✴️ Bệnh mỡ trong máu điều trị bằng cách nào?

Nội dung

Yếu tố ảnh hưởng đến nồng độ cholesterol trong máu

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng lên nồng độ cholesterol (mỡ trong máu), chẳng hạn như:

– Chế độ ăn nhiều mỡ: mỡ bão hòa và cholesterol trong thực phẩm ăn vào sẽ làm cholesterol máu tăng cao.

– Béo phì: quá cân và béo phì là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch. Béo phì cũng sẽ làm tăng cholesterol trong máu.

– Ít vận động thể lực: ít hoạt động thể lực cũng là một yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch và làm tăng cholesterol máu.

Nồng độ cholesterol trong máu

Những yếu tố ảnh hưởng đến nồng độ cholesterol trong máu, không thể tác động hay thay đổi được bao gồm:

– Tuổi cao và giới tính: nồng độ cholesterol trong máu sẽ gia tăng theo tuổi. Phụ nữ trước khi mãn kinh thường có cholesterol trong máu thấp hơn nam giới cùng lứa tuổi. Sau khi mãn kinh, phụ nữ thường có LDL – cholesterol trong máu tăng cao.

– Di truyền: các yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng một phần đến nồng độ cholesterol trong máu. Tăng cholesterol cũng có thể mang tính gia đình.

 

Điều trị mỡ trong máu bằng tập luyện 

Mục tiêu chính của việc điều trị tăng mỡ trong máu là làm giảm LDL-cholesterol xuống mức thấp đủ để làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nhồi máu cơ tim.

Nếu càng có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch khác (ví dụ như tăng huyết áp, hút thuốc lá, đái tháo đường) thì mức LDL-cholesterol cần phải thấp hơn nữa.

Có 2 phương pháp chính làm giảm mỡ trong máu là thay đổi lối sống và điều trị bằng thuốc:

Thay đổi lối sống

– Ăn kiêng: chế độ ăn kiêng được khuyên là dưới 200 mg cholesterol mỗi ngày, lượng mỡ bão hòa chiếm dưới 7% nhu cầu năng lượng. Nên dùng thức ăn nhiều chất xơ thay cho thức ăn nhiều dầu mỡ. Cũng có thể thêm dầu thực vật (dầu ăn, magarin) vào khẩu phần ăn nhằm làm giảm LDL – cholesterol trong máu.

– Điều chỉnh cân nặng: giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì giúp làm giảm LDL – cholesterol, đặc biệt quan trọng nếu bạn có triglycerid cao và HDL-cholesterol thấp.

– Hoạt động thể lực: tập thể dục ít nhất 30 phút trong hầu hết các ngày trong tuần, tốt nhất là đều đặn mỗi ngày, sẽ giúp giảm LDL cholesterol, tăng HDL-cholesterol, giảm triglycerid.

– Ngưng hút thuốc.

Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị mỡ trong máu

Điều trị bằng thuốc

Ngay cả khi dùng thuốc để giảm cholesterol trong máu, vẫn phải thực hiện chế độ thay đổi lối sống như đã nêu ở trên. Điều này sẽ giúp hạn chế tối đa lượng thuốc hạ mỡ phải sử dụng và cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Có nhiều nhóm thuốc hạ mỡ trong máu, trong đó các thuốc thuộc nhóm statin (rosuvastatin, atorvastatin, fluvastatin, simvastatin…) là những thuốc hiệu quả giúp giảm LDL-cholesterol, và việc sử dụng các thuốc này khá an toàn.

Tóm lại, tăng cholesterol máu là một yếu tố nguy cơ tim mạch chính. Cholesterol máu cao sẽ tích tụ tại thành động mạch, lâu ngày sẽ gây hẹp và tắc lòng động mạch. Việc điều trị giảm cholesterol rất cần thiết, giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch và nhồi máu cơ tim.

Ngoài các thuốc giúp hạ cholesterol, việc thay đổi lối sống là nền tảng giúp giảm cholesterol máu cũng như các yếu tố nguy cơ tim mạch.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top