✴️ Những điều cần biết về tăng áp tĩnh mạch cửa

Nội dung

Tăng áp tĩnh mạch cửa là gì?

Tăng áp tĩnh mạch cửa xảy ra khi huyết áp trong tĩnh mạch cửa vượt quá 10 mm Hg. Tĩnh mạch cửa mang máu giàu chất dinh dưỡng từ dạ dày, lá lách, tuyến tụy và các cơ quan tiêu hóa khác đến gan. Tĩnh mạch cửa không phải là tĩnh mạch thực sự vì không chảy về tim nhưng cung cấp đến 75% lượng máu cho gan.

Gan lọc độc tố từ máu và chuyển hóa các chất dinh dưỡng trước khi theo dòng máu đến phần còn lại của cơ thể. Các vấn đề ảnh hưởng đến gan, như xơ gan và viêm gan cũng có thể ảnh hưởng đến tĩnh mạch cửa.

Thay đổi huyết áp bên trong tĩnh mạch cửa có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng và suy thận.

Triệu chứng của tăng áp tĩnh mạch cửa

Các triệu chứng tăng áp tĩnh mạch cửa thường không xuất hiện cho đến khi bệnh tiến triển hoặc phát triển các biến chứng chẳng hạn như:

  • Giãn tĩnh mạch thực quản và dạ dày;

  • Xuất huyết trong do giãn tĩnh mạch gây vỡ;

  • Cổ trướng;

  • Bệnh não gan;

  • Thiếu máu, hoặc thiếu sắt do mất máu mạn tính;

  • Giảm đông máu do lượng tiểu cầu thấp;

  • Hệ thống miễn dịch suy yếu;

  • Lách to.

Nguyên nhân

Xơ gan là tình trạng ở gan trong đó mô sẹo thay thế mô gan khỏe mạnh. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng áp tĩnh mạch cửa. Mô sẹo này có thể làm nghẽn lưu lượng máu và tăng huyết áp bên trong tĩnh mạch cửa. Xơ gan có thể gây ra do:

  • Lạm dụng rượu hoặc đồ uống có cồn;

  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu;

  • Viêm gan mạn tính;

  • Bệnh tự miễn của gan chẳng hạn như viêm xơ đường mật hóa nguyên phát và bệnh xơ gan ứ mật nguyên phát.

  • Tắc nghẽn gan do suy tim mạn tính;

  • Sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và một số loại kháng sinh trong thời gian dài;

Tăng áp tĩnh mạch cửa vô căn là tình trạng tăng áp tĩnh mạch cửa ở những người không bị xơ gan. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do:

  • Huyết khối trong tĩnh mạch cửa;

  • Nhiễm trùng mạn tính hoặc do ký sinh trùng;

  • Ống mật kém phát triển;

  • Hệ thống miễn dịch suy yếu;

  • Bệnh Crohn;

  • Các rối loạn di truyền như hội chứng Adams-Oliver và hội chứng Turner.

Các yếu tố nguy cơ

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh gan và xơ gan cũng có nguy cơ tăng áp tĩnh mạch cửa. Theo Viện Tiểu đường và Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia Hoa Kỳ, những người trên 50 tuổi có nhiều khả năng mắc bệnh xơ gan và thường phổ biến hơn ở nam giới so với nữ giới. Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ gan của một người bao gồm:

  • Tiền sử lạm dụng rượu hoặc đồ uống có cồn;

  • Tiểu đường tuýp 2;

  • Thừa cân hoặc béo phì.

Chẩn đoán

Tăng áp tĩnh mạch cửa thường rất khó chẩn đoán nếu chỉ dựa vào những triệu chứng đơn độc. Tuy nhiên, có thể nghi ngờ một người bị tăng áp tĩnh mạch cửa nếu tiền sử bệnh và tình trạng sức khỏe hiện tại cho thấy họ có nguy cơ mắc bệnh xơ gan cao.

Bác sĩ có thể sử dụng một số kỹ thuật để sàng lọc và chẩn đoán tăng áp tĩnh mạch cửa, trong đó siêu âm là phương pháp thông dụng nhất. Với siêu âm, bác sĩ có thể theo dõi lưu lượng máu qua tĩnh mạch cửa đồng thời có thể đánh giá tình trạng của dạ dày và lách.

Siêu âm đàn hồi giúp đo độ đàn hồi của mô gan. Các khu vực có độ đàn hồi thấp cho thấy sự hiện diện của mô sẹo gan.

Ngoài ra có thể đánh giá hệ thống tĩnh mạch cửa bằng các kỹ thuật hình ảnh khác, như chụp cắt lớp vi tính (CT)cộng hưởng từ (MRI).

