GIƯỜNG PHƠI NẮNG VÀ BUỒNG TẮM NẮNG

Giường phơi nắng là gì?

Giường phơi nắng (giường nhuộm da) là thiết bị nhuộm da nhân tạo được sử dụng để làm rám nắng hoặc nhuộm màu da. Chúng có thể ở dạng giường nằm hoặc buồng thẳng đứng.

Đôi khi thuật ngữ 'buồng tắm nắng' có thể được sử dụng, nhưng thuật ngữ này thường được áp dụng cho cơ sở thương mại cung cấp các liệu trình tắm nắng bằng giường phơi nắng.

Các thiết bị nhuộm da nhân tạo hoạt động như thế nào?

Một số ống đèn bao quanh người dùng để cơ thể họ nhận được tiếp xúc trực tiếp ánh sáng tương đối đồng đều ở mọi phía. Các thiết bị nhuộm da khác bao gồm đèn chiếu ánh sáng mặt trời di động được đặt ở phía trước hoặc nghiêng trên da. Tương tự mặt trời, các ống đèn trong thiết bị nhuộm da nhân tạo, chẳng hạn như giường phơi nắng và đèn chiếu nắng, phát ra bức xạ tia cực tím (UV) cũng như một số ánh sáng nhìn thấy được.

Cường độ của bức xạ cực tím do đèn trong giường phơi nắng phát ra với tỷ lệ tương đối của tia cực tím A (UVA) và tia cực tím B (UVB), phụ thuộc vào cách bóng đèn được sản xuất và có thể thay đổi theo áp suất của khí trong ống đèn và lớp phủ bên trong khác nhau. Bức xạ cực tím từ giường phơi nắng có thể thay đổi khá rõ rệt so với bức xạ cực tím từ mặt trời. Ví dụ, nó có thể có tỷ lệ tia UVA cao hơn nhiều so với ánh sáng mặt trời và cường độ cao hơn nhiều, điều đó có nghĩa da bị tổn thương nhanh hơn khi bị chiếu đèn so với sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Giường phơi nắng có an toàn khi sử dụng không?

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã phân loại bức xạ tia cực tím tự nhiên và các thiết bị nhuộm da phát ra tia cực tím (giường phơi nắng) là chất gây ung thư. Một đánh giá có hệ thống được xuất bản vào năm 2012  cho thấy:

  • Những người đã sử dụng giường phơi nắng có nguy cơ mắc melanoma cao hơn 20% so với những người không sử dụng
  • Những người lần đầu tiên sử dụng giường phơi nắng trước 35 tuổi có nguy cơ phát triển melanoma cao hơn 59%.
  • Nguy cơ mắc malanoma ước tính tăng thêm 1,8% với mỗi lần tắm nắng thêm vào mỗi năm
  • 5,4% trường hợp melanoma ở các nước châu Âu có thể là do sử dụng giường phơi nắng.

Một nghiên cứu gần đây trên phụ nữ Na Uy củng cố thêm về nguy cơ mắc malanoma cao hơn ở những người sử dụng giường phơi nắng, nhất là ở những người sử dụng giường phơi nắng từ khi còn nhỏ; đồng thời phát hiện ra rằng những phụ nữ lần đầu tiên sử dụng giường phơi nắng trước 30 tuổi được chẩn đoán mắc melanoma ở độ tuổi trẻ hơn so với những phụ nữ chưa bao giờ sử dụng giường phơi nắng.

Mối liên hệ giữa ung thư da và phơi nhiễm bức xạ tia cực tím khá đơn giản - tiếp xúc với bức xạ tia cực tím càng nhiều, khả năng phát triển ung thư da càng cao và da sẽ lão hóa càng nhanh.

Trường hợp duy nhất thiết bị nhuộm da nhân tạo nên được sử dụng là trong quy trình y tế của liệu pháp ánh sáng. Quá trình tiếp xúc với bức xạ tia cực tím này rất hữu ích trong việc điều trị một số bệnh về da như vẩy nến và viêm da. Những phương pháp điều trị này nên được tiến hành dưới sự giám sát chặt chẽ của các chuyên viên y tế.

Nghiện tắm nắng

Một số người quyết tâm để da tiếp xúc với các nguồn bức xạ cực tím tự nhiên hoặc nhân tạo được coi là do nghiện thói quen này. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2017 đã báo cáo rằng, khi so sánh với những người không sử dụng, những người phụ thuộc vào việc nhuộm da có khả năng phụ thuộc vào rượu cao gấp sáu lần.

Tiêu chuẩn và hướng dẫn sử dụng giường phơi nắng và mục đích sử dụng thương mại của chúng?

