Chế độ ăn cân bằng thực phẩm trong Tây Y

Nội dung

Bữa ăn gia đình có vai trò vô cùng quan trọng và cần được đảm bảo, cân đối cả về số lượng và chất lượng. Theo quan điểm hiện đại, một bữa ăn cân đối cần có đủ các nhóm thực phẩm ở tỷ lệ cân đối là: nhóm ngũ cốc – chất bột đường (carbohydrate), nhóm thực phẩm giàu đạm (protein), nhóm thực phẩm giàu chất béo (lipid) và nhóm thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất.

Nguyên tắc, quan điểm về ẩm thực của Tây Y – Y học hiện đại

Tây Y – hay Y học hiện đại (YHHĐ), hay đúng hơn cả là dinh dưỡng học hiện đại (DDHHĐ) luôn đưa ra lời khuyên nên thực hành một chế độ ăn cân đối và đầy đủ các chất dinh dưỡng. Hơn nữa, chế độ ăn uống hợp lý còn cần phải tuỳ thuộc theo tuổi, giới và thể chất của từng đối tượng. Các nhóm thực phẩm cần có tỉ lệ cân đối bao gồm: nhóm ngũ cốc (năng lượng từ ngũ cốc chỉ nên chiếm 55-67% tổng năng lượng khẩu phần, nên ăn thay đổi các loại ngũ cốc khác nhau để làm đa dạng bữa ăn); nhóm thực phẩm giàu đạm (cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật từ các loài gia súc, gia cầm, hải sản và đạm thực vật từ các loại đậu, đỗ…); nhóm chất béo (mỡ động vật và dầu thực vật hỗ trợ hấp thu các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K…); nhóm rau, quả (cung cấp vitamin và khoáng chất) giúp cơ thể phát triển và khỏe mạnh, chống lại bệnh tật ở mọi lứa tuổi.

DDHHĐ khuyên nên ăn theo chế độ bệnh lý, có nghĩa là tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của cơ thể mà ăn sao cho đúng. Giả sử như cơ thể đang mắc tiểu đường thì chế độ ăn cần hạn chế đường tiêu thụ; ăn nhiều các thực phẩm như rau xanh, đậu đỗ… Hay những người mắc huyết áp cao thì cần hạn chế ăn mặn, giảm lượng muối tiêu thụ hàng ngày. Nhìn chung, tùy từng tình trạng bệnh lý mà điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp với cơ thể, nhưng vẫn phải đảm bảo một nguyên tắc chung là cung cấp đa dạng và cân đối các nhóm thực phẩm.

Ngoài ra việc sử dụng thực phẩm không hợp vệ sinh cũng kéo theo nguy cơ bệnh tiêu hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe.

 

Mất cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn

Về cơ bản, không có món ăn riêng lẻ nào có thể cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng mà cần phối hợp, sử dụng đa dạng các loại thực phẩm. Khi chúng ta sử dụng quá nhiều, thiên về một loại, vô hình trung chúng ta tự làm mất tính cân bằng của các yếu tố dinh dưỡng. Ví dụ như mì ăn liền – món ăn vẫn được nhiều người coi là tiêu cực, thiếu chất, không cân bằng khi cung cấp một lượng chủ yếu là tinh bột trong khi các yếu tố khác lại không có.

Tuy nhiên, công bằng mà nói thì mì ăn liền dù là một thực phẩm ăn nhanh, nhưng được xem như bữa ăn cơ bản, có thể dùng thay bữa chính. Nếu có thể cân bằng các chất dinh dưỡng, bổ sung một số chất trong mì ăn liền như ăn kèm với trứng, thịt, rau xanh…thì hoàn toàn có thể nói mì ăn liền không tiêu cực và 1 bữa ăn với mì ăn liền như vậy vẫn đảm bảo 15-20% nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày cho cơ thể.

Do vậy, ăn gì và mất cân bằng dinh dưỡng ra sao là do chính bản thân chúng ta, chứ không phải là do thực phẩm gây ra. Phối hợp nhiều loại thực phẩm khác nhau chính là cách đem đến bữa ăn dinh dưỡng hoàn hảo.

 

Tổng kết

Quan điểm dinh dưỡng hiện đại đơn giản là không có một loại thực phẩm nào hoàn hảo. Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng với tỷ lệ cân bằng, hợp lý bằng cách đa dạng và lựa chọn thực phẩm đúng cách là cốt lõi dinh dưỡng khoa học và thông minh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top