Định nghĩa
Viện quốc gia về Nghiện rượu và Lạm dụng đồ uống có cồn (NIAAA) mô tả rối loạn sử dụng rượu là “tình trạng uống rượu trở nên trầm trọng.”
Một người mắc phải rối loạn này không biết khi nào hoặc làm thế nào để ngừng uống rượu. Họ dành nhiều thời gian để nghĩ về rượu và họ không thể kiểm soát lượng rượu uống vào, ngay cả khi biết nó gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong gia đình, nơi làm việc và kể cả vấn đề tài chính.
Không phải ai uống rượu đều tác hại đến tâm thần hoặc thể chất. Tuy nhiên, một người uống rượu thường xuyên hay tiêu thụ lượng rượu nhiều hơn mức độ khuyến cáo, có thể sẽ dẫn đến rối loạn sử dụng rượu.
Triệu chứng
Một người uống quá nhiều rượu thường sẽ không phải là người đầu tiên nhận ra điều đó. Những biểu hiện và triệu chứng của AUD bao gồm:
- Uống một mình hoặc không cho ai biết
- Không thể tự giới hạn lượng rượu uống
- Mất nhận thức tạm thời
- Luôn có xu hướng uống bia rượu ở thời điểm nhất định, ví dụ như uống trước/trong/sau bữa ăn hay sau khi làm việc; và dễ kích động nếu có ai đó phàn nàn về thói quen này.
- Cảm thấy khó chịu khi gần đến thời điểm uống rượu, nhất là nếu như rượu không có sẵn.
- Mất hứng thú với các thú vui trước đây.
- Luôn muốn uống rượu
- Có xu hướng cất trữ rượu ở những nơi không ngờ đến
- Uống rượu để cảm thấy tốt hơn
- Có vấn đề với các mối quan hệ, quy tắc hay luật pháp, tài chính và công việc do uống rượu.
- Cần nhiều rượu hơn để đạt được tác dụng của rượu. Dân gian thường dùng từ “uống lên đô”, bạn cần một lượng rượu nhiều hơn, mạnh hơn mới có thể say, thay vì trước đó bạn chỉ cần sử dụng một lượng nhỏ đã say rồi.
- Có biểu hiện buồn nôn, nôn ói, ra mồ hôi hay run khi không uống rượu
Rượu trở thành một vấn đề khi uống rượu được ưu tiên hơn tất cả các hoạt động khác. Sự lệ thuộc rượu có thể sau uống rượu nhiều vài năm, tác động đến nhiều mặt của con người như về thể chất, tâm lý và xã hội.
Nguyên nhân
Sự lệ thuộc vào rượu có thể mất từ vài năm đến vài chục năm. Đối với một số người đặc biệt dễ bị tổn thương, nó có thể chỉ xảy ra trong vòng vài tháng. Theo thời gian, uống rượu thường xuyên có thể phá vỡ sự cân bằng của:
- Axit gamma-aminobutyric (GABA) trong não
- Glutamate
- GABA kiểm soát sự bốc đồng và glutamate kích thích hệ thần kinh.
Nồng độ Dopamine trong não tăng sau khi uống rượu. Mức độ Dopamine có thể làm cho người uống rượu cảm thấy dễ chịu hơn.
Sau một thời gian uống rượu quá nhiều, nồng độ hóa chất này trong máu thay đổi đáng kể. Điều này khiến cơ thể thèm uống rượu nhiều hơn để đạt được cảm giác dễ chịu như trước đây.
Những yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố nguy cơ liên quan đến việc uống rượu quá mức.
- Gen: Một số yếu tố di truyền cụ thể có thể khiến một số người dễ nghiện rượu và cũng như chất gây nghiện khác.
- Thời điểm đầu tiên sử dụng thức uống có cồn: Một nghiên cứu đã gợi ý rằng những người bắt đầu uống rượu trước 15 tuổi có thể có nhiều khả năng gặp vấn đề với rượu sau này trong cuộc sống.
