✴️ Đau là gì? Làm sao để hết đau?

Đau là một cảm giác khó chịu và là một trải nghiệm mang tính cảm xúc thường do mô bị tổn thương. Đau cho phép cơ thể phản ứng và ngăn chặn các mô bị tổn thương thêm.

Bạn cảm thấy đau khi có một tín hiệu truyền qua các sợi dây thần kinh đi đến não bộ để phân tích. Trải nghiệm đau ở mỗi người mỗi khác và có nhiều cách cảm nhận và mô tả cơn đau. Trong một số trường hợp, các cảm nhận đa dạng này có thể khiến cho việc định nghĩa và điều trị cơn đau khó khăn hơn.

Đau có thể xảy ra ngắn hạn hoặc dài hạn và ở tại một vị trí hoặc lan ra khắp cơ thể.

Trong bài viết này, chúng ra sẽ tìm hiểu về các nguyên nhân và phân loại cơn đau, các phương pháp chẩn đoán đau và cách kiểm soát chúng.

 

Nguyên nhân

Bạn cảm thấy đau khi các dây thần kinh đặc biệt được gọi là cơ quan thụ cảm phát hiện mô bị tổn thương và truyền thông tin về tổn thương từ dọc tủy sống đến não.

Ví dụ, việc chạm vào một bề mặt nóng sẽ gửi một tin nhắn thông qua một cung phản xạ ở tủy sống và gây ra sự co rút các cơ ngay lập tức. Sự co lại này sẽ kéo bàn tay ra khỏi bề mặt nóng, hạn chế tổn thương thêm.

Phản xạ này xảy ra trước khi tín hiệu truyền tới não. Khi tín hiệu đau đến nơi, nó sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu – hay còn gọi là đau.

Việc não bộ phân tích các tín hiệu này và hiệu quả của kênh liên lạc giữa các cơ quan thụ cảm với não bộ quyết định cách bạn trải qua cơn đau như thế nào.

Não bộ cũng có thể tiết ra các chất tạo cảm giác dễ chịu, chẳng hạn như dopamine, để chống lại các tác động khó chịu của cơn đau.

Năm 2011, các nhà nghiên cứu ước tính rằng đau đã khiến Hoa Kỳ tiêu tốn khoảng 560 tỷ đến 635 tỷ đô la mỗi năm cho chi phí điều trị, mất lương và mất ngày làm việc.

 

Phân loại

Đau có thể chia thành cấp tính hoặc mãn tính

Cơn đau cấp tính

Dạng cơn đau này thường dữ dội và tồn tại trong thời gian ngắn. Đó là cách cơ thể cảnh báo một người về một chấn thương hay tổn thương mô cục bộ. Điều trị tổn thương tiềm ẩn thường giải quyết được cơn đau cấp tính.

Đau cấp tính kích hoạt phản ứng chiến đấu hay bỏ chạy của cơ thể, thường dẫn đến tăng nhịp tim và nhịp thở.

Các loại đau cấp tính gồm:

  • Đau thân thể: Bạn cảm thấy cơn đau ở bề mặt da hoặc các mô mềm dưới da.
  • Đau nội tạng: Cơn đau này bắt nguồn từ các cơ quan nội tạng và niêm mạc của các khoang trong cơ thể.
  • Đau quy chiếu: Một người bị đau nội tạng tại một vị trí khác với nguồn gốc của mô tổn thương. Ví dụ, bạn thường bị đau vai trong một cơn đau tim.

Cơn đau mãn tính

Loại đau này diễn ra lâu hơn cơn đau cấp tính và thường không có cách chữa trị. Đau mãn tính có thể nhẹ hoặc trầm trọng. Nó cũng có thể liên tục, chẳng hạn như viêm khớp hoặc ngắt quãng như với một đợt đau nửa đầu. Cơn đau gián đoạn diễn ra với từng đợt đau nặng nề giữa những lần không có triệu chứng.

Phản ứng chiến đấu hay bỏ chạy cuối cùng dừng lại ở những người bị đau mãn tính vì hệ thống thần kinh giao cảm kích hoạt những phản ứng này đã thích ứng với kích thích đau.

Nếu có đủ các cơn đau cấp tính xảy ra, chúng có thể tạo ra sự tích tụ các tính hiệu điện trong hệ thần kinh trung ương, từ đó làm kích thích quá mức các sợi thần kinh.

