✴️ Lách to gây ra do đâu?

Nội dung

Nguyên nhân nào gây lách to?

Một số nguyên nhân phổ biến nhất gây ra lách to bao gồm:

  • Rối loạn liên quan đến máu: Các tình trạng như bệnh bạch cầu, ung thư hạch bạch huyết hoặc tình trạng tăng sinh tủy có thể khiến các tế bào ung thư xâm lấn lá lách và tăng sản lên nhanh chóng, do đó làm tăng kích thước lá lách. Ước tính có khoảng 64% các trường hợp lách to là do rối loạn liên quan đến máu.
  • Các bệnh về gan: Các bệnh về gan như xơ gan hoặc viêm gan có thể gây ra tăng áp lực trong gan từ lá lách. Kết quả là lách bắt đầu to ra. [ Tham khảo thêm: tăng áp tĩnh mạch cửa ]
  • Nhiễm trùng lá lách: Lá lách là một phần của hệ thống miễn dịch, các bệnh nhiễm trùng như tăng bạch cầu đơn nhân, bệnh lao, viêm nội tâm mạc do vi khuẩn hoặc HIV có thể khiến lá lách to ra.

Một số nguyên nhân ít phổ biến hơn gây ra chứng lách to bao gồm:

  • Rối loạn mô liên kết, bao gồm lupus ban đỏ hệ thống và viêm khớp dạng thấp
  • Các tình trạng làm tăng bạch cầu như thiếu máu tan máu tự miễn hoặc ban xuất huyết giảm tiểu cầu tự miễn.
  • Rối loạn thâm nhiễm như bệnh amyloidosis hoặc bệnh sarcoidosis
  • Các tình trạng gây tắc nghẽn lách như suy tim sung huyết và tăng áp lực tĩnh mạch cửa;
  • Chứng giam hãm tiểu cầu trong lách (splenic sequestration) bao gồm các tình trạng như bệnh hồng cầu hình liềm ở trẻ em và bệnh thiếu máu huyết tán;
  • Huyết khối tĩnh mạch như huyết khối gan hoặc tĩnh mạch cửa [ tham khảo thêm: huyết khối tĩnh mạch sâu ]
  • Các tình trạng hiếm gặp khác như hội chứng Banti và lách di động.

Theo thống kê ở Hoa Kỳ cho thấy, có khoảng 02% dân số mắc chứng lách to trong đời. Những người lớn tuổi có nguy cơ phát triển tình trạng này cao hơn một chút vì lớp bọc bên ngoài của lá lách trở nên mỏng hơn theo tuổi tác.

Các triệu chứng

Lách to không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng. Các triệu chứng nếu có bao gồm:

  • Đầy bụng, chướng bụng;
  • Dễ bị nhiễm trùng;
  • Thiếu máu;
  • Mệt mỏi;
  • Khó chịu hoặc cảm giác đau mạn sườn bên trái;
  • Dễ bị chảy máu.

Các triệu chứng của lách to thường phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Ví dụ lách to liên quan đến ung thư có thể gặp các triệu chứng khác như:

  • Đổ mồ hôi đêm;
  • Tụt cân không rõ nguyên do;
  • Mệt mỏi thường xuyên.

Ngoài ra, lách to do nhiễm trùng có thể gặp các triệu chứng khác như:

  • Sốt, run rẩy;
  • Mệt mỏi.

Đối với trường hợp lách to liên quan đến rối loạn máu có thể có các triệu chứng bao gồm:

  • Dễ chảy máu;
  • Dễ bầm tím;
  • Chóng mặt.

Trong trường hợp lách do, bác sĩ có thể khám sờ thấy lá lách to ngay dưới bên trái xương sườn.

lách to

Chẩn đoán

Để xác định lách to cần kết hợp giữa các triệu chứng, thăm khám lâm sàng và một số xét nghiệm, kỹ thuật chẩn đoán khác như:

  • Công thức máu tổng quát: Cho biết số lượng bạch cầu và hồng cầu và tiểu cầu trong máu.
  • Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh: Thông thường, bác sĩ có thể chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan) và siêu âm.
  • Xét nghiệm chức năng gan: Nồng độ men gan cao như AST và ALT có thể gợi ý lách to.

Điều trị

Do có nhiều tình trạng bệnh lý có thể gây ra chứng lách to, điều trị thường sẽ bắt đầu bằng việc giải quyết nguyên nhân cơ bản. Ví dụ, người bị lách to liên quan đến bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm sẽ cần được truyền máu hoặc truyền thay máu.

Trong một số trường hợp như chấn thương gây vỡ lách hoặc ung thư có thể phải cắt bỏ lách. Giống như túi mật hoặc ruột thừa, cơ thể có thể sống mà không có bộ phận này. Tuy nhiên, do lá lách chứa rất nhiều máu, phẫu thuật này có thể gây chảy nhiều máu.

Trong khi điều trị tình trạng cơ bản, người bệnh nên hết sức cẩn thận để tránh bị chấn thương vùng bụng. Chấn thương trong khi lách to có thể dễ dàng khiến lá lách bị vỡ dẫn đến chảy máu đe dọa tính mạng.

Các biến chứng

Lá lách to có thể dẫn đến vỡ lá lách khi đó cần phẫu thuật và thường xuyên truyền máu để cung cấp đủ lượng máu cần thiết cho cơ thể.

Khi bị cắt bỏ lá lách, bệnh nhân có nguy cơ mắc một số loại nhiễm trùng cao hơn  như Streptococcus pneumoniae và Neisseria meningitidis.

Lá lách thường chứa các tế bào miễn dịch có thể giúp chống lại những loại nhiễm trùng này. Tuy nhiên, những người đã phẫu thuật cắt lách có thể cần liều kháng sinh mạnh hơn để chống lại nhiễm trùng so với người bình thường.

Khi nào cần khám bác sĩ

Nên đi khám bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến lách to như chướng bụng, đau hoặc sưng vùng hạ sườn bên trái.

Tóm lược

Lách to là một trường hợp ít gặp nhưng có thể dẫn đến vỡ lách gây nguy hiểm đến tính mạng. Tình trạng này phát triển do một số bệnh lý về rối loạn máu hay bệnh gan.

Nếu nghi ngờ mình bị lách to, nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị, ngoài ra cần chú ý các biện pháp nhằm bảo vệ khỏi chấn thương vùng bụng.

Có thể bạn quan tâm: Tư vấn về viêm gan mạn tính

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top