✅ Bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến là gì?

Vảy nến là một rối loạn da khiến các tế bào sừng bị kích thích, nhân lên nhanh gấp 10 lần so với bình thường. Từ đó xuất hiện các mảng hồng ban trên da, có vảy khô trên bề mặt. Chúng có thể xuất hiện bất kỳ vị trí nào, nhưng thường gặp nhất ở da đầu, khuỷu tay, gối, và lưng dưới. Vảy nến không lây từ người này sang người khác. Nhưng có thể xuất hiện ở những thành viên trong gia đình.

Vảy nến thường xuất hiện sớm ở giai đoạn trưởng thành. Đa số, bệnh chỉ ảnh hưởng đến một số vùng trên cơ thể. Đối với những trường hợp nặng, vảy nến có thể bao phủ phần lớn diện tích cơ thể. Mảng vảy nến có thể lành hẳn rồi tái phát xen kẽ nhau suốt cuộc đời bệnh nhân.

Triệu chứng của bệnh vảy nến

Tùy thuộc vào thể bệnh mà vảy nến có những triệu chứng khác nhau. Một số triệu chứng thường gặp của vảy nến mảng, thể phổ biến nhất gồm:

  • Mảng hồng ban, thường phủ trên bề mặt những vảy màu bạc. Những mảng hồng ban có thể ngứa và đau, đôi khi bong ra và chảy máu. Ở trường hợp nặng, sang thương phát triển và lan ra bao phủ một vùng lớn của cơ thể.
  • Các rối loạn của móng chân và móng tay, bao gồm thay đổi màu sắc, mất phẳng của móng, hoặc có thể gãy và tách ra khỏi giường móng.
  • Các mảng vảy hoặc đóng vảy trên da đầu.

Các thể vảy nến

Một số thể khác của vảy nến như:

  • Vảy nến mủ, những mụn mủ nhỏ trên nền hồng ban, có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân;
  • Vảy nến giọt, thường khởi phát ở trẻ em hoặc người trẻ. Thương tổn là những sẩn nhỏ ở thân và chi. Yếu tố khởi phát có thể là một nhiễm trùng hô hấp, nhiễm liên cầu vùng hầu họng, stress, chấn thương da hoặc uống thuốc chẹn Beta hoặc kháng sốt rét.
  • Vảy nến đảo ngược, thương tổn ở những nếp gấp chính của cơ thể như nách, vùng bẹn và dưới vú. Thương tổn là những hồng ban giới hạn rõ, láng.
  • Vảy nến đỏ da toàn thân, gây ra tình trạng đỏ da và bong vảy hầu hết diện tích cơ thể. Bệnh có thể khởi phát sau một đợt da cháy nắng nặng, nhiễm trùng, sử dụng một số loại thuốc, và dừng lại một số thuốc điều trị vảy nến. Tình trạng này cần được điều trị tích cực vì có thể diễn biến trở nặng.

Nguyên nhân của vảy nến

Căn nguyên chính xác của vảy nến còn mơ hồ, nhưng các chuyên gia cho rằng đó là sự tương tác của nhiều yếu tố khác nhau. Một vấn đề của hệ thống miễn dịch gây ra sự viêm, kích thích các tế bào da tăng sinh quá nhanh. Thông thường, cần khoảng từ 10 đến 30 ngày để các tế bào sừng được thay thế. Với vảy nến, quá trình này chỉ xảy ra trong 3 đến 4 ngày. Sự tích lũy các tế bào cũ bị thay thế đó tạo ra sự bong tróc vảy.

Vảy nến có xu hướng di truyền, nhưng có thể cách thế hệ. Ví dụ, ông ngoại và cháu trai có thể bị bệnh, nhưng mẹ của đứa bé thì không. Một số yếu tố khởi phát sự xuất hiện bệnh vảy nến gồm:

  • Vết cắt, trầy da hoặc phẫu thuật;
  • Các stress tâm lý;
  • Nhiễm liên cầu;
  • Sử dụng thuốc, ví dụ: thuốc kiểm soát huyết áp (chẹn Beta); thuốc kháng sốt rét (hydroxychloroquine).

