệu sớm nhất của sẩy thai thường gặp là chảy máu âm đạo. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp chảy máu âm đạo đều là do sẩy thai.

Khoảng 20-30% phụ nữ ra một ít máu trong thai kỳ. Chảy máu lượng nhiều có khả năng là dấu hiệu của sẩy thai, tiến triển nặng dần theo thời gian hoặc đi kèm với những cơn đau quặn dữ dội.

Sẩy thai cũng có thể xảy ra mà không có hiện tượng chảy máu. Một số triệu chứng khác của sẩy thai bao gồm:

  • Giảm đột ngột các triệu chứng của mang thai, mặc dù những triệu chứng này có thể giảm ngay cả khi không có sẩy thai do sự thay đổi của nội tiết;
  • giảm cử động thai trong tam cá nguyệt thứ hai;
  • đau bụng dữ dội;
  • ra huyết cục.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đi khám bác sĩ khi bị chảy máu âm đạo trong thai kỳ. Nếu chảy máu lượng nhiều hoặc đau, tốt nhất bạn nên đi cấp cứu ngay. Một số dấu hiệu khác cần theo dõi gồm:

  • đau quặn bụng;
  • các triệu chứng sẩy thai;
  • không cảm giác được em bé cử động sau những cử động thường xuyên trước đó;

​​​​​​​Kết luận

Hầu hết các trường hợp mang thai đều kết thúc bằng một ca sinh nở khỏe mạnh, ngay cả khi người mẹ có tiền sử hoặc có các yếu tố nguy cơ gây sẩy thai.

Không có cách phản ứng nào là đúng hay sai khi sẩy thai. Trải qua cảm giác hư thai có thể khiến bạn xúc động và hoài nghi về những lần mang thai sau. Ngược lại, một số phụ nữ lại không có phản ứng quá nhiều khi bị sẩy thai.

Sẩy thai không phải lỗi của ai cả. Hầu hết phụ nữ vẫn có thể có một thai kỳ khỏe mạnh sau khi sẩy thai.

Tăng cường chăm sóc sức khỏe, nhận sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè cũng như dành thời gian để hồi phục có thể giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này nhanh hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top