✴️ Những câu hỏi thường gặp về vacxin Covid

1. Phụ nữ mang thai có thể tiêm vacxin covid không?

Các Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh (CDC), Trường Cao đẳng Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), và Hiệp hội Y học bà mẹ-thai nhi Mỹ (SMFM) đồng ý rằng vắc-xin COVID-19 nên được cung cấp cho phụ nữ mang thai – những người có đủ điều kiện cho việc tiến hành tiêm chủng.

COVID-19 có khả năng gây nguy hiểm cho tất cả mọi người. Mặc dù nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong thực tế ở những người mang thai là rất thấp, nhưng nó lại cao hơn khi so sánh với những người không mang thai ở cùng nhóm tuổi. Những người đang mang thai có nguy cơ cao hơn phải nhập viện trong phòng chăm sóc đặc biệt và yêu cầu mức độ chăm sóc cao, bao gồm hỗ trợ thở trên máy và có nguy cơ tử vong cao hơn nếu điều này xảy ra.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đang theo dõi hơn 30.000 người nhận vắc xin đã mang thai tại thời điểm tiêm chủng. Gần 1.800 người đã cung cấp mô tả chi tiết về các triệu chứng sau khi tiêm chủng và kết quả mang thai. Cho đến nay, những người mang thai dường như có cùng tác dụng phụ với vắc-xin như những người không mang thai. Không có trường hợp sẩy thai, thai chết lưu hoặc sinh non nào liên quan đến vắc-xin đã được báo cáo.

Tuy nhiên hiện chưa có nghiên cứu chuyên biệt dành riêng cho đối tượng phụ nữ mang thai vì thế quyết định tiêm hay không tiêm hoàn toàn phụ thuộc vào chính bạn.

2. Vacxin covid có thể bảo vệ tôi suốt đời hay không?

Đây là câu hỏi thường gặp nhất trong nhóm các câu hỏi về vắc xin chủng ngừa Covid-19. 

Cho đến nay các chuyên gia bao gồm cả các nhà sản xuất vắc xin cũng đều không thể đưa ra câu trả lời chắc chắn và chính xác cho câu hỏi này. Số ít các loại vắc xin mới được đưa vào sử dụng chưa lâu và phần lớn áp dụng cho tình trạng khẩn cấp tại các quốc gia, các loại vắc xin khác vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Chúng ta có quá ít thời gian để có thể nghiên cứu về đáp án cho câu hỏi này trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp. 

Nhưng dựa trên các thử nghiệm lâm sàng, các chuyên gia biết rằng khả năng bảo vệ của  vắc-xin có thể sẽ kéo dài tối thiểu khoảng ba tháng. Điều đó không có nghĩa là khả năng miễn dịch bảo vệ sẽ hết hạn sau 90 ngày. Nó chỉ đơn giản là khung thời gian mà những người tham gia đã được nghiên cứu trong các thử nghiệm ban đầu của các nhà cung cấp vắc xin mà thôi. 

Bên cạnh đó phản ứng miễn dịch khác nhau ở mỗi người cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến mức độ bảo vệ của vắc xin. Tuy nhiên đến nay cũng chưa có bằng chứng nào chứng tỏ hệ miễn dịch mạnh có thể kéo dài thời gian bảo vệ của vắc xin.

Biến thể của virus cũng là một yếu tố chúng ta cần xem xét đến. 

3. Tiêm vacxin rồi có cần đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh khác nữa không?

Như đã chia sẻ ở trên, không có gì chắc chắn cho sự bảo vệ vĩnh viễn của các loại vắc xin chủng ngừa Covid-19 vì vậy việc thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch bệnh khác vẫn nên được triển khai và duy trì ngay cả khi bạn đã được tiêm chủng đầy đủ. 

Những câu hỏi thường gặp về vacxin covid

4. Đã từng mắc covid-19 thì có cần tiêm vacxin nữa không?

Mặc dù tiếp xúc tự nhiên với virus sẽ kích thích khả năng miễn dịch, nhưng chúng ta vẫn chưa biết khả năng miễn dịch này sẽ kéo dài bao lâu. Và mỗi người sẽ khác nhau về khả năng tạo phản ứng miễn dịch bảo vệ.

Ngay cả khi bạn đã bị COVID-19, bạn vẫn nên tiêm phòng. Vắc xin COVID có thể cung cấp khả năng miễn dịch bền vững và đáng tin cậy hơn so với lần mắc bệnh trước đó. Ít nhất, nó sẽ bổ sung thêm một lớp bảo vệ cho bạn. Đây là cách phản ứng miễn dịch của chúng ta hoạt động sau khi bị nhiễm virus tự nhiên so với vắc-xin.

Miễn dịch tự nhiên khỏi nhiễm trùng có thể bảo vệ chống lại các biến thể khác ở một mức độ nào đó, nhưng vắc xin sẽ đóng một vai trò quan trọng khi vi rút tiếp tục đột biến.

Một thành phần khác có trong vắc xin là chất hỗ trợ tăng cường khả năng miễn dịch cũng giúp hỗ trợ vô hiệu hóa các biến thể của virus.

5. Đang bị bệnh covid-19 thì có tiêm vacxin được không?

Tiến sĩ Amesh Adalja, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cho biết: “Nó không an toàn. Bạn không nên đi tiêm chủng khi đang mắc bệnh vì bạn có thể lây nhiễm cho những người tại nơi tiêm chủng.”

Hướng dẫn của CDC nêu rõ rằng những người bị COVID-19 có các triệu chứng “nên đợi để được chủng ngừa cho đến khi họ khỏi bệnh và đáp ứng các tiêu chuẩn để ngừng cách ly”.

Các chuyên gia cho biết, nếu bạn bị bệnh trong khoảng thời gian giữa các mũi tiêm, hãy giãn cách liều thứ hai của bạn ra ngoài khoảng thời gian từ ba đến bốn tuần thông thường. 

Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư y tế dự phòng và truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt cho biết: “Nếu bạn có tiêm loại vắc-xin có nhiều hơn một liều, bạn không nên rút ngắn khoảng thời gian giữa các lần tiêm. Tuy nhiên, nếu bạn kéo dài thời gian giữa các mũi tiêm, bạn có khả năng nhận được nhiều lợi ích hơn.”

Nếu bạn bị nhiễm bệnh ngay trước khi tiêm mũi đầu tiên, các nghiên cứu cho thấy có lợi hơn khi đợi vài tuần sau khi bạn hồi phục để tiêm phòng.

Các nhà khoa học tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai gần đây cũng phát hiện ra rằng những người trước đây đã mắc COVID-19 tạo ra phản ứng kháng thể tương tự hoặc mạnh hơn chỉ sau một liều vắc-xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna, so với những người chưa bao giờ tiêm COVID-19 hoặc được hai liều vắc-xin.

6. Vacxin covid có chữa được bệnh COVID -19 không?

Vắc xin không phải thuốc chữa bệnh vì vậy vắc xin chủng ngừa Covid-19 sẽ không có tác dụng chữa bệnh. Nó chỉ có tác dụng phòng bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top