NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ DA CỦA ĐẦU BẾP VÀ NHÂN VIÊN NHÀ HÀNG

Tổng quan

Ngành thực phẩm/dịch vụ ăn uống là một ngành tuyển dụng lớn trên toàn thế giới và diễn ra ở nhiều môi trường khác nhau, bao gồm nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, spa và quán rượu. Theo thống kê, nhân viên nhà hàng mắc các bệnh viêm da cao gấp đôi so với nhân viên các ngành khác. Những vấn đề về da có thể trở nên nghiêm trọng đến mức phải nghỉ làm hoặc thậm chí là thay đổi nghề nghiệp.

Tại sao đầu bếp và người xử lý thực phẩm hay gặp những vấn đề về da?

Đầu bếp, người xử lý thực phẩm và nhân viên nhà hàng có nguy cơ gặp những vấn đề về da do:

  • Công việc thường xuyên ẩm ướt,  tiếp xúc lâu với nước
  • Tiếp xúc với thực phẩm
  • Tiếp xúc với hóa chất được sử dụng để làm sạch hoặc vệ sinh
  • Một loạt các bước thường phải được thực hiện nhanh chóng.

Bản chất ngành nhà hàng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro như:

  • Giờ làm việc thường không cố định và kéo dài
  • Các doanh nghiệp nhỏ có ít nguồn lực để chi tiêu cho sự an toàn của nhân viên
  • Những người lao động trẻ được trả lương thấp, không có kỹ năng, việc làm tạm thời.

 

 

Những hiểu biết về rối loạn da nghề nghiệp

Hàng rào bảo vệ da là một phần quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể và hoạt động như một rào cản tự nhiên đối với nhiều loại chất có thể gây kích ứng, dị ứng và nhiễm trùng. Nguy cơ rối loạn da tăng lên khi hàng rào bảo vệ da bị tổn thương do chấn thương hoặc bệnh tật.

Đầu bếp và người xử lý thực phẩm có nguy cơ mắc bệnh ngoài da cao do tính chất công việc của họ. Rủi ro nghề nghiệp chính đối với đầu bếp và người xử lý thực phẩm là viêm da tiếp xúc.

  1. Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc bắt nguồn từ công việc ẩm ướt cũng như tiếp xúc lặp đi lặp lại, kéo dài với thực phẩm, chất tẩy rửa, thuốc khử trùng nhà bếp và các hóa chất khác. Viêm da gây mẩn đỏ, sưng và ngứa, thường là ở bàn tay, mặt và cẳng tay.

  1. Chấn thương cơ học

Các chấn thương cơ học thường gặp nhất bao gồm vết cắt, vết xước và vết thương do dao hoặc lưỡi dao thứ phát sau khi cắt hoặc chuẩn bị thức ăn. Các vị trí phổ biến nhất cho những chấn thương này là bàn tay, cẳng tay và ngón tay. Những vết thương này cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng thứ cấp, đặc biệt là do vi khuẩn tụ cầu hoặc liên cầu.

  1. Bỏng nhiệt

Do tiếp xúc với lò nướng, vỉ nướng, nồi chiên dầu và các nguồn nhiệt khác thường xuyên, các đầu bếp và nhân viên nhà hàng dễ bị bỏng do nhiệt. Những vết bỏng này gây đau, đỏ, sưng, phồng rộp và khi nghiêm trọng sẽ mất lớp thượng bì hoặc bì. Bỏng do nhiệt cũng khiến công nhân có nguy cơ bị nhiễm khuẩn thứ cấp.

Đánh giá rủi ro tại nơi làm việc

Để thực sự hiệu quả, đánh giá rủi ro tại nơi làm việc phải bao gồm tất cả các khía cạnh của công việc nhà hàng, bao gồm:

  • Lưu trữ, chuẩn bị, xử lý thực phẩm
  • Làm sạch
  • Thiết bị như máy cắt và dao.

Ngoài ra, người sử dụng lao động và người lao động phải cam kết đảm bảo an toàn.

Giáo dục nhân viên tại nơi làm việc là chìa khóa để giảm thiểu rủi ro. Bao gồm:

  • Hiểu biết về việc sử dụng và xử lý các thiết bị bảo hộ cá nhân
  • Biết cách xác định các dấu hiệu và triệu chứng của tổn thương da và tìm cách điều trị sớm
  • Các nguyên tắc thực hành về an toàn dao, bao gồm cách sử dụng và mài dao đúng cách, chọn đúng loại dao cho công việc, cất giữ chúng một cách an toàn và mang chúng theo phương thẳng đứng với lưỡi dao hướng xuống dưới.

Thiết bị bảo hộ cá nhân

Người lao động phải đeo găng tay khi xử lý thực phẩm và cả trong “công việc ướt”, như rửa bát đĩa; máy rửa chén được khuyến khích hơn là rửa bằng tay. Găng tay được sử dụng để giảm tiếp xúc với các chất gây dị ứng hoặc chất kích thích tiềm ẩn, bao gồm thực phẩm, các sản phẩm tẩy rửa hoặc vệ sinh.

Tư vấn chăm sóc tay cho nhân viên nhà hàng

Để bảo vệ đôi tay của họ tại nơi làm việc, những người làm việc trong ngành kinh doanh nhà hàng nên:

  • Sử dụng găng tay khi tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc chất kích thích tiềm tàng bao gồm cả công việc trong môi trường ẩm ướt
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm da tay (chất làm mềm) thường xuyên
  • Biết cách xác định các dấu hiệu và triệu chứng sớm của bệnh viêm da và các rối loạn về da khác
  • Điều trị sớm khi gặp các vấn đề về da.

Chẩn đoán và điều trị các rối loạn về da

Chẩn đoán rối loạn da nghề nghiệp nên dựa trên:

  • Đánh giá kỹ lưỡng về nghề nghiệp của bệnh nhân, bao gồm bản chất công việc của họ, hóa chất hoặc bất kỳ chất nào mà họ thường xuyên tiếp xúc. Các quy trình an toàn tại nơi làm việc và sự hiện diện của các vấn đề về da tương tự ở đồng nghiệp.
  • Kiến thức về các dấu hiệu và triệu chứng viêm da cổ điển và không điển hình.
  • Làm patch test và các xét nghiệm khác để xác định các tác nhân gây dị ứng cho bệnh nhân.

Điều trị rối loạn da nghề nghiệp có thể bao gồm:

  • Giảm sự tiếp xúc với các chất gây dị ứng và kích thích nguy cơ
  • Sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân phù hợp
  • Thoa kem dưỡng ẩm khi cần thiết
  • Sử dụng steroid đường uống hoặc tại chỗ
  • Sử dụng các phương pháp điều trị bậc hai như quang trị liệu, methotrexate, ciclosporin và azathioprine.

Nguồn:https://dermnetnz.org/topics/occupational-skin-disorders-in-chefs-and-restaurant-workers

Đơn vị Da liễu - Thẩm Mỹ Da 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.

  • Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber

return to top