✴️ Khắc phục các vết ố vàng trên răng?

Các nguyên nhân

Những yếu tố sau có thể gây ra hình thành các mảng ố màu trên răng:

Thức ăn và thức uống

Một số thực phẩm hay thức uống có màu sẫm chứa các chất hóa học được gọi là chromogen. Cũng giống như axit tannic ở trong rượu, những chất hóa học này có thể làm ố màu men răng.

Theo thời gian, những vết ố này trở nên vĩnh viễn và đặc biệt là khi có vệ sinh răng miệng kém.

Các thực phẩm và thức uống có chứa màu và chất nhuộm nhân tạo cũng có thể gây ra những mảng bám màu dễ nhận thấy trên răng.

Các sản phẩm chứa nicotine và thuốc lá

Những sản phẩm này chứa các phân tử có khả năng bám vào những lỗ siêu nhỏ trên men răng. Những phân tử này tích tụ lại trong lúc dùng các sản phẩm trên và có thể gây ố màu răng.

Những mảng ố do thuốc lá, nhai hay ngâm có xu hướng trở nên sẫm màu dần theo thời gian và khó có thể tẩy sạch.

Cao răng

Hàng ngàn các vi khuẩn bên trong miệng có thể liên tục hòa trộn vào nước bọt và phân tử thức ăn để hình thành nên một lớp nhầy mỏng và trong suốt được gọi là mảng bám.

Số lượng mảng bám được kiểm soát bằng cách đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên. Vệ sinh răng miệng kém có thể khiến cho các mảng bám này trở nên cứng hơn và trở thành một lớp vĩnh viễn, lúc đó lớp này được gọi là cao răng. Ngoài vệ sinh răng miệng kém ra, những yếu tố sau đây cũng có thể làm tăng nguy cơ hình thành cao răng:

  • Hút thuốc lá
  • Sức khỏe rất yếu, nằm liệt giường hoặc bất động.
  • Đái tháo đường
  • Thay đổi nội tiết tố, ví dụ như những thay đổi trong thời kỳ dậy thì, thai kỳ, và mãn kinh
  • Các loại thuốc làm giảm lượng nước bọt trong miệng, ví dụ như các chất ức chế thần kinh, các thuốc dành cho AIDS

lấy cao răng

Sâu răng

Các vi khuẩn trong mảng bám và cao răng ăn các loại đường được cho vào miệng. Sau đó chúng sẽ sản sinh ra axit làm suy yếu đi lớp men răng. Tính chất dày dính của các mảng bám và cao răng làm cho chúng bám dính vào răng trong khoảng thời gian dài.

Khi các axit này làm mòn đi lớp men răng, các lớp có màu vàng ở phía dưới sẽ dần lộ ra rõ hơn. Răng lúc này sẽ có màu vàng nâu. Nếu như sâu răng trở nên đủ nặng, các axit này sẽ tạo ra một lỗ xuyên vào trong răng.

Những vết nứt nhỏ ở trên răng cũng có thể làm lối dẫn cho vi khuẩn đi vào và gây ra sâu răng.

Ở nhiều trường hợp, những đốm đen của sâu răng xuất hiện ở xung quanh viền của những miếng trám răng hay mão răng, do vi khuẩn xâm nhập vào từ những khe hở.

Những lỗ sâu răng thường mang lại cảm giác khó chịu hoặc thậm chí là đau đớn khi lỗ sâu lớn. Sâu răng thường dẫn đến việc bị lộ chân răng hoặc thần kinh, cho nên những răng này thường rất nhạy cảm với thức ăn, thức uống nóng hoặc lạnh.

Lão hóa

Ở người lớn tuổi, phần men màu trắng bảo vệ răng ở bên ngoài sẽ dần dần mòn đi, làm lộ ra các lớp màu vàng ở bên dưới. Quá trình tự nhiên này thường gây ra các điểm hay mảng vàng ố hoặc răng bị ngả màu.

Di truyền

Màu răng tự nhiên của mỗi người khác nhau, có người răng có màu sậm hơn những người khác. Các tác nhân di truyền khác bao gồm:

  • Độ cứng của men răng
  • Phản ứng của men răng với các sắc tố và axit
  • Độ hao mòn của men răng
  • Các đặc tính di truyền, ví dụ như bệnh tạo ngà răng bất toàn
  • Các vấn đề về phát triển của cơ thể làm gián đoạn sự tạo xương và răng.