- Dễ dàng tiếp cận rượu: Có mối tương quan giữa việc tiếp cận với rượu dễ dàng (chẳng hạn như giá mua rẻ) với lạm dụng rượu và tử vong liên quan đến rượu. Một nghiên cứu đã ghi nhận giảm đáng kể các ca tử vong liên quan đến rượu sau khi một bang ở Mỹ tăng thuế rượu. Hiệu quả tăng thuế rượu bia gần gấp hai đến bốn lần so với các chiến lược phòng ngừa khác như các chương trình giáo dục ở trường hoặc các chiến dịch truyền thông.
- Căng thẳng: Một số hormone khi căng thẳng có liên quan đến lạm dụng rượu. Nếu mức độ căng thẳng và lo lắng cao, một người có thể uống rượu như một cách để xóa tan lo lắng.
- Bạn bè uống nhiều rượu: Những người có bạn bè uống rượu thường xuyên hoặc quá mức cũng có khả năng uống nhiều tương tự.
- Lòng tự trọng thấp: Những người có lòng tự trọng thấp có nhiều khả năng tiêu thụ rượu quá nhiều.
- Trầm cảm: Những người bị trầm cảm có thể cố tình hoặc vô tình sử dụng rượu như một biện pháp tự điều trị. Trong khi đó, thay vì giảm nó, uống quá nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm hơn.
- Truyền thông và quảng cáo: Ở một số quốc gia, uống rượu được miêu tả là một hoạt động hấp dẫn và sành điệu, chúng truyền tải thông điệp kiểu như uống rượu nhiều là chấp nhận được. Do đó, có thể làm nguy cơ rối loạn sử dụng rượu.
- Cách cơ thể chuyển hóa rượu: Những người có “đô” rượu cao có nguy cơ cao hơn hình thành các vấn đề sức khỏe liên quan đến rượu.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán rối loạn sử dụng rượu, người ta có thể dùng hệ thống tiêu chuẩn DSM -5 của Hiệp hội Bệnh lý tâm thần của Mỹ. Người bệnh phải thỏa ít nhất 2 trong 11 tiêu chí sau, và các biểu hiện này xuất hiện trong vòng 12 tháng qua.
- Uống rượu lượng lớn hơn hoặc trong một thời gian dài hơn dự định.
- Có mong muốn dai dẳng hoặc nỗ lực không thành công để giảm uống rượu hoặc kiểm soát việc sử dụng rượu.
- Tốn thời gian để có được rượu, uống rượu hoặc phục hồi từ các tác động của nó.
- Ham muốn mạnh mẽ thôi thúc sử dụng rượu.
- Sử dụng rượu thường xuyên dẫn đến việc không thể hoàn thành công việc, học tập hoặc việc nhà.
- Tiếp tục uống rượu bất chấp có vấn đề xã hội do rượu gây nên.
- Dành nhiều thời gian để uống rượu thay vì các hoạt động xã hội, nghề nghiệp hoặc giải trí quan trọng khác.
- Sử dụng rượu thường xuyên trong các tình huống nguy hiểm như lái xe...
- Vẫn tiếp tục sử dụng rượu mặc dù có kiến thức về vấn đề thể chất hoặc tâm lý do rượu.
- Tăng khả năng dung nạp rượu: phải uống một lượng lớn rượu mới có cảm thấy say. Tuy nhiên, khi gan bị tổn thương và không thể chuyển hóa rượu tốt như trước, sự dung nạp này có thể giảm xuống. Tổn thương hệ thần kinh trung ương cũng có thể làm giảm mức độ dung nạp rượu.
- Xuất hiện triệu chứng cai khi không sử dụng rượu: bồn chồn, buồn nôn, đổ mồ hôi, tim đập nhanh, run rẩy, ảo giác hoặc co giật. Phải sử dụng rượu hoặc một số lạo thuốc như benzodiazepine để giảm thiều hoặc ngưng các triệu chứng trên.
