Một số thông tin về bệnh viêm mạn tính

Hầu hết các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đều có liên quan đến viêm mạn tính. Sự gia tăng với tốc độ đáng báo động của tình trạng viêm khớp, dị ứng và hen suyễn báo hiệu sự thúc đẩy gia tăng các tình trạng bệnh nghiêm trọng.

Mặc dù các cơ quan y tế vẫn đang cố gắng nghiên cứu rõ hơn về các tình trạng viêm mạn tính, nhưng hiện tại, chúng ta đã có được những cái nhìn sơ qua về viêm mạn tính và chỉ cho chúng ta những hướng đi cơ bản để chống lại nó.

Viêm mạn tính là gì?

Rất có thể bạn đã quen với tình trạng viêm cấp tính. Bao gồm sưng, nóng, đỏ và đau như khi nhiễm trùng ở lợi (nướu) gây viêm lợi/nướu hoặc bị chấn thương các vùng trên cơ thể.

Những dấu hiệu của viêm kể trên xảy ra do các tế bào bạch cầu được cơ thể huy động để bao quanh và bảo vệ vết thương/vùng bị nhiễm trùng, tấn công các yếu tố gây nguy hiểm cho cơ thể.

Viêm cấp tính cũng xảy ra khi các cơ quan bên trong cơ thể bị nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm phổi. Trong trường hợp đó, những tế bào bạch cầu cũng tấn công các vi khuẩn trong các mô và mạch máu của bạn.

Trong cả hai trường hơp kể trên, việc nóng và sưng của viêm cấp tính là một phần hệ quả của cuộc chiến giữa cơ thể bạn với những kẻ xâm lược gây nhiễm trùng – và cũng là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang muốn tự chữa lành nhanh chóng.

Tuy nhiên, viêm mạn tính lại không giống như viêm cấp tính. Tình trạng này xảy ra khi các tế bào bạch cầu được cơ thể tạo ra không tấn công và tiêu diệt được tác nhân đang gây hại/nhiễm trùng cho cơ thể.

Thay vào đó, chúng tấn công các mô và cơ quan khỏe mạnh. Lúc này, hàng rào bảo vệ của cơ thể - bạch cầu, tấn công chính chúng ta như việc một cầu thủ đá phản lưới nhà. Đặc biệt, khi tình trạng viêm mạn tính tăng cao, bạn sẽ bắt đầu thấy các vấn đề ở bất cứ nơi nào trên cơ thể.

  • Nếu động mạch là nơi bị tấn công, bạn sẽ mắc các bệnh về tim mạch.
  • Nếu là khớp, viêm khớp là hệ quả bạn có thể thấy ngay lập tức.
  • Nếu bạch cầu tấn công các tế bào não, bạn có nguy cơ bị Alzheimer.
  • Và rất nhiều tình trạng khác.

Bạn có thể ngăn chặn tình trạng viêm mạn tính, và khi bạn làm được điều này, bạn sẽ có cơ hội tránh được những nguyên nhân phổ biến có thể gây tử vong sớm.

 

Viêm mạn tính ảnh hưởng đến cơ thể của bạn như thế nào?

Trước tiên, chúng ta cần xem xét tác động của viêm đối với bệnh tim mạch – một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong.

Các tế bào bạch cầu được liên tục sản xuất bên trong tủy xương và được lưu trữ trong máu và các mô bạch huyết.

Có năm loại tế bào bạch cầu: Bạch cầu ái kiềm, bạch cầu ái toan, bạch cầu trung tính, bạch cầu mônô và bạch cầu limphô.

Khi cholesterol LDL xấu bắt đầu tích tụ trong mạch máu của bạn, hê thống miễn dịch của bạn sẽ phản ứng bằng cách triển khai quá trình đại thực bào, được hình thành từ các tế bào bạch cầu đơn nhân.

Tuy nhiên, nếu bạn bị viêm mạn tính, cơ thể bạn sẽ phản ứng sai và đưa đi nhiều bạch cầu hơn mức cần thiết.

Những tế bào bạch cầu này sẽ cố gắng ăn những hạt cholesterol, nuốt và tiêu hóa chúng trong chính dạ dày của chứa acid của mình.

