✴️ Bệnh Scurvy là gì?

Nội dung

Scurvy là bệnh lí do thiếu hụt vitamin C (hay acid ascorbic), rất hiếm gặp ở các nước phát triển. Kelly Springer, chủ sở hữu Kelly’s Choice ở Skaneateles, cho biết bệnh không xảy ra trong một sớm một chiều mà thường bắt đầu sau vài tháng bổ sung thiếu hụt vitamin C.

Mối đe dọa của bệnh Scurvy cho thấy tầm quan trọng của vitamin C đối với cơ thể. Theo Viện Y tế Hoa Kỳ (NIH), vitamin C là một chất chống oxy hóa quan trọng đóng vai trò quan trọng như hỗ trợ hệ thống miễn dịch, hấp thụ sắt và sản xuất collagen.

Bệnh Scurvy được biết đến là căn bệnh của cướp biển và thủy thủ. Springer nói: “Những người đi biển, cướp biển và thám hiểm biển mắc bệnh Scurvy vì họ thiếu cam quýt và các loại thực phẩm giàu vitamin C khác trong chuyến hành trình dài của mình.”

May mắn thay, hiện nay bệnh Scurvy không còn là vấn đề nữa vì chúng ta biết rằng ăn thực phẩm có vitamin C có thể ngăn ngừa bệnh, Michelle Zive, một huấn luyện viên dinh dưỡng được chứng nhận bởi NASM có trụ sở tại San Diego, cho biết: “Ngày này, tình trạng thiếu hụt vitamin C và bệnh Scurvy rất hiếm xảy ra ở các nước phát triển. Theo NIH, vitamin C rất dễ tìm thấy trong trái cây và rau quả, với lượng khuyến nghị hàng ngày là 75mg đối với phụ nữ trưởng thành và 90mg đối với nam giới trưởng thành.

Nhưng theo Trung tâm thông tin về Bệnh hiếm và di truyền, bệnh Scurvy vẫn ảnh hưởng đến các nước thuộc thế giới thứ ba và là mối lo ngại đối với những người có chế độ dinh dưỡng kém.

Các triệu chứng của bệnh Scurvy không hề dễ chịu nhưng bệnh này có thể điều trị được và dễ phục hồi.

 

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh

Zive cho biết bệnh Scurvy thường có biểu hiện là mệt mỏi và viêm nướu.

Theo Bệnh viện Winchester bang Massachusetts, các triệu chứng ban đầu của bệnh gồm:

  • Suy nhược, mệt mỏi hoặc cáu gắt;

  • Chán ăn hoặc sụt cân;

  • Đau cơ;

  • Mắt trũng;

  • Xanh xao;

  • Tiêu chảy;

  • Tăng nhịp tim hoặc khó thở;

  • Sốt.

Zive nói: “ Khi tình trạng thiếu hụt tiếp diễn có thể dẫn đến đau khớp và khó lành vết thương.”. Theo Bệnh viện Winchester và Kênh Sức khỏe Tốt hơn (một sự án của Bộ y tế ở bang Victoria, Úc), các triệu chứng muộn của bệnh Scurvy gồm:

  • Sưng khớp hoặc nướu;

  • Hở lại các vết thương cũ;

  • Dễ bầm tím;

  • Mắt lồi;

  • Da khô, tróc vảy.

Theo Hiệp hội Chỉnh hình Nhi khoa Bắc Mỹ, các triệu chứng của bệnh Scurvy ở trẻ em có thể hơi khác như:

  • Suy nhược và cáu gắt;

  • Vết thương lâu lành;

  • Đau xương;

  • Ăn mất ngon;

  • Nướu sưng, hơi xanh;

  • Giảm sự hình thành xương;

  • Chân tay sưng phù, dễ bầm tím.

Theo Kênh Sức khỏe Tốt hơn, cơ thể không thể tự tạo ra vitamin C mà phải bổ sung từ thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng giàu vitamin C. Vì vậy, các triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện khi lượng vitamin C tiêu thụ thiếu hụt và lượng dự trữ hiện tại của cơ thể giảm xuống, quá trình như vậy thường mất khoảng 4 tuần.

 

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của bệnh Scurvy

Bệnh Scurvy là kết quả trực tiếp của sự thiếu hụt vitamin C. Tamar Samuels, người đồng sáng lập Culina Health ở New York cho biết các dấu hiệu của bệnh có thể biểu hiện khi lượng vitamin C được hấp thụ dưới 10mg mỗi ngày.

Theo một bài báo được xuất bản vào tháng 7 năm 2020 trên StatPearls, các yếu tố nguy cơ của bệnh Scurvy bao gồm:

  • Uống nhiều rượu bia;

  • Hút thuốc lá;

  • Thu nhập thấp;

  • Đang lọc máu.

Theo StatPearls, bệnh Scurvy ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn nữ giới và vì vitamin C được tìm thấy trong các loại trái cây và rau củ, sự thiếu hụt có liên quan đến chế độ dinh dưỡng kém.

Sự thiếu hụt vitamin C đặc biệt phổ biến ở những người hút thuốc lá, với nồng độ vitamin C ở những người hút thuốc thấp hơn 33% so với những người không hút thuốc, theo một số nghiên cứu cho thấy.

Trẻ em thường ít gặp tình trạng này vì được bổ sung nguồn vitamin C từ sữa công thức hoặc từ sữa mẹ, tuy nhiên nếu trẻ chỉ uống sữa bò thì có thể bị thiếu hụt vitamin C, theo StatPearls.

Theo Hiệp hội Chỉnh hình Nhi khoa Bắc Mỹ, trẻ lớn có thể bị bệnh Scurvy nếu có chế độ ăn uống không đầy đủ có thể do chứng biếng ăn tâm thần, tự kỉ hoặc chậm phát triển.

Cuối cùng, có một số tình trạng sức khỏe khiến người bệnh có nguy cơ cao mắc bệnh Scurvy, chẳng hạn như đái tháo đường type 1, rối loạn ăn uống, bệnh lí đường tiêu hóa, thừa sắt, chế độ ăn kiêng hạn chế và dị ứng.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của bệnh Scurvy

 

Chẩn đoán bệnh Scurvy như thế nào?

Bước đầu tiên để chẩn đoán bệnh Scurvy là dựa trên việc thăm khám của các chuyên gia, bác sĩ. Theo StatPearls, các bác sĩ sẽ đánh giá xem có những yếu tố nguy cơ được nêu trên không cũng như hỏi về chế độ ăn uống của bạn.

Xét nghiệm máu có thể sẽ được thực hiện để đánh giá nồng độ vitamin C và để khẳng định chẩn đoán nếu như nồng độ thấp hơn 11 micromol/lít theo theo một báo cáo được công bố vào tháng 7 năm 2020 trên Tạp chí Nutrients. Theo Đại học Iowa, nồng độ trong khoảng từ 11 đến 23 micromol/lít được xem là nguy cơ thiếu vitamin C trung bình.

Các bác sĩ cũng có thể làm xét nghiệm nồng độ vitamin C trong tế bào bạch cầu, nơi dự trữ của vitamin C vì những tế bào này không bị ảnh hưởng bởi các dạng vitamin C. Nồng độ vitamin C trong bạch cầu lớn hơn 15 mg/dL được coi là đủ trong khi 0-7 mg/dL là dấu hiệu thiếu hụt và 0 mg/dL là đủ tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh.

Vì bệnh Scurvy ảnh hưởng tới khả năng tạo xương ở trẻ em nên phim chụp Xquang (thường ở đầu gối, cổ tay hoặc xương sườn) có thể cho thấy xương có bị tổn thương không.

Tiên lượng của bệnh

Theo Hiệp hội Sức Khỏe Anh, mặc dù các triệu chứng không rõ ràng nhưng bệnh Scurvy rất dễ chẩn đoán và người bệnh được điều trị sẽ hồi phục rất nhanh.

 

Thời gian mắc bệnh Scurvy

Theo Trung tâm Y tế thuộc Đại học Rochester, bệnh Scurvy không kéo dài lâu sau khi nồng độ vitamin C bắt đầu tăng trở lại. Hầu hết mọi người sẽ bắt đầu cảm thấy khỏe lên trong vòng một hoặc hai ngày và sẽ hồi phục hoàn toàn trong một tuần.

Các vấn đề về nướu và bầm tím cũng sẽ cải thiện trong vòng 24 giờ sau khi bắt đầu điều trị, trong khi đó các triệu chứng liên quan đến khớp và cơ có thể phải mất vài tuần.

 

Các lựa chọn điều trị và dùng thuốc cho bệnh Scurvy

Bệnh Scurvy nhìn chung dễ điều trị bằng cách tăng nồng độ vitamin C. Trong những trường hợp nhẹ, bệnh Scurvy có thể được điều trị đơn giản bằng thực phẩm giàu vitamin C. Quy tắc “năm phần trái cây và rau quả mỗi ngày” sẽ cung cấp lượng vitamin C được khuyến nghị hàng ngày và sẽ điều trị được các trường hợp nhẹ cũng như ngăn ngừa bệnh Scurvy trong tương lai.

Tuy nhiên, những trường hợp nặng hơn có thể cần phải dùng thực phẩm chức năng vitamin C. Thực phẩm chức năng cũng có thể giúp bạn khỏi bệnh nhanh hơn.

Trẻ em có thể sẽ cần đến 300mg vitamin C mỗi ngày, còn người lớn cần 500 đến 1000mg mỗi ngày, có thể là trong một tháng hoặc cho đến khi đạt được nồng độ vitamin thích hợp. Ngoài ra còn có chế độ điều trị bệnh Scurvy cho người lớn với 2000mg trong 3 ngày, sau đó là 500mg mỗi ngày trong 1 tuần và 100mg mỗi ngày trong tối đa 3 tháng.

Tuy nhiên, về lâu dài, mục tiêu là phải giải quyết được nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng vitamin C ở mức thấp nếu hút thuốc, uống rượu, chế độ ăn nghèo nàn, các rối loạn ăn uống hoặc một bệnh lý nào đó gây ra sự thiếu hụt vitamin C.

