Hạ đường huyết là một cụm từ dùng để chỉ sự giảm lượng đường trong máu dưới mức bình thường (đường ở đây muốn ám chỉ là loại đường glucoza và mức bình thường được quy định từ 3,9-6,4 mmol/lít).
Trong máu, đường glucoza được đưa đi đến khắp cơ thể để nuôi dưỡng các tổ chức bảo đảm cho sự sống bình thường của con người.
Glucoza là nguồn năng lượng chính của cơ thể đồng thời cũng là nguồn nhiên liệu cực kỳ quan trọng và cần thiết cho hệ thần kinh và tổ chức não bộ, khi đường huyết bị thấp hơn bình thường (hạ đường huyết) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các chức năng và hoạt động của cơ thể con người.
Có nhiều nguyên nhân gây nên hạ đường huyết, có cả các nguyên nhân phối hợp, có nguyên nhân riêng rẽ, trong đó nguyên nhân hạ đường huyết của bệnh tiểu đường chiếm tỷ lệ đáng kể.
Việc điều hòa lượng đường trong máu một cách hài hòa là do hai loại hormon insulin và glucagon do tuyến tụy sản xuất ra: insulin sẽ làm giảm lượng glucoza còn glucagon sẽ làm tăng glucoza.
Sự điều hòa của hai loại hormon này rất nhịp nhàng, ví dụ sau bữa ăn tụy tiết ra chất insulin để giúp tế bào thu nhập glucoza mà chúng cần.
Khi có lượng glucoza thừa trong máu thì được sử dụng như nhiên liệu của các cơ hoặc được tích lũy lại trong gan.
Ngược lại khi cơ thể có lượng glucoza thấp thì ngay tức khắc glucagon sẽ được bài tiết từ tuyến tụy và sẽ giúp cho gan phóng thích ra glucoza dự trữ.
Trong bệnh tiểu đường do cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không đáp ứng tốt với insulin nên làm tăng lượng glucoza trong máu.
Ngoài ra, nguyên nhân hạ đường huyết còn do: Ăn không đúng bữa (ăn trễ giờ so với bữa ăn bình thường) hoặc bỏ bữa vì một lý do nào đó; Ăn không đủ lượng cacbonhydrat (nói nôm na là các loại tinh bột).
Những người có hoạt động quá mức bình thường như tập thể dục, thể thao (chạy điền kinh, bơi lội, leo núi, đua xe đạp đường trường…), lao động nặng; Uống nhiều rượu, bia, đặc biệt lúc đang đói…
Khi bị hạ đường huyết, người bệnh có cảm giác đói, mệt mỏi đột ngột, run tay, chân, chóng mặt, vã mồ hôi, mặt tái nhợt.
Hạ đường huyết sẽ xảy ra nếu có các yếu tố nguy cơ sau đây:
Người bệnh không hiểu biết hoặc không được hướng dẫn đầy đủ: Người bệnh điều trị đái tháo đường không tuân thủ theo hướng dẫn, thay đổi liên tục chế độ ăn. Các nguyên nhân thường gặp của hạ đường huyết là insulin, hoạt động thể lực và chế độ theo dõi đường máu
Cố gắng duy trì mức đường huyết bình thường: Khi cố gắng một cách không phù hợp và không thực tế để duy trì kiểm soát đường huyết chặt hay mức HbA1c bình thường sẽ gây hạ đường huyết. Có thể gặp ở người cố gắng chế độ tiết thực quá mức khi vẫn sử dụng insulin.
Mắc đái tháo đường trong thời gian dài: Biến chứng của đái tháo đường lâu ngày sẽ dẫn đến các dấu hiệu cảnh báo hạ đường huyết trên bệnh nhân, ngoài ra các cơn hạ đường huyết sẽ xảy ra dẫn đến mất nhận cảm các dấu hiệu hạ đường huyết.
Hạ đường huyết không có triệu chứng cảnh báo: Bệnh nhân đái tháo đường type 1 sẽ đôi khi gặp phải tình trạng hôn mê, co giật mà không có các dấu hiệu cảnh báo trước. Bệnh cảnh thường gặp là các triệu chứng và dấu hiệu của hạ đường huyết đơn giản là thay đổi theo thời gian trở nên khó nhận biết.
Hạ đường huyết ban đêm – bệnh cảnh lúc rạng đông.
Tiền sử hạ đường huyết nặng: người bệnh gặp phải tình trạng tái diễn các cơn hạ đường huyết nặng sẽ gây ra hậu quả: Làm giảm đáp ứng hormone với hạ đường huyết, tăng các cơn hạ đường huyết không phát hiện được.
Suy thận và suy gan.
Khi bị hạ đường huyết, người bệnh thường có những triệu chứng như huyết áp hạ, tim đập nhanh, mồ hôi vã ra, có cảm giác mệt mỏi rã rời, đói lả, mặt mày choáng váng, ….
Nếu không được khắc phục sẽ trở nên nghiêm trọng hơn kèm theo nhiều triệu chứng phức tạp như đi lại khó khăn, đuối sức, nhìn không rõ, nguy hiểm nhất là gây hôn mê và co giật.
Cần nhanh chóng tìm phương pháp khắc phục tránh để bệnh tiến triển nặng có thể dẫn đến biến chứng hôn mê, để lại nhiều di chứng.
Người bệnh cần nhanh chóng ngừng ngay việc sử dụng các thuốc loại uống hạ đường huyết hoặc insulin khi thấy có các dấu hiệu hạ đường huyết.
Nếu người bệnh bị hạ đường huyết ở mức độ nhẹ, vẫn đủ tỉnh táo thì cần uống ngay nước đường… hoặc các món ăn thức uống chứa đường, sau đó dùng thêm các loại cháo, sữa, hoa quả, bánh ngọt.
Trường hợp nặng khi bệnh nhân đã rơi vào tình trạng hôn mê, mất ý thức, không có khả năng nuốt, nếu cho uống sẽ gây sặc vào đường hô hấp. Cần đưa ngay bệnh nhân tới bệnh viện để được tiêm tĩnh mạch dung dịch ngọt ưu trương 20 – 30% (40 – 60ml). Tiếp sau đó kết hợp thay bằng truyền nhỏ giọt dung dịch Glucose có nồng độ 5-10% để tránh nguy cơ tái phát hạ đường huyết. Glucose sẽ tiếp tục chuyền cho đến khi người bệnh hồi phục hoàn toàn và có khả năng tự ăn, tự uống đươc.
Người bệnh nên chủ động phòng ngừa hạ đường huyết, kiểm soát lượng đường trong cơ thể hàng ngày để bảo vệ sức khỏe bằng một số biện pháp đơn giản như:
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, trước khi tập thể dục cần ăn đủ lượng carbohydrate trước khi tập thể dục và ăn nhẹ trong lúc tập thể dục nếu cần thiết.
Cần ăn thêm các bữa phụ ngay khi lượng đường có dấu hiệu xuống thấp hoặc khi các dấu hiệu của bệnh mới xuất hiện.
Kiểm tra đường huyết thường xuyên và tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của các bác sĩ, không được tự ý uống thuốc khi không có đơn hoặc ngưng thuốc khi các dấu hiệu bệnh thuyên giảm
Luôn mang theo bên người đường hoặc các sản phẩm có đường như kẹo, bánh, socola trong túi trong cặp để phòng khi xãy ra hạ đường máu mà có dùng ngay
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh