✅ Những điều cần biết về bệnh chàm

Chàm là gì?

Chàm là nhóm bệnh da viêm gây ngứa, được đặc trưng bởi sự thay đổi viêm của lớp trên cùng của da. Chàm là bệnh rất thường gặp, trung bình cứ 5 người thì có 1 người bị chàm vào một thời điểm nào đó trong suốt cuộc đời. Chàm có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và có nhiều thể bệnh chàm khác nhau.

Thuật ngữ “viêm da” và “chàm” thường được dùng thay thế lẫn nhau. Trong một số trường hợp người ta dùng từ viêm da dạng chàm. Chàm có thể biểu hiện cấp tính hay mạn tính hay cả hai.

  • Chàm cấp tính là tình trạng da xuất hiện các ban đỏ tiến triển nhanh, có thể xuất hiện mụn nước, bóng nước hay sưng nề, ngứa nhiều;
  • Chàm mạn tính là tình trạng kích ứng da lâu dài. Vùng da chàm mạn tính thường sậm màu hơn và dày hơn vùng da xung quanh, kèm nhiều vết cào gãi;
  • Tình trạng da có cả hai loại chàm cấp tính và mạn tính gọi là chàm bán cấp.

Căng thẳng tâm lý có thể khởi phát hay làm nặng thêm tình trạng chàm, do tình trạng này gây ức chế cơ chế điều hoà miễn dịch bình thường.

Biểu hiện khác nhau của một vài dạng chàm

  • Chàm thể tạng (viêm da cơ địa) thường gặp ở trẻ em; yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng, và dường như luôn có tiền căn gia đình có người thân bị chàm hoặc hen suyễn;
  • Chàm tiếp xúc kích ứng xảy ra khi da tiếp xúc cấp tính hay mạn tính với hoá chất hay các tác nhân vật lý làm kích ứng da ví dụ như chất tẩy rửa, hoá chất với nồng độ cao. Các chất gây kích ứng có thể gây ra nhiều phiền toái hơn cho những người có cơ địa chàm thể tạng;
  • Viêm da tiếp xúc dị ứng xảy ra do phản ứng dị ứng khi da tiếp xúc với các dị nguyên. Với người không dị ứng, các dị nguyên này dường như vô hại nhưng lại gây phản ứng dị ứng ở người có cơ địa dị ứng. Tác nhân thường gặp nhất là niken, nước hoa, cao su, chất nhuộm tóc, chất khử mùi. Bác sĩ da liễu có thể giúp bạn xác định tác nhân bằng xét nghiệm áp da;
  • Khô da: thường ở cẳng chân, có thể gây chàm khô;
  • Chàm đồng tiền: các dát đỏ, mụn nước hình đồng xu rải rác trên da tồn tại trong vòng vài tháng;
  • Viêm da tiết bã và gàu: là do da phản ứng các chất tiết ra từ nấm Malassezia sống trên da đầu, mặt và một số vị trí khác.
  • Chàm ứ đọng: thường gặp ở cẳng chân trên người lớn tuổi, do phù nề, suy giảm chức năng tĩnh mạch chi dưới.

Chàm thể tạng

Chàm thể tạng là gì?

Chàm thể tạng là một bệnh lý da ngứa, mạn tính, thường gặp ở trẻ em nhưng có thể xuất hiện ở bất kì tuổi nào. Chàm thể tạng thường gặp ở những người có “cơ địa dị ứng” và có tiền căn gia đình.

Nguyên nhân của chàm thể tạng khá phức tạp, là sự phối hợp giữa yếu tố di truyền và yếu tố môi trường.

Biểu hiện của chàm thể tạng như thế nào?

Biểu hiện của chàm thể tạng là các đợt viêm cấp với các mảng da đỏ, có mụn nước trên bề mặt, ngứa nhiều, rỉ dịch. Giữa các đợt viêm cấp tính, da có thể bình thường hoặc có tình trạng chàm mạn tính biểu hiện là da khô, tróc vảy, một số vùng da dày và ngứa.

Biểu hiện chàm có thể khác nhau tuỳ lứa tuổi:

  • Ở trẻ nhũ nhi:

Trẻ em nhỏ hơn 1 tuổi thường bị chàm ở nhiều vị trí da tuy nhiên vị trí hay thấy nhất là ở hai bên má. Da trẻ thường khô, đỏ, tróc vảy, có chỗ mụn nước, rỉ dịch. Chàm thường không xuất hiện ở vùng mặc tã;

          chàm ở trẻ nhũ nhi

  • Ở trẻ nhỏ, trước độ tuổi đi học:

Khi trẻ bắt đầu có thể di chuyển (trườn, bò), chàm khu trú hơn và da vùng chàm thường dày hơn do trẻ cào gãi nhiều. Chàm lúc này thường biểu hiện ở mặt duỗi của khớp, đặc biệt là cổ tay, cổ chân, đầu gối, cù chỏ. Đôi khi chàm xuất hiện ở bộ phận sinh dục. Khi trẻ lớn hơn nữa, vị trí của chàm bắt đầu di chuyển vào vùng mặt gấp (nếp) nhiều hơn là vùng mặt duỗi;

  • Ở trẻ độ tuổi đi học

Với những trẻ lớn hơn ở độ tuổi này, chàm thường ở các nếp khoeo và khuỷu. Vị trí khác thường gặp là ở mi mắt, vành tai, cổ và da đầu. Những trẻ này cũng có thể bị chàm với những mụn nước sâu ở lòng bàn tay hay bàn chân gọi là chàm tổ đỉa.

