✴️ Phát ban – Nguyên nhân và các phương pháp điều trị

Khái niệm phát ban

Phát ban được định nghĩa là tình trạng xuất hiện những đốm có màu sắc bất thường ở da do nhiều nguyên nhân khác nhau. Phát ban có thể khác nhau về kích thước, tính chất, vị trí. Bởi do nhiều nguyên nhân gây nên phát ban nên cũng có nhiều phương pháp điều trị khác nhau.

Phát ban có thể chỉ xuất hiện ở một vài chỗ trên cơ thể, hoặc toàn bộ cơ thể. Phát ban có nhiều dạng có tính chất khác nhau như khô, ẩm, sần sùi, trơn láng, nứt hoặc phồng rộp. Chúng có thể đau, ngứa và thậm chí thay đổi màu sắc.

Phát ban là tình trạng thường gặp, một số trường hợp có thể không cần điều trị và sẽ tự khỏi, các trường hợp khác có thể là một dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hơn.

 

Nguyên nhân phát ban

Có một số nguyên nhân gây phát ban như dị ứng, bệnh, thuốc hay gây ra bởi nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm, virus hoặc ký sinh trùng.

Viêm da tiếp xúc

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của phát ban là viêm da tiếp xúc - xảy ra khi da có phản ứng với các chất tiếp xúc với da.

Viêm da tiếp xúc là một phát ban khu trú hoặc kích ứng da do tiếp xúc với một chất lạ. Chỉ có khu vực bề mặt của da bị ảnh hưởng trong viêm da tiếp xúc. Tổn thương viêm ở các lớp biểu bì và lớp hạ bì kết quả viêm da là sẩn, xung huyết, dát, và phát ban ngứa.

Thời gian chữa có thể mất từ vài ngày đến vài tuần. Viêm da tiếp xúc mất dần khi da không còn tiếp xúc với các chất gây dị ứng hoặc kích ứng. Viêm da tiếp xúc mãn tính vẫn có thể phát triển khi việc loại bỏ các tác nhân kích thích không còn tồn tại trên da. Nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Thuốc nhuộm trong quần áo;
  • Mỹ phẩm;
  • Các loại cây có chất độc;
  • Hóa chất chẳng hạn như latex hoặc cao su.

​     viêm da tiếp xúc

Thuốc

Một số loại thuốc có thể gây phát ban là tác dụng phụ hoặc phản ứng dị ứng. Ngoài ra, một số loại thuốc như kháng sinh, gây ra nhạy cảm ánh sáng làm cho người bệnh dễ bị ánh sáng mặt trời hơn.

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng do vi khuẩn, vi rút hoặc nấm cũng có thể gây phát ban. Tình trạng này thay đổi tùy thuộc vào loại nhiễm trùng. Tốt nhất nên đi khám bác sĩ nếu nghi ngờ nhiễm trùng.

Các bệnh lý tự miễn

Tình trạng tự miễn dịch xảy ra khi hệ thống miễn dịch bắt đầu tấn công lại chính các mô trong cơ thể. Một số bệnh tự miễn có thể gây ra phát ban. Ví dụ như lupus là một tình trạng ảnh hưởng đến một số hệ cơ quan cơ thể bao gồm cả da.

Biện pháp khắc phục phát ban tại nhà

      Một số biện pháp cơ bản có thể tăng tốc độ phục hồi và giảm bớt khó chịu như:

  • Sử dụng xà phòng nhẹ không có mùi thơm;
  • Tránh rửa bằng nước nóng, để vùng nổi ban thông thoáng;
  • Không chà lên bề mặt mẩn ngứa. Tránh gãi để giảm nguy cơ lây lan hoặc nhiễm trùng;
  • Nếu phát ban khô nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm không mùi;
  • Không sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm hoặc kem dưỡng da nào có thể gây phát ban;
  • Kem chứa Cortisone giúp làm giảm ngứa. Calamine có thể làm giảm một số trường hợp phát ban;
  • Nếu phát ban gây đau nhẹ có thể sử dụng acetaminophen hoặc ibuprofen làm giảm triệu chứng, tuy nhiên đây không phải là giải pháp lâu do không điều trị nguyên nhân phát ban;

Cần tham khảo ý kiến với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào.

Khi nào cần gặp bác sĩ

Nên đi khám bác sĩ nếu phát ban xảy ra với các triệu chứng sau đây:

  • Đau họng;
  • Đau khớp;
  • Bị động vật hoặc côn trùng cắn;
  • Xuất hiện những vệt đỏ gần vùng phát ban;
  • Vùng da mất đàn hồi gần vùng phát ban;
  • Mưng mủ.

Mặc dù phần lớn các phát ban không phải là nguyên nhân chính gây lo ngại, tuy nhiên nếu có các triệu chứng sau đây nên đến bệnh viện ngay lập tức:

  • Thay đổi màu sắc nhanh chóng trên da;
  • Khó thở hoặc cảm giác như mắc nghẹn ở cổ họng;
  • Tăng mức độ các cơn đau;
  • Sốt cao;
  • Chóng mặt, lo âu;
  • Sưng phù mặt hoặc tứ chi;
  • Đau cổ hoặc đầu;
  • Nôn mửa hoặc tiêu chảy

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top