✴️ Đột quỵ khi ngủ: Dấu hiệu cảnh báo và cách phòng ngừa

Nội dung

1. Những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ khi ngủ

Điều trị ngay khi vừa phát hiện chính là điều cấp thiết đối với mỗi bệnh nhân đột quỵ. Nếu bỏ qua “thời điểm vàng” để cấp cứu, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Phát hiện đột quỵ đã khó, việc phát hiện tình trạng đột quỵ trong khi ngủ sẽ càng khó hơn. Bởi chúng ta không thể biết chính xác khi nào bệnh khởi phát. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể dự phòng đột quỵ dựa vào một số dấu hiệu cảnh báo sau đây:

1.1 Hoa mắt chóng mặt

Hoa mắt, chóng mặt đột ngột là hiện tượng cho thấy sự suy giảm lượng máu lên não bộ, khiến bệnh nhân choáng váng, xây xẩm mặt mày, nhất là khi đứng lên hoặc ngồi xuống. Thậm chí nhiều người còn bị té ngã, làm tổn thương đến cả sức khỏe và tinh thần của người bệnh.

Hiện tượng hoa mắt, chóng mặt cảnh báo nguy cơ đột quỵ trong khi ngủ.

1.2 Rối loạn giấc ngủ

Những cơn đau đầu xuất hiện dai dẳng, cơ thể mệt mỏi, buồn nôn… đều là những triệu chứng làm gián đoạn giấc ngủ. Khi đó, người bệnh sẽ khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn, không sâu giấc. Tình trạng mất ngủ kéo dài khiến cơ thể trở nên mệt mỏi, thường xuyên cáu gắt, suy giảm khả năng tập trung, ghi nhớ… và rất có thể là những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ.

1.3 Đau đầu dữ dội, buồn nôn

Vào ban đêm, khi các hoạt động cơ thể bị giảm sút, độ nhớt của máu cao hơn sẽ rất dễ hình thành huyết khối và gây tắc nghẽn máu não. Lúc này, người bệnh sẽ thấy xuất hiện những cơn đau đầu dữ dội và dai dẳng. Đây là những triệu chứng khá nặng và xuất hiện phổ biến ở bệnh nhân đột quỵ, nhất là người có tiền sử bị đau nửa đầu.

1.4 Cơ thể mệt mỏi, tê cứng

Một trong những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ đó là thường xuyên bị tê tay chân trong khi ngủ. Nhất là khi tình trạng này xuất hiện ở một bên cơ thể thì cần hết sức cảnh giác. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bắt gặp triệu chứng như không thể cầm, nắm vào được đồ vật.

Tê cứng tay chân trong khi ngủ là một trong những dấu hiệu đột quỵ thường gặp.

1.5 Chảy nước dãi một bên

Tình trạng thiếu máu và thiếu oxy lên não sẽ làm ảnh hưởng đến vùng vỏ não. Từ đó dẫn đến rối loạn chức năng dưới lưỡi và gây ra triệu chứng chảy nước dãi một bên, nhếch miệng, mắt xếch. Đặc biệt, khi bị xơ cứng động mạch, thiếu máu lên não và thiếu oxy trầm trọng, bệnh nhân có thể ngáp ngủ thường xuyên hơn.

Bên cạnh đó, còn một số triệu chứng mà người bệnh không nên chủ quan trước căn bệnh nguy hiểm này đó là thị lực giảm bất thường, mắt mờ, bị ngọng bất thường, khó phát âm, cử động khó khăn hoặc liệt một bên cơ thể…

Trên đây là những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ trong khi ngủ cần được theo dõi và xử trí kịp thời. Bởi chúng có thể tiềm ẩn nguy hiểm bệnh tật và đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.

 

2. Biện pháp phòng ngừa nguy cơ đột quỵ khi ngủ

Đột quỵ trong khi ngủ là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, song chúng ta vẫn có thể phòng ngừa bằng cách điều chỉnh thói quen sống khoa học, lành mạnh hơn.

