Theo nghiên cứu, chế độ có ăn sữa chua có thể giảm 28% nguy cơ bị tiểu đường so với chế độ ăn không có sữa chua. Ngoài ra, ăn một số sản phẩm bơ sữa lên men như pho mát ít béo có thể giảm 28% nguy cơ này.
“Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh rằng một chế độ ăn lành mạnh nên có sữa chua trong đó,” tiến sĩ Nita Forouhi, trưởng nhóm nghiên cứu kiêm giám đốc Chương trình Dịch tễ học dinh dưỡng ở Hội đồng Nghiên cứu Y khoa, Đại học Cambridge (Anh) cho biết.
Mặc dù nghiên cứu này không trực tiếp cho thấy thành phần dinh dưỡng nào trong sữa chua hoặc sản phẩm bơ sữa ít béo lên men tạo nên tác dụng có lợi nói trên, nhưng đã có các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra các thành phần này.
“Những chất này là canxi, magie, vitamin D (trong các sản phẩm bơ sữa bổ sung) và các axit béo có ích, thường có trong các sản phẩm bơ sữa bình thường,” tiến sĩ Forouhi cho biết. “Các sản phẩm bơ sữa lên men, như sữa chua thường chứa một số loại vitamin K và vi khuẩn có lợi như probiotic.”
Samantha Heller, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng ở Trung tâm Y khoa Langone, Đại học New York (Mỹ) cho biết nghiên cứu trên tương đồng với một số nghiên cứu khác cho thấy sản phẩm bơ sữa ít béo có thể giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường type 2. Các nghiên cứu này cho thấy vi khuẩn đường ruột đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của tiểu đường type 2, chứng viêm và các bệnh khác.
“Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu các tác dụng của sản phẩm đậu nành lên men trong việc ngăn ngừa hoặc trì hoãn tiểu đường type 2,” tiến sĩ Heller nói. “Thực phẩm lên men chứa vi khuẩn probiotic có lợi cho dạ dày và ruột. Thực phẩm lên men bao gồm sữa chua, phô mai tươi, miso và kimchi.
Trong nghiên cứu của mình, tiến sĩ Forouhi và đồng nghiệp đã thu thập dữ liệu về 4.225 đàn ông và phụ nữ ở Anh. Trong đó , 753 người bị tiểu đường type 2 trong thời gian theo dõi là 11 năm và 3.502 người được chọn lựa ngẫu nhiên để so sánh.
Dựa vào chế độ ăn của họ, các nhà khoa học phát hiện thấy những người ăn các sản phẩm bơ sữa ít béo lên men như sữa chua, pho mát mềm, và pho mát tươi ít béo giảm được 24% nguy cơ bị tiểu đường so với người không ăn các thực phẩm này. Nếu chỉ tính riêng sữa chua, nguy cơ này giảm 28%.
Những người giảm được nguy cơ bị tiểu đường ăn khoảng 4,5 hộp sữa chua mỗi tuần, mỗi hộp nặng 125 g. Lượng tiêu thụ các sản phẩm bơ sữa ít béo như pho mát mềm và pho mát tươi cũng tương tự như ở sữa chua. Ngoài ra, ăn sữa chua thay vì đồ ăn vặt như khoai tây rán cũng làm giảm nguy cơ bị tiểu đường type 2.
Bổ sung thực phẩm lên men như sữa chua vào chế độ ăn lành mạnh là một ý kiến hay nhưng chưa phải là tất cả. “Một yếu tố nguy cơ chính của tiểu đường type2 là thừa cân hoặc béo phì,” tiến sĩ Heller cho biết. “Tập thể dục thường xuyên, chuyển sang chế độ ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật và duy trì cân nặng khỏe mạnh sẽ giúp ngăn ngừa hiệu quả tiểu đường type 2.”
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh