✴️ Cơn đau vùng hoành

Nội dung

Cơ hoành là một vân cơ dẹt, rộng, hình vòm, làm thành một vách gân- cơ ngăn giữa lồng ngực và ổ bụng. Cơ hoành có vai trò quan trọng trong sinh lý hô hấp. Khi cơ hoành co thì vòm hoành hạ xuống, lồng ngực giãn, áp lực trong lồng ngực giảm, không khí được hít vào.

Đôi khi có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu ở cơ hoành, mặc dù trong một số trường hợp cơn đau có thể xuất phát từ một bộ phận cơ thể gần đó. Trong bài viết này sẽ đưa ra một số nguyên nhân phổ biến gây ra các cơn đau cơ hoành và cách điều trị chúng.

Chấn thương

Một số chấn thương có thể làm rách cơ hoành gây ra các cơn đau có thể liên tục hoặc từng hồi. Các chấn thương này có thể được chẩn đoán bằng CT scan hoặc nội soi lồng ngực. Các triệu chứng bao gồm:

  • Đau bụng, nôn hoặc buồn nôn.
  • Ho, khó thở
  • Đau ngực hoặc vai
  • Tim đập nhanh

Cơ thể hô hấp liên tục, do đó cơ hoành luôn chuyển động và vết thương sẽ không thể tự lành. Do đó phẫu thuật là điều bắt buộc.

Vấn đề về cơ xương

Chấn thương, các động tác gập duỗi và ho quá mức đều có thể làm căng cơ liên sườn gây đau tương tự như đau cơ hoành. Lựa chọn điều trị bao gồm:

  • Thuốc giảm đau không kê đơn (OTC)
  • Chườm lạnh hoặc nóng trong 72 giờ đầu
  • Bài tập thở kết hợp với vật lý trị liệu.

Xương sườn bị gãy có xu hướng tự lành trong vòng 6 tuần, các phương pháp điều trị sau đây có thể làm giảm bớt các triệu chứng trong thời gian này:

  • Nghỉ ngơi, tránh các hoạt động mạnh
  • Chườm lạnh
  • Dùng thuốc giảm đau
  • Tiêm thuốc tê quanh dây thần kinh gần xương sườn
  • Tập thở

​     gãy xương sườn cũng gây ra các triệu chứng đau cơ hoành

Hoạt động mạnh

 Hít thở mạnh trong quá trình hoạt động thể chất có thể khiến cơ hoành bị co thắt, dẫn đến đau nhói ảnh hưởng đến nhịp thở. Nhiều người cảm thấy không thể hít sâu và thoải mái. Các triệu chứng sẽ tồi tệ hơn nếu tiếp tục vận động.

Nếu đau cơ hoành xảy ra trong khi tập thể dục, tốt nhất là nghỉ ngơi cho đến khi co thắt dừng lại. Khởi động đúng cách có thể ngăn ngừa cơn đau này.

Bệnh túi mật

Các cơn đau từ túi mật có thể cảm thấy tương tự như đau cơ hoành nên có thể nhầm lẫn. Các triệu chứng khác của bệnh túi mật bao gồm:

  • Thay đổi thói quen tiêu tiểu
  • Ớn lạnh hoặc sốt
  • Tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn
  • Vàng da, mắt

Hầu hết các trường hợp bệnh túi mật xảy ra do viêm và kích thích thành túi mật. Các tình trạng khác của túi mật bao gồm sỏi mật, tắc nghẽn ống mật và ung thư.

Việc điều trị bệnh túi mật sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh, các triệu chứng và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Các lựa chọn điều trị có thể bao gồm thuốc giảm đau, thuốc chống viêm hoặc phẫu thuật để loại bỏ túi mật.

Thay đổi lối sống có thể ngăn ngừa hoặc kiểm soát bệnh túi mật bao gồm:

  • Giảm cân khoa học
  • Kiểm soát bệnh tiểu đường và các vấn đề sức khỏe khác
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Bỏ hút thuốc
  • Hạn chế uống rượu

Thoát vị hoành

Thoát vị hoành xảy ra khi một phần của dạ dày bị đẩy lên trên khoang lồng ngực qua một lỗ ở cơ hoành. Thoát vị nhỏ hơn thường không gây nguy hiểm. Ở một số người, thoát vị hoành nhỏ không gây ra bất kì triệu chứng nào Tuy nhiên, thoát vị hoành lớn hơn có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Trào ngược axit
  • Phân đen hoặc có máu
  • Tức ngực hoặc đau dạ dày
  • Khó nuốt, ợ nóng
  • Khó thở, buồn nôn, nôn

Sử dụng thuốc điều trị hay thay đổi lối sống sau đây cũng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng:

  • Ăn nhiều bữa nhỏ thay vì ba bữa lớn hơn
  • Tránh thực phẩm béo hoặc axit và các mặt hàng khác gây ợ nóng
  • Ăn bữa ăn ít nhất 3 giờ trước khi đi ngủ
  • Duy trì cân nặng hợp lý, bỏ hút thuốc.
  • Kê cao gối khi ngủ nhằm tránh tình trạng trào ngược.