Các chữa trị hay thủ thuật nha khoa đã từng làm

Trám răng, mão răng, hay cầu răng đều sẽ bị ngả màu. Còn không thì các phần kim loại trong miếng trám có thể làm lan màu ra răng theo thời gian.

Thuốc

Một vài loại thuốc làm thay đổi màu của răng, đặc biệt là kháng sinh tetracycline và các thuốc cùng họ. Đây là chuyện thường gặp ở trẻ nhỏ. Một vài loại thuốc cũng có liên quan đến việc làm ố màu răng, bao gồm:

  • Glibencalmide (Glynase)
  • Chlorhexidine, một loại thuốc dạng nước súc miệng.

Thiểu sản men răng

Tình trạng này xảy ra do có sự gián đoạn trong quá trình phát triển làm cho men răng trở nên cứng nhưng mỏng. Bề mặt răng có thể có các mảng màu phấn, trắng hay vàng nâu.

Thiểu sản men răng có thể mắc phải, nhưng thông thường thì đây là tình trạng bẩm sinh. Trong trường hợp bẩm sinh thì đây được gọi là bệnh tạo ngà răng bất toàn.

Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra thiểu sản men răng bao gồm:

  • Thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là canxi;
  • Tổn thương lúc sanh hoặc sanh non;
  • Nhiễm trùng, ví dụ như sởi hay thủy đậu;
  • Mẹ bị bệnh hoặc thiếu dinh dưỡng khi mang thai;
  • Tiếp xúc với độc chất hay dị nguyên;
  • Nhiễm fluor hoặc uống fluoride;
  • Chấn thương hay tổn thương răng.

Bệnh Celiac

Các triệu chứng về răng miệng thường là các triệu chứng dễ nhận thấy đầu tiên của bệnh Celiac. Chúng thường bao gồm:

  • Các mảng hay đốm nhỏ lấm tấm màu nâu, vàng hay trắng;
  • Men răng yếu;
  • Bề mặt răng có lỗ;
  • Răng trở nên trong suốt dần.

Các triệu chứng này thường xảy ra với răng hàm và răng cửa. Chúng sẽ xuất hiện ở cả hai bên hàm.

Nhiễm Fluor

Quá nhiều fluoride có thể làm ố màu men răng. Đặc biệt là ở trẻ dưới 8 tuổi.

Sự biến đổi màu này được gọi là nhiễm fluor. Có thể xuất hiện các dải màu trắng hoặc xám dọc theo răng. Ở những trường hợp nặng, nhiễm fluor có thể gây ra các đốm hoặc lỗ màu nâu đen.

Mặc dù các triệu chứng có phần giống như sâu răng, nhiễm fluor thường không gây ra nguy hiểm.

Điều trị

Nguyên nhân gây ra các đốm ố màu trên răng sẽ quyết định phương pháp điều trị tốt nhất.

Những liệu pháp tại nhà sau đây có thể tẩy các vết ố gây ra bởi thức ăn, thức uống, hoặc thói quen ví dụ như hút thuốc lá.

  • Chải răng với hỗn hợp baking soda và nước mỗi vài ngày.
  • Súc miệng với dung dịch nước oxy già pha loãng mỗi ngày hay mỗi vài ngày. Luôn luôn súc lại bằng nước sau đó.

Có nhiều sản phẩm bày bán trong các cửa hàng có thể tẩy các mảng ố trên răng. Hiệu quả thường có thể thấy được sau 1-2 tuần, mặc dù vậy cũng không có điều gì đảm bảo chuyện đó. Một số sản phẩm có thể dùng như:

  • Nước súc miệng làm trắng răng có chứa oxy già.
  • Kem đánh răng làm trắng răng có chứa Natri hypoclorit
  • Các miếng làm trắng răng có chứa Carbimide peroxit
  • Các bộ công cụ tẩy trắng răng có gel tẩy trắng răng chứa carbamide peroxit

Nếu như ố màu răng bị gây ra do mảng bám và cao răng thì nên đi gặp nha sĩ để giải quyết.

