✅ Biến chủng Delta: Tại sao Vacxin là không đủ

Trong một nghiên cứu được khảo sát về khả năng lây nhiễm của virus SARS-Cov-2 biến chủng Delta cho thấy dù có sự thay đổi về khả năng nhiễm bệnh giữa những người được tiêm vacxin trong cùng gia đình, nhưng dường như họ chỉ biểu hiện bệnh nhẹ nếu mắc bệnh.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng chỉ ra rằng khả năng bảo vệ của vacxin sẽ giảm dần sau khi được tiêm 2-3 tháng. Họ còn dẫn ra rằng nếu chỉ dựa vào vacxin là không đủ hiệu quả để bảo vệ trước biến chủng Delta, mọi người vẫn nên tuân thủ các hướng dẫn khác, như việc đeo khẩu trang, nhất là trên những đối tượng nguy cơ cao.

Việc tiêm vacxin ngừa COVID-19 rất có ý nghĩa trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong ở những bệnh nhân bị nhiễm SARS-Cov-2.

Ở nước Anh, các nghiên cứu cũng cho thấy việc được tiêm vacxin đầy đủ giúp giảm 40-50% nguy cơ lây lan của biến chủng Alpha trong các gia đình.

Nghiên cứu tương tự cũng cho thấy nếu họ nhiễm bệnh thì tải lượng virus trong đường hô hấp trên cũng thấp hơn so với những người chưa được tiêm vacxin.

Tuy nhiên, biến chủng Delta (B.1.617.2) đang dần thay thế biến chủng Alpha và trở thành biến chủng ưu thế trên khắp thế giới. Các vacxin hiện nay vẫn duy trì hiệu quả cao giúp giảm nguy cơ nhập viện và tử vong do biến chủng Delta.

Nhưng vacxin lại ít hiệu quả trên việc chống lại biến chủng Delta hơn là Alpha. Biến chủng Delta vẫn tiếp tục gây tăng cao các ca mắc ở cả những nước đạt tỷ lệ phủ vacxin dù cao hay thấp.

Cũng có nhiều nghiên cứu nhỏ về nguy cơ lây lan biến chủng Delta trong cộng đồng từ những người đã được tiêm vacxin và nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ. Nhận thức được vấn đề này sẽ giúp các cơ quan chức năng hoàn thiện những hướng dẫn nhằm kìm hãm sự lan rộng của dịch COVID-19.

Gần đây, các nhà nghiên cứu tại Đại Học Hoàng Gia Luân Đôn và Đại học Oxford đã cùng cộng tác để tiến hành nghiên cứu khả năng lây truyền biến chủng Delta ở những người được tiêm vacxin trong cộng đồng.

Bác sĩ Anika Sinanayagam- đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “ Những hiểu biết trên những người được tiêm vacxin có thể giúp ngăn lây lan biến chủng Delta trong cộng đồng. Từ việc thu thập các mẫu định kỳ thường xuyên ở những ca COVID-19, chúng tôi nhận thấy rằng những người được tiêm vacxin có khả năng bảo vệ vượt qua đợt bệnh mà không phải nhập viện.

Bác sĩ còn bổ sung rằng: “ Những tài liệu của chúng tôi cung cấp những thông tin quan trọng về hiệu lực của vacxin trên những biến chủng mới, và đặc biệt là lý do tại sao biến chủng Delta vẫn tiếp tục gây tăng cao số ca mắc COVID-19 trên thế giới, ngay cả ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao. Vẫn nên tiếp tục tuyên truyền cho cộng đồng các thông điệp bảo vệ sức khỏe giúp ngăn việc lây lan dịch bệnh như: đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với mọi người, và thực hiện xét nghiệm kiểm tra- là những việc rất quan trọng kể cả ở những người đã được tiêm vacxin.”

Những tiếp xúc trong cộng đồng:

Giữa tháng 12 năm 2020 và tháng 9 năm 2021, các nhà nghiên cứu đã xác định 621 người có liên quan thông qua Dịch vụ Sức Khỏe Quốc Gia - Các Xét nghiệm và Truy vết, một chương trình trong hệ thống điều tra lịch sử tiếp xúc ở nước Anh.

