✴️ Một số loại thoát vị thường gặp

Nội dung

Thoát vị xảy ra khi một phần của một cơ quan trong cơ thể bị đẩy ra ngoài lớp cơ hoặc lớp mô bình thường che phủ nó. Thoát vị có thể do sự suy yếu của lớp cơ hoặc có sự gia tăng áp lực ở bên trong cơ thể. Thoát vị có hình dạng giống như một túi hoặc một cục u nhô lên ở dưới da. Có nhiều dạng thoát vị khác nhau. Hầu hết các trường hợp thường không gây nguy hiểm, nhưng cũng có một số loại thoát vị cần được phẫu thuật.

Thoát vị rốn

Thoát vị rốn xảy ra khi một số quai ruột non bị thoát ra khỏi lớp cơ thành bụng và đi qua rốn. Tình trạng này thường gặp ở trẻ sơ sinh.

Hình dạng

Bệnh nhân thoát vị rốn thường sẽ cảm nhận được:

  • Một cục u nhô ra hoặc ở xung quanh rốn;
  • Da đỏ hoặc đau ở xung quanh những khối thoát vị lớn.

Triệu chứng

Thoát vị rốn thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, một vài bệnh nhân có thể cảm thấy đau nhẹ ở vùng thoát vị.

Thoát vị rốn thường không nghiêm trọng, chúng thường rất nhỏ và nhiều bệnh nhân không nhận biết được rằng mình có thoát vị rốn.

Điều trị

Đối với các thoát vị rốn nhỏ và không gây đau thì thường sẽ không cần phải phẫu thuật. Tuy nhiên, thoát vị rốn gây triệu chứng thì sẽ cần được phẫu thuật.

Ở nhiều trẻ sơ sinh có thoát vị rốn, chỗ thoát vị sẽ tự đóng lại lúc 3 - 4 tuổi.

Thoát vị hoành

Thoát vị hoành xảy ra khi một phần của dạ dày hoặc các mô khác trong ổ bụng trượt lên vào trong lồng ngực xuyên qua cơ hoành. Cơ hoành là một cơ ngăn cách giữa lồng ngực và ổ bụng.

Hình dạng

Thoát vị hoành không thể nhìn thấy từ bên ngoài. Thoát vị hoành chỉ có thể phát hiện qua phim X quang hoặc các kỹ thuật hình ảnh y khoa khác như nội soi hay X quang dạ dày cản quang.

Triệu chứng

Hầu hết các thoát vị hoành không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, một vài bệnh nhân có thể cảm nhận thấy:

  • Khó chịu mơ hồ trong vùng bụng;
  • Ợ chua hoặc trào ngược;
  • Đau khi ăn hoặc nuốt.

Điều trị

Nếu như thoát vị hoành không gây triệu chứng thì không cần điều trị.

Đối với các trường hợp gây đau hoặc trào ngược không kiểm soát được thì cần được phẫu thuật.

Việc điều trị thoát vị hoành còn bao gồm thay đổi thói quen sinh hoạt và kiểm soát các triệu chứng kèm theo như: ợ chua, trào ngược…

Thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn là một trong những thoát vị thành bụng thường gặp nhất. Thoát vị bẹn xảy ra ở cả 2 giới.

Thoát vị bẹn xảy ra khi mô mỡ hoặc một quai ruột non nhỏ nhô ra khối ống bẹn và đi vào trong vùng bẹn. Tình trạng này có thể xảy ra khi mới sinh nhưng cũng có một vài yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Nâng, vác
  • Gắng sức
  • Béo phì
  • Mang thai
  • Táo bón

Hình dạng

Thoát vị bẹn có hình dạng là một khối phồng lên từ vùng bẹn, bìu. Đứng hoặc rặn gắng sức thường làm cho khối thoát vị trở nên rõ ràng hơn.

Khối thoát vị thường cần có thời gian để xuất hiện, nhưng nó cũng có thể xuất hiện một cách đột ngột khi ho, mang vác vật nặng, gắng sức, cúi người hoặc cười.

Triệu chứng

Một phần ba số bệnh nhân không có triệu chứng. Các triệu chứng có thể xảy ra là:

  • Sưng phù;
  • Cảm giác nặng ở vùng thoát vị;
  • Đau hoặc khó chịu khi ho, tập thể dục, hoặc khi đi vệ sinh.

