✴️ QT kéo dài

Nội dung

QT kéo dài xảy ra khi mà cơ tim cần nhiều thời gian để co và giãn hơn bình thường. QT kéo dài cũng có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện nhịp tim bất thường cũng như nguy cơ ngưng tim.

Tim của chúng ta hoạt động như một khối cơ lần lượt co bóp và thư giãn để bơm máu đi khắp cơ thể. Các tín hiệu điện trong tim điều khiển các hoạt động này, từ đó điều hòa được tần số và nhịp điệu của tim.

Trong chủ đề này sẽ cùng đề cập tới các nguyên nhân, yếu tố nguy cơ cũng như triệu chứng của QT kéo dài. Chúng tôi còn cung cấp các thông tin về chẩn đoán cũng như cách để kiểm soát và điều trị vấn đề này.

 

Khoảng QT là gì?

Điện tim đồ là một phương pháp để xác định hoạt động điện của tim và mô tả thông tin dưới dạng một biểu đồ.

Các đỉnh nhọn và điểm nhô lên được xác định là những lần tim co lại và giãn ra. Các chuyên gia về tim mạch sẽ xác định những đỉnh sóng này lần lượt từ sóng P đến sóng U.

Về mặt định nghĩa, QT được đo bằng độ dài giữa điểm bắt đầu sóng Q với điểm kết thúc sóng T. Khoảng này đại diện cho khoảng thời gian tâm thất co và nghỉ.

Nồng độ các điện giải trong máu điều khiển các quá trình co cũng như giãn. Các điện giải này bao gồm:

  • Natri;
  • Canxi;
  • Kali.

 

Khoảng QT bình thường là như thế nào?

Độ dài của khoảng QT thay đổi theo độ tuổi và giới.

Đối với nam và nữ dưới 15 tuổi thì:

  • QT bình thường: 0,35 – 0,44 giây.
  • QT cận dài: 0,44 – 0,46 giây.
  • QT dài: lớn hơn 0,46 giây.

Đối với nam trưởng thành:

  • QT bình thường: 0,35 – 0,43 giây.
  • QT cận dài: 0,43 – 0,45 giây.
  • QT dài: lớn hơn 0,45 giây.

Đối với nữ trưởng thành:

  • QT bình thường: 0,35 – 0,45 giây.
  • QT cận dài: 0,45 – 0,47 giây.
  • QT dài: lớn hơn 0,47 giây.

 

Các bệnh lý gây ra QT kéo dài

QT kéo dài có thể là do:

  • Các yếu tố di truyền;
  • Mất cân bằng nội tiết;
  • Nồng độ bất thường các điện giải trong máu.

Một số thuốc điều trị cũng có thể gây ra QT kéo dài như các nhóm sau đây:

  • Kháng sinh;
  • Kháng nấm;
  • Lợi tiểu;
  • Chống trầm cảm;
  • Chống loạn thần;
  • Chống loạn nhịp.

Một người có nguy cơ hình thành QT kéo dài do thuốc nếu như họ đã có các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn của tình trạng này.

 

Các yếu tố nguy cơ

QT kéo dài làm tăng nguy cơ hình thành rối loạn nhịp tim, bao gồm cả tình trạng xoắn đỉnh có thể gây đột tử nếu như không can thiệp kịp thời.

Nguy cơ QT dài gây ra xoắn đỉnh tăng lên nếu như bạn có các yếu tố nguy cơ sau:

  • Có người trong gia đình có ngừng tim do xoắn đỉnh;
  • Giới nữ;
  • Lớn tuổi;
  • Đang điều trị các thuốc nêu trên.

Các rối loạn sau đây cũng làm tăng nguy cơ QT kéo dài gây xoắn đỉnh:

  • Mất nước;
  • Rối loạn điện giải;
  • Tăng cholesterol máu;
  • Đái tháo đường;
  • Bệnh lý tuyến giáp;
  • Phì đại thất trái;
  • Bệnh lý tim mạch.

Thêm vào đó một số yếu tố kích thích bên ngoài như tập thể thao, tiếng ồn và sự căng thẳng cũng có thể khởi phát rối loạn nhịp trong những trường hợp có hội chứng QT kéo dài bẩm sinh.

Các yếu tố nguy cơ

 

Triệu chứng

Những trường hợp QT dài thường không xuất hiện bất kì triệu chứng nào. Bác sĩ thường phát hiện thông qua khám sức khỏe định kì. Những triệu chứng có thể xuất hiện bao gồm:

  • Đánh trống ngực;
  • Chóng mặt;
  • Co giật;
  • Đột ngột ngất xỉu.