Trong đó gồm 19 ca nhiễm khuẩn tiên phát và 602 người sống cùng hoặc có tiếp xúc với những người mắc bệnh có triệu chứng. Trẻ em dưới 5 tuổi cũng được tham gia nghiên cứu dưới sự đồng thuận của ba mẹ. Tuy nhiên độ tuổi trung bình của nhóm bệnh nhân này là khoảng 36 tuổi.

Mỗi bệnh nhân được xét nghiệm PCR hàng ngày trong 14-20 ngày để theo dõi diễn tiến của bệnh. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu phát hiện những thay đổi theo thời gian của tải lượng (số lượng) virus trong vùng mũi họng của bệnh nhân, giúp so sánh sự khác biệt giữa nhóm chưa tiêm vacxin, được tiêm một phần và nhóm tiêm vacxin đầy đủ.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện RNA SARS-CoV-2 ở 163 (26%) tình nguyện viên và giải trình tự gen các ca PCR dương cho thấy có 71 trường hợp nhiễm biến chủng Delta, 42 ca là biến chủng Alpha, và 50 ca nhiễm biến chủng tiền Alpha.

Tất cả tình nguyện viên đều bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng, và tỷ lệ các ca không triệu chứng không khác nhau giữa các nhóm: chưa được tiêm vacxin, tiêm một phần và tiêm đầy đủ mũi vacxin.

Trong số 205 ca có tiếp xúc người nhiễm COVID-19 trong gia đình, có 53 ca dương tính với virus này.

Khoảng một phần tư (25%) trong số người có tiếp xúc ca nhiễm trong gia đình đã được tiêm 2 mũi vacxin mà vẫn nhiễm biến chủng Delta, trong khi tỷ lệ này ở nhóm tương tự nhưng chưa được tiêm vacxin là 38%.

Các nhà nghiên cứu đánh giá vacxin đạt hiệu quả khoảng 34% trong việc ngăn ngừa sự lây lan chủng Delta trong gia đình.

Sự suy giảm khả năng bảo vệ

Những người được tiêm vacxin đầy đủ có kết quả PCR dương tính trung bình từ sau khi được hoàn tất các liều vacxin là 101 ngày, thời gian này đối với nhóm tương tự có kết quả PCR âm tính là 64 ngày. Các nhà nghiên cứu nhận xét điều này cho thấy khả năng bảo vệ miễn dịch của vacxin có thể giảm thấp sau 2-3 tháng được tiêm vacxin.

“Vacxin là tối cần thiết để kiểm soát đại dịch, vì như chúng ta đã biết điều này rất hiệu quả trong việc ngăn chặn bệnh nặng hoặc tử vong do COVID-19” – Giáo sư Ajit Lalvani- đồng tác giả đứng đầu trong nghiên cứu đã phát biểu-“ Tuy nhiên, các bằng chứng của chúng tôi chỉ ra rằng một mình vacxin không đủ để ngăn một người bị nhiễm biến chủng Delta hay ngăn lây truyền virus trong gia đình”. Ông còn cho rằng: “ Đối với tình trạng lây nhiễm hiện tại, những người được tiêm vacxin được bảo vệ khỏi khả năng mắc bệnh và bị COVID-19 mức độ nặng, điều này tạo động lực cho những người chưa tiêm vacxin chấp nhận được tiêm ngừa, nhất là khi vào mùa đông người ta có khuynh hướng ở trong nhà nhiều hơn và tiếp xúc với khoảng cách gần. Chúng tôi nhận thấy rằng tính cảm nhiễm với virus này cũng gia tăng trong vòng vài tháng sau liều vacxin thứ 2, vì vậy ở những đối tượng nguy cơ cao bị lây nhiễm nên tiêm vacxin càng sớm càng tốt.”

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng giữa những người mắc các biến chủng COVID khác nhau, tải lượng virus giảm nhanh nhất ở nhóm được tiêm vacxin đầy đủ và giảm chậm nhất ở nhóm không tiêm vacxin.

