✅ Các dạng viêm da vùng tã lót: Triệu chứng, nguyên nhân và một số hướng điều trị

Các dạng viêm da vùng tã lót

Viêm da tiếp xúc kích ứng

Viêm da tiếp xúc kích ứng là loại viêm da vùng tã lót thường gặp nhất. Các thành phần trong tã là nguyên nhân gây kích ứng da. Tình trạng này sẽ trở nên nặng hơn khi tã ướt hoặc bẩn trong thời gian dài gây ra những nốt đỏ hoặc đốm đỏ xuất hiện trên vùng da bị hăm. Nếu tình trạng nặng hơn nữa có thể nứt da, loét và chảy máu. Vết loét hở khiến nấm và vi khuẩn xâm nhập dễ dàng hơn, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Thay tã thường xuyên và sử dụng kem chống hăm tã là phương pháp giúp điều trị.

Nhiễm nấm da

Nấm Candida thường cư trú ở da và vùng quấn tã, khi chúng phát triển quá mức sẽ gây nên các thương tổn da kèm đau rát.

Thương tổn da là các nốt nhỏ màu đỏ kèm các mụn nước màu trắng chứa dịch hoặc nốt sưng tấy, tróc vảy trắng. Đôi khi trẻ bị nhiễm nấm sau khi bị hăm tã nặng khiến da nứt ra và chảy máu. Quan trọng là phải giữ khô và sạch vùng da bị nhiễm nấm.

Nếu các triệu chứng không cải thiện sau vài ngày, có thể cần kết hợp kem bôi chứa thuốc kháng nấm.

Chàm da

Bệnh chàm là một trong các nguyên nhân gây ra các nốt đỏ quanh vùng quấn tã. Khi bị chàm, da sẽ khô và dễ kích ứng. Biểu hiện là các mảng đỏ hoặc các vùng da khô, tróc vảy.

Nhiều trẻ sơ sinh bị chàm cũng sẽ bị thêm ở các vùng khác của cơ thể chứ không chỉ xảy ra ở vùng quấn tã.

Bạn cần giữ ẩm cho vùng tổn thương để làm dịu vết chàm. Nhưng điều này lại khiến vùng quấn tã luôn ẩm và làm tăng nguy cơ mắc các loại hăm tã khác nếu bạn không biết giữ ẩm đúng cách. Do đó, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để được khám, tư vấn và điều trị phù hợp, một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thêm thuốc bôi kháng viêm và một số phương pháp điều trị khác tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Nhiễm trùng da

Nhiễm trùng da vùng quấn tã gây ra các thương tổn đỏ, sưng, rỉ dịch, mủ. Nếu không điều trị, nhiễm trùng sẽ lan sang các vùng khác của cơ thể và nặng nề hơn là đe dọa đến tính mạng.

Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng da có thể sốt, lừ đừ, mệt mỏi. Tuy nhiên một số không có triệu chứng nào khác ngoài biểu hiện da.

Tình trạng hăm tã gây ra các vết thương hở tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ xâm nhập hơn từ đó dẫn đến nhiễm trùng da, nên việc ngăn ngừa hăm tã cũng có thể ngăn ngừa nhiễm trùng thứ phát.

Để điều trị nhiễm trùng da, các bác sĩ thường sử dụng các loại kháng simh uống hoặc thoa, kết hợp với các biện pháp chăm sóc tại chỗ.

Bệnh hăm kẽ

Bệnh hăm kẽ là tình trạng viêm da nặng ở các nếp gấp da và những nơi ẩm như nếp gấp của đùi hoặc mông của em bé. Đôi khi kèm nhiễm trùng hoặc nhiễm nấm thứ phát.

Trong hầu hết các trường hợp, có thể kiểm soát bệnh bằng cách loại bỏ nguồn gây kích ứng. Đối với trẻ sơ sinh, thay tã thường xuyên được xem là phương pháp điều trị hữu hiệu.

Bệnh vảy nến tã lót

Vảy nên tã lót là một loại vảy nến. Đây là một bệnh lý miễn dịch theo cơ chế cơ thể tự tấn công các tế bào khỏe mạnh của chính mình khiến hình thành các mảng da dày, đỏ, tróc vảy.

Ở trẻ em có vảy nến tã lót, các mảng vảy nến có thể xuất hiện ở những nơi khác, đặc biệt là da đầu. Bệnh vảy nến không giảm khi điều trị hăm tã. Tuy nhiên một số chất gây kích ứng da, tình trạng tã ướt có thể gây bùng phát bệnh. Vì vậy ngăn ngừa hăm tã vẫn rất quan trọng khi bé bị vảy nến.

                    các dạng viêm da vùng tã lót ở trẻ

Điều trị và phòng bệnh

Để giúp điều trị và ngăn ngừa hăm tã cần:

  • Thay tã thường xuyên;
  • Chọn tã vừa vặn và không gây cọ xát hoặc hăm;
  • Lau khô người cho trẻ trước khi mặc tã mới và trước khi bôi thuốc chống hăm;
  • Đổi nhãn hiệu tã khác nếu trẻ bị kích ứng;
  • Nếu em bé bị hăm tã nặng, hãy dùng bình xịt khoáng để vệ sinh vùng hăm thay vì dùng khăn lau chà xát lên vết hăm;
  • Giữ trẻ không mặc tã càng lâu càng tốt;

Nếu trẻ đủ lớn để tập ngồi bô, hãy bỏ tã. Hầu hết các trường hợp; hăm tã xảy ra do viêm da tiếp xúc kích ứng sẽ tự khỏi hoặc chỉ cần điều trị tại nhà.

Khi nào cần nhập viện

Cần đi khám khi hăm tã gây nứt da và chảy máu hoặc không giảm khi điều trị tại nhà. Bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân gây hăm tã. Các bác sĩ có thể sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm nếu có tình trạng nhiễm trùng hay biến chứng khác.

 

Kết luận

Hăm tã gây khó chịu cho trẻ. Tình trạng hăm tã nặng có thể gây nhiễm trùng rất nguy hiểm. Lời khuyên cho đọc giả là cần có kiến thức tự chăm sóc cho bé để làm giảm nguy cơ trẻ bị hăm tã nặng.

Tuy nhiên bạn cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu nếu đã làm đúng những biện pháp tự chăm sóc tại nhà mà tình trạng hăm tã không được cải thiện hay nghi ngờ bệnh lý khác vùng tã lót mà không phải hăm tã.

Xem tiếp: Chăm sóc trẻ bị viêm da vùng tã lót

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.  
  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.
  • Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber: 0899777709
  • Facebook Fanpage: Thẩm mỹ da - BV Nguyễn Tri Phương

 

 

return to top