Hiệu ứng này được gọi là “windup”, là một sự so sánh sự tích tụ các tín hiệu điện với một món đồ chơi có khả năng đánh gió. Xoay đồ chơi với cường độ mạnh hơn khiến đồ chơi chạy nhanh hơn trong thời gian dài hơn. Đau mãn tính hoạt động theo cách tương tự, đó là lý do tại sao bạn có thể cảm thấy đau rất lâu sau sự kiện đầu tiên gây ra cơn đau.

 

Mô tả cơn đau

Có nhiều cách khác nhau, chuyên biệt hơn để mô tả cơn đau. Bao gồm:

  • Đau thần kinh: Cơn đau này xảy ra sau chấn thương các dây thần kinh ngoại biên liên kết với não và tủy sống đến toàn bộ cơ thể. Nó có thể cảm giác giống như bị giật điện hoặc gây đau, tê, ngứa ran hoặc khó chịu.
  • Đau “chi ma”: Cơn đau “chi ma” xảy ra sau khi cắt cụt một chi. Đó là một cảm giác đau đớn như thể chúng đến từ chi bị mất.
  • Đau trung tâm: Loại đau này thường xuất hiện do nhồi máu, áp xe, u bướu, thoái hóa hoặc chảy máu trong não hoặc tủy sống. Đau trung tâm diễn ra liên tục, từ nhẹ đến cực kỳ trầm trọng. Những người bị đau trung tâm có cảm giác bỏng rát, đau nhức hoặc cảm giác đè nén.

Hiểu được các mô tả cơn đau có thể giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán cụ thể hơn.

 

Chẩn đoán

Mô tả chủ quan của bạn về cơn đau sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán. Không có thang điểm khách quan nào để xác định loại đau, vì vậy bác sĩ sẽ hỏi tiền sử cơn đau.

Bác sĩ sẽ hỏi bạn về:

  • Đặc điểm của cơn đau, như bỏng rát, châm chích hay đau như dao đâm;
  • Vị trí, cường độ và mức ảnh hưởng của cơn đau, như nơi bạn cảm nhận cơn đau, cảm giác như thế nào và nó lan rộng tới đâu;
  • Các yếu tố nào gây tăng đau và giảm đau;
  • Thời gian cơn đau xảy ra trong ngày;
  • Ảnh hưởng của cơn đau đến hoạt động hàng ngày và tâm trạng của bạn;
  • Hiểu biết của bạn về cơn đau.

Một số hệ thống có thể xác định và phân loại cơn đau. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất để có được chẩn đoán chính xác là việc trao đổi đầy đủ giữa bạn và bác sĩ.

 

Đo lường cơn đau

Một số thang đo cơn đau mà bác sĩ sử dụng là:

  • Thang đánh giá bằng số: Cách đo này đo lường mức độ đau trên thang điểm từ 0-10, trong đó 0 là hoàn toàn không đau và 10 là cơn đau kinh khủng nhất có thể tưởng tượng được. Thang đo này dùng để đánh giá mức độ đau thay đổi như thế nào trong việc đáp ứng với điều trị hoặc khi tình trạng xấu đi.
  • Thang điểm mô tả bằng lời nói: Thang điểm này có thể giúp bác sĩ đo lường mức độ đau ở trẻ em bị suy giảm nhận thức, người lớn tuổi, người tự kỷ và những người mắc chứng khó đọc. Thay vì sử dụng các con số, bác sĩ hỏi các câu hỏi mô tả khác nhau để thu hẹp loại cơn đau.
  • Thang đo khuôn mặt: Bác sĩ cho người đang bị đau xem một loạt các khuôn mặt biểu cảm từ đau khổ đến vui vẻ. Bác sĩ chủ yếu sử dụng thang điểm này với trẻ em. Phương pháp này cũng cho thấy những phản ứng hiệu quả ở những người tự kỷ.
  • Bản kiểm vắn tắt về cơn đau: Bảng câu hỏi chi tiết hơn này có thể giúp bác sĩ đánh giá ảnh hưởng của cơn đau đối với tâm trạng, hoạt động, giấc ngủ và các mối quan hệ của người đang bị đau. Nó cũng lập biểu đồ thời gian của cơn đau giúp phát hiện bất kỳ kiểu đau nào.
  • Bảng câu hỏi cơn đau McGill (MPQ): MPQ khuyến khích bạn chọn các từ từ 20 nhóm từ để hiểu sâu hơn về cảm giác đau. Ví dụ, nhóm 6 là “cảm giác giật, kéo, vặn mãnh”, còn nhóm 9 là “âm ỉ, đau, nhức, nặng nề”.

