✅ Dị ứng latex có thể phòng ngừa như thế nào?

Nội dung

Ai là đối tượng có nguy cơ cao dị ứng latex?

Bất kỳ ai khi tiếp xúc với latex đều có thể bị nhạy cảm nhưng không thường gặp. Những trường hợp sau đây có nguy cơ cao dị ứng với latex:

  • Hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (8-17% có dị ứng theo thống kê của Hiệp hội hen và dị ứng của Hoa Kỳ), thường do mang găng tay cao su;
  • Người có bất thường niệu dục bẩm sinh cần đặt catheter hoặc thiết bị latex khác trong thời gian dài;
  • Tiền sử nhạy cảm thức ăn như chuối, bơ, cà chua, đào hay hạt dẻ;
  • Người cần sử dụng nhiều thiết bị y khoa có thành phần latex;
  • Thợ làm tóc;
  • Hoạt động trong nhà máy sản xuất cao su hay sản phẩm từ cao su như bánh xe.

Triệu chứng của dị ứng latex là gì?

Phản ứng dị ứng latex thường biểu hiện là phát ban da tại vị trí tiếp xúc với latex, gồm các triệu chứng sau:

  • Ngứa, sờ nóng;
  • Nổi sẩn phù;
  • Phát ban dạng chàm gồm hồng ban, mụn nước, vết trợt, rỉ dịch hay nứt da.

Những biểu hiện trên thường tạm thời, có thể khởi phát trong vòng vài phút đến vài giờ hoặc vài ngày sau khi tiếp xúc. Ngoài ra, protein latex có thể tồn tại lơ lửng trong không khí làm cho người có tăng nhạy cảm với latex khi hít vào sẽ xuất hiện phản ứng dị ứng và triệu chứng thường nặng hơn với các biểu hiện sau:

  • Đỏ và sưng phù da hay lưỡi;
  • Chảy nước mũi, viêm kết mạc, khó thở có thể kèm khò khè;
  • Đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, nhịp tim nhanh, chóng mặt.

Phản ứng phản vệ là một tình trạng hiếm gặp với latex nhưng khi xảy ra có thể gây nguy hiểm tín mạng. Trường hợp có sốc phản vệ thì sẽ có khó thở nặng, tụt huyết áp và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

dị ứng do nhựa latex

Cách phòng ngừa tình trạng dị ứng với latex như thế nào?

Latex là một thành phần được sử dụng trong rất nhiều thiết bị và vật dụng trong cuộc sống hiện đại ngày nay nên rất khó để tránh tiếp xúc hoàn toàn. Tuy nhiên vẫn có một số biện pháp giúp giảm và ngăn ngừa tình trạng nhạy cảm với latex:

  • Sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động thích hợp để giảm tiếp xúc với latex;
  • Sử dụng găng tay nitrile hay vinyl thay vì dùng găng tay latex. Nếu phải sử dụng găng tay latex thì nên chọn loại không bột. Mang và tháo găng tay latex cẩn thận để giảm nguy cơ tiếp xúc latex cho bản thân cũng như người xung quanh;
  • Thường xuyên làm sạch những vật dụng và thiết bị dễ bị nhiễm bụi latex;
  • Nhận biết được triệu chứng của dị ứng latex.

Kết luận

Dị ứng latex có thể biểu hiện từ nhẹ đến nặng, thậm chí gây nguy hiểm tín mạng trong một số trường hợp. Tuy nhiên, không có cách nào chữa khỏi hoàn toàn tình trạng nhạy cảm với latex, vì thế điều trị tốt nhất là phòng ngừa. Ngoài ra, khi xuất hiện triệu chứng gợi ý dị ứng latex thì cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và xử trí kịp thời, đặc biệt trong trường hợp có biểu hiện nặng.

 

ThS. BS. Phạm Quốc Thảo Trang

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.  
  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.
  • Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber: 0899777709
  • Facebook Fanpage: Thẩm mỹ da - BV Nguyễn Tri Phương
return to top