Nha sĩ hoặc chuyên gia vệ sinh răng miệng sẽ sử dụng một dụng cụ để lấy các mảng bám hoặc cao răng ra khỏi răng. Nha sĩ cũng có thể sẽ thực hiện một số thủ thuật để tẩy trắng răng và bảo vệ răng khỏi bị sâu răng nặng thêm. Các thủ thuật này bao gồm tẩy trắng và bôi fluorit tại chỗ.

Răng ố màu do bệnh celiac thì sẽ tồn tại vĩnh viễn. Hầu hết các mảng ố gây ra do nhiễm fluor hoặc sâu răng cũng thường không thể đảo ngược lại. Đối với các đốm ố màu cứng đầu hay vĩnh viễn, nha sĩ có thể giấu đi được hoặc ngăn chặn ố màu thêm bằng:

  • Các mảng trám màu trắng
  • Bọc sứ
  • Mão răng

Nha sĩ cũng có thể sẽ khuyến cáo nên đeo một dụng cụ bảo vệ răng khi ngủ.

Phòng ngừa

Cách dễ nhất để ngăn ngừa răng bị ố vàng là thực hiện vệ sinh răng miệng thật tốt.

Những mẹo sau đấy có thể giúp bạn:

  • Chải răng bằng kem đánh răng chứa fluoride 2 phút mỗi lần, 2 lần mỗi ngày.
  • Dùng chỉ nha khoa một lần mỗi ngày.
  • Súc miệng bằng nước hoặc chải răng sau khi ăn, đặc biệt là sau khi ăn thực phẩm chứa nhiều đường, màu, và tannin.
  • Sử dụng nước súc miệng có chứa fluor mỗi ngày. Việc này không khuyến cáo áp dụng cho trẻ dưới 6 tuổi.
  • Khám nha sĩ thường xuyên.
  • Ngưng sử dụng sản phẩm chứa nicotine và thuốc lá.
  • Sử dụng ống hút khi dùng các thức uống không phải nước.
  • Hỏi ý kiến nha sĩ về các thói quen có thể gây tổn thương răng như nghiến răng.

vệ sinh răng miệng giúp làm trắng răng

Những việc dưới đây có thể gây ố màu răng và làm yếu men răng.

Nên tránh sử dụng:

  • Các thức ăn, thức uống chứa nhiều đường.
  • Thức ăn có màu nhân tạo
  • Cà phê và trà
  • Rượu vang đỏ và các loại đồ uống màu sẫm.
  • Nước ép có màu sẫm
  • Các loại quả họ cam chanh và nước ép trái cây.
  • Các loại sốt màu sẫm, ví dụ như nước tương và tương cà.

Có một vài loại thực phẩm có thể làm chắc men răng và ngăn chặn ố màu. Các loại thức ăn thô hoặc chứa nhiều chất xơ có thể giúp chải sạch đi các vi khuẩn và những mảnh mảng bám khỏi bề mặt răng. Những loại khác thì tạo ra các hàng rào bảo vệ răng khỏi mảng bám hoặc có chứa các chất hóa học có khả năng trung hòa các loại a xít làm yếu men răng.

Các loại thức ăn có khả năng ngăn chặn răng khỏi bị ố màu bao gồm:

  • Các loại rau xanh như cải xoăn, rau chân vịt và bông cải.
  • Các loại phô mai và sữa chua lên men.
  • Các loại hoa quả và rau củ nhiều chất xơ như táo, mận, lê và rau cần tây.
  • Các thực phẩm chứa nhiều chất oxy hóa, bao gồm cà rốt, gừng và tỏi.
  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt và ngũ cốc thường.
  • Các loại hạt

Tiên lượng

Các đốm ố màu trên răng có thể là hậu quả của việc vệ sinh răng miệng kém, hút thuốc là hoặc dùng quá nhiều thực phẩm, thức uống có màu sậm.

Những đốm ở bên ngoài của răng có thể dễ dàng tẩy sạch và phòng tránh. Hiếm hơn, những đốm ố màu ở trên răng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý hoặc chúng có thể là tác dụng phụ của thuốc.

Nếu như những đốm ố màu đi kèm với những triệu chứng khác hoặc không đáp ứng với các sản phẩm được bày bán ở bên ngoài, nên đi gặp nha sĩ hoặc các chuyên gia y tế ngay.

Nên tham khảo ý kiến nha sĩ hay bác sĩ khi có thắc mắc về nguyên nhân gây ra răng ố màu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top