✅ Da vảy cá thông thường

Da vảy cá thông thường là gì?

Da vảy cá thông thường là một dạng của da vảy cá, bao gồm một nhóm các bệnh da liên quan đến khả năng thải loại tế bào da chết của da, dẫn đến tình trạng da rất khô, dày. Tình trạng da rất khô, tróc vảy còn được gọi là bệnh khô da.

Có hơn 20 thể da vảy cá, nhưng da vảy cá thông thường là thể bệnh thường gặp nhất, chiếm gần 95% tất cả các trường hợp da vảy cá.

Da vảy cá thông thường có tên gọi như vậy là vì vảy tróc trông giống vảy của con cá. Bệnh có thể được chẩn đoán qua thăm khám lâm sàng bởi bác sĩ (nhìn da) và hỏi về tiền căn gia đình có người bệnh tương tự. Bác sĩ cũng phải hỏi kỹ về các vấn đề y khoa khác và làm sinh thiết da hay lấy mẫu tế bào niêm mạc má. Xét nghiệm gene chẩn đoán cũng thường được thực hiện để chẩn đoán xác định bệnh.

Cần phân biệt da vảy cá thông thường với bệnh da vảy cá harlequin – một thể da vảy cá hiếm gặp, xuất hiện triệu chứng từ lúc mới sinh. Trẻ sơ sinh bị bệnh này bị nứt và bong da thành từng phiến dày, gây khó khăn khi bú, khi thở, và dễ nhiễm trùng. Trước đây, tiên lượng sống của bệnh chỉ là vài ngày; tuy nhiên đến nay, đã có các phương pháp điều trị, và nếu được can thiệp kịp thời, có thể có hiệu quả kéo dài cuộc sống đến thập niên thứ 1 hay thứ 2.

Ai dễ bị da vảy cá thông thường?

Da vảy cá là tình trạng tương đối thường gặp, ảnh hưởng khoảng 1/250 dân số. Da vảy cá thường xuất hiện sớm trong lứa tuổi trẻ em, điển hình từ 2 đến 5 tuổi. Đột biến gene filaggrin được báo cáo thường gặp nhất ở dân số châu Âu; còn tần suất ở các chủng tộc khác đang được nghiên cứu.

Da vảy cá thông thường mắc phải có thể xảy ra trên các bệnh nhân có các bệnh lý nền như suy giáp, Hodgkin lymphoma, nhiễm HIV, sarcoidosis, suy gan, suy thận,…và đang dùng thuốc trị ung thư, thuốc chứa acid nicotinic, kava, hydroxyurea.

Nguyên nhân

Đa số các trường hợp da vảy cá thông thường là do đột biến làm mất chức năng gene cấu trúc filaggrin – một protein cấu tạo nên hàng rào da. Gene này nằm trên nhánh dài của nhiễm sắc thể số 21. Đột biến mất chức năng gene cấu trúc filaggrin làm tế bào da không sản xuất được filaggrin toàn vẹn. Filaggrin là một protein kết dính ở thượng bì, cần thiết để duy trì tính liền lạc của hàng rào da, duy trì pH và độ ẩm da, hạn chế mất nước qua da.

Khi hàng rào da không còn hiệu quả, da phải chật vật mới giữ đủ ẩm và độ pH hằng định. Các tế bào da bị mất nước mạn tính bắt đầu dày và cứng hơn khi chúng già đi, và di chuyển lên bề mặt da, trở thành những vảy cố định. Như vậy, da khô do hậu quả của giảm độ ẩm da do chức năng filaggrin bị suy giảm. Da nhiều vảy do các tế bào sừng không có đủ nước trong quá trình di chuyển lên lớp sừng ở bề mặt da. Da dày sừng do các cơ chế sửa chữa bù trừ làm tăng sinh tế bào sừng.

Da vảy cá thông thường là bệnh di truyền bán trội trên nhiễm sắc thể thường. Bán trội nghĩa là nếu gene đột biến chỉ hiện diện trên 1 nhiễm sắc thể, kiểu hình biểu hiện sẽ là thể bệnh nhẹ; trong khi nếu gene đột biến xuất hiện trên cả hai nhiễm sắc thể sẽ gây thể bệnh trung bình đến nặng.

Da vảy cá thông thường mắc phải còn có thể là hậu quả của các bệnh hệ thống ảnh hưởng toàn thân và của các thuốc điều trị các bệnh khác.

điều trị da vảy cá

Biểu hiện lâm sàng của da vảy cá thông thường

Triệu chứng chủ yếu của da vảy cá thông thường là da bị mất nước nặng dẫn đến dày và tróc vảy.

Da khô

Ban đầu, da vảy cá thông thường thường bị nhầm lẫn là da khô. Da khô, kèm theo các rãnh nhỏ, trắng, mịn, hoặc kèm các vảy nhỏ màu da ở các mặt duỗi của chi (đặc biệt ở gối, chỏ), da đầu, vùng mặt giữa (đặc biệt ở trán và gò má), và thân mình. Các vùng nếp kẽ thường không bị ảnh hưởng (cổ, nách, khuỷu, khoeo).

Da tróc vảy

Tình trạng tróc vảy trong da vảy cá thông thường cũng có thể làm da bị nứt ở những vùng bị ảnh hưởng liên tục hay nặng nề. Da lòng bàn tay, bàn chân là những vùng thường hay bị nứt nhất, gây đau.

Tróc vảy cũng có thể gây khó chịu, đau, và làm da nhạy cảm với kích thích và làm khô da nặng hơn. Hiếm gặp hơn ở bệnh nhân da vảy cá, tình trạng tróc vảy tác động đến tuyến mồ hôi gây tăng tiết mồ hôi hay không thể tiết mồ hôi.