Một số dấu hiệu và triệu chứng rối loạn sử dụng rượu có thể là do một tình trạng bệnh lý khác. Ví dụ, lão hóa có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ và té ngã.
Người có rối loạn sử dụng rượu có thể đi đến bác sĩ về một tình trạng y tế khác, như một vấn đề tiêu hóa chẳng hạn và họ thường che đậy việc uống nhiều rượu của bản thân. Nhân viên y tế cần chú ý khai thác, nếu nghi ngờ có thể sử dụng bộ câu hỏi để sàng lọc.
Các xét nghiệm cần thực hiện
Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu chỉ có thể tiết lộ một người mới uống rượu gần đây. Xét nghiệm này không thể biết liệu một người đã uống nhiều rượu trong một thời gian dài hay không.
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu cho thấy các tế bào hồng cầu tăng kích thước, đó có thể gợi ý dấu hiệu của việc lạm dụng rượu lâu dài.
Xét nghiệm Transferrin thiếu carbohydrate (CDT) là xét nghiệm trong máu giúp phát hiện tình trạng uống rượu lâu dài. Các xét nghiệm khác cũng có thể gợi ý như tổn thương gan hay giảm nồng độ testosterone ở nam giới.
Tuy nhiên, sàng lọc bằng một bảng câu hỏi thích hợp được xem là một phương tiện hiệu quả để có được chẩn đoán chính xác.
Nhiều người biết bản thân rối loạn sử dụng rượu nhưng phủ nhận rằng rượu là tác nhân gây ra vấn đề cho họ. Họ có thể có xu hướng giảm thiểu mức độ uống rượu của bản thân. Nói chuyện với các thành viên gia đình có thể giúp bác sĩ hiểu tình hình.
Biến chứng
Lúc đầu, rượu làm người ta tăng hưng phấn. Tuy nhiên, nếu uống rượu quá nhiều trong thời gian dài sẽ làm ức chế thần kinh, ảnh hưởng xấu tới suy nghĩ, cảm xúc và hành vi thường ngày.
Uống rượu thường xuyên cũng tác động xấu tới khả năng phối hợp vận động có và nói năng phù hợp. Thậm chỉ, uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến hôn mê.
Các biến chứng có thể do rượu gây ra gồm:
- Mệt mỏi hầu hết thời gian.
- Suy giảm trí nhớ ngắn hạn.
- Cơ mắt có thể trở nên yếu hơn đáng kể.
- Bệnh gan: Có nguy cơ viêm gan do rượu và xơ gan - một tình trạng không hồi phục và tiến triển.
- Biến chứng đường tiêu hóa: Viêm dạ dày hoặc tổn thương tuyến tụy có thể xảy ra, làm suy yếu khả năng tiêu hóa thức ăn hấp thụ một số chất của cơ thể cũng như sản sinh ra các hormone điều chỉnh quá trình trao đổi chất.
- Tăng huyết áp
- Các vấn đề tim mạch: tăng nguy cơ bệnh lý cơ tim ví dụ bệnh cơ tim phì đại, suy tim, đột quỵ…
- Bệnh đái tháo đường: Có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 và những người này có nguy cơ bị biến chứng cao hơn nếu họ thường xuyên uống nhiều rượu hơn mức cho phép. Nếu một người mắc bệnh đái tháo đường có sử dụng insulin để giảm lượng đường trong máu, uống rượu làm ngăn chặn sự giải phóng glucose từ gan, dẫn đến hạ đường huyết có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
- Rối loạn kinh nguyệt: tắt kinh hoặc kinh nguyệt không đều.
- Rối loạn chức năng cương dương: Có thể có vấn đề về việc duy trì hoặc duy trì sự cương cứng.
- Hội chứng rượu bào thai: Uống rượu khi mang thai làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Trẻ sơ sinh có thể có đầu nhỏ, các vấn đề về tim…và các vấn đề về phát triển và nhận thức.
- Loãng xương: Rượu cản trở việc sản xuất xương mới, dẫn đến loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương.