Việc kiểm soát tình trạng thiếu hụt vitamin C nặng cần phải được các bác sĩ theo dõi.

Dùng thuốc

Thuốc duy nhất giúp điều trị bệnh Scurvy là các thực phẩm giàu vitamin C và thực phẩm chức năng vitamin C (dạng viên, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp).

Theo NIH, các thực phẩm cung cấp lượng vitamin C cao bao gồm:

  • Ớt chuông xanh và đỏ;

  • Các trái cây có vị chua như cam, dứa, bưởi;

  • Các loại dâu;

  • Kiwi;

  • Bông cải xanh;

  • Cà chua.

 

Phòng ngừa bệnh Scurvy

Để ngăn ngừa bệnh Scurvy, hãy đảm bảo bạn tiêu thụ đủ vitamin C. Điều này không khó thực hiện nếu bạn ăn nhiều trái cây và rau quả. Bạn cũng có thể dùng thực phẩm chức năng nếu cảm thấy mình có nguy cơ mắc bệnh. Mặc dù thực phẩm chức năng bổ sung vitamin C không mang lại những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe nhưng tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thực phẩm chức năng hoặc bất kỳ thuốc nào về lâu dài. Theo NIH, phụ nữ trưởng thành nên tiêu thụ 75mg mỗi ngày, còn ở nam giới trưởng thành là 90mg mỗi ngày.

Nên ăn năm phần trái cây và rau quả mỗi ngày. Điều này sẽ cung cấp cho bạn khoảng 200mg vitamin C, nhiều hơn một chút so với lượng khuyến nghị hàng ngày, để đảm bảo bạn được cung cấp đủ chất.

 

Biến chứng của bệnh Scurvy

Bệnh Scurvy có thể được điều trị một cách dễ dàng nhưng nếu không được điều trị có thể dẫn đến các vấn đề lâu dài. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, bệnh Scurvy có thể rất nặng và thậm chí gây tử vong.

Vì bệnh Scurvy có thể gây sưng nướu răng nên răng của bạn có thể bị rung. Theo Hiệp hội Chỉnh hình Nhi khoa Bắc Mỹ, trẻ em có thể bị thiếu máu, tăng huyết áp, khó lành vết thương và chậm phát triển.

Ở trẻ sơ sinh, tình trạng thiếu hụt vitamin C không được điều trị có thể dẫn đến chứng liệt cơ và trẻ lớn hơn có thể khó đi lại.

Cả trẻ em và người lớn đều có thể bị thiếu máu, đau tim hoặc tử vong nếu tình trạng thiếu hụt kéo dài.

Dù rất hiếm nhưng có những biến chứng tiềm ẩn liên quan đến việc điều trị bệnh Scurvy. Vì vitamin C có thể hòa tan trong nước – nghĩa là lượng dư thừa sẽ được đào thải qua nước tiểu – nên việc tích tụ vitamin C gây độc hại trong cơ thể rất khó xảy ra. Tuy nhiên, bạn vẫn nên bổ sung vitamin C dưới mức giới hạn là 2000mg mỗi ngày, vì quá nhiều có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn, đặc biệt đối với những người có vấn đề về thận.

Theo Trung tâm Y tế của Đại học Rochester, hấp thụ quá nhiều vitamin C (thường do việc sử dụng thực phẩm chức năng thay vì chế độ ăn uống) có thể dẫn đến sỏi thận ở những người dễ mắc bệnh này. Theo NIH, quá nhiều vitamin C cũng có thể dẫn đến các vấn đề về dạ dày như tiêu chảy, buồn nôn và co thắt dạ dày.

 

Nghiên cứu và thống kê: Có bao nhiêu người mắc bệnh Scurvy?

Tình trạng thiếu hụt vitamin C phổ biến hơn bệnh Scurvy và có khoảng 7% người Mỹ bị thiếu hụt vitamin C.

Nghiên cứu lớn nhất về nồng độ vitamin C được thực hiện tại Anh và cho thấy tỉ lệ thiếu hụt là 1,4% theo một bài báo trên Tạp chí Nutrients.

Như đã nói ở trên, tình trạng thiếu hụt vitamin C và bệnh Scurvy thường gặp hơn ở những nhóm người có tình trạng kinh tế - xã hội thấp. Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 11 năm 2018 trên Tạp chí Nutrition và Metabolic Insights, khoảng 25% nam giới Anh có thu nhập thấp và 16% phụ nữ bị thiếu vitamin C, cũng như 95% người vô gia cư ở Paris cũng bị tình trạng tương tư.

 

Người da đen, bản địa, da màu (BIPOC) và tình trạng thiếu hụt vitamin C

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tỉ lệ thiếu vitamin C thay đổi theo chủng tộc và có thể ảnh hưởng không cân đối đến một số người trong cộng đồng Người Da đen, Bản địa và Da màu (BIPOC). Nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất về tình trạng thiếu hụt vitamin C giữa các chủng tộc khác nhau được xuất bản vào năm 2004. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới hơn cho thấy sự chênh lệch về chủng tộc đã được cải thiện kể từ khi nghiên cứu năm 2004 được thực hiện.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top