Nếu thoát vị lớn hoặc gây ra các triệu chứng nghiêm trọng có thể cần phải phẫu thuật.

Mang thai

Khi thai càng lớn, tử cung giãn to và đẩy cơ hoành lên trên. Điều này chèn ép phổi khiến cho thở khó khăn hơn. Các vấn đề này sẽ được chấm dứt sau khi sinh, vì vậy không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nếu các triệu chứng sau đây xảy ra:

  • Đau dữ dội hoặc liên tục
  • Ho dai dẳng
  • Khó thở nặng

Viêm màng phổi

Màng phổi là hai lớp mô mỏng bảo vệ phổi, nằm giữa phổi và thành ngực. Giữa hai lớp màng là dịch màng phổi có tác dụng bôi trơn hai lớp màng, để chúng có thể trượt dễ dàng lên nhau. Khi màng phổi bị viêm, chúng không thể trượt lên nhau dễ dàng được, do đó dẫn đến đau đặc biệt là khi bạn ho hoặc hắt hơi.

Trong một số trường hợp, viêm màng phổi có thể dẫn đến sốt, các cơn đau cũng có thể ảnh hưởng đến vai và lưng.

Điều trị bao gồm dùng thuốc giảm đau và điều trị các nguyên nhân gây ra viêm màng phổi bao gồm nhiễm trùng, rối loạn tự miễn dịch và bệnh hồng cầu hình liềm.

Viêm phế quản

Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc của các ống phế quản có chức năng vận chuyển không khí đến và đi từ phổi. Viêm phế quản có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Viêm phế quản gây đau ngực có thể nhầm với đau cơ hoành. Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Ớn lạnh, sốt.
  • Ho có đàm, khó thở
  • Mệt mỏi

Viêm phế quản cấp tính thường phát triển từ cảm lạnh và sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày. Thuốc ho và thuốc giảm đau có thể làm giảm các triệu chứng này.

Viêm phế quản mãn tính cần được chăm sóc và điều trị chuyên sâu hơn bao gồm thuốc dạng khí dung, thuốc chống viêm và phục hồi chức năng phổi để giúp người bệnh dễ thở hơn.

Viêm phổi

Viêm phổi là một bệnh cảnh lâm sàng do tình trạng thương tổn tổ chức phổi mà chủ yếu ảnh hưởng đến các túi khí nhỏ được gọi là phế nang.

Viêm phổi thường gây ra bởi hiện tượng nhiễm trùng do nhiều tác nhân như  virus, vi khuẩn, nấm và các vi sinh vật khác như ký sinh trùng thì ít phổ biến hơn. Ngoài ra viêm phổi cũng do nguyên nhân từ hóa chất độc hại. Viêm phổi có thể gây khó thở và đau cơ hoành.

Các triệu chứng bao gồm:

  • Khó thở, đau ngực
  • Ớn lạnh, sốt
  • Ho có đờm hoặc mủ

Một số trường hợp viêm phổi có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người có kèm vấn đề sức khỏe khác.

Điều trị nhằm mục đích chữa khỏi nhiễm trùng và ngăn ngừa các biến chứng.

Lựa chọn điều trị bao gồm kháng sinh, thuốc ho và giảm đau. Trường hợp viêm phổi nặng cần nhập viện để theo dõi và điều trị.

viêm phổi

Những nguyên nhân khác

     Các nguyên nhân ít phổ biến hơn gây đau cơ hoành bao gồm:

  • Lupus
  • Viêm tụy
  • Tổn thương thần kinh
  • Phẫu thuật tim hoặc xạ trị cũng có thể gây ra các cơn đau tương tự

Tìm hiểu: Giá trị của X quang lồng ngực trong chẩn đoán thuyên tắc phổi

Có thể bạn quan tâm: Những điều cần biết về thở cơ hoành

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top