Tiêu chuẩn cho sản phẩm rám nắng thương mại ở Úc / New Zealand

Tiêu chuẩn Úc/New Zealand về b uồng tắm nắng cho mục đích thẩm mỹ (AS/NZS 2635:2008), nhằm mục đích “ cung cấp cho người vận hành và người sử dụng thiết bị nhuộm da nhân tạo quy trình để giảm rủi ro liên quan đến nhuộm  da trong nhà ”. Nó đặt ra một loạt các thước đo thủ tục và hành chính về cách vận hành giường phơi nắng thương mại, cũng như các yêu cầu kỹ thuật và thông số kỹ thuật cho giường phơi nắng. Các khuyến nghị bao gồm :

  • Việc sử dụng mẫu đồng  thuận của khách hàng phải nêu bật những rủi ro khi tiếp xúc với bức xạ tia cực tím.
  • Yêu cầu đánh giá típ da trước khi tiếp nhận khách hàng và cần có lịch trình nhuộm da cụ thể theo típ da của mỗi người
  • Bảng hiển thị cảnh báo rủi ro khi tiếp xúc với tia cực tím
  • Sử dụng kính bảo hộ để bảo vệ mắt
  • Khử trùng giường phơi nắng giữa những lần phơi của các khách hàng
  • đội ngũ được đào tạo túc trực bất cứ khi nào giường phơi nắng được sử dụng
  • Kiểm soát thời lượng của phiên phơi nắng bằng bộ hẹn giờ chỉ có thể được đặt bởi người vận hành
  • Hạn chế tổng lượng tia cực tím và thành phần UVB của giường phơi nắng

 

Những quy định chi phối việc sử dụng giường phơi nắng?

Nhiều phương pháp đã được sử dụng trên khắp thế giới để thử và quản lý nguy cơ từ việc sử dụng giường phơi nắng, bao gồm:

  • Cấm hoàn toàn đối với các hoạt động phơi nắng mang tính thương mại
  • Những quy định hạn chế trong sử dụng (dựa trên độ tuổi, loại da hoặc yêu cầu giám sát chặt chẽ)
  • Thiết bị phải được cấp phép
  • Quy định giới hạn về cường độ tia cực tím và thời gian tiếp xúc
  • Áp thuế trên sử dụng giường phơi nắng
  • Cung cấp thông tin về các nguy cơ khi sử sụng giường phơi nắng (ví dụ: yêu cầu các dấu hiệu cảnh báo và biểu mẫu đồng ý cũng như hạn chế hoặc cấm quảng cáo).

Ở Úc, giường phơi nắng thương mại đã bị cấm từ năm 2016. Ở New Zealand, việc sử dụng giường phơi nắng và phòng tắm nắng cho những người dưới 18 tuổi đã bị cấm kể từ tháng 1 năm 2017. Việc tuân thủ Tiêu chuẩn của New Zealand đối với quy trình vận hành giường phơi nắng và phòng tắm nắng là tự nguyện.

Những thuyết xung quanh việc sử dụng giường phơi nắng là gì?

Nhiều giả thuyết được đặt ra xung quanh việc sử dụng các thiết bị nhuộm da nhân tạo, một số trong số đó hiện đã được xua tan.

  1. Tắm nắng hoặc sử dụng giường phơi nắng sẽ giúp tích tụ vitamin D

Hầu hết mọi người nhận đủ lượng vitamin D từ chế độ ăn uống và tiếp xúc ngẫu nhiên với ánh sáng mặt trời trong sinh hoạt lao động hàng ngày . Bạn có thể cần tư vấn y tế thêm nếu bạn lo lắng về việc không nhận đủ vitamin D. Một tuyên bố đồng thuận được công bố bởi Bộ Y tế New Zealand và Hiệp hội Ung thư New Zealand khuyến cáo không nên sử dụng giường phơi nắng để tăng cường vitamin D vì làm tăng nguy cơ mắc khối u ác tính.

  1. Việc có được làn da rám nắng từ một chiếc giường phơi nắng sẽ giúp bảo vệ da tốt khỏi bị cháy nắng

Làn da rám nắng khi nằm phơi nắng chỉ cung cấp sự bảo vệ tối thiểu chống lại tác động của ánh nắng mặt trời. Người ta ước tính rằng làn da rám nắng chỉ mang lại hiệu quả bảo vệ tương tự như việc sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng là 2.

  1. Tôi không thể bị ung thư da và lão hóa da sớm nếu tôi chỉ tắm nắng không bị bỏng nắng

Không giống như UVB, tia UVA không gây ra các dấu hiệu sớm của cháy nắng nhưng nó thâm nhập vào các lớp bên dưới của da và gây lão hóa sớm, có thể biểu hiện như thô ráp, vết nám và các nếp nhăn. UVA cũng ngăn chặn hệ thống miễn dịch của da, có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của bệnh ung thư da. Do đó, bạn vẫn có thể bị ung thư da nhiều năm sau khi phơi nắng, ngay cả khi bạn không bị cháy nắng.

  1. Sử dụng giường phơi nắng ngăn ngừa sự khởi phát hoặc làm chậm sự phát triển của bệnh ung thư

Việc sử dụng giường phơi nắng được một số người tin rằng có thể giúp ngăn ngừa các bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư ruột kết, loãng xương và các bệnh khác. Tuy nhiên hiện không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chỉ ra rằng việc sử dụng giường phơi nắng làm giảm nguy cơ phát triển khối u hoặc các bệnh khác ở người.

Nguồn:  https://dermnetnz.org/topics/sunbeds-and-solaria

Người dịch: Đơn vị Da Liễu - Thẩm Mỹ Da

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.

  • Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber

 

return to top