 

Chẩn đoán

Sử dụng điện tâm đồ là cách phổ biến nhất để chẩn đoán QT kéo dài. Bác sĩ thường sẽ đo điện tâm đồ lúc bạn nghỉ ngơi, trong một số trường hợp cần thiết có thể sẽ đo lúc bạn đang vận động.

Trong một vài chỉ định, có thể bạn sẽ phải đeo thiết bị đo điện tâm đồ liên tục hay còn được gọi là Holter ECG. Bạn sẽ phải đeo một thiết bị quanh vùng cổ hoặc thắt lưng. Các thiết bị sẽ theo dõi và ghi lại hoạt động của tim trong 24 giờ.

Các nhà sản xuất vẫn đang tiếp tục phát triển các công nghệ mới, bao gồm cả miếng dán để có thể theo dõi hoạt động của tim liên tục trong vòng 14 ngày.

Nếu như các bác sĩ nghi ngờ rằng bạn có QT dài bẩm sinh, đôi khi có thể sử dụng các khảo sát về di truyền.

 

Các lựa chọn điều trị

Có vài lựa chọn điều trị đối với QT dài bao gồm thuốc, thay đổi lối sống và phẫu thuật.

Chúng tôi sẽ nói rõ hơn về các lựa chọn này dưới đây.

Điều trị bằng thuốc

Một số thuốc có thể giúp điều trị QT dài chẳng hạn như thuốc chẹn beta giúp làm chậm nhịp tim hoặc thuốc chống loạn nhịp giúp làm ngắn lại khoảng QT.

Bổ sung viên chứa kali cũng có thể giúp điều trị.

Thuốc lợi tiểu là 1 trong những nhóm thuốc có thể gây ra QT kéo dài. Nếu như cần sử dụng thuốc lợi tiểu, các bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn sử dụng thuốc lợi tiểu giữ kali. Một số nghiên cứu cho thấy nhóm thuốc này có hiệu quả làm ngắn đoạn QT.

Thay đổi lối sống

Vận động vừa phải có lợi cho hệ thống tim mạch. Tuy nhiên các bác sĩ không khuyến cáo vận động mạnh hoặc kéo dài đối với những ai có QT dài.

Sử dụng chế độ ăn lành mạnh có ích cho tim mạch, chế độ ăn này còn giúp tránh mất cân bằng điện giải.

Sử dụng thức ăn chứa nhiều kali có thể giúp điều trị QT dài có nguyên nhân từ nồng độ kali thấp.

Thêm vào đó thì uống nhiều nước mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mất nước.

Phẫu thuật

Một số bệnh nhân có thể cần phải phẫu thuật để điều trị QT dài. Một vài phương pháp phẫu thuật được áp dụng như:

Phẫu thuật cắt đốt giao cảm của tim trái

Loại phẫu thuật này có thể giúp giảm các trường hợp đột tử do rối loạn nhịp. Nó còn là một lựa chọn hiệu quả đối với những ai gặp các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc chẹn beta.

Phẫu thuật cấy máy khử rung

Phẫu thuật này đặt một thiết bị chạy bằng pin được gọi là máy khử rung tim vào bên dưới da. ICD có thể phát hiện các nhịp tim bất thường và phóng ra các cú sốc điện điều chỉnh lại các rối loạn nhịp.

Phẫu thuật này là lựa chọn thay để điều trị các trường hợp QT dài nếu khi gặp phải các tác dụng phụ bất lợi của thuốc chẹn beta.

 

Tổng kết

QT dài là một khái niệm y khoa thể hiện cho sự kéo dài khoảng thời gian tim co và nghỉ. Đây là tình trạng có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện nhịp tim bất thường cũng như là ngưng tim đột ngột.

QT dài có thể xuất hiện từ nhỏ hoặc bất kì thời điểm nào trong cuộc đời. Những ai gặp phải QT dài thường không xuất hiện bất kì triệu chứng nào. Trong hầu hết các trường hợp thì các bác sĩ phát hiện bệnh lý tình cờ thông qua khám sức khỏe định kì. Một điện tâm đồ có thể đủ để kết luận bệnh.

Điều trị QT dài bao gồm nội khoa, thay đổi lối sống và phẫu thuật. Bạn nên thảo luận với bác sĩ về những lựa chọn điều trị này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top