Đo lường cơn đau

 

Các dấu hiệu khác của cơn đau

Với những người bị suy giảm nhận thức không thể mô tả chính xác cơn đau của họ, vẫn có thể có các chỉ số mô tả, Bao gồm:

  • Bồn chồn;
  • Khóc;
  • Khóc và than vãn;
  • Nhăn nhó;
  • Không chấp nhận sự chăm sóc;
  • Giảm tương tác xã hội;
  • Thơ thẩn nhiều hơn;
  • Bỏ ăn;
  • Vấn đề về giấc ngủ.

Bác sĩ sẽ điều trị vấn đề tiềm ẩn nếu có thể điều trị được hoặc kê đơn thuốc giảm đau để kiểm soát cơn đau.

 

Phân biệt chủng tộc trong việc kiểm soát cơn đau

Có một điều lầm tưởng phổ biến là người da đen có cảm giác đau khác so với người da trắng. Do đó, người Mỹ da đen thường không được điều trị đau đầy đủ so với người da trắng.

Thành kiến về chủng tộc trong việc đánh giá và kiểm soát cơn đau đã được ghi nhận đầy đủ.

Chẳng hạn, một nghiên cứu năm 2016 cho thấy một nửa số sinh viên y khoa và cư dân da trắng tin rằng người da đen có làn da dày hơn hoặc đầu tận cùng của dây thần kinh kém nhạy cảm hơn người da trắng.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những quan niệm sai lầm này đã ảnh hưởng đến việc đánh giá cơn đau và khuyến nghị điều trị của nhân viên y tế. Điều này cho thấy các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có niềm tin này không thể điều trị cơn đau của người da đen một cách thích hợp.

Xóa bỏ định kiến và thành kiến phân biệt chủng tộc là những bước quan trọng để giải quyết sự bất bình đẳng mang tính hệ thống trong chăm sóc sức khỏe.

 

Điều trị và kiểm soát cơn đau

Bác sĩ sẽ điều trị các loại đau khác nhau bằng những cách khác nhau. Điều trị có hiệu quả với loại đau này có thể không làm dịu được loại đau khác.

Điều trị đau cấp tính

Điều trị đau cấp tính thường là điều trị nội khoa.

Thông thường, loại đau này là kết quả của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và việc điều trị bệnh có thể làm giảm đau mà không cần kiểm soát cơn đau. Ví dụ, Nếu nhiễm trùng do vi khuẩn gây đau họng, thì thuốc kháng sinh có thể điều trị nhiễm trùng, từ đó làm dịu cơn đau.

Acetaminophen

Acetaminophen là một loại thuốc giảm đau. Nó là một thành phần hoạt tính trong hàng trăm loại thuốc.

Thường được biết đến với tên thương hiệu Tylenol, acetaminophen cso thể giảm đau và hạ sốt. Kết hợp với các thành phần khác, nó có thể giúp điều trji các triệu chứng dị ứng, ho, cảm cúm và cảm lạnh.

Bác sĩ thường cho thuốc có chứa acetaminophen và các thành phần khác để điều trị cơn đau trung bình hoặc nặng.

Tuy nhiên, khi dùng thuốc ở liều cao, acetaminophen có thể gây tổn thương gan. Bạn không nên dùng quá liều được khuyến cáo.

Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)

NSAID là một loại thuốc giảm đau khác. Chúng có thể giảm đau và giúp bạn trở lại sinh hoạt hàng ngày. NSAID thích hợp cho các cơn đau cấp tính nhẹ, như đau đầu, bong gân nhẹ và đau lưng.

NSAID có thể làm giảm viêm và giảm đau cục bộ do sưng tấy. Những loại thuốc này có thể có tác dụng phụ liên quan đến hệ tiêu hóa, bao gồm cả xuất huyết tiêu hóa. Vì vậy, bác sĩ sẽ theo dõi khi bạn dùng liều cao.

Quan trọng là phải đọc bao bì để kiểm tra liều tối đa và tìm hiểu thành phần thuốc giảm đau trước khi dùng chúng. Bạn không nên dùng quá liều được khuyến cáo.

