✴️ Nội soi rửa khớp gối điều trị thoái hóa khớp và những điều cần biết

1. Nội soi rửa khớp gối được hiểu như thế nào?

Nội soi rửa khớp gối là phương pháp có sự kết hợp của kỹ thuật nội soi khớp gối và rửa khớp gối đối với người bệnh. Trong đó, bác sĩ sẽ tiến hành rạch một đường nhỏ trên vùng da đầu gối và đưa một camera nhỏ vào bên trong. Thông qua sự ghi nhận hình ảnh từ camera, có thể quan sát cấu trúc, các tổn thương mà khớp gặp phải. 

Để quá trình quan sát dễ dàng nhất có thể, bác sĩ tiến hành bơm rửa khớp gối bằng dung dịch nước muối sinh lý nhằm loại bỏ các mảnh dị vật được hình thành do quá trình bào mòn của sụn khớp, đồng thời loại bỏ chúng để cải thiện các triệu chứng ảnh hưởng bởi dị vật. Ngoài ra, kỹ thuật này còn được sử dụng kết hợp với thủ thuật cắt gai xương khớp hoặc cắt lọc tổ chức viêm bao hoạt dịch. 

2. Nội soi rửa khớp gối được chỉ định đối với ai?

Nội soi rửa khớp gối được chỉ định đối với người bệnh gặp phải bệnh lý thoái hóa khớp nguyên phát, có xuất hiện các triệu chứng ảnh hưởng lâm sàng như đau nhức khớp, khó vận động, đã được điều trị nội khoa nhưng không thuyên giảm tình trạng. Gồm có:

  • Bệnh nhân bị thoái hóa khớp trong giai đoạn 2 và giai đoạn 3.
  • Bệnh nhân mắc thoái hóa khớp gối đi kèm dị vật, có dấu hiệu kẹt khớp.
  • Tình trạng thoái hóa khớp gối kèm theo viêm bao dịch hoạt trong khớp, viêm màng dịch khớp,…

Trong đó, phẫu thuật nội soi rửa khớp gối không nên thực hiện đối với:

  • Bệnh nhân bước sang tình trạng thoái hóa khớp gối giai đoạn 4 do khớp bị biến dạng, hẹp khe khớp.
  • Bệnh nhân bị thoái hóa khớp trên nền viêm đa khớp.
  • Người bệnh có các bệnh lý gây hạn chế khi phẫu thuật như rối loạn đông máu, nhiễm trùng cấp tính tại vùng gối hoặc toàn thân,…

Nội soi rửa khớp gối được chỉ định đối với ai

3. Quá trình thực hiện phương pháp

Trước khi thực hiện nội soi

Bệnh nhân sẽ được yêu cầu nhịn ăn khoảng 6 - 7 tiếng trước khi thực hiện nội soi rửa khớp gối. Đồng thời, người bệnh cũng nên thông báo tình trạng sức khỏe của mình đối với bác sĩ để đảm bảo quá trình thực hiện là an toàn nhất.

Bác sĩ sẽ tiến hành chuẩn bị và kiểm trang thiết bị dụng cụ và gây mê cho bệnh nhân.

Thực hiện nội soi và rửa khớp

Bác sĩ tiến hành rạch hai đường hoặc nhiều hơn tại vùng gối để đưa camera và dụng cụ vào bên trong. Sau khi kiểm tra, nước muối sinh lý được bơm vào để rửa sạch ổ khớp và các dị vật do quá trình bệnh lý hình thành. Đồng thời, thực hiện các thủ thuật can thiệp như cắt, sửa phần sụn rách, tái tạo dây chằng nếu cần thiết. Thông thường, thủ thuật mất khoảng 40 - 45 phút để hoàn thành, nếu tình trạng khớp của bệnh nhân là nghiêm trọng và khó thực hiện can thiệp hơn thì thời gian thực hiện sẽ là lâu hơn.

Sau nội soi

Khi quá trình nội soi và can thiệp được thực hiện xong, bệnh nhân có thể được xuất viện ngay. Người bệnh có thể cảm thấy hơi đau nhức và sưng khớp gối trong khoảng một tuần, việc đi lại cũng là khó khăn. Nếu thấy sưng nóng đau tăng lên, chảy dịch vị trí nội soi, sốt,... người bệnh cần liên hệ bác sĩ để được thăm khám lại và điều trị kịp thời.

Sau phẫu thuật nội soi rửa khớp gối, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, hạn chế di chuyển, tránh tham gia các vận động mạnh sẽ tạo áp lực lên khớp gối như chạy, bê đồ,… Chỉ nên vận động phục hồi chức năng khớp một cách nhẹ nhàng và theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Nội soi rửa khớp gối được các chuyên gia đánh giá là kỹ thuật có sự xâm lấn ít, khả năng gây ra các biến chứng sau khi thực hiện là không cao. Tuy nhiên, vẫn có thể gặp các biến chứng sau phẫu thuật như: sẹo xấu vết mổ, chảy máu, nhiễm trùng,... Do đó, khi có ý định làm thủ thuật này, người bệnh nên lựa chọn thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín. Bên cạnh đó, việc lựa chọn các địa chỉ uy tín thường chi phí thăm khám cũng được niêm yết rõ ràng, từ đó người bệnh sẽ có được sự chủ động hơn tài chính, không lo bị hét giá.

4. Lời khuyên từ chuyên gia với chứng đau nhức đầu gối

Với những người đang mắc các vấn đề như đau nhức đầu gối, nếu ở mức độ nặng thì cần đến bệnh viện thăm khám sớm để có hướng điều trị phù hợp. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể tự khắc phục chứng đau nhức đầu gối tại nhà bằng  những bài tập hoạt động thể chất, giúp tăng sức mạnh cho cơ bắp chân trên nhằm bảo vệ khớp gối.

Trong quá trình học tập, làm việc cần chú ý đến tư thế ngồi để giảm áp lực lên đầu gối như không ngồi quá thấp, ghế quá cao có thể kê thêm ghế đỡ chân bên dưới, không ngồi quá lâu ở một tư thế,...

Ngoài ra, để có một sức khỏe dẻo dai, cơ thể khỏe mạnh, hạn chế các bệnh liên quan đến cơ xương khớp, chúng ta nên xây dựng một lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, kết hợp tập luyện thể dục thể thao đều đặn.

Tìm hiểu thêm: Tràn dịch khớp gối là gì?

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top