- Các vấn đề về hệ thần kinh: Có thể có cảm giác tê ở tay chân, suy giảm trí nhớ và nhận thức.
- Ung thư: Có nguy cơ cao hơn mắc một số bệnh ung thư bao gồm ung thư miệng, thực quản, gan, đại tràng, trực tràng, vú, tuyến tiền liệt và hầu họng.
- Tai nạn: nguy cơ chấn thương do té ngã, tai nạn giao thông, v.v.
- Bạo lựu gia đình: Rượu là một yếu tố chính trong việc đánh đập vợ, lạm dụng trẻ em và xung đột với người khác.
- Các vấn đề trong công việc hoặc học tập
- Tự tử: Tỷ lệ tự tử ở những người nghiện rượu cao hơn so với những người không uống rượu.
- Bệnh tâm thần: Lạm dụng rượu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần và làm tồi tệ hơn tình trạng tâm thần hiện tại.
- Các vấn đề với luật pháp: Những người nghiện rượu tăng các vấn đề về luật pháp hoặc ở tù nhiều hơn người khác
Điều trị
Bước đầu tiên để phục hồi là bệnh nhận cần hiều và thừa nhận rằng bản thân có vấn đề trong việc sử dụng rượu. Bước tiếp theo là sẵn sàng để được giúp đỡ từ bác sĩ, các nhóm hỗ trợ và dịch vụ chuyên nghiệp khác.
Sau đây là các lựa chọn điều trị đã được công nhận cho chứng nghiện rượu:
- Tự bản thân: Một số người có vấn đề về rượu có khả năng tự quản lý để giảm uống rượu hoặc ngưng uống mà không cần sự giúp đỡ từ chuyên gia. Họ có thể tham khảo các hướng dẫn từ website hoặc sách.
- Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): thường được sử dụng để điều trị nghiện rượu. Một chuyên gia có thể giúp người bệnh chia sẻ vấn đề của họ và sau đó đưa ra kế hoạch để giải quyết vấn đề này.
- Điều trị các vấn đề tiềm ẩn đi cùng: người bệnh có thể có vấn đề về tâm lý như: sự tự trọng, căng thẳng hoặc các khía cạnh khác của sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm. Cũng phải điều trị những vấn đề này, vì chúng có thể làm tăng rủi ro do rượu gây ra. Các vấn đề phổ biến liên quan đến rượu, như tăng huyết áp, bệnh gan và có thể là bệnh tim cũng sẽ cần được điều trị.
- Các chương trình cộng đồng: cung cấp trợ giúp chuyên nghiệp, trị liệu cá nhân hoặc theo nhóm, tham gia cùng gia đình…
- Sử dụng thuốc gây ra phản ứng nghiêm trọng khi uống rượu: Antabuse (disulfiram) gây ra phản ứng nghiêm trọng khi ai đó uống rượu, bao gồm buồn nôn, đỏ bừng, nôn mửa và đau đầu. Đó là một biện pháp ngăn chặn, nhưng không phải điều trị bắt buộc dành cho người muốn cai hoặc không thể là giải pháp lâu dài.
- Thuốc trị cơn thèm rượu: Naltrexone (ReVia) giúp giảm ham muốn uống rượu. Acamprosate (Campral) cũng có thể giúp giảm cơn thèm thuốc.
- Điều trị triệu chứng cai: Thuốc có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng cai, điều trị thường kéo dài 4 đến 7 ngày. Chlordiazepoxide, một loại thuốc nhóm benzodiazepine, thường được sử dụng để cai nghiện.
- Duy trì các biện pháp: Một số người đã cai nghiện thành công, nhưng họ bắt đầu uống lại ngay sau đó hoặc sau một thời gian. Duy trì nhận sự tư vấn, trợ giúp y tế, các nhóm hỗ trợ và hỗ trợ gia đình đều có thể giúp cá nhân tránh uống rượu trở lại.
- Alcoholics Anonymous: đây là một tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận để hỗ trợ các thành viên cai rượu.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp