BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

Nội dung

Bệnh tay chân miệng là gì?

Tay chân miệng là một bệnh khá phổ biến, tự giới hạn, do virus gây ra, biểu hiện bởi các mụn nước trên tay, chân và bên trong hoặc xung quanh miệng. Bệnh ảnh hưởng chính đến trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Tay chân miệng còn được gọi là bệnh mụn nước viêm vùng miệng do enterovirus gây ra, bệnh xuất hiện trên toàn thế giới. Dịch bệnh thường diễn ra khi thời tiết ấm áp, thườvào cuối mùa hè hoặc đầu thu.

Điều quan trọng cần lưu ý là bệnh tay chân miệng không liên quan đến bệnh lở mồm long móng ở động vật.

Bệnh tay chân miệng có thể xảy ra ở đối tượng nào?

Bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi, với 95% trường hợp xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, bệnh có thể ảnh hưởng đến trẻ lớn hơn/thanh thiếu niên. Đối với người lớn, đặc biệt những người bị suy giảm miễn dịch cũng có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng hiếm khi ảnh hưởng đến người trưởng thành có sức khoẻ tốt.

Bệnh tay chân miệng rất phổ biến. Tỷ lệ mắc bệnh trung bình hàng năm đã được báo cáo là 90 – 2.400 trường hợp trên 100.000 người ở một số quốc gia.

Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng thường do virus Coxsackie gây ra, thường gặp nhất là Coxsackie A16. Ngoài ra bệnh cũng có thể do một số virus khác như:

  • Coxsackie A virus (5, 6, 7, 9, 10)
  • Coxsackie B virus (2, 5)
  • Enterovirus 71
  • Echoviruses.

Nhiễm enterovirus 71 thường gây ra những trường hợp bệnh nặng liên quan đến tim, phổi và cũng có thể gây viêm màng não.

Sự lây nhiễm có thể trực tiếp qua đường tiếp xúc với dịch tiết bóng nướchoặc giọt bắn từ miệng. Bệnh có thể lay lan nhanh chóng giữa các thành viên trong gia đình hoặc giữa bạn học cùng lớp. Virus có thể thải ra phân hoặc nước bọt trong vài tuần.

Đặc điểm lâm sàng của bệnh tay châm miệng?

Bệnh thường khởi đầu với một hoặc tất cả triệu chứng sau: sốt, đau họng, chán ăn, mệt mỏi. Tuy nhiên, nhiều trẻ vẫn khoẻ mạnh mặc dù xuất hiện các sang thương da. Các mụn nước thường xuất hiện 1 đến 2 ngày sau khi trẻ sốt.

Thời gian ủ bệnh thường 3 đến 6 ngày và trẻ em vẫn có khả năng lây nhiễm cho đến khi các bóng nước vỡ và lành (thường 7 đến 10 ngày).

Các triệu chứng trên da thường bao gồm:

  • Mụn nước ngón tay, ngón chân và hoặc lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các mụn nước này thường:
  • Cảm giác căng, đau
  • Tiến triển theo thời gian từ các dát hồng ban sau đó xuất hiện các mụn nước nhỏ, lan ra, màu đỏ xám.
  • Thường có hình bầu dục hơn là hình tròn.
  • Vỡ ra và lành trong vòng 1 tuần và không để lại sẹo.

 

  • Các mụn nước nhỏ và các vết loét thường xuất hiện trong và/hoặc quanh môi,  miệng và thành sau họng. Đôi khi những mụn nước này rất đau. Lượng nước nhập vào có thể bị ảnh hưởng đáng kể đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

 

 

  • Đối với những trẻ bị chàm, hoặc tiền căn bị chàm thì mụn nước và các dát, sẩn hồng ban có thể xuất hiện trên các vùng da khác, đặc biệt là mông, cánh tay, chân và bộ phận sinh dục.

Các trường hợp bệnh tay chân miệng không điển hình có thể gây phát ban và mụn nước lan rộng hơn. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Những dát, sẩn hồng bantróc vảy không có mụn nước.
  • Những mụn nước, bóng nước kích thước lớn.
  • Mất móng.

 

 

  • Sang thương ở những vị trí không điển hình hoặc bất thường chẳng hạn như tai.

Thay đổi dấu hiệu lâm sàng trên những loại da khác nhau.

Ở trẻ nhỏ với những tổn thương chàm, sang thương bệnh tay chân miệng có thể xuất hiện tại những vị trí đang bị tổn thương của chàm.

Biến chứng của bệnh tay chân miệng là gì?

Các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra nhưng rất hiếm gặp ở những bệnh nhân có sức khoẻ nền tốt. Các biến chứng gồm:

  • Mất nước do uống không đủ. Biến chứng này có thể gây ra vấn đề đáng kể ở trẻ nhỏ.
  • Những thay đổi ở móng tay và móng chân thường được ghi nhận khoảng hai tháng sau khi mắc bệnh tay chân miệng do nhiễm coxsackie A6.
  • Các đường sọc ngang móng từ từ di chuyển ra ngoài.
  • Mất móng có thể xảy ra khoảng 2 tháng sau khi bị bệnh, tuy nhiên, cuối cùng móng sẽ mọc trở lại bình thường.