Nếu các kỹ thuật này không thể cho đánh giá kết luận, bác sĩ có thể sẽ thực hiện sinh thiết gan để kiểm tra sự hiện diện của sẹo gan, viêm và các dấu hiệu bệnh khác nếu có.

           các triệu chứng của tăng áp tĩnh mạch cửa

Điều trị tăng áp tĩnh mạch cửa

Bác sĩ có thể kê toa một hoặc nhiều loại thuốc sau đây cho bệnh tăng áp tĩnh mạch cửa:

  • Thuốc chẹn beta như propranolol (Hemangeol), giúp hạ huyết áp;

  • Thuốc giãn mạch, như isosorbide (Imdur, Monoket), giúp giãn các tĩnh mạch và giảm nguy cơ chảy máu;

  • Lactulose sử dụng để điều trị các triệu chứng của bệnh não gan;

  • Kháng sinh để điều trị nhiễm trùng và giúp giảm mức độ độc tố trong não;

  • Thuốc lợi tiểu như furosemide (Lasix) và spironolactone (Aldactone), loại bỏ dịch dư thừa khỏi cơ thể và có thể giúp giảm tình trạng phù nề và cổ trướng.

Bác sĩ có thể khuyến nghị người bệnh nên thay đổi lối sống chẳng hạn như:

  • Hạn chế hoặc tránh uống rượu;

  • Bỏ hút thuốc;

  • Giảm lượng natri dung nạp vào cơ thể;

  • Tập thể dục thường xuyên.

Ngoài ra, một số trường hợp cần thực hiện một trong các thủ - phẫu thuật sau đây để khắc phục tình trạng tăng áp tĩnh mạch cửa:

  • Shunt cửa chủ trong gan (TIPS ) : Thủ thuật đặt stent lưới vào tĩnh mạch cửa để định tuyến lại dòng máu vào tĩnh mạch gan.

  • Thắt thun giãn tĩnh mạch: Thủ thuật có thể ngăn ngừa xuất huyết do giãn tĩnh mạch.

  • Parallelesis (Phương pháp rút dịch qua màng bụng): Một điều trị hiệu quả cho cổ trướng mức độ nghiêm trọng.

  • Ghép gan: Phương pháp phẫu thuật thay thế gan bị bệnh hoặc bị tổn thương bằng gan của một người khỏe mạnh thường được áp dụng cho những người bị suy gan giai đoạn cuối hoặc ung thư gan.

Biến chứng

Huyết áp tăng trong tĩnh mạch cửa có thể dẫn đến giãn tĩnh mạch thực quản hoặc dạ dày. Giãn tĩnh mạch có thể vỡ, gây xuất huyết trong khiến phân có máu hoặc gây thiếu máu. Các biến chứng khác của tăng áp tĩnh mạch cửa bao gồm:

  • Vàng da, vàng mắt;

  • Cổ trướng;

  • Sưng phù ở chân và bàn chân;

  • Bệnh não gan, có thể dẫn đến mất trí nhớ, thay đổi tính cách và lú lẫn;

  • Nhiễm trùng mạn tính.

Phòng ngừa

Các biện pháp sau đây có thể giúp ngăn ngừa tăng áp tĩnh mạch cửa:

  • Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn;

  • Bỏ hút thuốc & tránh việc hút thuốc lá thụ động;

  • Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh;

  • Tập thể dục thường xuyên;

  • Duy trì trọng lượng cơ thể vừa phải;

  • Tránh lạm dụng một số loại thuốc có thể gây hại cho gan;

  • Kiểm tra sàng lọc bệnh gan;

  • Tiêm vắc xin để phòng ngừa viêm gan.

Tổng kết

Có một số phương pháp điều trị cho tăng áp tĩnh mạch cửa bao gồm thuốc, thay đổi lối sống và can thiệp phẫu thuật. Việc điều trị các nguyên nhân cơ bản của tăng áp tĩnh mạch cửa có thể giúp ngăn ngừa tổn thương gan thêm. Những trường hợp bị tổn thương gan nặng hoặc ung thư gan có thể cần ghép gan.

Tóm lược

Tăng áp tĩnh mạch cửa thường là hậu quả do xơ gan gây ra. Tuy nhiên, huyết khối, bệnh tự miễn và nhiễm trùng mạn cũng có thể góp phần gây tăng áp tĩnh mạch cửa.

Nếu không điều trị, tăng áp tĩnh mạch cửa có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như xuất huyết mạn tính, cổ trướng và suy gan.

Việc điều trị tăng áp tĩnh mạch cửa thường có sự kết hợp của thuốc hạ huyết áp, thay đổi lối sống và phẫu thuật.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top