Nếu như có triệu chứng đau thì cơn đau thường diễn tiến nặng hơn và cải thiện khi bệnh nhân nằm.

Điều trị

Phẫu thuật là biện pháp điều trị duy nhất của thoát vị bẹn. Do nguy cơ cấp cứu của thoát vị bẹn khá thấp, nên bệnh nhân có thể chờ cho đến khi có triệu chứng xuất hiện mới thực hiện phẫu thuật. Dù vậy, cũng có nhiều bệnh nhân không có hoặc có ít triệu chứng cần thực hiện phẫu thuật trong vòng 5 năm.

Thoát vị đùi

Thoát vị đùi là một trong số các loại thoát vị nghiêm trọng nhất. Chúng xảy ra khi mô hoặc một phần của ống tiêu hóa trượt xuyên qua một lớp cơ lỏng lẻo ở bên trong ống đùi, ở phía trên mặt trong đùi hoặc bẹn.

Hình dạng

Thoát vị đùi có hình dạng giống như một cục u nhỏ ở vùng bẹn. Các khối thoát vị nhỏ thường khó thấy. Các khối thoát vị lớn ở vùng này rất dễ nhìn thấy và có hình dạng giống như một cục u ở gần vùng trên mặt trong đùi và bẹn, hoặc ở mặt trước của hông.

Da xung quanh khối thoát vị có thể có màu đỏ.

Triệu chứng

Thoát vị đùi thường gây đau khi phải mang vác vật nặng hoặc vận động gắng sức.

Cơn đau đôi khi chỉ ảnh hưởng ở vùng đùi trên, nhưng nó cũng có thể gây ảnh hưởng đến toàn bộ vùng bụng và đôi khi là ở hông. Đau có thể âm ỉ, chói, hoặc đau theo nhịp.

Điều trị

Nên đi khám ngay nếu như cảm thấy có khối nhô ra ở vùng bẹn, bìu, hoặc mặt trong đùi. Biện pháp điều trị chỉ có phẫu thuật.

Thoát vị vùng thượng vị

Thoát vị ở vùng thượng vị cũng khá phổ biến. Thường thì loại thoát vị này không nghiêm trọng. Thoát vị vùng thượng vị xảy ra ở vùng nằm giữa hạ sườn và rốn.

Khối thoát vị thường chứa mô mỡ hơn là ống tiêu hóa.

Hình dạng

Thoát vị vùng thượng vị thường có hình dạng như là một cục u nhỏ. Khối này sẽ hiện rõ hơn khi bệnh nhân làm căng cơ ở vùng bụng lúc tập luyện hoặc nâng vật nặng. Khối này thường biến mất khi nghỉ ngơi hoặc nằm xuống.

Thoát vị vùng thượng vị có thể được phát hiện trong khi thực hiện các kỹ thuật hình ảnh y học để khảo sát các bệnh khác.

Triệu chứng

Hầu hết không có triệu chứng.

Điều trị

Thường loại thoát vị này chỉ cần làm phẫu thuật khi có các triệu chứng gây khó chịu cho bệnh nhân.

Các khối thoát vị vùng thượng vị không gây triệu chứng thì thường không cần điều trị.

Thoát vị vùng thượng vị

Thoát vị vết mổ

Thoát vị vết mổ có thể xảy ra với tỷ lệ từ 10 đến 15% ở những người đã từng thực hiện phẫu thuật vùng bụng. Dạng thoát vị này có thể xảy ra ngay sau mổ hoặc trong vòng nhiều tháng hoặc nhiều năm sau đó

Hình dạng

Bệnh nhận có thoát vị vết mổ sẽ cảm nhận được:

  • Một khối u hoặc vùng sưng phù nhẹ ở vị trí vết mổ;
  • Đau hoặc da vùng thoát vị ửng đỏ;
  • Khối thoát vị tăng kích thước khi ho hoặc vận động nặng.

Trong một vài trường hợp hiếm gặp thì các mô, ruột hoặc các cơ quan bên trong cơ thể sẽ bị thoát ra ngoài qua vết mổ

Triệu chứng

Triệu chứng của thoát vị vết mổ bao gồm:

  • Đau và cơn đau trở nên nặng hơn khi ho hoặc vận động nặng;
  • Cảm giác đau, nhạy cảm hoặc cảm thấy có gì bị đẩy ra ở vùng vết mổ.