Opioid

Bác sĩ kê toa những loại thuốc này cho những cơn đau cấp tính nặng nhất, như những cơn đau do phẫu thuật, bỏng, ung thư và gãy xương. Opioid có tính gây nghiện cao, gây ra các triệu chứng cai nghiện và mất hiệu quả dần theo thời gian. Chúng cần được kê toa.

Trong những trường hợp liên quan đến chấn thương và đau trầm trọng, bác sĩ sẽ quản lý cẩn thận liều lượng opioid, giảm dần số lượng để giảm thiểu các triệu chứng cai nghiện.

Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về tất cả các lựa chọn thuốc và báo cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe và các loại thuốc đang dùng. Opioid có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự tiến triển của một số bệnh mãn tính, bao gồm:

  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD);
  • Bệnh thận;
  • Vấn đề về gan;
  • Rối loạn sử dụng chất trước đây;
  • Sa sút trí tuệ.

Opioid có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm ở những người mắc một số bênh mãn tính. Chẳng hạn, chúng có thể gây ức chế hô hấp, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của COPD.

Điều trị đau mãn tính

Các liệu pháp không dùng thuốc có thể giúp giảm các cơn đau mãn tính. Những lựa chọn thay thế thuốc này có thể phù hợp hơn cho những người bị đau mãn tính.

Các liệu pháp này bao gồm:

  • Châm cứu: Châm những kim rất nhỏ vào các điểm có áp lực cụ thể có thể giúp giảm đau.
  • Chặn dây thần kinh: Những mũi tiêm này có thể làm tê liệt một nhóm dây thần kinh là nguồn gây đau cho một chi hoặc một bộ phận cơ thể.
  • Trị liệu tâm lý: Đau mãn tính thường làm giảm hứng thú với các hoạt động hằng ngày và gây khó khăn cho công việc. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy đau mãn tính có thể dẫn đến trầm cảm và trầm cảm làm tăng cơn đau mãn tính. Một nhà trị liệu tâm lý có thể giúp bạn thực hiện các thay đổi để giảm thiểu cường độ của cơn đau và xây dựng các kĩ năng đối phó.
  • Kích thích điện dây thần kinh qua da (TENS): TENS kích thích hệ thống ra vào cơn đau và opioid của não, từ đó giúp giảm đau.
  • Phẫu thuật: Có thể thực hiện phẫu thuật trên dây thần kinh, não và tủy sống để điều trị cơn đau mãn tính. Chúng bao gồm các thủ thuật cắt rễ, giải áp, và kích thích não sâu và tủy sống bằng điện.
  • Phản hồi sinh học: Thông qua kĩ thuật tâm trí này, bạn có thể học cách kiểm soát các cơ quan và các quá trình tự động, như nhịp tim, bằng suy nghĩ của bạn một cách hiệu quả hơn. Thực tế ảo có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc sử dụng phản hồi sinh học để kiểm soát cơn đau, theo một nghiên cứu năm 2019.
  • Liệu pháp thư giãn: bao gồm một loạt các bài tập và kĩ thuật thư giãn có kiểm soát, chủ yếu là trong lĩnh vực y học thay thế và bổ sung. Bạn có thể thử thôi miên, yoga, thiền, liệu pháp xoa bóp, kĩ thuật phân tâm, thái cực quyền hoặc kết hợp các phương pháp này.
  • Vận động vật lý: Một chuyên gia vật lý trị liệu hoặc chuyên gia nắn xương khớp có thể giúp giảm đau bằng cách điều chỉnh lực căng từ lưng.
  • Vật lý trị liệu: Các bài tập vật lý trị liệu có thể hỗ trợ khả năng vận động và có thể giúp giảm đau mãn tính.
  • Liệu pháp nóng và lạnh: Sử dụng túi chường nóng và lạnh có thể giúp ích. Bạn cso thể dùng xen kẽ hoặc lựa chọn tùy theo loại chấn thương hoặc loại đau. Một số loại thuốc bôi ngoài da có tác dụng làm ấm khi bôi lên vùng bị ảnh hưởng.
  • Nghỉ ngơi: Nếu cơn đau xảy ra do chấn thương hoặc làm việc quá sức một phần của cơ thể thì nghỉ ngơi có thể là lựa chọn tốt nhất.

Bằng việc kiểm soát cơn đau thích hợp, bạn có thể duy trì các hoạt động hàng ngày, tham gia hoạt động xã hội và có chất lượng cuộc sống tích cực.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top