2.1 Điều chỉnh giấc ngủ – “Liều thuốc” tự nhiên phòng ngừa đột quỵ khi ngủ

Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Tăng huyết áp Hoa Kỳ, ngủ dưới 5 giờ mỗi đêm sẽ làm tăng 83% nguy cơ mắc bệnh đột quỵ so với việc ngủ đủ giấc từ 7 – 8 giờ. Thói quen thường xuyên thức khuya sẽ khiến cơ thể luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, kích thích thần kinh giao cảm. Chính vì vậy, nên rèn luyện thói quen ngủ trước 23 giờ và ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày.

Giấc ngủ ngon chính là “liều thuốc” tự nhiên giúp phòng chống đột quỵ trong khi ngủ.

2.2 Phòng ngừa đột quỵ khi ngủ nhờ kiểm soát cảm xúc và huyết áp

Khi rơi vào tình trạng buồn bã, lo lắng, tức giận, cơ thể sẽ kích thích sản sinh adrenaline làm tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, rối loạn nội tiết và dễ gây nhồi máu não.

Thống kê cho thấy, gần một nửa số bệnh nhân đột quỵ có mức độ tăng huyết áp khác nhau. Do đó, bác sĩ khuyến cáo người bệnh bị cao huyết áp nên theo dõi huyết áp, uống thuốc hạ huyết áp đúng giờ. Ngoài ra, có thể kiểm soát cảm xúc và huyết áp bằng cách ngồi thiền, tập yoga, đọc sách, nghe nhạc thư giãn…

Đối với người cao tuổi, duy trì thói quen làm vườn hay tập dưỡng sinh chính là biện pháp hiệu quả giúp tâm trạng luôn vui vẻ và giữ nhịp huyết áp ổn định.

Một lưu ý đối với người bệnh đó là nên học cách bình tĩnh, tránh suy nghĩ tiêu cực và cố gắng kiềm chế cơn nóng giận, căng thẳng hay hồi hộp. Có thể học cách giải tỏa cảm xúc bằng cách chia sẻ những khó khăn đang gặp phải với người thân, bạn bè. Như vậy, người bệnh sẽ cảm thấy vui tươi, thanh thản hơn, từ đó giúp phòng ngừa rủi ro đột quỵ trong khi ngủ.

2.3 Rèn luyện chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống khoa học

Chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh sẽ rất tốt cho sức khỏe, giúp người bệnh luôn có một cơ thể khỏe mạnh. Một số thói quen tốt nên áp dụng đó là:

– Hạn chế sử dụng rượu bia, các chất kích thích vào buổi tối.

– Không nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, đường vào buổi tối muộn vì chúng sẽ gây ra tình trạng đầy bụng, ợ hơi, khó tiêu dẫn đến mất ngủ.

– Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, máy tính… trước khi ngủ. Ánh sáng xanh phát ra từ thiết bị này sẽ khiến não bộ trở nên tỉnh táo hơn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ.

– Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày để giúp tăng cường tuần hoàn máu và trái tim khỏe mạnh.

– Tăng cường ăn rau xanh, trái cây tươi và ăn đủ bữa trong ngày. Đây chính là nguồn dưỡng chất cần thiết cho quá trình trao đổi chất và hoạt động của các tế bào trong cơ thể.

– Kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm nhận biết sớm và phòng tránh nguy cơ đột quỵ trong khi ngủ.

Tăng cường rèn luyện thể dục thể thao giúp tăng cường tuần hoàn máu và trái tim khỏe mạnh.

Đột quỵ khi ngủ là tình trạng nguy hiểm rất khó kiểm soát. Do đó, việc nhận biết những dấu hiệu và biện pháp phòng ngừa bệnh chính là “chìa khóa vàng” giúp bệnh nhân hạn chế tối đa nguy cơ gây hại đến sức khỏe.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top