Các quá trình đại thực bào này biến các cholesterol LDL thành các "tế bào bọt" tích đầy mỡ, khi quá tải, các tế bào này vỡ ra và đổ cholesterol ra ngoài làm cho lớp dưới nội mạc dày lên tạo nên các vạch lipid hay các mảng xơ vữa. Qua thời gian, chúng bồi đắp dần dần và thu hẹp lòng mạch máu.

Quá trình này diễn ra lặng lẽ qua nhiều năm. Một trong những điều nguy hiểm nhất về tình trạng viêm mạn tính là bạn không thể cảm thấy nó xảy ra.

Từ từ và âm thầm, các tế bào bạch cầu bị chết trong khi thực hiện nhiệm vụ sẽ bắt đầu bám lại thành mạch cùng với các mảng xơ vữa đã nêu ở trên.

Mạch máu của bạn, dần dần, sẽ từ mềm mại và dẻo dai trở nên bị bít kín và được gọi là tình trạng xơ vữa động mạch.

Và từ các vết nứt trên thành mạch ở khu vực có mảng bám, sẽ có thể hình thành các cục máu đông, ngăn chặn máu đến tim hoặc não, gây đau tim hoặc đột quỵ.

Hoặc những mảnh vụn từ các mảng bám này có thể di chuyển trong dòng máu và gây tắc nghẽn ở những vùng động mạch nhỏ hơn.

Vì vậy, thường chúng ta sẽ thấy ở mục nguyên nhân tử vong của bệnh nhân, cùng với đau tim, sẽ có xuất hiện của nguyên nhân: “tử vong do biến chứng của viêm mạn tính”.

Bạn cần lưu ý, viêm không chỉ làm tổn thương trái tim của bạn, mà nó còn có thể ảnh hưởng đến:

Não: Tình trạng viêm ở não góp phần gây nên trầm cảm và suy giảm nhận thức.

Khớp: Viêm mạn tính có thể dẫn đến viêm khớp dạng thấp bằng cách gây sưng khớp, làm tổn thương sụn và xương.

Bụng: Chất béo nội tạng tiết ra các chất gây nên tình trạng viêm.

 

Tại sao viêm mạn tính đang trở nên phổ biến hơn?

Đây cũng là câu hỏi mà các nhà khoa học đang cố gắng tìm câu trả lời chính xác. Cho tới nay, các công trình nghiên cứu y khoa đã chỉ ra rằng lối sống hiện đại và chế độ ăn ngày nay đang có ảnh hưởng rất nhiều đến hệ thống miễn dịch của chúng ta.

Sự ra đời của thuốc kháng sinh và vaccine đã giúp chúng ta vượt qua những căn bệnh nhiễm trùng từng gây chết người trong thời gian trước đây. Nhưng sống lâu hơn có nghĩa là cơ hội để cho tuổi tác, di truyền và các thói quen không tốt ảnh hưởng đến các cơ quan và động mạch của chúng ta.

Khi đó, cơ thể bạn coi những yếu tố về tuổi tác, di truyền và các thói quen trong cuộc sống của chúng ta là những yếu tố nguy hại cho cơ thể và huy động các tế bào bạch cầu tiêu diệt “yếu tố nguy hại” – chính là những tế bào khỏe mạnh của chúng ta.

Ví dụ, một người ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn và chiên rán có thể trở nên béo phì và các tế bào mỡ nội tạng sẽ “bao vây” quanh bụng và các cơ quan, đặc biệt là ở nam giới, từ đó khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể nhận được tín hiệu và bắt đầu hoạt động.

Mỡ tích tụ trong ổ bụng là một mối nguy điểm đối với bạn. Nó là nguyên nhân xuất hiện của nhưng chất nghe có vẻ xấu như interleukin-6 và yếu tố hoại tử khối u, kích thích các phản ứng hóa học của tình trạng viêm.

Điều này có nghĩa là bạn gần như có thể đánh giá nguy cơ viêm mạn tính bằng cách nhìn vào hai yếu tố rõ ràng nhất: kích thước của bụng và thức ăn trong chế độ ăn uống của mình.

Nếu bạn không thể nhìn thấy đôi chân của bạn khi đứng và bạn thường ăn thức ăn nhanh, dầu mỡ cũng như đồ uống có đường, bạn sẽ có nguy cơ viêm mạn tính cao hơn những người khác.

