✴️ Kiểm soát tình trạng viêm mạn tính

Viêm mạn tính là gì?

Viêm là phản ứng của cơ thể để chống lại những tác nhân gây hại như nhiễm trùng, vết thương và chất độc, nhằm khôi phục lại tình trạng sức khỏe. Khi các tế bào trong cơ thể bị tổn thương, cơ thể sẽ tiết ra các chất gây kích thích phản ứng của hệ miễn dịch. Phản ứng này bao gồm sự giải phóng các kháng thể và protein, cũng như tăng lượng máu đến vùng bị tổn thương. Toàn bộ quá trình thường kéo dài khoảng vài giờ đến vài ngày nếu viêm cấp tính.

Viêm mạn tính xảy ra khi phản ứng này kéo dài, khiến cho cơ thể rơi vào trạng thái báo động liên tục. Theo thời gian, viêm mạn tính có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến các mô và cơ quan. Một vài nghiên cứu gợi ý rằng trạng thái viêm mạn tính có thể góp phần gây ra một số bệnh, từ ung thư cho đến hen suyễn.

Triệu chứng viêm mạn tính

Viêm cấp tính thường gây ra những triệu chứng dễ nhận biết như: sưng, đỏ, đau. Nhưng viêm mạn tính  có triệu chứng khó nhận biết hơn và thường dễ bị bỏ qua. Các triệu chứng thường gặp của viêm mạn tính bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Sốt
  • Đau miệng
  • Nổi ban
  • Đau bụng
  • Đau ngực

Các triệu chứng trên có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng và kéo dài khoảng vài tháng đến vài năm.

Các nguyên nhân gây viêm mạn tính

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra viêm mạn tính, bao gồm:

  • Các tác nhân gây viêm cấp tính chưa được điều trị, ví dụ như nhiễm trùng hay có vết thương
  • Một rối loạn tự miễn nào đó khiến cho hệ miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh
  • Tiếp xúc lâu dài với các tác nhân kích ứng như hóa chất công nghiệp hay không khí ô nhiễm

Các nguyên nhân trên không gây viêm mãn tính ở tất cả mọi người và một số trường hợp viêm mạn tính không xác định được nguyên nhân rõ ràng. Các chuyên gia tin rằng có nhiều yếu tố có thể góp phần vào quá trình viêm mạn tính, ví dụ như:

  • Hút thuốc lá
  • Béo phì
  • Thức uống có cồn
  • Stress mạn tính

Ảnh hưởng của viêm mạn tính lên cơ thể

Khi có viêm mạn tính, phản ứng viêm của cơ thể có thể gây tổn thương đến các tế bào, mô và cơ quan còn khỏe mạnh. Theo thời gian, quá trình này có thể dẫn đến tổn thương DNA, hoại tử mô, và tạo sẹo.

Tất cả các ảnh hưởng đó đều có liên quan đến nhiều bệnh, bao gồm:

  • Ung thư
  • Bệnh tim
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Đái tháo đường type 2
  • Béo phì
  • Hen suyễn
  • Các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer

Điều trị

Viêm là một phần tự nhiên trong quá trình hồi phục của cơ thể. Nhưng nếu như nó trở thành mạn tính thì việc kiểm soát nó rất quan trọng để có thể làm giảm các nguy cơ về lâu dài. Có một vài biện pháp kiểm soát viêm đã được nghiên cứu, bao gồm:

  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Các loại NSAID như aspirin, ibuprofen (Advil), và naproxen (Aleve), có hiệu quả trong việc làm giảm viêm và đau. Nhưng việc sử dụng lâu dài có thể gây tăng nguy cơ mắc phải các bệnh như loét dạ dày và bệnh thận.
  • Steroid. Corticosteroid là một dạng hormone steroid. Chúng có tác dụng làm giảm viêm và ức chế miễn dịch, rất hữu ích khi hệ miễn dịch bắt đầu tấn công các mô khỏe mạnh. Nhưng nếu như sử dụng lâu dài thì corticosteroid có thể gây ra vấn đề về mắt, cao huyết áp, và loãng xương. Bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi và hại khi cho bệnh nhân sử dụng thuốc.
  • Các chất bổ sung. Một vài thực phẩm bổ sung có thể giúp làm giảm viêm. Dầu cá, acid lipid, và nghệ đều có thể giúp làm giảm phản ứng viêm của một số bệnh như ung thư và bệnh tim. Một vài loại gia vị cũng có thể giúp kiểm soát viêm mạn tính và các bệnh viêm, ví dụ như gừng, tỏi và bột ớt cayenne.

Ảnh hưởng của chế độ ăn đến viêm mạn tính

Chế độ ăn có thể gây ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực đến việc kiểm soát viêm mạn tính.

Thực phẩm nên ăn

  • Có nhiều loại thực phẩm mang đặc tính kháng viêm. Các thực phẩm này chứa nhiều chất chống oxy hóa và polyphenol, ví dụ như:
  • Dầu olive
  • Rau xanh, ví dụ như cải xoăn, và rau chân vịt
  • Cà chua
  • Cá có nhiều mỡ như cá hồi, cá mòi, và cá thu
  • Các loại hạt
  • Trái cây, đặc biệt là sơ ri, việt quất, và cam

Nếu như đang muốn thay đổi chế độ ăn thì nên thử chế độ ăn Địa Trung Hải. Một nghiên cứu 2018 nhận thấy rằng chế độ ăn này làm giảm được các chỉ số của viêm. Ngoài ra chế độ ăn này còn có nhiều lợi ích khác nữa.

Thực phẩm nên tránh

Các loại thực phẩm dưới đây có thể làm tăng phản ứng viêm ở một số người:

  • Carbohydrate tinh chế, ví dụ như bánh mì trắng và bánh ngọt
  • Các thức ăn chiên như khoai tây chiên
  • Thịt đỏ
  • Thịt chế biến sẵn như xúc xích

Nếu như muốn làm giảm viêm mạn tính thì nên tránh sử dụng các thực phẩm trên. Không cần phải loại bỏ hẳn các thức ăn đó nhưng chỉ nên thỉnh thoảng ăn chúng một lần.

Kết luận

Viêm mạn tính làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng. Viêm có thể được chẩn đoán dựa vào xét nghiệm máu. Thuốc, các thực phẩm bổ sung và chế độ ăn kháng viêm có thể giúp làm giảm nguy cơ viêm. Tránh hút thuốc lá, các thức uống có cồn và duy trì một trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, giảm stress có thể giúp làm giảm các nguy cơ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top