✅ Viêm da tiếp xúc dị ứng với vàng

Nội dung

Dị ứng với vàng là gì?

Dị ứng với vàng là phản ứng quá mẫn muộn do tiếp xúc với vàng hoặc các hợp kim chứa vàng, là một tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng điển hình. Vào năm 2001, Hội viêm da tiếp xúc Hoa Kì công bố vàng là chất gây dị ứng tiếp xúc của năm.

Ai có thể bị dị ứng tiếp xúc với vàng?

Đối tượng thường bị dị ứng là những người hay đeo trang sức bằng vàng, sử dụng vật liệu bằng vàng trong nha khoa hoặc do đặc thù nghề nghiệp.

Dị ứng với vàng thường gặp ở nữ (90%), do đối tượng này thường đeo nữ trang. Những người dị ứng với vàng thường cũng dị ứng với nickel và cobalt. Trong các thử nghiệm dị ứng trên da, vàng là kim loại gây dị ứng phổ biến thứ hai sau nickel.

Nguyên nhân gây dị ứng với vàng

Dị ứng với vàng là phản ứng quá mẫn type 4 thường xuất hiện sau khi xỏ khuyên trên da và ngay lập tức đeo trang sức bằng vàng, làm cho lớp bì tiếp xúc trực tiếp với vàng.  

Titanium dioxide là thành phần có trong các loại kem chống nắng và mỹ phẩm có thể làm tăng tiết vàng từ đồ trang sức. Đồng trong trang sức vàng ít carat cũng có thể làm tiết vàng và gây dị ứng vàng mặc dù lượng vàng tiếp xúc ít.

Biểu hiện lâm sàng của dị ứng do tiếp xúc với vàng

Biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất là viêm da mạn tính với biểu hiện là các sẩn đỏ xuất hiện khu trú ở vị trí tiếp xúc như ở dái tai (do đeo bông tai), hoặc ở ngón tay hoặc cổ là những vị trí đeo trang sức.

Mặt và mi mắt cũng là vị trí thường bị ảnh hưởng do sự di chuyển của kháng nguyên trong quá trình xử lý vàng hoặc do các hạt trong không khí.

Dị ứng với vàng liên quan đến nha khoa phục hình răng có thể biểu hiện các triệu chứng ở miệng, bao gồm viêm môi, trợt niêm mạc, viêm miệng tiếp xúc hoặc phản ứng lichen ở miệng.

Phản ứng dị ứng với vàng có thể lan tỏa thành viêm da lan tỏa khắp cơ thể.

Biến chứng của dị ứng do tiếp xúc với vàng

Phản ứng dị ứng do tiếp xúc với vàng có thể tạo nên các nốt tồn tại dai dẳng, đặc biệt ở những vị trí xỏ khuyên. Mô học cho thấy phản ứng viêm giả lymphoma hoặc sarcoid.

Dị ứng tiếp xúc với vàng có thể dẫn đến các phản ứng tại chỗ hoặc toàn thân ở những lần tiếp xúc sau đó với các vật liệu cấy ghép hoặc thuốc có chứa vàng.

Chẩn đoán

Dị ứng tiếp xúc với vàng có thể được chẩn đoán thông qua khai thác bệnh sử chi tiết, quan sát sự phân bố của tổn thương và khẳng định chẩn đoán bằng xét nghiệm áp da (patch test). Tình trạng này nên được cân nhắc khi tổn thương xuất hiện ở những vị trí tiếp xúc với trang sức bằng vàng hoặc ở mặt, mi mắt.

Vàng sodium thiosulfate (GST) ở những nồng độ khác nhau trong petrolatum là tác nhân vàng được sử dụng phổ biến nhất trong xét nghiệm áp da. Đây là chất gây kích ứng ở da có cơ địa dị ứng. Phản ứng dị ứng do xét nghiệm áp da có thể xuất hiện muộn, có khi đến 3 tuần sau khi miếng dán được loại bỏ, và có thể tồn tại trong nhiều tháng.

Biểu hiện lâm sàng liên quan đến kết quả xét nghiệm áp da với vàng dương tính cần được đánh giá. Mối liên quan giữa kết quả dương tính và biểu hiện lâm sàng thường thấp so với những tác nhân gây dị ứng khác, và kết quả chỉ có thể giải thích được 10-15% trường hợp biểu hiện trên lâm sàng. Những nốt tồn tại dai dẳng có thể cần phải làm sinh thiết để loại trừ những bệnh khác.

Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán phân biệt với viêm da tiếp xúc do vàng bao gồm:

  • Viêm da tiếp xúc dị ứng do những tác nhân khác (như nickle) trong đồ trang sức;
  • Viêm da cơ địa;
  • Viêm da tiếp xúc kích ứng do xà phòng và nước đọng dưới nhẫn bằng vàng.

Điều trị

Phương pháp điều trị dị ứng da do tiếp xúc với vàng cũng giống như những tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng khác, bao gồm tránh tiếp xúc với dị nguyên, và điều trị làm giảm triệu chứng viêm. Mặc dù đã tránh tiếp xúc, viêm da do tiếp xúc với vàng có thể tồn tại khá dai dẳng. Một vài trường hợp có thể từ từ sử dụng lại đồ trang sức bằng vàng trong khoảng thời gian giới hạn, trong khi những trường hợp khác có thể phải tránh tiếp xúc với vàng vô thời hạn tùy thuộc vào độ nặng của bệnh.

Lưu ý

Nếu gặp phải tình trạng dị ứng này, bạn nên tránh tiếp xúc với vàng và tránh sử dụng các phương pháp phục hồi răng có sử dụng vàng. Cần sử dụng các biện pháp bảo hộ lao động khi phải làm việc trong môi trường tiếp xúc với vàng.

Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với vàng và viêm khớp dạng thấp nên được làm xét nghiệm áp da với vàng sodium thiosulphate trước khi điều trị với các loại thuốc có chứa vàng do nguy cơ xuất hiện viêm da tiếp xúc dị ứng toàn thân.

--  Ths. Bs. Huỳnh Bạch Cúc  --  

 

Có thể bạn quan tâm: Viêm da tiếp xúc: Hiểu đúng để phòng ngừa

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

 Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

  • Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.  
  • Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.
  • Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber: 0899777709
  • Facebook Fanpage: Thẩm mỹ da - BV Nguyễn Tri Phương
return to top