Chính việc đào thải virus nhanh giải thích lý do vì sao tỷ lệ nhập viện giảm ở nhóm được tiêm vacxin. Tuy nhiên nồng độ virus đạt đỉnh cũng nhanh như vậy cho thấy cách biến chủng vẫn gây lây lan bệnh mặc dù đã được tiêm vacxin, vì nồng độ virus càng nhiều thì khả năng lây bệnh càng cao.

Bác sĩ John P.Moore- Giáo sư Vi sinh và Miễn dịch tại Đại học Y Khoa Weill Cornell- người không tham gia nghiên cứu, đã phát biểu trên trang Medical News Today rằng:” Chúng ta đã biết trong nhiều tháng nay những người được tiêm vacxin đầy đủ vẫn có thể nhiễm bệnh từ những người tiếp xúc gần, có thể do cả nguyên nhân suy yếu khả năng miễn dịch chống lại tình trạng nhiễm khuẩn lẫn do chu kỳ dễ lây nhiễm của biến chủng Delta.”

Kết quả của nghiên cứu này dường như không quá bất ngờ nhưng nó cũng góp phần tăng sự hiểu biết của chúng ta về căn bệnh này. Vì vậy, trong cùng gia đình, việc lây lan virus vẫn có thể xảy ra nếu mọi người đã tiêm vacxin, nhưng vẫn ít hơn 50% so với khi những thành viên đó không được tiêm vacxin. Một trong những lý do có sự khác biệt này là do tốc độ đào thải virus nhanh sau khi đạt đỉnh ở những người được tiêm vacxin giúp giảm nguy cơ lây bệnh.

Vacxin không phải là tất cả

Bác sĩ Moore đã phát biểu rằng: “ Một vấn đề có thể đoán đuợc khi tiến hành phép toán loại suy ở Mỹ là chỉ có, 14 trong 38 ca nhiễm đột phá biến chủng Delta ở những người được tiêm vacxin Pfizer, còn lại là những người được tiêm Astrazeneca hay Sinovac- những vacxin ít hiệu quả hơn các loại vacxin mARN vốn đã ưu thế ở quốc gia này. Chính vì vậy, tôi vẫn kỳ vọng vào hiệu lực của vacxin ở đây sẽ cao hơn so với các báo cáo tại nước Anh”

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng chỉ dựa vào vacxin là không đủ hiệu quả giúp ngăn ngừa sự lây lan của biến chủng Delta trong dân số. Họ cho rằng phải kết hợp cả việc tiêm vacxin với các phương pháp không dùng thuốc khác như đeo khẩu trang mới kiểm soát tốt được dịch bệnh.

Một giới hạn của nghiên cứu này là cách các nhà nghiên cứu phân định ai là người đầu tiên trong một gia đình có thể chống lại bệnh do virus SARS-Cov-2. Có khả năng là một thành viên khác trong nhà có thể mắc bệnh từ trước khi những người được truy vết được xác minh.

Một giới hạn khác là ở Anh những người già được tiêm vacxin trước người trẻ nên bất cứ dữ liệu nào có liên quan với độ tuổi đều sẽ bị sai lệch.

“ Nghiên cứu xác nhận rằng dù có đựơc tiêm vacxin hay không, một khi ai đó nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn có thể lây bệnh cho người khác. Nhưng những người được tiêm vacxin dường như dễ vượt qua căn bệnh hơn nhóm còn lại.”- Bác sĩ Jorge Luis Salinas- một nghiên cứu sinh về y khoa tại Đại học Stanford, không có tham gia vào nhóm nghiên cứu đã phát biểu trên trang Medical News Today.

Khi được hỏi nghiên cứu có ý nghĩa như thế nào để giúp bệnh nhân lựa chọn cách bảo vệ cho bản thân và gia đình tốt nhất, bác sĩ Salinas đã nói: “Vacxin vẫn có hiệu quả, giúp ngăn ngừa bệnh, và khi một người được tiêm vacxin bị nhiễm virus , dường như họ ít gây lây lan bệnh hơn những người chưa được tiêm vacxin”

--  TS.BS Nguyễn Thị Hồng Chuyên  --

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

return to top