Cách chăm sóc vết thương
Sau khi phẫu thuật gãy xương đòn, người bệnh thường được đeo đai để ổn định vị trí khớp. Việc chăm sóc vết thương cho người bệnh lúc này rất quan trọng để giảm đau và ngừa nhiễm trùng vết thương. Người nhà nên chú ý vệ sinh thật sạch sẽ cơ thể cho người bệnh, lau rửa xung quanh vị trí băng bó nhưng tuyệt đối không được tháo dây đai hoặc động vào vị trí băng bó. Người nhà có thể dùng đá chườm xung quanh vết mổ nếu vết thương có biểu hiện đau, sưng và để ngừa nhiễm trùng.
Ngoài ra, người bệnh cần chú ý nên giữ nẹp xương đòn hoặc dây đai liên tục trong vòng 3 -4 tuần đầu tiên để xương bị gãy có thể liền trở lại. Việc tháo nẹp cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa sau khi thăm khám.
Chế độ sinh hoạt
Để khớp xương đòn ổn định vị trí sau phẫu thuật, người bệnh cần kiêng vận động mạnh và làm việc tuyệt đối trong tuần đầu. Không nâng tay bị gãy xương đòn quá 70 độ theo các hướng. Không nâng các vật nặng bằng tay bị gãy trong 6 tuần đầu.Trong khi mang đai cần chú ý giữ cho xương và cơ thẳng nhằm tạo sự cân bằng tránh di lệch thứ phát, chú ý tư thế vai, không nhún vai, không thả lỏng vai hay xoay tròn vai khi mang nẹp.
Chế độ ăn uống
Ở tuần đầu tiên, người bệnh sau phẫu thuật gãy xương đòn chỉ nên ăn các thức ăn mềm, giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa như cháo, súp, ngũ cốc và cơm canh mềm; nên chế biến thức ăn nhạt hơn bình thường. Để thúc đẩy sự phục hồi của khớp, người bệnh nên uống nhiều nước, cung cấp nhiều chất có nhiều vitamin và nhất là giàu protid và calci.
Các loại hoa quả tươi rất giàu vitamine, trứng, hải sản, các loại hạt đậu rất giàu protid, calci và các chất khoáng rất tốt cho sự phục hồi sức khỏe của người bệnh.
Tái khám định kỳ
Sau phẫu thuật gãy xương đòn, người bệnh dù đã điều trị khỏi nhưng vẫn cần tái khám định kỳ theo lịch hẹn từ bác sĩ để được thăm khám và kiểm tra tình trạng phục hồi của khớp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh