Mất ngủ là một hiện tượng thường gặp ở phụ nữ trong giai đoạn hậu sản. Các nghiên cứu ghi nhận rằng có đến 75% phụ nữ mang thai trải qua các rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là ở tam cá nguyệt thứ ba. Tình trạng này có thể tiếp tục kéo dài trong thời kỳ sau sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tâm lý của người mẹ, cũng như sự phát triển của trẻ sơ sinh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới và Hiệp hội Giấc ngủ Hoa Kỳ, mất ngủ (insomnia) được định nghĩa là khó khăn trong việc khởi phát, duy trì giấc ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ kém, mặc dù có điều kiện ngủ đầy đủ. Mất ngủ được chia thành hai loại:
Mất ngủ cấp tính: kéo dài dưới 3 tháng.
Mất ngủ mạn tính: xảy ra ít nhất 3 lần mỗi tuần và kéo dài trên 3 tháng.
Ở phụ nữ sau sinh, mất ngủ có thể xảy ra dưới cả hai dạng và thường có cơ chế bệnh sinh phức tạp.
3.1. Yếu tố sinh lý – nội tiết
Giảm progesterone: Hormone này có vai trò an thần nhẹ, giúp dễ ngủ; sự sụt giảm đột ngột sau sinh có thể gây khó ngủ.
Thay đổi melatonin: Nồng độ melatonin – hormone điều hòa nhịp sinh học – có thể bị ảnh hưởng do thay đổi lịch trình sinh hoạt.
Thay đổi nhịp sinh học: Việc thức đêm chăm con khiến đồng hồ sinh học bị xáo trộn.
3.2. Yếu tố tâm lý – xã hội
Trầm cảm sau sinh: Chiếm khoảng 10–15% các trường hợp sau sinh, với mất ngủ là triệu chứng thường gặp. Thiếu ngủ cũng có thể làm tăng nguy cơ hoặc làm nặng thêm triệu chứng trầm cảm.
Lo âu, trách nhiệm chăm sóc con nhỏ: Gây căng thẳng, mất tập trung, lo lắng thái quá về giấc ngủ của trẻ.
3.3. Yếu tố môi trường và hành vi
Lịch trình sinh hoạt gián đoạn: Trẻ sơ sinh thường thức đêm, bú nhiều lần khiến mẹ không có được giấc ngủ sâu.
Thiếu hỗ trợ từ gia đình: Khi người mẹ phải đảm đương quá nhiều công việc chăm sóc trẻ mà không có sự san sẻ.
4.1. Trên người mẹ
Tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh, rối loạn lo âu
Giảm khả năng chăm sóc bản thân và con
Tăng nguy cơ tai nạn do giảm khả năng tập trung và phản xạ
Tăng cảm giác đau: Một số nghiên cứu cho thấy mất ngủ làm tăng ngưỡng đau sau sinh
4.2. Trên trẻ sơ sinh
Ảnh hưởng tâm lý – xã hội do thiếu tương tác tích cực với mẹ
Tăng nguy cơ các vấn đề hành vi và phát triển cảm xúc
5.1. Can thiệp không dùng thuốc
5.1.1. Liệu pháp nhận thức hành vi điều trị mất ngủ (CBT-I)
Giáo dục về giấc ngủ: Giúp mẹ hiểu cơ chế giấc ngủ, tự theo dõi bằng nhật ký giấc ngủ.
Vệ sinh giấc ngủ: Duy trì giờ ngủ – thức nhất quán, hạn chế caffeine và rượu, tạo môi trường ngủ yên tĩnh, thoáng mát.
Kiểm soát kích thích: Tránh sử dụng giường để làm việc hoặc xem thiết bị điện tử, chỉ lên giường khi buồn ngủ.
Giới hạn thời gian nằm trên giường: Dựa vào nhật ký giấc ngủ, giới hạn thời gian nằm giường nếu không ngủ được.
Thư giãn trước khi ngủ: Thiền, kiểm soát hơi thở, yoga nhẹ giúp cải thiện khả năng đi vào giấc ngủ.
5.1.2. Điều chỉnh lối sống và hỗ trợ xã hội
Ngủ khi trẻ ngủ: Tận dụng các giấc ngủ ngắn của trẻ để nghỉ ngơi.
Chia sẻ chăm sóc trẻ: Hỗ trợ từ bạn đời, người thân giúp mẹ có thêm thời gian nghỉ.
Tăng cường ánh sáng tự nhiên ban ngày: Giúp điều chỉnh nhịp sinh học.
Không sử dụng rượu: Vì vừa ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ vừa không an toàn trong thời kỳ cho con bú.
5.2. Can thiệp bằng thuốc
Cần thận trọng và chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
Một số trường hợp trầm cảm sau sinh hoặc mất ngủ mạn tính có thể cần thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc ngủ liều thấp.
Lưu ý nguy cơ bài tiết thuốc qua sữa mẹ và ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh.
Người mẹ nên đến khám chuyên khoa nếu có một trong các biểu hiện sau:
Ngủ không chủ ý, đặc biệt khi đang bế hoặc cho trẻ bú
Giảm thời gian phản xạ trong sinh hoạt hàng ngày, nguy cơ gây tai nạn
Ngáy to hoặc ngưng thở khi ngủ: Có thể là dấu hiệu của hội chứng ngưng thở khi ngủ
Các biểu hiện trầm cảm rõ rệt: Khóc không kiểm soát, tuyệt vọng, không muốn chăm con
Mất ngủ kéo dài >3 tháng hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống
Mất ngủ sau sinh là một tình trạng phổ biến nhưng không nên xem nhẹ. Việc nhận diện sớm và áp dụng các biện pháp can thiệp phù hợp có thể giúp cải thiện sức khỏe thể chất, tâm lý cho người mẹ và tăng cường sự gắn kết mẹ – con. Sự hỗ trợ từ hệ thống y tế, gia đình và cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa giấc ngủ và sức khỏe tinh thần cho phụ nữ trong giai đoạn hậu sản.