✅ U hắc tố bào: Nguy hiểm nhưng vẫn có thể phòng ngừa

Nội dung

Ai là những đối tượng có nguy cơ cao xuất hiện u hắc tố bào?

Tỉ lệ mắc u hắc tố bào thì cao ở người da trắng, nhất là Úc và New Zealand. Năm 2012, u hắc tố bào xâm lấn là ung thư thường gặp thứ ba ở cả nam (sau ung thư tuyến tiền liệt và đại trực tràng) và nữ (sau ung thư vú và đại trực tràng). U hắc tố bào xuất hiện ở người lớn ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng rất hiếm gặp ở trẻ em.

Yếu tố nguy cơ chính cho sự phát triển của u hắc tố bào gồm:

  • Lớn tuổi;
  • Tiền sử u hắc tố bào xâm lấn hay tại chỗ;
  • Tiền sử ung thư tế bào đáy hoặc tế bào vảy;
  • Có nhiều bớt tăng sắc tố hay nốt ruồi;
  • Có trên 5 bớt sắc tố không điển hình (nốt ruồi lớn hay biểu hiện loạn sản trên mô học);
  • Tiền sử gia đình có u hắc tố bào;
  • Người da trắng;
  • Bệnh lý Parkinson.

Nguyên nhân gây u hắc tố bào là gì?

Tế bào hắc tố là tế bào tạo sắc tố cho da, hiện diện trong lớp ngoài cùng của da. Tế bào này sản xuất melanin, giúp bảo vệ da qua việc hấp thu tia cực tím. Tế bào hắc tố được tìm thấy ở cả người da đen và da trắng, nhưng tế bào ở người da đen sản xuất nhiều melanin hơn. Do đó, người da sậm màu rất ít bị tổn thương bởi tia cực tím so với người da trắng. U hắc tố bào được cho là do tình trạng tăng sinh không kiểm soát được của tế bào hắc tố, gồm có các dạng:

  • Khối u tại chỗ (giới hạn trong thượng bì);
  • Khối u xâm lấn (lan rộng xuống lớp bì);
  • Khối u di căn (lan tỏa đến mô khác).

Biểu hiện của ung thư da là gì?

U hắc tố bào có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể mà không chỉ ở vùng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. U hắc tố bào thường khởi đầu là một thương tổn da và hiếm khi xuất hiện ở niêm mạc như môi hay sinh dục.

Thương tổn da ban đầu thường giống như một nốt ruồi hay tàn nhang, đường kính vài milimet, nhưng sau đó có thể tăng trưởng đến vài centimet trước khi được chẩn đoán. Thương tổn này lúc đầu có thể phẳng sau đó trở nên dày và gồ lên. Một số trường hợp có ngứa hay đau kèm theo. Khi thương tổn tiến triển có thể dễ chảy máu hay đóng mài.

Màu sắc thương tổn đa dạng gồm nâu sậm, đen, xanh dương, đỏ và thỉnh thoảng có màu xám nhạt. Ngoài ra, còn có trường hợp u hắc tố bào không có sắc tố. Khi thương tổn thoái triển có thể để lại màu sắc giống da bình thường hay màu trắng và tạo sẹo.

          u hắc tố tế bào da

Điều trị và tiên lượng của u hắc tố bào như thế nào?

Điều trị chủ yếu của u hắc tố bào là cắt rộng tại vị trí u nguyên phát sau khi được chẩn đoán xác định. Nguy cơ lan tỏa và dẫn đến tử vong khi u xâm lấn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như bề dày khối u tại thời điểm phẫu thuật cắt bỏ. Do đó, việc phát hiện và điều trị bệnh sớm là một trong những phương pháp giúp cải thiện tiên lượng sống cho người bệnh. Bên cạnh đó, u hắc tố bào là một trong những ung thư da có khả năng di căn cao, tiến triển, lan rộng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị sớm.

Có cách nào phòng ngừa u hắc tố bào không?

Một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng gây u hắc tố bào đó là thiết bị tắm nắng tại nhà. Những người tiếp xúc với tia cực tím khi tắm nắng tại nhà tăng nguy cơ mắc u hắc tố bào 59%. Do đó, hiện nay quy định về kiểm soát cũng như sử dụng những thiết bị tắm nắng tại nhà được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, cũng có những biện pháp khác giúp phòng ngừa và giảm tiến triển của u hắc tố bào:

  • Tránh nắng kỹ gồm hạn chế tiếp xúc ánh sáng mặt trời, đặc biệt là từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, khi ra nắng thì cần đội nón rộng vành, mang khẩu trang vải sậm màu, kính râm, che chắn kỹ, sử dụng kem chống nắng đúng cách, có thể phối hợp viên uống hỗ trợ chống nắng.
  • Thường xuyên tự kiểm tra da và theo dõi sự xuất hiện và tiến triển của các thương tổn da (tăng kích thước, ngứa, chảy máu, v.v.) hay nốt ruồi bất thường trên cơ thể. Đi khám và kiểm tra da định kỳ với bác sĩ da liễu nếu có bất thường trên da và có các yếu tố nguy cơ cao của u hắc tố bào.

Cách tự kiểm tra da như thế nào?

  • Khám tổng quát các vùng da cơ thể: Quan sát các vùng da cơ thể trong gương phía trước và sau, trái và phải kèm nâng cánh tay lên.
  • Khám vùng da bên dưới cánh tay, cẳng tay và lòng bàn tay: Gập khuỷa và quan sát cẩn thận cả những vùng da ở cánh tay, cẳng tay, bên dưới cánh tay, cẳng tay và lòng bàn tay.
  • Khám vùng da ở chân, gian ngón và lòng bàn chân: Quan sát da mặt sau của chân, bàn chân, vùng gian ngón và lòng bàn chân.
  • Khám vùng da ở cổ và da đầu: Khám vùng da sau cổ và da đầu với gương nhỏ cầm tay.
  • Khám vùng da ở lưng và mông: Cuối cùng, khám vùng da lưng và mông với gương nhỏ cầm tay.

Kết luận

Phát hiện và điều trị sớm u hắc tố bào có thể giúp bệnh được chữa khỏi hoặc cải thiện đáng kể tiên lượng sống còn cho bệnh nhân. Một thay đổi da đơn giản cũng có thể giúp chúng ta phát hiện sớm tình trạng ung thư da và giảm nguy cơ ung thư da lan tỏa hay tiến triển. Vì vậy, cần nâng cao cảnh giác trong việc phát hiện cũng như phòng ngừa u hắc tố bào để cải thiện tiên lượng bệnh.

 

-- ThS. BS. Phạm Quốc Thảo Trang --          

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.  
  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.
  • Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber: 0899777709
  • Facebook Fanpage: Thẩm mỹ da - BV Nguyễn Tri Phương
return to top