Hầu hết tình trạng chàm sẽ cải thiện dần theo thời gian, và hết hẳn khi trẻ đến lứa tuổi thanh thiếu niên dù chức năng hàng rào bảo vệ da không bao giờ trở về bình thường hoàn toàn.

  • Ở người lớn:

Chàm thể tạng ở người lớn có thể biểu hiện ở nhiều thể khác nhau. Một số người có thể tiếp tục bị chàm lan toả như ở trẻ nhỏ nhưng da khô hơn và nhiều vị trí da dày hơn. Trong khi hầu hết sẽ biểu hiện chàm khu trú, dai dẳng thường ở tay, mi mắt, nếp gấp hoặc núm vú.

Chàm thể tạng có tồn tại vĩnh viễn hay không?

Chàm thể tạng gặp ở 15 – 20% trẻ em nhưng ít hơn ở người lớn. Không thể tiên đoán được trên mỗi em bé bị chàm thì bệnh có thể tự cải thiện hay không. Một số nghiên cứu cho thấy khoảng 20% trẻ bị chàm kéo dài sau 8 tuổi, ít hơn 5% trẻ có chàm kéo dài sau 20 tuổi. Trẻ bị chàm trước 2 tuổi thường ít có nguy cơ bị chàm kéo dài hơn những trẻ mới bị chàm khi đã lớn hơn và ở tuổi thanh thiếu niên.  

Một vài nghề nghiệp phải tiếp xúc thường xuyên với các chất dễ gây kích ứng hay các dị nguyên như làm vườn, làm tóc, vệ sinh công nghiệp, v.v.. sẽ khiến tình trạng chàm ngày càng nặng hơn, khó điều trị dứt điểm.

Điều trị chàm thế nào?

Quan trọng là xác định và giải quyết các yếu tố thúc đẩy và làm nặng bệnh. Điều trị cần thời gian lâu dài.

  • Tắm: Tránh tắm thường xuyên, sử dụng nước ấm khi tắm, tránh nước nóng. Sử dụng các sữa tắm dịu nhẹ, không chứa xà phòng. Bạn có thể đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn loại sữa tắm phù hợp nhất;
  • Quần áo: Mặc quần áo mỏng, mềm, thoáng, tránh vải sợi thô ráp;
  • Các chất kích ứng:  Bảo vệ da của bạn tránh tiếp xúc nhiều với bụi bặm, nước, chất tẩy rửa và tránh tạo các thương tổn da;
  • Dưỡng ẩm:Thoa dưỡng ẩm thường xuyên đặc biệt sau khi tắm và khi ngứa, cố gắng tránh các sản phẩm có mùi thơm nếu có thể;
  • Thuốc steroid thoa: Có thể thoa steroid dạng kem hay mỡ vào vùng da đỏ, ngứa trong vòng 1-2 tuần. Tốt nhất nên sử dụng theo kê toa và hướng dẫn của bác sĩ da liễu. Hãy chắc chắn rằng bạn hiểu rõ nên bôi ở vị trí nào, vào thời điểm nào và nên bôi trong bao lâu. Steroid có thể bôi 1-2 lần/ngày vào vùng da đỏ ngứa. Ở vùng da khác nhau, với độ nặng khác nhau, bác sĩ có thể kê cho bạn các loại steroid thoa khác nhau. Tuy nhiên, không nên lạm dụng steroids thoa vì có thể gây ra tác dụng phụ như teo da, giãn mạch, thay đổi sắc tố da.
  • Kem Pimecrolimus, Tacrolimus: Đây là các loại thuốc thoa kháng viêm hữu ích cho điều trị chàm thể tạng với ít tác dụng phụ hơn steroids;
  • Kháng sinh: Nên sử dụng một số loại kháng sinh uống hoặc thoa nếu có biến chứng nhiễm trùng hay tình trạng viêm da gây ra do nhiễm trùng;
  • Kháng histamin: Thuốc kháng histamin giúp làm giảm kích ứng, giảm ngứa, hữu ích đặc biệt khi dùng vào buổi tối;
  • Điều trị khác bao gồm: Steroid đường uống, methotrexate, azathioprine, cyclosporin, mycophenolate, liệu pháp ánh sáng. Những liệu pháp chuyên sâu này cần được chỉ định và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa điể đảm bảo an toàn và hiệu quả kiểm soát bệnh.

Kết luận

Chàm thường là một bệnh lý da mạn tính và kéo dài, gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, nhất là đối với trẻ nhỏ và gia đình của bé. Khi có các dấu hiệu của bệnh chàm, nên tới khám bác sĩ da liễu để được khám, tư vấn và điều trị thích hợp, tránh để xảy ra các biến chứng không đáng có do điều trị không đúng cách hoặc điều trị trễ.

 

-- ThS. BS. Trần Thị Thuý Phượng -- 

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

   

return to top