Nội soi tán sỏi (nội soi lấy sỏi) là công nghệ mới được áp dụng trong điều trị sỏi tiết niệu ở Việt Nam. Trước đây, mổ hở là lựa chọn duy nhất của bệnh nhân khi phát hiện sỏi thận, sỏi tiết niệu với kích thước lớn. Sự ra đời của nội soi tán sỏi đã giúp người bệnh có thể loại bỏ sỏi nhẹ nhàng, ít xâm lấn hơn, thay thế hiệu quả cho mổ hở. Tìm hiểu về các phương pháp nội soi tán sỏi trong bài viết dưới đây.
Nội soi tán sỏi hay còn gọi là nội soi lấy sỏi, chỉ chung các phương pháp tán sỏi công nghệ cao được ứng dụng trong điều trị sỏi tiết niệu hiện nay. Nguyên lý của các phương pháp này là dùng hệ thống nội soi tiếp cận với vị trí có sỏi thận, sỏi tiết niệu. Sau đó dùng năng lượng laser cực lớn để tán vỡ sỏi thành mảnh nhỏ, có thể bơm hút ra ngoài.
Tùy thuộc vào vị trí, kích thước của sỏi, bác sĩ sẽ có chỉ định dùng phương pháp tán sỏi qua da đường hầm nhỏ hoặc tán sỏi nội soi ngược dòng. Hai phương pháp này đều sử dụng nguyên lý chung ở trên, chỉ khác nhau ở vị trí và cách đưa dụng cụ nội soi vào tiếp cận sỏi. Đây đều là những giải pháp được đánh giá là ưu việt so với các giải pháp truyền thống, ít xâm lấn, hồi phục nhanh và bệnh nhân ít đau hơn.
Có 2 phương pháp tán sỏi cùng sử dụng năng lượng laser để tán vỡ sỏi, đó là tán sỏi qua da và tán sỏi nội soi ngược dòng.
Tán sỏi qua da là tên gọi khác của phương pháp tán sỏi qua da đường hầm nhỏ. Bác sĩ sẽ tiến hành đưa dụng cụ nội soi tiếp cận viên sỏi thông qua vết trích rất nhỏ ở lưng, chỉ khoảng 5mm. Sau khi đưa dụng cụ nội soi qua da, bác sĩ sẽ quan sát màn hình siêu âm được nối với ống nội soi trong thận để xác định chính xác vị trí của sỏi và dùng năng lượng laser phá vỡ sỏi. Sau khi tán sỏi thành mảnh vụn, bác sĩ sẽ bơm hút mảnh vụn ra ngoài.
Tán sỏi qua da thường được áp dụng cho các trường hợp sau:
– Sỏi thận với kích thước lớn hơn 1.5cm
– Sỏi niệu quản ⅓ trên kích thước lớn hơn 1.5cm
– Các loại sỏi san hô, sỏi lâu năm đều có thể ứng dụng phương pháp này.
Với vết trích rất nhỏ trên lưng, phương pháp này có thể thay thế mổ hở truyền thống với những ưu điểm nổi bật như: ít đau, gần như không để lại sẹo sau mổ, người bệnh có thể xuất viện về nhà sau 3 – 5 ngày. Các biến chứng sau điều trị của tán sỏi qua da rất ít gặp.
Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser là phương pháp điều trị sỏi tiết niệu hiệu quả với đặc điểm nổi bật là không có vết mổ. Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi đi lên từ niệu đạo, vào bàng quang và tiếp cận sỏi mà không cần tạo vết trích hay vết mổ nào. Tương tự như tán sỏi qua da, phương pháp này cũng dùng năng lượng laser tán vỡ sỏi, sau đó bơm hút hoặc để vụn sỏi ra ngoài theo đường tiểu.
Tán sỏi ngược dòng được chỉ định với trường hợp:
– Sỏi bàng quang >1cm hoặc <1cm nhưng không thể tự thoát ra theo đường tiểu
– Sỏi niệu quản ⅓ giữa, ⅓ dưới mọi kích thước
Như vậy tán sỏi nội soi ngược dòng là giải pháp tiếp cận sỏi hoàn toàn theo “đường tự nhiên”. Nhờ đó bệnh nhân mắc sỏi, không phải chịu đau đớn khi bị mổ, có thể xuất viện sau 24h và nhanh chóng hồi phục trở lại sinh hoạt bình thường.
Các phương pháp nội soi tán sỏi an toàn và nhanh hồi phục hơn so với mổ hở, tuy nhiên người bệnh cũng cần lưu ý một số điều để nhanh chóng khỏe lại, đồng thời hạn chế sự tái phát của sỏi tiết niệu.
– Sau tán sỏi, hiện tượng đau một chút ở vùng lưng và tiểu máu hồng được cho là bình thường, người bệnh không nên quá lo lắng. Bác sĩ sẽ có chỉ định một số loại thuốc giúp ổn định tình trạng này.
– Để nhanh chóng chấm dứt tình trạng tiểu hồng, người bệnh nên uống nhiều nước mỗi ngày để đào thải hết những cặn bã còn sót lại.
– Chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe, nếu sốt cao hay gặp những cơn đau quặn thận thì cần liên hệ bác sĩ và quay lại bệnh viện để được xử trí.
– Bổ sung các thực phẩm dễ nuốt, dễ ăn, thuận tiêu hóa: Với chế độ ăn có lợi cho tiêu hóa, các mảnh vụn, dịch máu… sẽ có thể thuận lợi đào thải ra ngoài, giúp bệnh nhân sớm hồi phục sức khỏe thận – tiết niệu. Gợi ý một số loại rau quả dễ tiêu hóa như rau mùng tơi, rau lang, đậu phụ, chuối…
– Bệnh nhân nên đi lại nhẹ nhàng sau khi được xuất viện, không vận động quá mạnh và không được nhịn tiểu.
– Sau khi khỏe lại và sinh hoạt bình thường, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống nhiều rau xanh, bớt sử dụng thịt động vật, hạn chế ăn mặn, hạn chế oxalat, vận động thể dục thể thao đầy đủ và không quên uống nhiều nước hằng ngày để ngăn chặn tái phát sỏi.
Các phương phán nội soi tán sỏi được ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi bác sĩ có chuyên môn giỏi, cơ sở y tế đáp ứng đầy đủ các điều kiện về máy móc thiết bị… Do đó, người bệnh cần thăm khám kỹ lưỡng cũng như lựa chọn cẩn thận đơn vị nội soi lấy sỏi để đảm bảo hiệu quả điều trị cũng như an toàn cho sức khỏe.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh