✴️ Sẹo vảy nến: Xử lý làm sao?

Nội dung

Vảy nến là tình trạng gì?

Vảy nến là một bệnh viêm da mạn tính. Có khoảng 2-3 % dân số thế giới mắc phải bệnh này. Ở trạng thái bình thường, các tế bào da cũ sau khi chết đi sẽ bong ra và được thay thế bởi các tế bào da mới. Đối với bệnh nhân mắc vảy nến, quá trình diễn ra nhanh hơn do hiện tượng tăng sinh tế bào, khiến các tế bào da cũ và mới không kịp thay đổi, tích tụ lại một chỗ tạo thành những mảng dày, có vảy trắng hoặc bạc.

Bệnh vảy nến không dẫn đến sẹo trực tiếp, nhưng do các tổn thương gây ngứa và người bệnh có thói quen gãi đồng thời da có thể trở nên khô nứt. Cả hai nguyên nhân này đều có thể dẫn đến sẹo.

Tuy nhiên, việc điều trị đúng và thực hiện đúng các biện pháp dưới đây có thể làm giảm nguy cơ để lại sẹo.

Sẹo vảy nến hình thành như thế nào?

Bệnh vảy nến trải qua 3 thời kì bùng phát, thuyên giảm, ổn định. Sau khi bùng phát, sự đổi về màu da thường kéo dài trong một thời gian. Sự đổi màu này không phải là một vết sẹo mà là sự thay đổi sắc tố sau viêm.

Nếu việc điều trị hiệu quả, bệnh vảy nến không có khả năng gây ra sẹo. Tuy nhiên, sẹo có thể hình thành khi người bệnh gãi gây tổn thương vùng da vảy nến. Sẹo thường không dẫn đến các biến chứng, nhưng có thể khiến bệnh nhân mặc cảm và không tự tin vào vẻ bề ngoài của mình. Sẹo vảy nến hình thành trên da đầu có thể dẫn đến rụng tóc. Tuy nhiên, tình trạng này hiếm khi xảy ra.

Điều trị sẹo vảy nến như thế nào

Kiểm soát các triệu chứng da trong thời kì bùng phát có thể làm giảm nguy cơ để lại sẹo. Các lựa chọn sau đây có thể giúp ngăn ngừa sẹo hoặc giảm sự xuất hiện của sẹo:

  • Kem thoa;
  • Phẫu thuật;
  • Trị liệu bằng laser.

Bác sĩ sẽ đưa ra khuyến nghị cho bệnh nhân tùy thuộc vào mức độ sẹo và tình trạng chung của bệnh nhân.

          phương pháp điều trị sẹo vảy nến

Điều trị tại chỗ

Mục đích của điều trị tại chỗ nhằm hạn chế nguy cơ để lại sẹo bằng cách giúp kiểm soát các triệu chứng. Ngoài ra, điều trị tại chỗ cũng có thể làm giảm mức độ mô sẹo đã hình thành. Bác sĩ có thể khuyên nên sử dụng một hoặc nhiều biện pháp sau đây:

  • Sử dụng kem chống nắng: Giúp ngăn ngừa các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều. Việc hạn chế hoặc kiểm soát mức độ tiếp xúc với ánh nắng có thể mang lại lợi ích với những người bị bệnh vảy nến. Nên nói chuyện với bác sĩ về mức độ và thời điểm tiếp xúc ánh nắng phù hợp.
  • Kem tretinoin: Tretinoin hay retinoids có thể được sử dụng để làm giảm sẹo. Mục đích chính của các loại thuốc này không phải là để điều trị sẹo, nhưng bác sĩ có thể kê đơn thêm do cơ chế hoạt động của loại thuốc này có tác động đến sự tăng trưởng của các tế bào da.
  • Salicylic acid: Đây là một thành phần phổ biến trong các phương pháp điều trị bệnh vảy nến không kê đơn. Acid Salicylic giúp làm mềm da, loại bỏ các tế bào da chết. Kết hợp axid salicylic với corticosteroid hoặc nhựa than đá có thể làm tăng hiệu quả.
  • Nhựa than đá: Giúp giảm ngứa và đóng vảy, ngăn ngừa sẹo. Nhựa than đá là thành phần trong một số sản phẩm như xà phòng và dầu gội đầu.
  • Corticosteroid tại chỗ: Corticosteroid tại chỗ có thể làm giảm viêm và giúp kiểm soát các triệu chứng da của bệnh vảy nến.

Laser và liệu pháp ánh sáng

Các phương pháp trị liệu bằng ánh sáng khác nhau có thể giúp giảm nguy cơ để lại sẹo bằng cách làm giảm các triệu chứng. Ví dụ, liệu pháp laser Excimer XTRAC - có thể giúp loại bỏ các lớp da bằng cách hướng ánh sáng cực tím tập trung đến các khu vực cụ thể của da.

Ưu điểm của liệu pháp laser là nhắm mục tiêu các tổn thương trực tiếp và không ảnh hưởng đến các khu vực khác của da. Ngoài ra, quang trị liệu là một kiệu pháp khác có thể cân nhắc lựa chọn.

Dermabrasion (Mài da)

Mài da có thể giúp làm mờ sẹo sau khi đợt vảy nến bùng phát. Tuy nhiên, những tổn thương da có thể kích hoạt các triệu chứng bệnh vảy nến. Vì vậy, các bác sĩ thường không khuyên dùng phương pháp điều trị này cho những người bị bệnh vảy nến.

Phẫu thuật ghép

Hiếm khi các mô sẹo đủ nghiêm trọng để cần đến một quy trình ghép chuyên biệt. Tuy nhiên, một phương pháp có thể lựa chọn là phẫu thuật ghép mảnh. Nếu cần thêm thông tin về phương pháp này nên thảo luận về với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Phòng ngừa

Cách tốt nhất để ngăn ngừa sẹo là hạn chế các đợt bùng phát đồng thời kiểm soát các triệu chứng khi đợt bùng phát xảy ra. Một số biện pháp phòng ngừa bao gồm:

  • Biết và kiểm soát các yếu tố kích ứng: Nếu tình trạng căng thẳng, các loại thực phẩm hoặc hút thuốc lá có thể kích hoạt đợt bùng phát mới, hãy cố gắng tránh các yếu tố này. Ngoài ra, việc tập thể dục như vận động nhẹ, yoga, thiền có thể giúp giảm căng thẳng.
  • Điều trị đợt bùng phát bệnh vảy nến: Thực hiện đúng theo kế hoạch điều trị và theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên qua đánh giá của bác sĩ da liễu.
  • Tránh gãi: Các tổn thương da do trầy xước có thể khiến mô sẹo hình thành. Sử dụng kem và thuốc mỡ được bác sĩ khuyến nghị có thể giúp giảm ngứa và các khó chịu khác.
  • Kiểm soát việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời: Thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài ngay cả khi trời không nắng. Ngoài ra, cần lưu ý một số loại thuốc như retinoids có thể làm tăng nguy cơ tổn thương do ánh nắng mặt trời.
  • Giữ ẩm: Kem dưỡng ẩm có thể làm giảm khô và ngứa. Học viện Da liễu Hoa Kỳ khuyến cáo những người bị bệnh vảy nến nên thoa kem dưỡng ẩm trong vòng 5 phút sau khi tắm.

Tổng kết

Việc chăm sóc và điều trị thích hợp có thể làm giảm nguy cơ để lại sẹo do bệnh vảy nến. Các loại thuốc sinh học thế hệ mới có thể giúp giảm tần suất bùng phát và cải thiện mức độ ảnh hưởng của bệnh, đặc biệt là ở những người có triệu chứng từ trung bình đến nặng.

Nếu sẹo xuất hiện có thể làm tăng sự tự ti, trầm cảm của bệnh nhân. Tuy nhiên, một số liệu pháp điều trị vẫn có thể giúp cải thiện tình trạng. Bệnh nhân nên tham khảo bác sĩ để có thể đưa ra lời khuyên về các lựa chọn tốt nhất.

Xem thêm: Các biện pháp giúp giảm ngứa cho người bị vảy nến

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top