Da dày, tăng sừng

Do các cơ chế bù trừ của da kích thích tế bào sừng tăng sinh, ở những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của tình trạng khô da, tróc vảy.

Các triệu chứng và bệnh lý đi kèm

Da vảy cá thông thường hay đi kèm với dày sừng nang lông (do các nang lông bị bít tắc bởi các nút sừng) và lòng bàn tay/chân nhiều đường kẽ. Viêm da cơ địa đi kèm trong 50% trường hợp da vảy cá thông thường (và 8% bệnh nhân viêm da cơ địa có triệu chứng da vảy cá thông thường). Khi viêm da cơ địa đi kèm với da vảy cá thông thường nặng, tình trạng viêm da có khuynh hướng khởi phát sớm, triệu chứng nặng nề, và nhiều khả năng diễn tiến mạn tính đến tuổi trưởng thành. Những bệnh nhân này cũng tăng nguy cơ bị hen phế quản, viêm mũi dị ứng, và dị ứng thức ăn.

Các yếu tố ảnh hưởng đến độ nặng của triệu chứng

Độ nặng của triệu chứng thay đổi theo từng người và thường nhẹ hơn ở môi trương sống nóng, ẩm. Da vảy cá thông thường thường không xuất hiện ngay từ lúc mới sinh, mà hầu hết xuất hiện khoảng 2 tháng sau sinh và trước 5 tuổi. Triệu chứng nặng dần đến khi dậy thì, và đôi khi lại được cải thiện theo tuổi. Các tác nhân gây khô da hay làm suy giảm chức năng duy trì độ ẩm thượng bì cũng làm nặng triệu chứng của da vảy cá thông thường.

Cần làm gì để chẩn đoán da vảy cá thông thường?

Da vảy cá thông thường được chẩn đoán dựa vào lâm sàng, qua quan sát, đánh giá. Các trường hợp nhẹ thường chỉ được chẩn đoán là “da khô”.

Đột biến gene filaggrin có thể được xác định qua xét nghiệm trên mẫu là phết tế bào niêm mạc má hay mẫu nước bọt.

Trên mẫu sinh thiết da, lớp sừng của thượng bì tăng sừng và lớp hạt giảm hay mất. Kính hiển vi điện tử cũng cho thấy giảm hay mất các hạt keratohyaline – có thành phần chính là pro-filaggrin, tiền chất của filaggrin.

Các phương pháp điều trị

Mục tiêu

Hiện nay không có điều trị nào chữa khỏi hoàn toàn da vảy cá thông thường. Điều trị chỉ nhắm đến làm giảm khô da, giảm tróc vảy, giảm bong, nứt da, và giảm dày da. Có thể đạt được mục đích trên bằng cách sử dụng chất dưỡng ẩm và tẩy tế bào chết đều đặn hàng ngày.

Điều trị cấp ẩm cho da

Sử dụng dưỡng ẩm và sản phẩm chăm sóc da chứa nhiều thành phần lipid như lanolin để tăng cấp ẩm cho da, giảm nguy cơ nứt, bong tróc da.

Tránh các yếu tố nguy cơ từ môi trường và thay đổi các lối sống có thể làm tình trạng da khô nặng hơn như là:

  • Tránh không khí quá khô, quá lạnh, môi trường có máy điều hòa bật quá lớn
  • Tránh những môi trường có hệ thống sưởi trung tâm. Sử dụng máy làm ẩm không khí
  • Tránh môi trường ô nhiễm làm thay đổi pH tự nhiên của da.
  • Tránh sử dụng nước máy có nồng độ chất khử khuẩn cao làm thay đổi pH da
  • Tắm nhanh hơn, ít lần hơn, không sử dụng các xà phòng, chất tẩy rửa, sữa tắm, dầu gội quá mạnh, có mùi hương
  • Sau khi làm ướt da, chỉ nên chậm nhẹ cho khô, không nên chà xát mạnh
  • Thoa dưỡng ẩm tròng vòng 3 phút sau khi tắm
  • Băng bịt da bằng nylon trong vài tiếng để duy trì nồng độ chất dưỡng ẩm tại chỗ
  • Sử dụng kem chống nắng, lý tưởng là kèm dưỡng ẩm
  • Tránh sử dụng giường nhuộm da hay các phương pháp nhuộm da nhân tạo
  • Tránh tắm hồ bơi và bồn tắm nóng có chứa các hóa chất gây kích ứng da như chlorine
  • Điều trị các bệnh lý da khác như viêm da cơ địa

Điều trị giảm tróc vảy

Tẩy tế bào chết đều đặn, thường xuyên làm giảm vảy. Khi tình trạng tróc vảy giảm, da sẽ dễ hấp thu và lưu giữ chất dưỡng ẩm hơn. Các phương pháp tẩy tế bào chết nhẹ nhàng được khuyến cáo bao gồm:

  • Ngâm hay tắm nước muối
  • Ngâm vùng da bị ảnh hưởng trong nước ấm và sử dụng đá mài chà nhẹ nhàng theo vòng tròn để làm bong tróc các vảy dày
  • Sử dụng các sản phẩm chứa chất tẩy tế bào chết hóa học như glycolic acid, alpha hydroxy acid, lactic acid, salicylic acid, hay urea. Các hóa chất này có thể gây kích ứng da ở bệnh nhân viêm da cơ địa nên cần thận trọng
  • Chải tóc cẩn thận sau khi gội để loại bỏ vảy da đầu
  • Sử dụng các dẫn xuất vitamin A uống trong trường hợp nặng như acitretin hay isotretinoin để làm chậm sản xuất tế bào sừng

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.  
  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.
  • Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber: 0899777709
  • Facebook Fanpage: Thẩm mỹ da - BV Nguyễn Tri Phương

 

return to top