Các trường hợp bệnh diễn tiến nặng do nhiễm enterovirus có thể dẫn đến:

  • Mụn nước lan rộng
  • Viêm ruột
  • Viêm cơ tim
  • Viêm não và hoặc màng não
  • Mất chức năng thần kinh ở một chi (liệt mềm cấp tính)
  • Phù phổi và viêm phổi
  • Viêm kết mạc xuất huyết
  • Trong thời kỳ mang thai, virus gây bệnh tay chân miệng có thể gây sẩy thai tự nhiên trong ba tháng đầu hoặc thai nhi chậm phát triển trong tử cung
  • Viêm não màng não, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu nội mạch rải rác, bệnh cơ tim và viêm gan ở trẻ sơ sinh hiếm xảy ra.

 

Chẩn đoán bệnh tay chân miệng như thế nào?

Bệnh tay chân miệng thường được chẩn đoán dựa vào lâm sàng. Tổn thương da thường phân bố đối xứng trên các vị trí phổ biến như bàn tay, bàn chân, trong và xung quanh miệng ở trẻ.

Các phương pháp hỗ trợ chẩn đoán khác bao gồm:

  • PCR test (Polymerase chain reaction)
  • DNA của virus có thể được phát hiện từ dịch mũi họng, (họng hoặc mũi), mẫu bệnh phẩm và mẫu phân.
  • Phân tích mẫu máu, dịch não tủy và phân có thể xác định chẩn đoán, nhưng hiếm khi cần thiết trừ những trường hợp không điển hình hoặc bệnh diễn tiến nặng.
  • Sinh thiết tại vị trí mụn nước
  • Rất hiếm khi được chỉ định.
  • Cho thấy thâm nhiễm tế bào lympho ở lớp thượng bì.
  • Sự thâm nhiễm có liên quan đến quá trình chết theo chương trình của các tế bào sừng tại những sang thương sớm.

Các chẩn đoán phân biệt của bênh tay chân miệng là gì?

  • Nhiễm trùng do vi khuẩn: chẳng hạn như Streptococcus nhóm A và Staphylococcus aureus, có thể gây ra các tổn thương mụn nước tương tự, ví dụ như bệnh chốc bóng nước.
  • Các bệnh nhiễm virus khác như parechovirus ở người, virus Herpes Simplex, adenovirus, virus Varicella Zoster, virus Epstein-Barr và virus herpes 6 và 7 ở người.
  • Phản ứng do côn trùng cắn cũng có thể xuất hiện trên bàn tay và bàn chân ở trẻ em.
  • Chàm bội nhiễm.

Điều trị bệnh tay chân miệng như thế nào?

Điều trị đặc hiệu thường không cần thiết đối với bệnh tay chân miệng và quan trọng là điều trị triệu chứng. Bệnh tay chân miệng hiếm khi gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Thuốc kháng sinh không có tác dụng và không nên dùng cho trẻ bị bệnh tay chân miệng.

HIện chưa có vaccine hoặc thuốc kháng virus.

Các phương pháp điều trị tổng quát

Giảm đau

  • Thuốc giảm đau đơn giản như paracetamol hoặc ibuprofen khi cần thiết.
  • Nước súc miệng sát khuẩn hoặc thuốc làm dịu tại chỗ (ví dụ lignocaine) có thể được sử dụng ở trẻ em bị loét miệng/vòm miệng gây đau.
  • Aspirin không nên được sử dụng thường xuyên do nguy cơ mắc hội chứng Reye.

Bù nước.

  • Tiếp tục cho trẻ uống nước/nước trái cây để tránh mất nước.
  • Nếu ăn uống kém, có thể đặt sonde mũi dạ dày hoặc truyền tĩnh mạch.

Chăm sóc các sang thương mụn nước, bóng nước.

  • Để mụn nước khô tự nhiên.
  • Không đâm/làm vỡ mụn nước để giảm lây lan.
  • Giữ cho mụn nước sạch sẽ và đắp gạc hút dịch không dính vào vết trợt.

Trẻ bị tay chân miệng có nên nghỉ học?

Trong phần lớn các trường hợp, bệnh tay chân miệng là một bệnh nhẹ và không cần phải cho trẻ nghỉ học khi chúng đủ khỏe để đi học.

Các mụn nước vẫn lây nhiễm cho đến khi chúng khô lại, thường là trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, virus cũng thải ra ngoài qua phân và những virus này vẫn còn khả năng lây nhiễm cho đến một tháng sau khi khỏi bệnh. Do đó, việc cho các em học sinh có đủ sức khoẻ nghỉ học là điều không thực tế.

Các biện pháp phòng ngừa chung bao gồm:

  • Vệ sinh tay kỹ lưỡng, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với chất dịch cơ thể của người khác.
  • Việc này bao gồm tiếp xúc với mụn nước của trẻ bệnh, giúp trẻ xì mũi và thay tã lót hoặc giúp trẻ đi vệ sinh.
  • Hạn chế việc dùng chung các vật dụng cá nhân như dao kéo, ly uống nước, khăn tắm, bàn chải đánh răng và quần áo.

Tiên lượng của bệnh tay chân miệng như thế nào?

Bệnh tay chân miệng thường nhẹ và khỏi hoàn toàn trong vòng 7–10 ngày. Sau khi khỏi bệnh thường có khả năng miễn dịch lâu dài đối với virus gây bệnh cụ thể, tuy nhiên một đợt bệnh tay chân miệng khác có thể xảy ra khi nhiễm một type khác của nhóm enterovirus.

 

BS Phan Vũ Lam Phương - Đơn vị Da Liễu - Thẩm Mỹ Da

https://dermnetnz.org/topics/hand-foot-and-mouth-disease

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.

  • Số điện thoại liên lạc (Trả lời trong ngày) : 0899777709 / Zalo/Viber

 

return to top