Điều trị

Nên liên hệ bác sĩ ngay nếu:

  • Đau càng lúc càng nhiều;
  • Nếu không đẩy được khối thoát vị vào trong;
  • Nếu khối thoát vị tăng kích thước.

Trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật là lựa chọn điều trị tốt nhất

Nếu như các triệu chứng không nghiêm trọng hoặc khối thoát vị nhỏ, thì bệnh nhân có thể không điều trị nhưng phải theo dõi khối thoát vị chặt chẽ.

Thoát vị Spigelian

Thoát vị Spigelian là một loại thoát vị hiếm gặp. Thoát vị xảy ra khi một phần của ống tiêu hóa trượt ra ngoài lớp cơ của thành bụng bên. Thoát vị dạng này thường gặp ở nam trên 50 tuổi.

Hình dạng

Thoát vị Spigelian có hình dạng giống một cục u nhỏ nằm bên dưới rốn.

Triệu chứng

Thoát vị Spigelian không phải lúc nào cũng có triệu chứng. Tuy nhiên một vài bệnh nhân có thể cảm thấy:

  • Đau ở vị trí thoát vị;
  • Khó khăn khi đi vệ sinh.

Điều trị

Thoát vị Spegelian được khuyến cáo nên điều trị bằng phẫu thuật

Thoát vị cơ

Thoát vị cơ xảy ra khi cơ bị thoát ra ra khỏi bao cơ. Tình trạng này thường hay gặp ở vùng chân. Chúng có thể xảy ra sau một chấn thương khi chơi thể thao.

Hình dạng

Thoát vị cơ thường xảy ra ở vị trí giữa đầu gối và gót chân. Chúng có hình dạng như một khối u nhỏ đứng một mình hoặc nhiều khối.

Triệu chứng

Một vài thoát vị cơ thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể cảm nhận thấy:

  • Sưng phù ở vùng bụng hoặc chân;
  • Đau, co thắt hoặc tê ở vùng sưng phù.

Điều trị

Nếu như thoát vị cơ có nguyên nhân do chấn thương thì chúng thường sẽ tự khỏi. Nghỉ ngơi và sử dụng biện pháp chèn ép ở vùng phù có thể giúp cho việc hồi phục.

Nếu như thoát vị cứ xảy ra lặp đi lặp lại hoặc là bẩm sinh thì bệnh nhân được khuyến cáo nên phẫu thuật để điều trị.

Khi nào nên đi khám?

Thoát vị thường cần được phẫu thuật để điều trị hoàn toàn. Trong nhiều trường hợp, chúng thường không gây nguy hiểm nghiêm trọng. Tuy nhiên, bệnh nhân nên đi khám ngay nếu có thoát vị cùng các triệu chứng sau đây:

  • Đau nặng;
  • Sưng phù, đỏ da ở vùng thoát vị;
  • Sốt;
  • Khối thoát vị tăng kích thước nhanh;
  • Buồn nôn;
  • Nôn ói;
  • Táo bón;
  • Đầy hơi.

Các khối thoát vị thường sẽ tăng kích thước nếu như không được điều trị

Thoát vị nghẹt

Nếu như vị trí thành thoát vị bị đóng lại thì thoát vị nghẹt có thể xảy ra, dẫn đến việc cung cấp máu cho các quai ruột bị gián đoạn và cần được cấp cứu ngay.

Triệu chứng của thoát vị nghẹt:

  • Đau nhiều;
  • Phân có máu;
  • Da vùng thoát vị trở nên sẫm đen;
  • Sưng phù vị trí thoát vị;
  • Mệt mỏi;
  • Sốt;
  • Táo bón;
  • Đầy hơi.

Kết luận

Có rất nhiều dạng thoát vị, chúng có thể có hình dạng giống như một cục u nhỏ ở dưới da, nhưng phần lớn thường không có triệu chứng.

Nếu như thoát vị gây đau thì bệnh nhân nên đi khám ngay nếu không thì có thể xảy ra nguy cơ nhiễm trùng hoặc thoát vị nghẹt.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top