Chẩn đoán

Lâm sàng: bác sĩ thường dễ dàng chẩn đoán vảy nến, đặc biệt nếu bệnh nhân có sang thương ở những vùng như: da đầu, tai, khuỷu tay, gối, rốn, móng,…

Cận lâm sàng: bác sĩ có thể sinh thiết, lấy một mảnh nhỏ da và kiểm tra loại trừ đây không phải là một nhiễm trùng da. Không có một xét nghiệm nào để khẳng định hay loại trừ vảy nến.

Điều trị bệnh vảy nến như thế nào?

Có nhiều phương pháp để điều trị vảy nến. Trong đó, một số làm chậm sự sinh trưởng của những tế bào sừng, số khác làm giảm triệu chứng ngứa và khô da. Dựa vào kích thước thương tổn, vị trí, tuổi, và tổng trạng chung của bệnh nhân và những yếu tố khác, bác sĩ sẽ lựa chọn kế hoạch điều trị thích hợp. Một số điều trị phổ biến:

  • Thuốc bôi corticosteroid;
  • Dưỡng ẩm cho da khô;
  • Dầu hắc, điều trị phổ biến cho vảy nến da đầu, có sẵn ở các dạng lotions, kem, xà phòng, dầu gội và sữa tắm;
  • Thuốc mỡ (loại mạnh được chỉ định bởi bác sĩ. Vitamin D trong thức ăn và thuốc không có tác dụng);
  • Kem bôi retinoid.

Điều trị vảy nến từ trung bình đến nặng:

  • Quang trị liệu. Chiếu tia cực tím để ức chế sự tăng sinh của tế bào sừng. PUVA liệu pháp bao gồm chiếu tia UVA sau khi uống hoặc bôi psoralen.
  • Methoxetrate. Thuốc này có thể ảnh hưởng đến tủy xương, gan và phổi, do đó chỉ dùng ở những trường hợp nặng và có sự giám sát kỹ của bác sĩ. Bệnh nhân phải được làm một số xét nghiệm như Xquang ngực, có thể có sinh thiết gan.
  • Retionoids. Là một dạng dẫn xuất của vitamin A được sản xuất dưới nhiều dạng gồm thuốc uống, kem bôi, xà phòng, lotions, hoặc gels. Retinoids có nhiều tác dụng phụ, bao gồm dị dạng bẩm sinh. Do đó chúng không được chỉ định ở phụ nữ có thai hoặc có kế hoạch mang thai.
  • Thuốc ức chế miễn dịch, được dùng cho những trường hợp nặng, không đáp ứng với những điều trị khác. Thuốc này ảnh hưởng đến thận và làm tăng huyết áp, do đó cần có sự giám sát của bác sĩ trong quá trình điều trị.
  • Thuốc sinh học. Những thuốc này chặn sự hoạt động của hệ thống miễn dịch gây viêm trong vảy nến. Một số thuốc sinh học như: Adalimumab (Humira), brolalumab (Siliq), certolizumab (Cimzia),…
  • Chất ức chế enzme. Apremilast (Otezla) là một loại thuốc mới cho những bệnh viêm mạn như vảy nến hoặc viêm khớp vảy nến. Thuốc này ức chế một số enzyme đặc hiệu, từ đó làm chậm những phản ứng gây viêm.

Có thể chữa lành vảy nến không?

Câu trả lời là không. Nhưng điều trị tốt giúp giảm triệu chứng, thậm chí những trường hợp nặng. Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng nếu kiểm soát tốt sự viêm trong vảy nến, những nguy cơ tim mạch, đột quỵ, hội chứng chuyển hóa, và những bệnh lý khác liên quan đến viêm cũng sẽ giảm.

 

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.  
  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.
  • Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber: 0899777709
  • Facebook Fanpage: Thẩm mỹ da - BV Nguyễn Tri Phương
return to top