 

Có thể giảm viêm để bảo vệ cơ thể bạn?

Mặc dù chưa có quá nhiều bằng chứng khẳng định, nhưng các bác sĩ và các nhà nghiên cứu tin rằng, viêm mạn tính có thể được phòng ngừa và cơ thể bạn có thể hồi phục.

Bạn có thể đánh giá tình trạng sức khỏe của bản than thông qua xét nghiệm máu để đo lường lượng hóa chất tồn dư trong gan, protein phản ứng C (CRP) tăng lên khi cơ thể có tình trạng viêm. Những kết quả xét nghiệm này có thể giúp đánh giá nguy cơ đau tim của bạn, đặc biệt là nếu bạn dưới 60 tuổi và có tiền sử gia đình mắc bệnh tim.

Nồng độ CRP trong khoảng từ 1 đến 3 miligram trên mỗi lít máu cho thấy bạn có dấu hiệu viêm mạn tính mức độ thấp, tương đương với nguy cơ mắc bệnh tim ở mức trung binh. Mức nồng độ CRP trên 3 miligram cho thấy có nguy cơ cao.

Nếu mức CRP của bạn cao hơn binh thường, bác sĩ có thể khuyên bạn nên bắt đầu dùng statin. 

 

Các cách chống viêm

Mặc dù một số bác sĩ khuyên bạn nên chống viêm với các loại thuốc không kê toa như aspirin và ibuprofen, những loại thuốc này vẫn chưa có nhiều bằng chứng chứng minh chúng có hiệu quả để ngăn ngừa các cơn đau tim lần đầu xuất hiện.

Cùng với đó, nếu bạn thừa cân, bạn có thể giảm nguy cơ viêm của mình bằng cách giảm cân nặng. Nghiên cứu cho thấy rằng ngay cả một sự sụt giảm nhỏ trọng lượng cơ thể cũng có liên quan đến giảm viêm. Những người béo phì mất 3 phần trăm trọng lượng của họ cho thấy mức giảm 10% MCP-1, một protein liên quan đến viêm.

Cùng với việc loại bỏ mỡ xấu ra khỏi bụng của bạn, hãy bổ sung những loại chất béo tốt vào chế độ ăn uống của bạn. Cá và dầu ô liu cung cấp chất béo omega-3 và omega-9, ức chế các tín hiệu viêm của cơ thể.

Chế độ ăn Địa Trung Hải cung cấp cả hai loại thực phẩm này, cộng với carbohydrate phức hợp từ rau và ngũ cốc nguyên hạt.

Cắt giảm các loại đường đơn và chất làm ngọt như siro ngô cao fructose là một bước quan trọng khác trong cuộc chiến chống viêm. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nam giới uống 600ml thức uống có đường mỗi ngày trong ba tuần có mức protein phản ứng C (CRP) tăng tới 109% so với trước đó.

Nếu bạn vẫn thích đồ ngọt, hãy thay thế đồ ăn ngọt, đồ uống có đường bằng trái cây. Trái cây cung cấp cho cơ thể đường, nhưng bên cạnh đó cũng cung cấp chất chống oxy hóa được gọi là poplyphenol có thể làm giảm viêm và có thể làm cho mạch máu của bạn linh hoạt hơn.

Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hóa học Nông nghiệp và Thực phẩm, trái cây (đặc biệt giàu polyphenol, như anh đào và mận) đã được chứng minh là làm giảm dấu ấn sinh học của viêm.

Cà phê cũng là một nguồn polyphenol tốt. Mặc dù chưa chắc chắn, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức tiêu thụ cà phê vừa phải có thể giúp tăng cường độ nhạy insulin.

Và, đừng quên đánh răng. Dường như có mối liên quan giữa những bệnh về răng miệng với các vấn đề về tim, viêm khớp và rối loạn chức năng cương dương.

Một trong những dấu hiệu cho thấy viêm là khi bạn dùng chỉ nha khoa mà vẫn bị chảy máu. Khi đó, bạn cần đi khám nha sĩ và thực hành vệ sinh răng miệng tốt để tiêu diệt những vi khuẩn gây viêm nướu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top